Ngày 22/4, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Các chuyên gia, doanh nghiệp đã trao đổi về các giải pháp hỗ trợ DN vượt khó và duy trì đà phục hồi bền vững cũng như gợi mở nhiều kiến nghị chính sách thuế hài hòa.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; các Đại biểu Quốc hội; các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn thuế, hiệp hội doanh nghiệp và đại diện các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) - những doanh nghiệp trực tiếp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Quang cảnh Hội thảo
Nhiều khó khăn, thách thức
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam quý I/2025 duy trì tích cực với GDP tăng 6,93%, cao nhất trong 6 năm qua, nhờ sự chỉ đạo điều hành hiệu quả của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Ông Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Bước vào quý II, nền kinh tế Việt Nam dự báo đối mặt nhiều thách thức từ tình hình thế giới (chính sách thuế của Mỹ, căng thẳng thương mại) và trong nước (khó khăn của doanh nghiệp, tồn kho cao, doanh nghiệp giải thể tăng). Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là một thách thức lớn, đòi hỏi sự chung sức của cả nước, đặc biệt cần nâng cao năng lực nội sinh, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
“Đây cũng là thời điểm chúng ta cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất trong nước, có chính sách thúc đẩy tiêu dùng trong nước trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ về chủ đề "Doanh nghiệp trong "vòng xoáy" tăng trưởng và ổn định"
PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong một vài năm trở lại đây, mức lạm phát tại Việt Nam tương đối ổn định. Tuy nhiên, mức ổn định này thực chất lại không đầy đủ và vững chắc. Chỉ số này chủ yếu gắn liền với vấn đề doanh nghiệp Việt đang... thiếu và khát vốn.
Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 2 con số, Việt Nam cần xem xét cơ sở để "đảo ngược động lực tăng trưởng"; trong đó, cần đặt ra cách tiếp cận "khác thường", đặt vai trò của doanh nghiệp Việt Nam vào vị trí trung tâm của động lực phát triển.
Cần quan tâm đến “sức khỏe” doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu
Ngành Đồ uống có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 2% GDP và tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, ngành này đang gặp nhiều khó khăn và chịu áp lực lớn từ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
PGS. TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA chia sẻ “Tổng quan về ngành đồ uống - Khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng”
PGS. TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, tốc độ tăng trưởng của ngành bia đã giảm đáng kể từ năm 2016 do ảnh hưởng của việc tăng thuế, tiếp đó lại chịu tác động kép bởi đại dịch COVID-19, chính sách hạn chế đồ uống có cồn, Nghị định 168, sức mua giảm... Việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 80% là con số tăng thuế sốc khiến các doanh nghiệp của ngành đồ uống, đặc biệt là ngành bia, rượu quan ngại lo lắng. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB và áp với mức thuế 10% là không phù hợp với thực tế tại Việt Nam.
Việc tăng thuế TTĐB được dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến GDP, thu nhập người lao động và hành vi tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế rẻ tiền, không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc áp thuế không phải là giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì.
Chủ tịch VBA nhấn mạnh, sự cần thiết hài hòa giữa mục tiêu sức khỏe, tăng thu ngân sách và phát triển kinh tế-xã hội. Ông đặc biệt lưu ý đến "sức khỏe" của doanh nghiệp và đề nghị xem xét kỹ lưỡng tác động toàn diện của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bao gồm cả bối cảnh quốc tế và kinh nghiệm các nước.
VBA kiến nghị lùi thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu đến năm 2028 và tăng dần 5%/năm trong 5 năm tiếp theo. Đối với nước giải khát, Hiệp hội kiến nghị chưa nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường. Mục tiêu là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia phát biểu tại Hội thảo
Tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia đã cung cấp thông tin chi tiết về ngành Đồ uống Việt Nam. Năm 2024, quy mô thị trường đạt 15,5 tỷ USD. Lượng tiêu thụ bia tương đương năm 2023 (4,4 tỷ lít), trong khi nước giải khát tăng 4,8% (4,658 tỷ lít). Ngành đóng góp khoảng 60 nghìn tỷ đồng/năm vào ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2021-2023, lợi nhuận và thu ngân sách của ngành giảm.
TS Lực cảnh báo về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần thận trọng để tránh làm suy giảm thị trường chính ngạch, tăng hàng lậu và gây thất thu ngân sách. Việc tăng thuế quá nhanh và mạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng, việc làm, an sinh xã hội và các ngành liên quan. Ông cũng lưu ý về tính "cào bằng" trong dự thảo luật thuế đối với các sản phẩm có độ cồn khác nhau, có thể gây méo mó thị trường và khó khăn trong thực thi.
TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhấn mạnh, sự cần thiết của việc "khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp" thông qua chính sách thuế để tạo điều kiện phục hồi và phát triển bền vững. Thay vì tăng thuế nhanh, việc nuôi dưỡng nguồn thu được xem là giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhất cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.
