Ngày 25/7, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) gửi Công văn số 52/CV-VBA tới Bộ Y tế về việc góp ý Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi).
Vấn đề liên quan tới hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại... ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người tiêu dùng. VBA và các doanh nghiệp đồ uống ủng hộ việc khẩn trương xây dựng Luật An toàn Thực phẩm (sửa đổi), tuy nhiên đây là một Dự án Luật quan trọng, có tác động sâu rộng tới nhiều đối tượng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, sản xuất nhập khẩu thực phẩm đòi hỏi thời gian đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện. Đơn cử, Dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (Nghị định 15) đã được lấy ý kiến từ đầu năm 2025 nhưng đến nay vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất để ban hành.
Sau khi khẩn trương tổng hợp ý kiến từ một số doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội VBA xin gửi ý kiến đóng góp ban đầu vào Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi):
I. Đề xuất về Quy trình và Thời gian xây dựng Luật:
- VBA đề nghị Bộ Y tế cân nhắc việc xây dựng Dự án Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) theo thủ tục 2 kỳ họp thay vì một kỳ họp như dự kiến, để có thời gian đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện.
- Hiệp hội cũng đề nghị điều chỉnh thời gian ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP sau khi Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, tránh việc ban hành Nghị định trong năm 2025 nhưng lại phải sửa đổi sau đó.
- VBA kính đề nghị gia hạn thời hạn lấy ý kiến Hồ sơ Dự án Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) ít nhất 20 ngày kể từ ngày đăng mạng (tức là đến ngày 08/08/2025).
II. Góp ý chi tiết về các điều khoản trong Dự thảo Luật:
Điều 2. Giải thích từ ngữ:
Thực phẩm: Đề xuất thay đổi định nghĩa theo Codex standard 1-1985 (TCVN 7087:2013) để thống nhất và đầy đủ hơn.
Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và Thực phẩm bổ sung: Đề xuất làm rõ hai định nghĩa này để tránh chồng chéo và hiểu nhầm, phân biệt rõ thực phẩm thông thường được bổ sung vitamin, khoáng chất (fortified foods) và thực phẩm bổ sung các yếu tố có lợi khác (supplemented food).
Nguyên liệu làm thực phẩm: Đề nghị bổ sung “hoặc đã qua chế biến” vào định nghĩa để phù hợp với thực tế quản lý và kinh doanh sản xuất (ví dụ: gelatin, collagen).
Thực phẩm giả: Đề nghị quy định tương tự như “Hàng giả” trong Khoản 7 Điều 3 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Điều 4. Chính sách của Nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm & Điều 6. Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm:
Đề xuất quy định rõ hơn về việc “công nhận, thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực thực phẩm” như công nhận về tiêu chuẩn chất lượng và phân loại sản phẩm. Cụ thể, sản phẩm được phân loại ở nước sản xuất/các nước tiên tiến thì cũng được công nhận tại Việt Nam.
Về mức phạt tiền, đề nghị bỏ nội dung này trong Luật và có Quy định xử lý vi phạm riêng; hoặc cân nhắc điều chỉnh thống nhất theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện hành, chỉ tính trên giá trị hàng hóa đã tiêu thụ.
Điều 7 và Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực phẩm:
Đề xuất bổ sung “Tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực phẩm có quyền lựa chọn các cơ sở kiểm nghiệm ở nước ngoài đạt chuẩn quốc tế trong trường hợp các cơ sở kiểm nghiệm trong nước không đủ năng lực thực hiện”.
Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký lưu hành hoặc tự công bố:
Đề xuất sửa đổi việc thông báo thu hồi sản phẩm, chỉ yêu cầu thông báo khi có quyết định thu hồi sản phẩm tại nước xuất xứ đối với sản phẩm đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực, trừ trường hợp tự nguyện thu hồi vì lý do thương mại. Bỏ yêu cầu thông báo khi có quyết định thu hồi thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm tại bất kỳ nước nào trên thế giới.
Điều 11. Điều kiện chung về bảo đảm an toàn, chất lượng đối với thực phẩm, nguyên liệu làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm:
Đề nghị bỏ quy định “Thực phẩm, nguyên liệu làm thực phẩm nhập khẩu phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng” để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Đề nghị áp dụng kiểm tra 03 phương thức.
