Xem xét chưa sửa đổi Luật thuế TTĐB ít nhất trong 2 năm tới và không bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB đối với một số mặt hàng đồ uống...

21/03/2023 - 08:23 AM
662 lượt xem
Cỡ chữ

Ngày 20-3-2023, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (Hiệp hội) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc "Góp ý đối với Đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi)".

Theo đó, phúc đáp Công văn số 1585/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến cho đề nghị xây dựng dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi), Hiệp hội xin được trình bày và đóng góp một số ý kiến như sau:

I. Bối cảnh kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế

Năm 2023, với dự báo nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Việt Nam phải kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cung - cầu, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để có thể duy trì nhịp tăng trưởng... để có thể hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5% và các chỉ tiêu khác.

Bên cạnh đó những tác động từ khủng hoảng kinh tế chính trị thế giới và hậu đại dịch Covid 19, cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thách thức, nhất là đơn hàng suy giảm do lạm phát cao trên thế giới, tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng cao, cùng với đó là hàng loạt các chi phí đầu vào khác cũng tăng như điện, nước, nguyên liệu v.v gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.

II. Thực trạng của Ngành đồ uống

Ngành đồ uống đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi trong năm 2022 nhờ những hỗ trợ về mặt vĩ mô của Chính phủ, nỗ lực của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, không nằm ngoài những điều kiện, khó khăn, thách thức chung của toàn ngành kinh tế, ngành đồ uống cũng đã đang tìm mọi cách để giữ đà hồi phục, sớm thích nghi và phát triển bền vững trong điều kiện, tình hình mới trong năm 2023. Cụ thể những khó khăn, thách thức như sau:

- Do tình trạng thiếu đơn hàng, một số ngành sử dụng nhiều lao động đã phải cắt giảm lao động khiến thu nhập của người lao động giảm đáng kể. Thêm vào đó, bối cảnh lãi suất tăng và đồng Việt nam suy yếu khiến người dân phải cân nhắc, thắt chặt chi tiêu, các tổ chức quốc tế như World Bank, ADB, IMF… đều có chung nhận định về một năm 2023 đầy khó khăn và bất định với kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam.

- Các doanh nghiệp ngành đồ uống phải chuẩn bị nguồn lực, kinh phí để thực hiện trách nhiệm tái chế theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2024. Đây là khoản đóng góp không nhỏ trong hoàn cảnh doanh nghiệp mới phục hồi sau đại dịch.

- Xung đột Nga-Ucraina đã và đang có những tác động tiêu cực tới nguồn nguyên liệu sản xuất của ngành, đứt gãy chuỗi cung ứng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt (như: Hoa houblon, vỏ lon, chi phí logistics, … tăng từ 15%-30%). Việc tăng chi phí đã vượt quá khả năng gánh chịu của DN nên bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán, từ đó đầy chi phí sang người tiêu dùng. Từ 2022, giá bán bia cũng đã tăng trên 10% cao hơn tỷ lệ lạm phát (4%), thậm chí cao hơn cả mức tăng giá trung bình của ngành hàng tiêu dùng nhanh (8%) và thu nhập bình quân đầu người (9,5%).

- Thực trạng hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu do dân tự nấu vẫn đang là thách thức lớn đối với các nhà quản lý. Các sản phẩm bất hợp pháp này không được đăng ký hợp pháp, không chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không nộp thuế nên đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng con người, tài sản, trật tự an toàn xã hội, cũng như gây thất thu thuế đáng kể.

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung cao điểm, tuần tra, kiểm soát, xử lý theo chuyên đề vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện điều khiển giao thông trên toàn quốc, một mặt đã giúp tăng việc nhận thức, nghiêm túc trong việc thi hành các quy định về Luật Phòng chống tác hại rượu bia, đặc biệt là “đã uống rượu bia, không lái xe”, một vấn đề đòi hỏi phải có thời gian và kiên trì tuyên truyền để người dân tự giác tuân thủ. Vì vậy, vấn đề này cũng có những tác động ngay tới việc giảm tiêu thụ mặt hàng rượu bia trong các nhà hàng, khách sạn v.v.

