Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu trong tất cả các lĩnh vực. Đối với cơ quan báo chí, chuyển đổi số càng trở nên bức thiết hơn hết. sự phát triển mạnh mẽ và rộng lớn của công nghệ tạo thuận lợi cho lĩnh vực báo chí phát triển nhưng cũng là thách thức sống còn đối với người làm báo. Đòi hỏi những người làm báo ngày nay phải nhanh chóng bắt kịp với xu thế thời đại.
Các diễn giả là các nhà báo trao đổi tại Tọa đàm “Người làm báo trong kỷ nguyên số”.
Nắm bắt được nhu cầu thiết yếu đó, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2023 đã diễn ra được những nhu Tọa đàm “Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay”, talkshow “Người làm báo trong kỷ nguyên số”. Đây là cơ hội cho các nhà báo, các cơ quan báo chí cùng nhận diện xu hướng trên thế giới, từ đó định hướng sáng tạo và quản trị sáng tạo cho từng nhà báo và mỗi cơ quan báo chí…
Sự cần thiết của chuyển đổi số
Phát biểu tại buổi Tọa đàm“Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay”, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: “Tương lai của báo chí phụ thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương quan chặt chẽ hơn với độc giả”. “Chuyển đổi số là con đường khó khăn và liên tục. Chuyển đổi số là thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp, hoặc trong một số trường hợp đã tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Chúng ta có thể tạo ra hàng trăm sản phẩm mới phát triển ứng dụng mới nhưng những sản phẩm đó chẳng giúp ích gì nếu chúng ta không có tư duy mới, nếu không giải quyết những vấn đề văn hóa cốt lõi, sự phối hợp, cách tương tác với độc giả và cả cách tương tác với nhau trong tòa soạn thì chuyển đổi số không có tác dụng gì hết.
Ông Lê Quốc Minh cho rằng: “Chuyển đổi số đến từ con người chứ không phải công nghệ. Nhiều cơ quan báo chí cho rằng, chỉ cần mua một số máy móc, phần mềm là chúng ta chuyển đổi số xong. Một số cơ quan báo chí địa phương khi gửi đề án chuyển đổi số để tham vấn trước khi báo cáo lên Tỉnh ủy, chính quyền chỉ là kế hoạch mua thêm bao nhiêu máy tính, máy ảnh, máy quay, phần mềm - đó không phải chuyển đổi số. Mua sắm thiết bị hay công nghệ không phải chuyện khó, khả năng thích nghi với tương lai digital của mỗi cơ quan tùy thuộc vào việc phát triển kỹ năng mới, thu hẹp khoảng cách cung cầu nhân lực chất lượng cao, khai phá tiềm năng của chính mình và những người khác để vượt qua những thử thách”.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số là tạo thêm giá trị tương tác với người dùng và khách hàng, chuyển đổi số là thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục viết bài như thế, chụp ảnh như thế, làm chương trình phát thanh truyền hình như thế thì không gọi là chuyển đổi số, phải tạo ra những sản phẩm mới, thậm chí là văn hóa mới trong tòa soạn.
Ông Nguyễn Ngọc Long - Bí thư Đoàn Thanh niên cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu khách quan diễn ra trên mọi mặt của đời sống xã hội. Xu thế này đang ngày càng phát triển ở khắp nơi trên thế giới và Việt Nam. Trong đó, con người chính là trọng tâm của hoạt động chuyển đổi số và thanh niên cần là lực lượng tiên phong, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
TS Lê Vũ Điệp, giảng viên Học viện Bưu chính Viễn thông đã chia sẻ về công tác đào tạo sinh viên báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Theo TS Lê Vũ Điệp, báo chí là ngành ứng dụng công nghệ ở nhiều khâu trong quy trình sản xuất - sáng tạo. Thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí thông tấn đã đầu tư mạnh vào công nghệ, nhằm bổ sung các công cụ lao động cần thiết cho hoạt động nghiệp vụ, nâng cao chất lượng, tối ưu việc lan tỏa thông tin báo chí tới công chúng.
TS Lê Vũ Điệp cho biết, báo chí định hướng công nghệ, chính là kết quả của quá trình chuyển đổi số đối với lĩnh vực báo chí thông tấn hiện nay, và đây sẽ là tương lai bền vững của báo chí thông tấn trong giai đoạn tới. Số hóa là xu thế tất yếu và báo chí số là hướng phát triển không thể đảo ngược, giúp quản trị hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin báo chí với sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của công nghệ.
