Đại biểu Quốc hội ủng hộ nguyên tắc đã uống rượu, bia thì không lái xe, nhưng 'uống ngày trước đến sáng nay vẫn còn nồng độ cồn, nếu bị CSGT phạt thì vô lý'.
Sáng 27.3, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những nội dung hiện còn ý kiến khác nhau, đó là có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn?
Đại biểu Phạm Văn Hòa tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 khóa XV
"Uống 1 cốc bia mà tâm trí không tỉnh táo để lái xe là không chuẩn" Hiện nay, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh thiết kế 2 phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một là cấm tuyệt đối nồng độ cồn, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ.
Hai là giữ nguyên như luật Giao thông đường bộ năm 2008: chỉ cấm tuyệt đối với ô tô, máy kéo và xe máy chuyên dùng; còn mô tô, xe gắn máy sẽ có ngưỡng tối thiểu (50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở). Nếu áp dụng, luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ phải sửa đổi.
Cho ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ phương án 2, tức là cần có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu.
Ông Hòa nói, hiện nay người lao động nông thôn nhiều gấp 2 lần ở thành thị, "ở thành thị người ta có lái xe đi, còn lao động bình thường như ở Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long nếu quy định 100% không có nồng độ cồn thì không khả thi".
Vị đại biểu lấy dẫn chứng ngay với bản thân mình, rằng "nếu uống 1 cốc bia hoặc 1 cốc rượu, không biết người khác sao chứ tôi tâm trí vẫn bình thường, lái xe vẫn tốt. Uống 1 cốc bia mà tâm trí không tỉnh táo để lái xe là không chuẩn".
Vẫn theo ông Hòa, người dân Việt Nam có truyền thống lâu đời là đám tiệc, hiếu hỉ thường uống một chút rượu, bia. Ông hoàn toàn ủng hộ đã uống rượu, bia thì không lái xe, nhưng "uống ngày trước đến sáng nay vẫn còn nồng độ cồn, nếu bị CSGT phạt thì vô lý".
Vì thế, vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị Quốc hội xem xét, cơ quan y tế cũng cần phối hợp để có tính toán về vấn đề này.
'Uống cốc bia hôm trước, sáng nay vẫn bị phạt nồng độ cồn thì vô lý'
- Ảnh 2.Nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn hay không vẫn còn là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau
HOÀNG TUÂN
"Ngồi vào bàn rồi, sao xác định được thế nào là trong ngưỡng"Ngược lại với quan điểm của đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Trị) bày tỏ ủng hộ với phương án 1, tức là cấm tuyệt đối nồng độ cồn.
Theo nữ đại biểu Tâm, quy định như trên không phải là mới, mà chỉ kế thừa quy định đang có tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ góp phần phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro do hành vi điều khiển phương tiện mà đã uống rượu, bia gây ra.
Dù vậy, thực tiễn cho thấy việc sử dụng rượu, bia được xem là nét văn hóa, thói quen của một bộ phận người dân, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm rượu, bia cũng đóng góp cho ngân sách một phần không nhỏ, tạo việc làm cho người lao động… Việc cấm tuyệt đối sẽ ảnh hưởng nhất định đến những vấn đề này.
Để thuyết phục hơn, đại biểu Tâm đề nghị cần có đánh giá tác động chính sách toàn diện hơn, đưa ra các số liệu để chứng minh rằng nếu đưa ra ngưỡng nồng độ cồn là không khả thi, khó kiểm soát tai nạn giao thông.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn, vì "tính mạng, sức khỏe con người là trên hết, trước hết".
Ông Thắng nói ban đầu rất băn khoăn vì việc cấm tuyệt đối nồng đồn sẽ dẫn tới những tác động nhất định. Nhưng sau khi nghiên cứu các con số về tai nạn giao thông, kết quả mang lại từ việc xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, ông đã quyết định chọn phương án 1.
"Nếu có ngưỡng và vượt ngưỡng mới bị xử lý, khi đã ngồi vào bàn rồi thì sao xác định được uống thế nào là trong ngưỡng, thế nào là vượt ngưỡng", ông Thắng nói, và cho rằng, cấm tuyệt đối sẽ góp phần hình thành văn hóa đã uống rượu, bia thì không lái xe.
Vì thế, cấm tuyệt đối nồng độ cồn là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, bảo vệ cho chính gia đình của người điều khiển phương tiện giao thông.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) ủng hộ việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn, nhưng kiến nghị nghiên cứu phân hóa mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, tùy theo ngưỡng. Ví dụ, nếu tài xế xe máy vi phạm ngưỡng thấp nhất (ngoại trừ chở người, chở hàng) thì chỉ nên xử phạt hành chính, không tước giấy phép lái xe.
Theo Thanhnien