III. Kiến nghị và Cơ sở của các kiến nghị

1. Xem xét chưa sửa đổi Luật thuế TTĐB ít nhất trong thời gian 2023-2024 để giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch, đặc biệt là cải cách chính sách chính sách thuế trong giai đoạn hiện nay và đến năm 2025.

Việc cải cách các chính sách hiện nay nhất là các chính sách liên quan đến doanh nghiệp cần đảm bảo không ảnh hưởng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội và Chính phủ. Qua rà soát, các chủ trương cải cách chính sách hiện nay, đặc biệt là chính sách thuế, mục tiêu của các chính sách trong giai đoạn đến hết năm 2025 là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cải cách chính sách thuế là “Về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn 05 năm 2021 - 2025 và 2026 – 2030”; “Đến năm 2025: Trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19”. 

Hiệp hội hoàn toàn nhất trí và đánh giá rất cao ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngày 22/8/2022, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như sau: “bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới đề xuất quy định trong luật, những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa có sự đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu thận trọng, thấu đáo”.  Chúng tôi rất mong tinh thần này của Chủ tịch Quốc hội sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động xây dựng pháp luật nói chung và sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng trong những năm tới.

2. Dự thảo Luật thuế TTĐB cần được xem xét, thảo luận và thông qua tại hai Kỳ họp Quốc hội

Những thay đổi liên quan đến chính sách thuế thường sẽ có tác động lớn không chỉ đến những đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của Luật này mà còn nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế có liên quan. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi những quy định làm tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện và tham vấn đầy đủ các ý kiến đặc biệt là các đối tượng chịu tác động Vì vậy,  cần tránh áp dụng qui trình rút gọn để không làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự thảo và để tránh các hệ luỵ về lâu dài và theo đúng tinh thần chỉ đạo nêu trên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật thuế TTĐB cần được xem xét theo quy trình 02 kỳ họp để đảm bảo đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ và có sự thống nhất cao. 

3. Không bổ sung mặt hàng Đồ uống có đường,

 Thức uống đại mạch và Nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB

3.1 Đối với đồ uống có đường

Theo tờ trình của Bộ Tài chính, mục đích của việc bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng điều chỉnh của thuế TTĐB nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung, giảm tỉ lệ béo phì và bệnh tiểu đường nói riêng, cũng như tăng thu ngân sách. Dựa trên các nghiên cứu khoa học của các chuyên gia về dinh dưỡng, y tế, và kinh tế cũng như dựa trên thực tiễn thi hành chính sách thuế tại các nước đã áp dụng những chính sách thuế tương tự, chúng tôi cho rằng đề xuất này chưa phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, chưa có những cơ sở khoa học hợp lý, không khả thi trong việc đạt được các mục tiêu nêu trên và có thể gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội khác. Cụ thể là:

a) Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân béo phì, tiểu đường mà đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính.

Đồng thời, các khảo sát thực tế cho thấy đồ uống có đường cũng không phải là nguồn cung cấp năng lượng và calo lớn nhất cho cơ thể. Có rất nhiều loại thực phẩm có hàm lượng calo cao và việc tiêu thụ thường xuyên những loại thực phẩm này cùng với việc thiếu vận động thể chất cũng có thể gây ra thừa cân béo phì (TCBP) và tiểu đường. Vì vậy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là không hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ mắc các bệnh nêu trên trong khi đó lại tạo nên một chính sách mang tính phân biệt đối với một loai thực phẩm có chứa đường trong số những loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo lớn khác.

Tài liệu của WHO về thừa cân, béo phì cũng như các nghiên cứu quốc tế, đặc biệt là hướng dẫn của Bộ Y tế về bệnh thừa cân béo phì tại Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 đã chỉ ra rằng TCBP là một căn bệnh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều đến từ sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Các nguyên nhân hàng đầu bao gồm (i) chế độ dinh dưỡng không hợp lý  bao gồm cả việc tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm, nhiều muối và không đủ chất xơ; (ii) thiếu hoạt động thể chất, lười vận động.  Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối tương quan giữa TCBP với tuổi tác, trình độ học vấn, môi trường sinh sống làm việc, thời gian ngủ, di truyền, nội tiết, sử dụng thuốc. 