Thách thức lớn của người làm báo
Nói về những thách thức trong bối cảnh hiện nay, nhà báo Hồ Quang Lợi - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, công nghệ làm cho thế giới thay đổi, sự ra đời của các sản phẩm trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đặt ra các vấn đề cần phải giải quyết, đối với bản thân người làm nghề cần phải nhận thức rõ. Báo chí cũng phải gióng lên hồi chuông cảnh báo để công nghệ không "giết chết" cảm xúc của con người, nhà báo.
Nhà báo Hồ Quang Lợi lưu ý, thách thức lớn nhất là đánh mất mình trong thời đại số, nhà báo chạy theo luồng xã hội, không có kiểm chứng trong quá trình tác nghiệp; cái quan trọng nhất là đánh mất lương tâm của người làm nghề; làm nghề không phục vụ xã hội mà chỉ làm lợi cho bản thân mình.
Còn theo Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ quan T.Ư Hội nhà Báo Việt Nam Nguyễn Ngọc Long, trên thực tế, việc triển khai chuyển đổi số trong tổ chức Đoàn hiện nay còn chậm và chưa đồng bộ nếu xét toàn diện trên phạm vi tổng thể cả nước và một phần nguyên nhân trở ngại là do cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận đoàn viên, thanh niên còn tư duy ngại thay đổi trong việc tìm tòi, học hỏi, ứng dụng công nghệ; chưa mạnh dạn nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó để thể hiện vai trò, năng lực của tuổi trẻ.
Để chuyển đổi số thành công
Nhấn mạnh chuyển đổi số vô cùng khó khăn, ông Lê Quốc Minh cho rằng, chuyển đổi số là nhắc đến con người chứ không phải công nghệ. Tương lai của báo chí tùy thuộc vào việc xây dựng mối tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. "Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả là trung tâm có thể giúp thúc đẩy cả doanh thu từ độc giả cũng như doanh thu quảng cáo - ông Lê Quốc Minh cho biết và nhấn mạnh, các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch dựa trên quan điểm độc giả là trên hết và thu thập dữ liệu độc giả trực tiếp. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần chuẩn bị cho một "thế giới không cookie" thời gian tới, trong khi cân nhắc cơ chế giá và kết hợp các ấn phẩm in/digital.
Cùng với đó, ông Lê Quốc Minh cho rằng, cách tốt nhất để làm cho tổ chức đi theo con đường digital và lấy dữ liệu làm trung tâm là đầu tư một cách có chọn lọc vào những người có khả năng thích nghi cao nhất, ham học hỏi và linh hoạt. Bởi chẳng ai biết trong tương lai sẽ cần những kỹ năng gì, nên hãy đầu tư vào chính những người có khả năng phát triển chúng, năng lực công nghệ chỉ mang tính tạm thời, sự ham muốn kiến thức mới là vĩnh viễn. Và sự thay đổi cần đến từ cấp cao nhất.
"Trong đó, các yếu tố để chuyển đổi số thành công cần có những lãnh đạo am hiểu về công nghệ; xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên của tương lai; tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới; tăng cường sử dụng các công cụ digital; thường xuyên trao đổi thông qua các biện pháp truyền thống và digital" - ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Để phát huy sức sáng tạo thanh niên trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Hải Đăng - Đoàn Thanh niên báo Nhân Dân cho biết, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nên có sự kết hợp với Đoàn Thanh niên cơ sở, Đoàn Thanh niên cấp huyện để xây dựng những chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên môn kết hợp với kiến thức về gọi vốn khởi nghiệp, kiến thức pháp luật, đặc biệt là các quy định về luật doanh nghiệp liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo, vấn đề về luật thuế. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên cũng cần trở thành một tổ chức hỗ trợ ý tưởng sáng tạo khoa học nói chung, khoa học công nghệ nói riêng bằng cách trở thành kênh kêu gọi các nguồn quỹ xã hội hóa, kết hợp những nguồn lực của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Phải bằng những việc làm như thế, trên tinh thần quyết tâm, quyết liệt, thanh niên Việt Nam mới không bỏ lỡ cơ hội phát triển vàng như bây giờ.
Ánh Dương