Điều 13. Hình thức, đối tượng cấp, gia hạn, thay đổi giấy đăng ký lưu hành hoặc tự công bố:
Trường hợp miễn đăng ký: Làm rõ nguyên liệu được miễn đăng ký là nguyên liệu chỉ dùng để sản xuất nội bộ, không tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Trường hợp thay đổi phải đăng ký lại: Đề nghị chỉ yêu cầu đăng ký lại khi có thay đổi về thành phần, hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng của các thành phần tạo nên công dụng sản phẩm, dạng bào chế, công dụng, đối tượng, liều dùng, xuất xứ. Các thành phần phụ liệu không ảnh hưởng chất lượng sản phẩm hoặc thay đổi cơ sở sản xuất trong cùng quốc gia không thay đổi xuất xứ thì cho phép thông báo.
Điều 14, 15, 16, 21: Đề xuất nội dung quy định chi tiết trong các Điều này nên thể hiện trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Điều 15. Hồ sơ, thủ tục đăng ký lưu hành hoặc tự công bố thực phẩm… thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành hoặc bản tự công bố:
Kiến nghị không quy định thời hạn hiệu lực đối với bản tự công bố để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về nội dung công bố và đã có quy định phải công bố lại khi có thay đổi nội dung.
Điều 16. Thu hồi giấy đăng ký lưu hành hoặc hủy bỏ bản tự công bố:
Đề nghị sửa đổi việc thu hồi giấy tờ dựa trên quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ, trừ trường hợp tự nguyện thu hồi vì lý do thương mại.
Đề xuất quy định chi tiết các trường hợp bị thu hồi giấy đăng ký lưu hành hoặc hủy bỏ bản tự công bố do vi phạm chất lượng, thay vì quá chặt chẽ như hiện tại, cần phân loại mức độ và số lần vi phạm.
Điều 24. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, nguyên liệu làm thực phẩm... xuất khẩu:
Đề nghị bỏ Khoản 1 Điều 24 ("Đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam" đối với thực phẩm xuất khẩu) vì không phù hợp và gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu khi sản phẩm cần đáp ứng quy định của nước nhập khẩu mà có thể khác với Việt Nam.
Điều 32. Phân loại và quản lý theo nhóm nguy cơ:
Kiến nghị việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí để xác định nhóm nguy cơ cần có sự tham gia của các Bộ ngành khác bên cạnh Bộ Y tế là đơn vị chủ trì hoặc các nguyên tắc tiêu chí này sẽ do Chính phủ ban hành trên cơ sở đề xuất của các Bộ, nhằm đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn quản lý và đánh giá đúng mức độ nguy cơ.
Điều 33. Trách nhiệm thực hiện phân tích nguy cơ:
Kiến nghị thống nhất một đầu mối quản lý là Bộ Y tế theo tinh thần chung của dự thảo luật, và làm rõ nội dung về phân tích nguy cơ.
Điều 35. Khắc phục sự cố:
Kiến nghị quy định cụ thể cơ quan chức năng nào là nơi tiếp nhận khai báo sự cố (UBND, Công an, Trạm Y tế, v.v.), và Bộ Y tế là cơ quan tiếp nhận theo tinh thần chung của dự thảo luật thống nhất một đầu mối quản lý, đảm bảo tính kịp thời.
Điều 38. Tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký lưu hành và tự công bố:
Kiến nghị chỉ áp dụng đối với các vi phạm nghiêm trọng hoặc doanh nghiệp không tuân thủ các quyết định xử lý vi phạm. Chỉ áp dụng đối với việc đăng ký, công bố mới, không áp dụng đối với các đăng ký, công bố đã có mà không liên quan đến vi phạm đến thời hạn phải đăng ký lại. Đồng thời, kiến nghị có Nghị định hướng dẫn chi tiết để thi hành.
III. Các ý kiến khác:
Kiến nghị làm rõ mối quan hệ giữa Luật An toàn thực phẩm với các luật chuyên ngành khác như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Quảng cáo, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, để áp dụng pháp luật được thống nhất trong quản lý đối với các sản phẩm đồ uống có cồn.
Về gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành, đề xuất giữ nguyên số đăng ký sau khi gia hạn, cho phép gia hạn tự động với hồ sơ thông báo đơn giản hóa, và giấy đăng ký được tiếp tục sử dụng khi đã nộp hồ sơ gia hạn và chưa có thông báo tạm dừng sử dụng từ Bộ Y tế.
Chi tiết: TẠI ĐÂY