Những nhà hàng, quán bia vắng vẻ, đìu hiu; Những cửa hàng, siêu thị, đại lý phân phối kinh doanh bia, rượu không còn cảnh tấp nập người mua, kẻ bán; Nhiều chủ kinh doanh lao đao vì sức tiêu thụ giảm sút trong khi chi phí đầu vào ngày càng tăng cao... Đó là thực tế buồn trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng và đồ uống có cồn đang hiện hữu.
Hàng quán đìu hiu, cửa hàng ế ẩm...
Cách đây khoảng 5 năm, các chuỗi nhà hàng ĐT, HX, NN nằm trên nhiều con phố sầm uất của Hà Nội nổi tiếng với các món nhậu độc đáo kết hợp cùng hương vị đồ uống “danh bất hư truyền” của Bia Hơi Hà Nội đã trở thành điểm đến quen thuộc của thực khách Hà thành, cũng như du khách mỗi khi có dịp về thăm Thủ đô.
Nếu ai đã từng có mặt tại các nhà hàng thuộc những “tên tuổi” này thời điểm đó hẳn không khỏi choáng ngợp trước không khí ồn ào, náo nhiệt ở đây. Những dãy bàn ghế kê san sát không còn chỗ trống, tiếng cụng ly leng keng, những lời chúc tụng rộn ràng, tiếng hô 1 - 2 - 3... zô vang lên ở khắp mọi nơi. Hồi ấy, vào các buổi tối cuối tuần, khách hàng thưởng phải đặt bàn từ trước mới có chỗ ngồi ở đây nếu không muốn phải di chuyển đi nơi khác.
Không quá nổi tiếng như chuỗi nhà hàng kể trên, quán bia Phủi hay nhà hàng Phú Gia nằm tại Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội), cũng như hàng loạt nhà hàng nằm trên khắp các con phố ở Hà Nội đều là điểm đến quen thuộc của dân sành nhậu. Vào mỗi buổi tối, nhất là vào cuối tuần, những hàng quán này luôn tấp nập khách vào ra, tiếng chúc tụng, cụng ly làm sôi động cả một góc phố.
Có thể nói, khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập khách hàng của các nhà hàng quán ăn đã góp phần rất lớn để cung cầu cân bằng, góp phần phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa... Vậy mà, cũng vẫn những nhà hàng ấy, kể từ sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, cùng những biến động tình hình thế giới cũng như chính sách hạn chế đồ uống có cồn, Nghị định 100. kiểm soát nồng độ cồn... giờ đây cảnh tượng đã gần như trái ngược. Chuỗi nhà hàng ĐT, HX, NN vẫn tồn tại nhưng thưa vắng khách, nhiều nhà hàng khác đã thay tên đổi chủ nhiều lần, thậm chí không ít nhà hàng phải đóng cửa trả lại mặt bằng vì làm ăn thua lỗ. Cảnh cả quán bia chỉ có lác đác vài vị khách luống tuổi đang ngồi nhâm nhi bên đĩa lạc rang, vài món ăn đơn giản, cạnh đó là những dãy bàn ghế buồn thiu được nhân viên bày ra la liệt mỗi chiều rồi thu lại mỗi tối muộn đã không còn xa lạ với các nhà hàng, quán nhậu hiện nay. Lượng khách đến nhà hàng rất thưa thớt, nếu như trước thời điểm năm 2019, các bạn bè, đối tác, đồng nghiệp thường hẹn gặp nhau ở các quán bia, quán ăn sau mỗi buổi chiều để giải khát, tâm sự, trao đổi công việc thì giờ đây họ không dám đến nhà hàng uống bia vì sợ bị phạt theo các quy định của Nghị định 100. Thực tế, người lao động, công chức đều làm công ăn lương, mỗi tuần, mỗi tháng gặp nhau 1-2 lần cho vui vẻ, nay với việc xiết chặt xử phạt vi phạm về nồng độ cồn, nhiều người hầu như cả tháng không ra quán ăn uống với bạn bè, thậm chí ở nhà cũng không dám uống vì sợ hôm sau đi làm vẫn có nồng độ cồn... Không phải ai cũng có tiền để đi grap, taxi vì tiền đi taxi, grap có khi bằng tiền ăn uống bia nên ai cũng nghĩ ở nhà cho lành. Vì vậy, các nhà hàng, quán ăn, quán bia vắng khách, không chỉ sản phẩm đồ uống không tiêu thụ được mà các loại thực phẩm, nông sản, hải sản cũng bị ảnh hưởng vì bao giờ ăn đi liền với uống. Nhà hàng, quán ăn khó khăn, doanh thu giảm kéo theo người lao động bị mất việc làm, đã khó nay lại khó hơn...