Đặc biệt, tại Việt Nam, một nghiên cứu  của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2019 đã chỉ ra rằng nhóm học sinh thành thị có tỷ lệ TCBP cao hơn nhóm học sinh nông thôn (41,9% với 17,8%) nhưng lại có tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt (≥3 lần/tuần) thấp hơn (lần lượt là 16,1,% và 21,6%). Đồng thời, nhóm học sinh tiểu học TCBP tiêu thụ chất béo (≥3 lần/tuần) có xu hướng cao hơn nhóm HS không TCBP (78,3 % với 75,1%). So với nước ngọt (21,6% ở khu vực nông thôn và 16,1% ở khu vực thành thị), tỷ lệ trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác (bánh kẹo, kem chè …) còn cao hơn rất nhiều chiếm 51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn.

b) Kinh nghiệm quốc tế cho thấy áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường không hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Trong số 193 nước trên thế giới, chỉ có 54 nước, tức khoảng 1/4 số quốc gia trên thế giới, đánh thuế lên nước giải khát bổ sung đường (chứ không phải là đồ uống có đường), 3/4 các quốc gia không đánh thuế.

Hiện nay thực tế ở một số các quốc gia đã áp dụng thuế đối với đồ uống có đường cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì lại có xu hướng gia tăng sau khi thực hiện chính sách này như Na Uy, Chi-lê, Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan, Latvia. Thậm chí, Đan Mạch còn bãi bỏ chính sách thuế này vì không có tác động đáng kể đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, một số khảo sát thực tế ở các nước đã và đang áp dụng công cụ này cũng chỉ ra rằng không phải lúc nào áp dụng chính sách thuế này cũng dẫn tới việc giảm tiêu thụ các sản phẩm này.

c) Mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam, đặc biệt là nước giải khát không cao so với hiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước có mức tiêu thụ các sản phẩm này cao hơn Việt Nam rất nhiều cũng không áp thuế đối với các sản phẩm này

Mức tiêu thụ đồ uống có đường, đặc biệt là nước giải khát tại Việt Nam theo tính toán từ số liệu của Bộ Tài chính cho thấy có những xu hướng sút giảm. Đồng thời mức tiêu thụ đồ uống bao gồm cả đồ uống có đường và đặc biệt là nước ngọt theo các số liệu này so với nhiều nước trên thế giới là không cao. Nhiều nước có mức tiêu thụ các sản phẩm này cao hơn Việt Nam rất nhiều nhưng cũng không áp thuế đối với các sản phẩm này.

Cụ thể, với sản lượng đồ uống và nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt lần lượt là 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít năm 2020  thì tỉ lệ trung bình tiêu thụ đồ uống nói chung tại Việt Nam năm 2020 là khoảng 34,1 lít/người/năm còn tỉ lệ tiêu thụ nước ngọt có ga là 15,5 lít/người/năm. So với tỉ lệ tiêu thụ đồ uống có đường năm 2018 là 50,7 lít/ người/ năm   thì tỉ lệ tiêu thụ này trong vòng hai năm đã có sự suy giảm hơn nhiều. Nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn rất nhiều so với Việt Nam cũng không áp dụng thuế đối với sản phẩm này. Ví dụ, 15/26 quốc gia châu Âu có lượng tiêu thụ đồ uống có đường trên 100 lít/người/năm không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường nói chung hay nước giải khát nói riêng. Tại châu Á, 03 quốc gia có lượng tiêu thụ đồ uống có đường lớn nhất là Nhật Ban (116kg/người/năm), Pakistan (62kg/người/năm) và Trung Quốc (61kg/người/năm) đều không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

d) Áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường không chỉ gây ra những tác động tiêu cực đối với ngành đồ uống mà còn gây ra những hệ luỵ đối với nhiều ngành kinh tế có liên quan cũng như cả nền kinh tế. 

Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính hiện nay mới chỉ dựa trên các đánh giá định tính, chưa có các đánh giá định lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, một nghiên cứu do Viện quản lý kinh tế Trung ương tiến hành vào năm 2018 cho thấy nếu áp thuế TTĐB 10% đối với đồ uống có đường, doanh thu của ngành đồ uống sẽ giảm 3.928 tỷ đồng, trong khi mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 1.525,9 tỷ đồng. Đồng thời chính sách thuế này nếu áp dụng sẽ kéo theo tác động lan toả đến nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng như toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, giá trị nền kinh tế được dự báo sẽ giảm 0,135%; GDP giảm 0,115%; thu nhập từ sản xuất giảm 0,155%; thặng dư sản xuất giảm 0,083%; lao động giảm 0,192%; và thuế gián thu từ ngành sản xuất có thể giảm từ 0,065 đến 0,085%.

3.2 Bổ sung thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB là không phù hợp với tinh thần của Luật thuế TTĐB và mục tiêu của đề án sửa đổi luật.

a) Đối với Thức uống đại mạch

Tại Việt Nam, luật thuế TTĐB được ban hành nhằm mục đích điều tiết sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng các loại hàng hóa dịch vụ cần hạn chế tiêu dùng, ví dụ như hàng hóa xa xỉ, hàng hóa có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường. Như vậy, nguyên tắc xác định một loại hàng hóa có cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay không cần dựa trên bản chất và tác động khi tiêu dùng sản phẩm đó. Việc xác định đồ uống đại mạch là đối tượng chịu thuế trên cơ sở có quy trình sản xuất, hương vị và hình thức tương tự như bia là không phù hợp với tinh thần và mục đích đánh thuế của luật thuế TTĐB.

Xét về mặt bản chất “thức uống đại mạch”:

- Không phải là bia theo quy định tại Điều 2.2 của Luật phòng chống tác hại rượu, bia;

- Không phải là sản phẩm xa xỉ;

- Không chứa cồn - tác nhân gây hại đến sức khỏe.

- Chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào kết luận rằng thức uống đại mạch có hại cho sức khỏe

Theo đó, chúng tôi cho rằng cơ sở để Bộ Tài chính Bổ sung thức uống đại mạch vào đối tượng chịu thuế TTĐB để hạn chế sản xuất, tiêu thụ là chưa phù hợp. Lập luận do quy trình sản xuất thức uống đại mạch giống quy trình sản xuất bia do vậy nên xem xét như bia là không hợp lý.

Thêm vào đó, căn cứ đề xuất chỉ dựa vào một số quốc gia Hồi giáo đã áp sắc thuế này (chẳng hạn như Oman), tham chiếu này là hoàn toàn không phù hợp vì khoảng cách khác biệt quá lớn giữa Oman và Việt Nam về kinh tế - xã hội, bối cảnh, hành vi tiêu dùng, ngay cả mục tiêu của mỗi quốc gia về chính sách thuế đối với đồ uống cũng khác nhau.

Thức uống đại mạch giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn sử dụng các sản phẩm này thay thế cho bia, rượu, đồ uống có cồn - là mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng theo mục tiêu của luật thuế TTĐB.

Do vậy, chúng tôi thấy rằng các sản phẩm này nên được tạo điều kiện phát triển thay vì hạn chế sản xuất, tiêu dùng và đánh thuế là không có cơ sở chính đáng.

b) Đối với Nước giải khát không cồn

Bên cạnh đồ uống có đường, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung “nước giải khát không cồn” vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên, đề cương dự thảo Luật chưa làm rõ phạm vi các sản phẩm “nước giải khát không cồn” cũng như không có giải trình cụ thể về lý do và mục đích áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm này, vì đây không phải là các sản phẩm cần hạn chế tiêu dùng. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có quy định về khái niệm “nước giải khát không cồn”. Trong khi đó,  theo Tiêu chuẩn quốc gia về nước giải khát (TCVN 12828:2019) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng, nước giải khát bao gồm: đồ uống hương liệu (kể cả nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giả và các đồ uống đặc biệt khác), nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè, đồ uống thảo mộc, nước giải khát có chứa nước trái cây và các loại đồ uống từ ngũ cốc).

