15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

13/11/2024 - 09:57 AM
37 lượt xem
Cỡ chữ

          Bộ Công Thương vừa tổ chức chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào sáng 12/11 tại Hà Nội. Tham dự Chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương, các địa phương và 500 đại biểu thuộc các đơn vị trong ngành Công Thương.

 

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

 

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 theo thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Thời điểm đó, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý sính hàng ngoại; các ngành sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu của Cuộc vận động là “phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh tế và đưa hàng hóa nước ta xuất khẩu ra nước ngoài. Cuộc vận động đã mang lại hiệu quả rõ nét nhất. Từ tâm lý sính ngoại, chưa ưu tiên sử dụng hàng hoá Việt Nam trong giai đoạn đầu triển khai, đến nay, khái niệm hàng Việt Nam ngày càng in sâu trong tâm trí người tiêu dùng.

 

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại chương trình.

 

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay. Tỷ lệ nhập siêu giảm, tiến tới xuất siêu liên tục từ năm 2016; hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị và từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống. Tỷ trọng trong GDP của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh và bền vững qua các năm.

Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao, đứng vị trí thứ 44 trên thế giới năm 2018 và đứng thứ 30 vào năm 2021.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sau 15 năm thực hiện, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương; sự chủ động và nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, Cuộc vận động đã đạt nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khai thác có hiệu quả thị trường nội địa, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tại Chương trình, các đại biểu đã đánh giá về những thành tựu đạt được của ngành Công Thương sau 15 năm thực hiện Cuộc vận động; chia sẻ bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất những cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động, đưa thị trường trong nước trở thành “tuyến phòng ngự”, “bệ đỡ” vững chắc và là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

 

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, các doanh nghiệp, địa phương chia sẻ về thực tiễn phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam tại các phiên thảo luận của sự kiện.

 

Trong giai đoạn phát triển mới với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở tất cả các cấp, các ngành nói chung và ngành Công Thương nói riêng được toàn diện hơn nữa, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị ngành Công Thương tập trung triển khai 03 nhóm giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tiếp tục tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động.

Thứ hai, Bộ Công Thương tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong hưởng ứng Cuộc vận động.

Nghiên cứu, đúc rút từ thực tiễn những bài học kinh nghiệm để có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong việc triển khai, thực hiện Cuộc vận động, nâng cao hơn nữa chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam trên cả thị trường trong nước và nước ngoài, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do.

Đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống.

Thứ ba, các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng tốt nhất và giá cả phù hợp nhất. Chú trọng xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá; phát triển kênh phân phối để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

 

Các đơn vị, doanh nghiệp vinh dự nhận Kỷ niệm chương của Chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 

 

Tại Chương trình Gala, những câu chuyện từ thực tiễn của các doanh nghiệp, địa phương cũng được chia sẻ trong 3 phiên thảo luận: Tự hào hàng Việt Nam - Hành trình khát vọng; sứ mệnh của hàng Việt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; hàng Việt - Câu chuyện sức nước ngàn năm, thêm một lần nữa thổi bùng lên niềm tự hào, khát vọng phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam.

Tại buổi Lễ, Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO), Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) cùng nhiều đơn vị trong ngành Công Thương đã vinh dự được nhận Kỷ niệm chương của Chương trình.

Kim Anh

Các bài viết khác

Xem thêm

Hội nghị Khoa học quốc tế về Kiểm nghiệm thực phẩm 2024

Ngày 24-25/10 tại Hà Nội, Hội nghị Khoa học quốc tế về Kiểm nghiệm thực phẩm 2024 được Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức, nhằm mở ra xu thế mới, hiệu quả trong việc quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam và thế giới.

Cải cách Thuế - Hải quan vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Chiều ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2024 với chủ đề "Cải cách Thuế - Hải quan: Vì sự phát triển bền vững của Doanh nghiệp”.

CÔNG ĐIỆN hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Giảm thuế nhiều hơn cho 26 địa phương chịu thiệt hại do bão

Góp ý dự thảo Nghị định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất: 26 địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cần được giảm nhiều hơn hơn so với mức giảm chung của cả nước.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp bia rượu kêu 'quá sốc'

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu tại dự thảo là quá cao, tăng quá sốc, chưa từng có tiền lệ và sẽ tác động rất lớn đến toàn ngành… Đó là quan ngại của doanh nghiệp tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) diễn ra ngày 6/9 tại Cần Thơ.

Thiết kế cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường "từ sớm, từ xa"

Sáng 6/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp, cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/NĐ-CP/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo Nghị định).

Siêu bão số 3 Yagi sắp đi vào Vịnh Bắc Bộ

Hiện tại bão số 3 Yagi vẫn đang mạnh cấp siêu bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão đi vào Vịnh Bắc Bộ và giảm cường độ xuống cấp 12 - 13.

Vẻ đẹp của quê hương Phú Cường trong dịp Quốc khánh và xây dựng nông thôn mới

Phú Cường (Ba Vì - Hà Nội) là một xã nằm cạnh sông Hồng, có 2 thôn Thanh Chiểu và Phú Thịnh, có cây cầu Văn Lang nối hai bờ Ba Vì và Việt Trì (Phú Thọ). Nơi đây có truyền thống ăn Tết Độc lập nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, luôn biết ơn công lao của cha ông và nỗ lực xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Nhiều chương trình hấp dẫn dịp lễ Quốc khánh 2/9

Vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, các địa phương trên cả nước đã có nhiều chương trình, sự kiện chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024) như các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi và phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của Nhân dân và du khách trong những ngày nghỉ Lễ.

Quảng cáo và mua tạp chí