Kinh tế thế giới nhiều biến động trong năm 2025, Việt Nam nỗ lực vươn lên

09/01/2025 - 03:32 PM
194 lượt xem
Cỡ chữ

Chúng ta đã bước sang năm mới 2025 với khí thế mới, nhiều vận hội, thời cơ, song cũng không ít thách thức, khó khăn đan xen. Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế có nhiều kinh nghiệm, TS. Lê Đăng Doanh đã có những phân tích về tình hình quốc tế cũng như trong nước để có những nhận định về dự báo kinh tế năm 2025.

Kinh tế thế giới hồi phục

Năm 2025 sẽ là một năm kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi sau Đại dịch COVID -19 với tốc độ tăng trưởng dự kiến khoảng 3,2%, song kinh tế châu Âu, châu Á và Mỹ hồi phục với tốc độ khác nhau do phải đối mặt với những vấn đề kinh tế - xã hội của từng vùng. Những xung đột khu vực vẫn tiếp diễn: chiến tranh ở Trung Đông giữa Israel và các lực lượng Hồi giáo tăng cường độ và lan rộng sang Li Băng và toàn bộ dải Gaza, xung đột giữa Nga và Ucraina gia tăng cường độ và chưa thấy hồi kết, có nguy cơ trở thành cuộc đối đầu giữa hai khối liên minh xung quanh Nga và Phương Tây. Cuộc đối đầu Mỹ - Trung tiếp diễn không chỉ về thương mại, kinh tế mà còn mở rộng ra khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác. Hai bên liên tục “ăn miếng trả miếng” tăng thuế hàng hóa, hạn chế xuất - nhập khẩu hàng hóa chiến lược, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ảnh hưởng nhiều mặt đến thương mại quốc tế. Trung Quốc trỗi dậy không chỉ về kinh tế mà cả về khoa học - kỹ thuật sẽ tiếp tục tác động đến nhiều lĩnh vực thương mại quốc tế, như ô tô điện Trung Quốc đã gây khó khăn nghiêm trọng cho nhiều hãng ô tô truyền thống nổi tiếng ở Đức cho thấy sự cạnh tranh có thể còn tiếp tục mở rộng sang nhiều sản phẩm và dịch vụ khác.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, lụt lội, bão lũ gia tăng ở châu Âu, châu Mỹ đến châu Á, gây nhiều thiệt hại… Nông nghiệp, lương thực ngày càng trở nên quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội, thiếu hụt lương thực ở Sri Lanca và châu Phi đã dẫn đến mất ổn định chính trị và xã hội. Các nước phát triển đã trải qua giai đoạn công nghiệp hóa tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, áp đặt các quy định khắt khe về bảo vệ rừng, kiểm soát khí thải, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chế biến rác thải đã trở thành một yêu cầu trong giao thương, đồng thời cũng mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp.

 

Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại kho chứa hàng Tân Cảng Cát Lái. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

 

Tổng Thống đắc cử ở Mỹ Donald Trump sẽ nhậm chức ngày 20/01/2025 đã đưa ra hàng loạt tuyên bố về chính sách kinh tế như đánh thuế vào các mặt hàng nhập khẩu để bảo vệ việc làm cho các doanh nghiệp Mỹ, các biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ FED điều chỉnh lãi suất hai lần trong năm 2024, làm giảm tỷ giá đồng Dollar Mỹ đối với các đồng tiền khác, trong đó có đồng tiền của Việt Nam, tác động đến giá hàng hóa xuất-nhập khẩu của Việt Nam. Khối BRICS dự kiến sẽ trao đổi mậu dịch không dùng đồng Dollar của Mỹ. Xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa mậu dịch của những thập kỷ trước bị thách thức và đình trệ, có nơi bị đẩy lùi như tăng thuế quan, áp dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát và hạn chế nhập khẩu trỗi dậy ở nhiều nước đòi hỏi mỗi nước phải điều chỉnh chính sách thương mại phù hợp với những diễn biến mới.

Cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trí tuệ nhân tạo (AI), người máy giúp tăng năng suất lao động, cải thiện cuộc sống nhưng cũng lấy đi không ít việc làm giản đơn, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Kinh tế số, Chính phủ điện tử, giáo dục, y tế từ xa…cho thấy tất cả các lĩnh vực phải đổi mới sâu rộng và nhanh chóng. Doanh nghiệp các nước kết nối xuyên biên giới qua các chuỗi khối (block-chain), đồng tiền điện tử (Bitcoin) được gọi là tiền ảo nhưng có giá trị thực, được giao dịch với dung lượng ngày càng tăng.

Năm 2025 Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao... Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Tổng Bí thư đã chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là đối với các cơ quan Trung ương là vấn đề đặc biệt hệ trọng, có thể coi đây là một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy; tác động đến sự phát triển của đất nước. Đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Mục tiêu kế hoạch năm 2025 được Quốc hội thông qua là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3-5,4%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25- 26%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29-29,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 0,8-1%; số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt khoảng 15 bác sĩ; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 34,5 giường bệnh; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80,5- 81,5%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Quốc hội yêu cầu phải có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn; đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch năm 2024 đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng. Tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao; riêng lương thực, tính chung 11 tháng, xuất khẩu gạo đạt trên 8,5 triệu tấn, kim ngạch trên 5,3 tỷ USD, tăng lần lượt 10,6% và 22,4% so với cùng kỳ. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.

Tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước cả năm vượt trên 10% dự toán (thu NSNN 11 tháng bằng 106,7% dự toán và tăng 16,4% so với cùng kỳ ); bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị đẩy mạnh hợp tác quốc tế ngành Halal gồm những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt về thành phần, chế biến, vận chuyển, mở ra thị trường rộng lớn của các nước Hồi giáo.

Trước tình hình thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh vận dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, vận dụng kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro.

Chúc các doanh nghiệp một Năm Mới 2025 may mắn và thành công!

TS Lê Đăng Doanh

Các bài viết khác

Xem thêm

Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia đóng góp tích cực vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia

Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia được thành lập với sứ mệnh kết nối các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu. Hiệp hội hướng tới xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu vững mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và gia tăng giá trị dữ liệu trong nền kinh tế quốc dân.

Ra mắt Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia

Ngày 22/3, Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia chính thức ra mắt và tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025–2030. Đại tướng Lương Tam Quang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia

Tập trung cao độ, dành ưu tiên cao nhất cho công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội

Sau 2,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành 12 nội dung trong chương trình Phiên họp thứ 43. Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, nỗ lực hơn nữa, dành ưu tiên cao nhất cho công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội sẽ diễn ra vào đầu tháng 5 tới.

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025

Với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 diễn ra từ ngày 09/3/2025 đến ngày 13/3/2025 tại TP. Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh Đắk Lắk có nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn và mới mẻ so với những lần tổ chức trước.

Bộ Công Thương công bố quyết định về công tác cán bộ sau tinh gọn bộ máy

Chiều 4/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị công bố các quyết định về công tác cán bộ.

Sắp diễn ra Lễ phát động Toàn dân tiết kiệm năng lượng hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2025

Lễ phát động "Toàn dân tiết kiệm năng lượng hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2025" và Giải chạy hưởng ứng "Toàn dân tiết kiệm năng lượng hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2025" diễn ra vào sáng Thứ Bảy, ngày 08 tháng 3 năm 2025 tại Cổng Công viên Thống Nhất - Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.

Công đoàn Công Thương Việt Nam tổng kết phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Sáng 27/2, tại Sơn La, Công đoàn Công Thương Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Nữ công và khen thưởng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026

Ngày 18/2, sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 25 thành viên: Thủ tướng Chính phủ; 7 Phó Thủ tướng Chính phủ; 14 Bộ trưởng các Bộ và 3 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Cảnh báo gia tăng tình trạng ngộ độc dịp cuối năm

Đã từ lâu, rượu bia là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, gặp mặt, đặc biệt là khi Tết đến, Xuân về. Do nhu cầu tiêu thụ rượu tăng cao, trên thị trường xuất hiện nhiều loại rượu kém chất lượng, rượu giá rẻ không rõ nguồn gốc. Điều này làm gia tăng tình trạng ngộ độc rượu.

Quảng cáo và mua tạp chí