Các nhà hàng, quán bia vắng khách
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các cửa hàng tạp hóa, đại lý bia, rượu và các siêu thị ở Hà Nội, những ngày áp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn trưng bày đủ các loại bia của các thương hiệu, mẫu mã cùng các chương trình khuyến mãi nhưng lượng khách hỏi mua vô cùng thưa thớt. Lượng bia tiêu thụ giảm nên đến thời điểm hiện tại giữa tháng 3, các hệ thống bán lẻ ở Hà Nội như MM Mega Market, Big C, WinMart, Lotte... vẫn đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại với mặt hàng bia. Trong đó, thùng bia 333 giá 280.800 đồng đang được giảm còn 268.000 đồng, thùng bia Hà Nội 24 lon có giá 280.800 đồng hiện giảm 20.800 đồng, còn 260.000 đồng, Tại gian hàng chính thức của Heineken, các sản phẩm bia đang được giảm giá phổ biến trong khoảng 13-34%. Tương tự, SABECO cũng đang giảm giá 20% các sản phẩm bia của hãng như thùng 24 lon bia Sài Gòn Chill có giá gần 500.000 đồng nay giảm chỉ còn 370.000 đồng, thùng 24 lon bia Sài Gòn Special giá 416.000 đồng cũng giảm còn 340.000 đồng. Với dòng bia ngoại, Budweiser cũng đang giảm giá khoảng 10% với các sản phẩm khi khách hàng đặt online. Lốc 6 lon bia Budweiser đang được giảm 10% còn 135.000 đồng; thùng 24 lon Bia Budweiser giảm 5% còn 424.650 đồng; hay bia Corona Extra nhập khẩu thùng 24 chai đang giảm 9%, có giá 720.000 đồng.
Các siêu thị, cửa hàng áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi với mặt hàng bia, nhưng sức tiêu thụ vẫn thấp
Theo anh Nguyễn Văn T – Phụ trách bộ phận bán hàng tại một siêu thị nằm trên phố Trần Duy Hưng, sức mua bia hiện nay rất thấp, ngay như dịp lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch vừa qua dù có nhiều khuyến mãi nhưng vẫn không có sự vượt trội về số lượng hàng bán ra. Từ đó, anh T dự đoán, thị trường bia rượu năm nay sẽ không mấy khả quan đối với nhà sản xuất lẫn người kinh doanh.
Đánh giá nguyên nhân, theo Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt, ngành bia đang gặp nhiều khó khăn từ hậu đại dịch Covid-19 và các chính sách quản lý đang siết chặt quy định về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu, những sản phẩm không thiết yếu như bia, rượu sẽ bị cắt giảm đầu tiên. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử phạt ngặt nghèo về nồng độ cồn khiến cho thị trường bia giảm mạnh, nhà hàng, quán ăn vắng nhiều khách...
Ở nhà cũng không dám uống, cần có ngưỡng về nồng độ cồn...
Thực tế cho thấy, trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua và mùa lễ hội hiện nay, thị trường đồ uống, nhất là bia, rượu giảm mạnh do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và không dám sử dụng vì sợ bị phạt theo các quy định về nồng độ cồn. Theo đó, xu hướng tiêu dùng của người dân cũng dần thay đổi. Người tiêu dùng chi tiêu một cách khá cầm chừng, chỉ mua sắm những sản phẩm thực sự cần thiết và có sự so sánh, cân nhắc giá cả. Bên cạnh đó, ưu tiên lựa chọn những giỏ quà có tính ứng dụng cao, đa dạng món hàng và giá cả hợp lý thay vì chọn quà theo thương hiệu, hình thức. Với các loại đồ uống, người tiêu dùng có xu hướng hạn chế lựa chọn các sản phẩm có cồn, thay vào đó tăng mạnh chi tiêu cho các sản phẩm đồ uống không cồn hoặc các loại đồ uống có nguồn gốc từ thiên nhiên như nước uống thảo dược, nước ép, sữa chua uống…
Có mặt tại một siêu thị lớn trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), chị Minh Hương (Gầu Giấy) cho biết, dịp Tết vừa qua thay vì mua bia, rượu như mọi năm thì năm nay gia đình đã chọn các loại nước giải khát vì sợ vi phạm nồng độ cồn, ngay cả ở nhà cũng không giám uống, nói gì đến ra quán. Dịp lễ Tết là phải di chuyển đến chơi nhà anh em, bạn bè, nếu đã uống thì đành ở nhà, mà đã lái xe đi chơi thì không được uống rượu, bia. Vì thế năm nay, nhà chị chủ yếu mua các loại nước hoa quả lên men, sữa chua ống để giải khát khi tụ tập bạn bè, người thân tại nhà.
