Rượu và năm bảy đường rượu

21/09/2024 - 11:56 AM
131 lượt xem
Cỡ chữ

Chắc nhiều người còn nhớ tới một bài ca dao quen thuộc:

Chú tôi hay tửu hay tăm

Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa

Ngày thì ước những ngày mưa

Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.

Ông “chú” (trong bài ca dao) nọ quả là một người đàn ông đặc biệt. Ta thử bàn về cái “đặc biệt” này nhé.

Trước hết, ông được coi là người “hay tửu hay tăm”.

Tửu () là âm Hán Việt, có nghĩa là “rượu”, một chất lỏng, cay nồng, thường được cất từ chất bột hoặc trái cây đã ủ men” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Trong tiếng Việt có bao nhiêu từ liên quan đến rượu: rượu bia, rượu cần, rượu đế, rượu mạnh, rượu mùi, rượu nếp, rượu ngang, rượu tăm, rượu vang… Những đồ uống này giữ một vai trò đặc biệt trong đời sống hàng ngày: là đồ thờ cúng, là quà để mừng một sự kiện nào đó (mừng thọ, mừng đám cưới, mừng nhà mới, mừng lên chức lên lương…). Nhưng rượu đặc biệt hữu dụng với vai trò một đồ uống “tạo cảm hứng” khi có tiệc tùng hay liên hoan, chúc tụng. Thật khó tưởng tượng là trong một bữa tiệc nhân một sự kiện quan trọng nào đó mà thiếu rượu bia. Rượu là chất men gây cảm hứng cho đời.

 

Quay lại ông chú kia, chuyện ông “hay tửu hay tăm” (ý nói uống nhiều, uống vô tội vạ) không phải là điều hay. Bởi có những người hay uống rượu, sa đà vào những cuộc say, thành nát rượu. “Tửu đồ” là từ chỉ người say sưa với rượu. Tiếp theo, đã “hay tửu hay tăm” ông còn “hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưa” nữa chứ. Thói thường, rượu thường đi với chè. Ông chú hay uống “rượu tăm” (rượu có nồng độ cao, khi rót ra sủi tăm) lại thích uống nước chè đặc. Cả hai thức uống đều rất hợp với nhau. Sau những trận say người ta thường mệt, không thiết làm gì. Vì vậy là chuyện “hay nằm ngủ trưa” (ngủ trưa: ngủ dậy muộn) là chuyện đương nhiên. Và hệ quả là ông ước ao “Ngày thì ước những ngày mưa/ Đêm thì ước những đêm thừa trống canh”. Cả một loạt hành động “hay” và “ước” kia làm cho ta một hình dung về một “ông chú” đặc biệt, không có gì là đáng học, đáng theo.

Nói đi cũng phải nói lại. Rượu cũng dăm bảy đường rượu. Rượu đem lại một thú vui ẩm thực, một nét đẹp cho đời:

Rượu ngon chẳng quản be sành

Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.

Rượu ngon, bất luận đồ đựng là gì vẫn cứ ngon. Rượu ngon, để càng lâu càng ngon. Rượu sẽ ngon hơn nếu khi uống “có bạn hiền”, có người thân, có người tri kỉ: Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên. (Truyện Kiều)

Ca dao xưa còn có bài rất hay về rượu và tình nghĩa vợ chồng:

Ăn một miếng trầu, năm ba lời dặn

Uống một chén rượu, năm bảy lời giao

Anh chớ nghe ai sóng bổ ba đào

Em đây quyết giữ niềm tiết hạnh, anh chớ lãng xao em buồn.

Trai gái mời nhau miếng trầu (để làm đầu câu chuyện, trao duyên) và mời nhau chén rượu (để nói lời thề thốt, tính chuyện trăm năm). Truyện Kiều còn có câu: Chén hà sánh giọng quỳnh tương. “Quỳnh tương” được hiểu là “rượu ngon”. Đó là chén rượu ngon mà Thúc Sinh và Thúy Kiều mừng nhau trong một buổi gặp gỡ tâm giao đầy ý nghĩa (Nàng rằng: Hồng diệp xích thằng/ Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri).

Ca dao cũng có câu: Con tằm bối rối vì tơ/ Anh say sưa vì rượu, em ngẩn ngơ vì tình. Rượu là chất xúc tác, là chất men cho đời, cho người. Có người hư hỏng vì rượu. Có người nhờ rượu mà tri âm tri kỉ, mà thương yêu nhau keo sơn gắn bó. Rượu đâu có lỗi để cho anh “hay tửu hay tăm”? Lỗi là người đã không biết sử dụng nó thế nào cho phải.

Rượu ngon cái cặn cũng ngon

Thương em đến thuở cháu con sum vầy”.

PGS.TS Phạm Văn Tình

 

Các bài viết khác

Xem thêm

Cảm nghĩ của nhà thơ về đồ uống và văn hóa uống

Mỗi người đều có cảm nhận, sở thích khác nhau về hương vị đồ uống, song đều có một cái chung bất thành văn đó là văn hóa uống. Ai cũng cảm nhận được giá trị của đồ uống trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, trong hiếu hỷ, thờ cúng tổ tiên, tiếp khách...

Tài xế uống 4 lon bia: “CSGT phạt 7 triệu đồng tôi lấy gì đóng”

Sau khi bị Đội CSGT Tân Sơn Nhất kiểm tra có nồng độ cồn kịch khung, nam tài xế không hợp tác với lực lượng chức năng mà liên tục gọi điện thoại nhờ người can thiệp bỏ qua lỗi vi phạm.

Uống có văn hóa, văn minh trong dịp nghỉ Lễ

Năm nay, dịp lễ Quốc khánh 2-9 được nghỉ 4 ngày liền nên hầu như ai đi làm ăn, công tác xa cũng về quê để nghỉ ngơi, gặp mặt gia đình, bạn bè. Nhiều người cảm nhận dịp nghỉ lễ năm nay như thế nghỉ Tết Nguyên đán vì có nhiều thời gian thăm hỏi nội, ngoại, cùng nhau làm cỗ cúng ông bà, tổ tiên.

Văn hóa uống trong thành ngữ, tục ngữ thơ ca

Ở Việt Nam và thế giới, rượu bia là thứ đồ uống không thể thiếu trong các dịp vui như lễ tết, cưới xin, mừng thọ, mừng nhà mới...

Lịch sử của rượu

Từ rất lâu, đồ uống chứa cồn đã gắn liền với lịch sử phát triển của con người. Nhiều nhà khảo cổ tin rằng, rượu vang được làm từ nho đã ra đời cách đây hơn 10000 năm và những đồ uống khác như bia, rượu mật ong thậm chí còn xuất hiện sớm hơn

Quảng cáo và mua tạp chí