Trong bối cảnh ngành Đồ uống Việt Nam đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid - 19 và thích ứng với xu thế tiêu dùng mới, những rào cản về thủ tục hành chính, thuế, hóa đơn điện tử và dự thảo luật liên quan đang là những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ. Loạt bài viết gần đây trên các cơ quan truyền thông đã chỉ ra nhiều vướng mắc thực tiễn trong áp dụng chính sách, đặc biệt với các hộ sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ trong lĩnh vực bia, rượu, nước giải khát.
Ngày 7/7/2025, báo Tiền Phong đăng bài: “Đề xuất bỏ quy định tạo gánh nặng cho doanh nghiệp rượu, thuốc lá” ((https://tienphong.vn/de-xuat-bo-quy-dinh-tao-ganh-nang-cho-doanh-nghiep-ruou-thuoc-la-post1758172.tpo?gidzl=SKhSQCDGItjxKTnen4n9VtnKt6_OJXjvOLcDETfE6offKDvjraXASMK3sc2A7annC068C6MABwOaobHFVW). Bài viết phản ánh những bất cập trong việc áp dụng các quy định hành chính khiến doanh nghiệp rượu, thuốc lá phải gánh chi phí lớn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Theo đó, các hiệp hội ngành hàng đã nhiều lần kiến nghị bỏ những yêu cầu không cần thiết hoặc trùng lặp trong thủ tục hành chính, ví dụ như quy định về dán tem rượu sản xuất trong nước hoặc các thủ tục cấp phép gây chồng chéo giữa các bộ ngành. Đây là những vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến ngành rượu mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa đến ngành bia và nước giải khát – vốn đang phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn về thuế tiêu thụ đặc biệt, quảng cáo và nhãn mác. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về việc “bị áp đặt những quy định kiểu đánh đồng, phi thực tiễn” dẫn đến chi phí tuân thủ tăng cao.
Trước đó, ngày 2/7/2025, chuyên trang VIB Online đăng bài “Góp ý Dự thảo Quyết định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công Thương” (https://vibonline.com.vn/bao_cao/gop-y-du-thao-quyet-dinh-phe-duyet-phuong-cat-giam-don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-lien-quan-den-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-nam-2025-cua-bo-cong-thuong). Bài viết ghi nhận nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các lĩnh vực thực phẩm – đồ uống được xem là “điểm nóng” do thường xuyên bị thanh kiểm tra, yêu cầu hồ sơ pháp lý chồng chéo giữa các luật chuyên ngành. Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu chương trình cải cách này được thực hiện thực chất, ngành đồ uống – đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – sẽ giảm được chi phí tuân thủ, tăng cơ hội đầu tư cải tiến chất lượng sản phẩm, bao bì, tiếp thị.
Trong bài viết “Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) kiến nghị làm rõ nhiều điểm trong Dự thảo Luật Phòng bệnh” đăng trên Tạp chí Đồ Uống Việt Nam ngày 04/07 ( https://douongvietnam.vn/hiep-hoi-bia-ruou-nuoc-giai-khat-viet-nam-kien-nghi-lam-ro-nhieu-diem-trong-du-thao-luat-phong-benh.htm), đã thể hiện quan điểm lo ngại của VBA về cách tiếp cận của dự thảo Luật Phòng bệnh.
Theo VBA, một số nội dung quy định không phân biệt giữa rượu mạnh, bia nhẹ hay nước giải khát có đường – dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và làm sai lệch định hướng chính sách. Đại diện Hiệp hội đề nghị cần căn cứ trên cơ sở khoa học, bằng chứng y tế rõ ràng và tránh “hình sự hóa” hoạt động kinh doanh hợp pháp. Điều đáng nói là, nếu dự thảo này được thông qua mà không có sự điều chỉnh phù hợp, nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ uống sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp về chiến lược tiếp thị, nhãn sản phẩm, thậm chí đối mặt nguy cơ mất thị phần do bị dán nhãn “không lành mạnh”.