Rất nhiều các sản phẩm trên không có ảnh hưởng đối với sức khỏe mà thậm chí còn cần được khuyến khích. Ví dụ, nước điện giải là một sản phẩm được dùng trong y tế, nước uống thể thao được dùng để hỗ trợ việc luyện tập thể thao và hoạt động thể chất cần được khuyến khích. Trong khi đó,  chè và cà phê là những mặt hàng nông sản quan trọng của Việt Nam cần khuyến khích phát triển. Uống trà và cà phê cũng là một nét văn hóa của Việt Nam cần được duy trì. Việc áp dụng thuế TTĐB đối với các mặt hàng này là đi ngược mục tiêu bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, truyền thống, văn hóa của người Việt Nam và các khuyến nghị khoa học về giảm thừa cân, béo phì.

Vì vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan liên quan sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng các đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách thuế dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng một chính sách thuế công bằng vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.  Chúng tôi tin rằng, các giải pháp như tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng về chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực… sẽ giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu về sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển kinh tế và xã hội. Các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước nhằm triển khai các giải pháp nêu trên. 

Nội dung chi tiết tại đây

Các bài viết khác

Xem thêm

Cần những chính sách vừa hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội vừa giải quyết bệnh không lây nhiễm hiệu quả

Ngày 9/4/2024, tại Hà Nội, Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, nguyên nhân và khuyến nghị các giải pháp phòng chống” nhằm chỉ ra những nguyên nhân phát sinh, cũng như đề ra những khuyến nghị, giải pháp tầm soát các căn bệnh này.

Kỳ 2: Uống bia và nỗi lo phấp phỏng nồng độ cồn

Câu hỏi “Mất bao lâu để nồng độ cồn về 0, để có thể tham gia giao thông?” có lẽ là câu hỏi được tra cứu trên google của không phải ít người trong thời gian vừa qua.

KỲ 1: Nhà hàng, hộ kinh doanh bia khốn đốn - cần chính sách hài hòa các mục tiêu vì sự phát triển bền vững  

​​​​​​​Trong mấy năm gần đây, nhất là từ dịp Tết Nguyên đán 2024 đến nay, các đại lý, cửa hàng, quán bia rơi vào cảnh khốn đốn, kinh doanh ảm đạm, nhà hàng vắng khách, cắt giảm nhân viên, kéo theo đó là các mặt hàng nông sản, thực phẩm cũng bị ảnh hưởng.

'Uống cốc bia hôm trước, sáng nay vẫn bị phạt nồng độ cồn thì vô lý'

Đại biểu Quốc hội ủng hộ nguyên tắc đã uống rượu, bia thì không lái xe, nhưng 'uống ngày trước đến sáng nay vẫn còn nồng độ cồn, nếu bị CSGT phạt thì vô lý'.

Xem xét bổ sung, sửa đổi quy định về an toàn thực phẩm theo hướng thúc đẩy an toàn kinh doanh

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm - từng được coi là ví dụ điển hình về cải cách của môi trường kinh doanh - đã đến lúc cần được nghiên cứu, hoàn thiện để có thể áp dụng vào thực tế các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thực phẩm.

2 phương án về nồng độ cồn - cần căn cứ vào thực tế và ý kiến dư luận

​​​​​​​Trong những ngày trung tuần tháng 3 vừa qua, nhiều báo, tạp chí đã phản ánh về 2 phương án về nồng độ cồn. Theo đó, sáng 15/3, tiếp tục Phiên họp 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định về nồng độ cồn khi lái xe. Đây cũng là vấn đề được hầu hết các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm phản ánh trong những ngày qua.

Kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành đồ uống

​​​​​​​Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp ngành Đồ uống đang đối mặt khiến doanh thu sụt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2023 và dự báo còn tiếp tục kéo dài, những ngày qua, các cơ quan báo chí đã đồng loạt phản ánh và truyền đi thông điệp là những kiến nghị của các doanh nghiệp nhằm giúp ngành đồ uống phục hồi kinh tế và tiếp tục đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quảng cáo và mua tạp chí

Bình chọn trực tuyến

🔴 Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia cũng như các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này có nghĩa, khác với quy định trước đây là cứ có nồng độ cồn khi lái xe là bị phạt. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.