Doanh nghiệp lo ngại tác động lớn khi tăng thuế
Ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng Giám đốc SATRACO phát biểu tại Hội thảo
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng Giám đốc SATRACO (Thành viên Ban Điều hành SABECO) cho biết, thời gian qua, SABECO và ngành bia nói chung liên tục đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh, thiên tai và thay đổi chính sách. Đại dịch Covid-19 và xung đột ở một số nơi trên thế giới gây gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng chi phí sản xuất và giảm tiêu thụ bia, ảnh hưởng đến cả các ngành liên quan như du lịch và ẩm thực. Năm 2022, ngành bia có dấu hiệu phục hồi chậm và bấp bênh. Từ giữa năm 2023, sức mua giảm sút do Nghị định 100 và Nghị định 168 được thực thi nghiêm ngặt. Dù sản lượng bia có tăng nhẹ so với cùng kỳ, nhưng sức mua vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2019.
Từ năm 2024, tình hình kinh doanh trở nên khó khăn hơn và dự kiến sức mua sẽ còn ảm đạm. Doanh nghiệp lo ngại đề xuất tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngành liên quan và ngân sách nhà nước. SABECO đề xuất theo Phương án 1 của Chính phủ đã trình Quốc hội nhưng giãn hiệu lực thực hiện đến năm 2028 thay vì năm 2026 như hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Quan hệ đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia HEINEKEN Việt Nam phát biểu
Ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Quan hệ đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia HEINEKEN Việt Nam lo ngại việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua giảm và thị trường bia không chính thống gia tăng. Việc tăng thuế đơn thuần có thể không hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn gây tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, việc làm và thất thu ngân sách do người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm giá rẻ, không kiểm soát.
Đại diện HEINEKEN Việt Nam kiến nghị lùi thời điểm tăng thuế đến năm 2027 để doanh nghiệp có thời gian thích ứng và cơ quan soạn thảo có thể đánh giá kỹ lưỡng tác động, đồng thời đề xuất mức tăng thuế phù hợp vào thời điểm đó để đảm bảo nguồn thu và mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Trần Đình Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO)
Ông Trần Đình Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO), bày tỏ sự đồng tình với các chuyên gia về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam và các giải pháp kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tăng thuế để giảm tiêu thụ cần cân nhắc vì ở các nước nông nghiệp phát triển, người dân uống bia nhiều nhưng sức khỏe vẫn tốt. Ngành bia đang suy giảm doanh thu, giá nguyên liệu biến động và tình trạng một số loại bia tư nhân sản xuất bán với giá rẻ gây ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh (cần làm rõ vì sao họ bán giá lại rẻ như vậy?). Việc tăng thuế TTĐB có thể khiến người dân chuyển sang dùng hàng không rõ nguồn gốc, gây thất thu ngân sách.
Ông Bùi Hữu Quang - Giám đốc Cấp cao, Quan hệ Doanh nghiệp - Chính phủ và Chiến lược, Carlsberg Việt Nam
Tại Hội thảo, ông Bùi Hữu Quang - Giám đốc Cấp cao, Quan hệ Doanh nghiệp - Chính phủ và Chiến lược, Carlsberg Việt Nam cho biết, Carlsberg Việt Nam, một trong những doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư sớm và có đóng góp vào ngành bia Việt Nam, đã có kế hoạch phát triển dài hạn và cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Doanh nghiệp này và các doanh nghiệp khác mong muốn tiếp tục hợp tác lâu dài với Việt Nam, nhưng hiện nay ngành còn chịu ảnh hưởng của nhiều luật khác ngoài luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Doanh nghiệp lo ngại về việc tăng thuế quá cao và quá nhanh có thể gây ra những tác động tiêu cực như thúc đẩy buôn lậu, ảnh hưởng đến thị trường chính thức và gây khó khăn trong quản lý thuế.
Bộ Tài chính cân nhắc điều chỉnh lộ trình tăng thuế TTĐB
TS Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia tư vấn chính sách thuế, Trưởng Ban Hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội Các Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đề xuất các giải pháp thuế hỗ trợ: kéo dài và mở rộng giảm thuế VAT xuống 8% đến hết 2026, bao gồm cả các hàng hóa chịu thuế TTĐB.
Ông Lưu Đức Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính
Ông Lưu Đức Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội hai nội dung điều chỉnh chính: (1) giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, chuyển từ phương án tăng thuế cao hơn (phương án 2) về phương án tăng thuế thấp hơn (phương án 1) đã trình trước đó, và (2) có thể lùi thời gian thực hiện lộ trình tăng thuế từ năm 2026 sang năm 2027. Ủy ban Kinh tế và Tài chính sẽ tổng hợp ý kiến này để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới.
Ánh Dương