Cảm nghĩ của nhà thơ về đồ uống và văn hóa uống

05/09/2024 - 03:07 PM
262 lượt xem
Cỡ chữ

Mỗi người đều có cảm nhận, sở thích khác nhau về hương vị đồ uống, song đều có một cái chung bất thành văn đó là văn hóa uống. Ai cũng cảm nhận được giá trị của đồ uống trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, trong hiếu hỷ, thờ cúng tổ tiên, tiếp khách... Dưới đây là cảm nhận, góc nhìn của Nhà thơ Hồng Thanh Quang về sản phẩm đồ uống hiện nay và xung quanh câu chuyện về văn hóa uống.

Là một Nhà thơ, Nhà báo đã xuất bản nhiều tập thơ được nhiều bạn đọc mến mộ và tổ chức thành công đêm Thơ Nhạc cho riêng mình, anh Hồng Thanh Quang có góc nhìn khá tinh tế và khách quan về giá trị của đồ uống đối với đời sống tinh thần của người dân cũng như trong sáng tác văn học, nghệ thuật của các văn nghệ sỹ.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang chia sẻ về văn hóa uống

Nhà thơ Hồng Thanh Quang chia sẻ: “Tôi nghĩ ngành Đồ uống luôn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, rượu là một phát minh vĩ đại của nhân loại, bia cũng có từ lâu đời gắn liền với đời sống của người dân không chỉ ở Việt Nam mà còn đối với người dân trên toàn thế giới. Ngành công nghiệp đồ uống Việt Nam ngày nay khá hiện đại không thua kém các nước trên thế giới, với nhiều dòng sản phẩm từ bình dân, trung cấp tới cao cấp, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tôi vẫn nhớ, những năm 1980 có được một cốc bia hơi phải xếp hàng dài với câu nói quen thuộc “bia kèm lạc”, “bia kèm đậu”... Nói đến Hà Nội với hương vị bia Hà Nội tôi lại nhớ kỷ niệm về người bạn gái thời trẻ, có thể nói đồ uống nói chung, bia, rượu nói riêng không chỉ đơn thuần là thức uống theo nghĩa giải khát thông thường mà nó còn chất chứa trong đó những giá trị tinh thần, những kỷ niệm đẹp về vùng đất đó, con người đó, nét văn hóa nơi đó...

Ngoài góc nhìn chung về văn hóa uống, theo tôi văn hóa uống còn được hiểu là vì sao người ta chọn uống loại đồ uống này mà không chọn loại đồ uống kia, uống chỗ này mà không phải ở chỗ khác, ngồi uống với ai, đó là nét văn hóa, cảm xúc của người uống, là tín hiệu nhận biết “tiếng gọi” của người cùng sở thích để có buổi gặp mặt thật sự thú vị, dễ chịu của những người bạn tri ân, tri kỷ... Đồ uống không chỉ để giải khát mà còn là giá trị văn hóa, mỗi thương hiệu gắn liều với một câu chuyện văn hóa ở trong đó. Ví dụ khi đến Thủ đô, du khách thường thích thưởng thức các đặc sản của Hà Nội và Bia Hà Nội; tới đất Phương Nam là người ta nhớ ngay đến Bia Saigon, Bia 333; nhắc đến Bia Hude là người ta nhớ ngay đến Huế mộng mơ... Nói rộng ra tầm quốc gia, khi nhắc đến rượu Mao Đài là biết ngay của Trung Quốc, nói rượu Sake là biết của Nhật Bản, nói đến rượu vang là nghĩ ngay đến đất nước Pháp xinh đẹp; nói đến bia Heineken là biết ngay sản phẩm đồ uống đến từ Hà Lan; nói đến Bia Carlsberg là nhớ đến ngay đến Đan Mạch...

Trong ký ức của mỗi người, khi uống Bia hơi Hà Nội lại hình dung ra tiếng leng keng của tàu điện, nghe thấy lá xà cừ rơi, nhớ đến hình ảnh chim sâm cầm Hồ Tây bay về... Đó chính là ký ức xưa vọng về trong hương vị bia... Thuở nhỏ, tôi sinh sống ở phố Hàng Đào, rồi lớn lên theo học ngành Vô tuyến điện nhưng lại yêu văn thơ. Ngày đó vẫn thường nghe bố tôi cùng các bác là nhà thơ Hồ Phương, nhà thơ Xuân Thiều tới nhà uống bia đàm đạo văn chương và “kiểm tra” tôi xem có thực sự năng khiếu làm thơ không vì tôi vốn học khoa học tự nhiên. Hồi đó, uống được cốc bia cảm thấy rất sung sướng vì bia rất hiếm không phong phú như bây giờ. Những năm tháng đó, quán bia gần Cột Cờ (Hà Nội) là điểm gặp mặt quen thuộc của các tao nhân mặc khách, các văn nghệ sỹ, nhà văn, nhà thơ... Hồi đó, họ uống bia từ tốn, không ồn ào, ít thấy cảnh cãi đánh nhau, uống thực sự là thưởng thức chứ không phải uống lấy được, uống là cái cớ để trò chuyện, tâm tình của những người bạn thơ.