Từ tháng 6 đến tháng 7/2025, hàng loạt báo điện tử đã phản ánh tình trạng khó khăn trong thực hiện hóa đơn điện tử, đặc biệt với các hộ kinh doanh quy mô nhỏ – đối tượng chiếm tỷ lệ lớn trong ngành đồ uống tại các địa phương. Một số bài đáng chú ý: “Gỡ vướng cho các hộ kinh doanh trong thực hiện hóa đơn điện tử”, đăng trên trang Tạp chí Đồ Uống Việt Nam (https://douongvietnam.vn/go-vuong-cho-cac-ho-kinh-doanh-trong-thuc-hien-hoa-don-dien-tu.htm); “Gỡ khó cho hộ kinh doanh trong áp dụng hóa đơn điện tử”, đăng trên Diễn đàn Doanh nghiệp (https://diendandoanhnghiep.vn/go-kho-cho-ho-kinh-doanh-trong-ap-dung-hoa-don-dien-tu-10157338.html); “Gỡ khó cho hộ kinh doanh trong sử dụng hóa đơn điện tử”, đăng trên Báo Kiểm toán (http://baokiemtoan.vn/go-kho-cho-ho-kinh-doanh-trong-su-dung-hoa-don-dien-tu-41604.html); / Gỡ khó Nghị định 70, đề xuất không hồi tố truy thu thuế hộ kinh doanh trên Báo Mới (https://baomoi.com/go-kho-nghi-dinh-70-de-xuat-khong-hoi-to-truy-thu-thue-ho-kinh-doanh-c52717698.epi)...
Các bài viết nêu rõ, sau khi Nghị định 70 được ban hành với nhiều điểm mới về chính sách thuế, trong đó các hộ kinh doanh đồ uống cũng có những lo ngại khi áp dụng vào thực tế. Nội dung bài viết đưa ra đề xuất không hồi tố và xây dựng lộ trình triển khai hợp lý, tránh xáo trộn môi trường kinh doanh nhỏ lẻ vốn đã nhạy cảm. Với các hộ kinh doanh đồ uống tại vùng sâu vùng xa, việc cập nhật công nghệ, tài chính và nhân sự để triển khai hóa đơn điện tử là thách thức lớn. Các hiệp hội ngành hàng và hộ kinh doanh cho rằng, nên có giai đoạn chuyển tiếp phù hợp và hỗ trợ kỹ thuật để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm đồ uống.
Một vấn đề cũng được báo chí quan tâm gần đây liên quan đến quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Đó là bài “Thực trạng pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” đăng trên Tạp chí Tài chính này 10/7 (Thực trạng pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách - Tạp chí Tài chính). Trước đó, báo Kiểm Toán ngày 22/5 có bài “Quỹ tài chính ngoài ngân sách: Cần một cuộc tái thiết toàn diện” (Quỹ, tài chính, ngân sách, kiểm toán, nhà nước). Các bài viết đều trích dẫn nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần luật hóa việc thành lập và vận hành các quỹ này để tránh sử dụng sai mục đích, đảm bảo sự minh bạch trong điều tiết thị trường...
Từ những vấn đề nóng nêu trên, có thể thấy ngành đồ uống đang đứng trước áp lực lớn từ hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính và các quy định quản lý mới. Sự phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng và báo chí cho thấy, cần một chính sách nhất quán, có lộ trình rõ ràng và thực tiễn – để bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà không triệt tiêu động lực sản xuất, kinh doanh hợp pháp.
Những bài viết tiêu biểu được đăng tải trên Báo Tiền Phong, VIB Online, Diễn đàn Doanh nghiệp, Báo Kiểm toán, Tạp chí Tài Chính… từ đầu tháng 7/2025 đến nay cho thấy một bức tranh chính sách đang chuyển động mạnh mẽ liên quan đến ngành đồ uống. Dù định hướng chung là rõ ràng – hướng đến minh bạch, hiện đại và bảo vệ sức khỏe – nhưng nếu thiếu lộ trình hợp lý và không phân loại sản phẩm khoa học, các chính sách đó có thể trở thành gánh nặng, thay vì là động lực phát triển.
Cần một môi trường chính sách ổn định đối với ngành Đồ uống, phân biệt rõ rủi ro và đồng hành phát triển để vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa nuôi dưỡng được một ngành kinh tế có nhiều tiềm năng đổi mới sáng tạo.
Theo: douongvietnam.vn