Với những lý do và thực tế trên, doanh thu trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 của các doanh nghiệp bia, rượu sụt giảm mạnh, giảm từ 16 - 30% so với trước. Từ năm 2020 đến nay, ngành bia, rượu liên tiếp gặp những khó khăn cho đại dịch, tác động của chính sách hạn chế đồ uống có cồn, Nghị định 100, xung đột, chiến tranh trên thế giới, chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt... Nhiều ý kiến của người tiêu dùng cho rằng, đối với nồng độ cồn cần phải có ngưỡng cụ thể vì mỗi người có sức khỏe, cơ địa khác nhau, uống bia, rượu ở nhà từ hôm trước mà hôm sau đi làm vẫn bị phạt thì thật sự chưa phù hợp với thực tế. Cần xử nghiêm người nào vừa uống rượu, bia xong mà vẫn lái xe, còn nếu người ta uống từ hôm trước ở nhà vào ngày cuối tuần mà thứ 2 đi làm vẫn bị phạt về nồng độ cồn thì nên xem xét lại...
Trước thực tế về xử phạt nồng độ cồn, nhiều khách đã lựa chọn các loại bia không cồn hoặc nước trái cây. Tại các tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và trên các sàn thương mại điện tử ghi nhận sự thu hút của các loại bia không cồn. Bia không cồn của SAGOTA 24 lon có giá 470.000-485.000 đồng, thùng 24 lon bia Heineken loại 0.0% độ cồn có giá 460.000-490.000 đồng. Bên cạnh đó, nhiều siêu thị đang bán dòng nước ép trái cây không cồn, nước hoa quả, trà thảo mộc... cũng đang rất hút khách.
Theo đại diện siêu thị MM Mega market, đơn vị này chọn đẩy mạnh nhập thêm các loại bia không cồn, độ cồn thấp hoặc nước trái cây lên men. Mặt hàng này với những chủng loại có giá bán bình dân đang bán tốt, mức tăng trưởng 15 - 20%. “Thị trường bia rượu năm nay sôi động với các loại bia lon không nồng độ cồn. Những loại bia 0 độ uống vị như bia bình thường nhưng lại không có chút cồn nào. Rất phù hợp uống xong phải lái xe trong những ngày tết mà không sợ bị công an phạt", vị này chia sẻ.
Trước sự chuyển đổi xu hướng tiêu dùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Đỗ Tuệ Tâm cho biết, việc người tiêu dùng chuyển sang sử dụng loại đồ uống không cồn hoặc nồng độ cồn thấp đã đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhập khẩu, bán lẻ khai thác phân khúc thị trường khá mới mẻ này. Trong khi đó, thông tin từ Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho thấy doanh nghiệp đã đưa ra thị trường sản phẩm đồ uống không cồn và theo chiến lược sẽ tiếp tục phát triển mạnh phân khúc đồ uống này.
Có thể nói, việc người dân quan tâm đến bia không cồn, hay các loại đồ uống tốt cho sức khỏe như những sản phẩm thay thế bia, rượu cho thấy ý thức người dân đã được nâng lên sau những đợt kiểm soát gắt gao của lực lượng cảnh sát giao thông và tăng nạng mức phạt trước những vi phạm về nồng độ cồn. Và để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đang chuyển đổi mạnh mẽ này, đã đến lúc các doanh nghiệp cần tính đến việc chuyển đổi sản xuất sang các mặt hàng phù hợp với xu thế, để tiếp tục có những bước phát triển mới bền vững.
Thanh Nga