Trong sáng tạo nghệ thuật, người ta vẫn cần rượu, bia để thăng hoa, tạo cảm xúc sáng tạo, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới có nhiều văn nhân, người nổi tiếng vẫn có thú vui uống rượu, bia, không ai uống nước lọc, nước ngọt để sáng tạo cả. Trong cuộc sống, người ta vẫn có nhu cầu chính đáng là ra quán gặp gỡ nhau, uống cốc bia giải khát cùng trò chuyện, bình luận về chuyện văn, chuyện đời, cân bằng cuộc sống, có cớ để giao lưu, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Ở nước ngoài, họ cũng muốn ra quán ăn uống, thư giãn, xả stress...

Tôi phải nói rằng, cuộc sống sẽ thiếu chất thi vị, cảm thấy tẻ nhạt nếu thiếu cái dư vị của đồ uống, chúng ta không thể nâng cốc chúc nhau bằng ly nước lọc hay ly nước giải khát, trên bàn tiệc sẽ ít có sự giao lưu, trò chuyện, cởi mở. Uống một cốc bia, ly rượu, chúng ta chia sẻ với nhau một cách chân tình, thật lòng hơn, chứ không khách sáo, dè chừng trong giao tiếp. Đối với những người uống văn minh thì bia, rượu chỉ là chất xúc tác để cho buổi gặp gỡ, đàm đạo của nhóm bạn, của các đối tác với nhau có cớ để hàn huyên, tâm sự, chứ không phải bia, rượu là mục đích chính của buổi gặp mặt. Anh có thể uống chừng mực tùy theo sức khỏe của mình, nhưng cũng có thể uống để trả stress sau một tuần làm việc mệt mỏi, quan trọng là phải luôn làm chủ được hành vi và lời nói của mình, và tất nhiên phải đi taxi về nhà, tuyệt đối không lái xe.

Theo tôi, chúng ta nên uống để thưởng thức và cảm nhận hương vị của sản phẩm bia, rượu đó, chứ không nên cứ mỗi lần nâng cốc là phải trăm phần trăm như một số người coi việc phải cạn ly, cạn cốc mới là chân tình, quý mến nhau. Uống cũng không nên ồn ào, hô to mà ảnh hưởng tới những người xung quanh, dễ gây mâu thuẫn, xích mích không đáng có. Theo tôi uống an toàn và uống văn minh là điều mà mỗi chúng ta cần tự điều chỉnh để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Việc quy định xử phạt về vi phạm nồng độ cồn là cần thiết, khi ý thức không tốt thì phải xử lý bằng hành chính. Quy định như vậy không phải là cấm uống rượu, bia mà là để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, hệ thống xe công cộng ở ta không thuận tiện như một số nước có tàu điện ngầm hay có nhiều phương tiện công cộng, hệ thống xe buýt hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Tôi nghĩ, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn cũng là cơ hội các dịch vụ vận chuyển, phương tiện công cộng phát triển, tiếc là hiện nay các dịch vụ này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của nhiều người.

Hiện nay, ngành đồ uống cũng như một số ngành liên quan đang gặp nhiều khó khăn. Các ngành cần có sự liên kết với nhau để cùng vượt qua khó khăn, chứ không nên chỉ biết đến ngành của mình... Để vượt qua khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục đổi mới trong quản trị, bán hàng, nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm phù hợp với xu thế và nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Trước kia, tiếp khách họ thường tiếp rượu mạnh, rượu vang, sản phẩm nước ngoài nhưng thời gian gần đây, người tiêu dùng lại thích các sản phẩm trong nước và độ cồn thấp hơn trước. 

Nhân Văn

Các bài viết khác

Xem thêm

Tài xế uống 4 lon bia: “CSGT phạt 7 triệu đồng tôi lấy gì đóng”

Sau khi bị Đội CSGT Tân Sơn Nhất kiểm tra có nồng độ cồn kịch khung, nam tài xế không hợp tác với lực lượng chức năng mà liên tục gọi điện thoại nhờ người can thiệp bỏ qua lỗi vi phạm.

Uống có văn hóa, văn minh trong dịp nghỉ Lễ

Năm nay, dịp lễ Quốc khánh 2-9 được nghỉ 4 ngày liền nên hầu như ai đi làm ăn, công tác xa cũng về quê để nghỉ ngơi, gặp mặt gia đình, bạn bè. Nhiều người cảm nhận dịp nghỉ lễ năm nay như thế nghỉ Tết Nguyên đán vì có nhiều thời gian thăm hỏi nội, ngoại, cùng nhau làm cỗ cúng ông bà, tổ tiên.

Văn hóa uống trong thành ngữ, tục ngữ thơ ca

Ở Việt Nam và thế giới, rượu bia là thứ đồ uống không thể thiếu trong các dịp vui như lễ tết, cưới xin, mừng thọ, mừng nhà mới...

Lịch sử của rượu

Từ rất lâu, đồ uống chứa cồn đã gắn liền với lịch sử phát triển của con người. Nhiều nhà khảo cổ tin rằng, rượu vang được làm từ nho đã ra đời cách đây hơn 10000 năm và những đồ uống khác như bia, rượu mật ong thậm chí còn xuất hiện sớm hơn

Quảng cáo và mua tạp chí