Ấm lòng tình làng nghĩa xóm từ những bao vỏ chai của má

03/07/2023 - 10:10 AM
241 lượt xem
Cỡ chữ

Những ngày tháng 4, dọc các tuyến đường dẫn vào trụ sở ủy ban, nhà văn hóa, đài tưởng niệm liệt sĩ xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được trang hoàng với những hàng cờ đỏ sao vàng và pa-nô khẩu hiệu chào mừng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa trong niềm vui tết độc lập cũng là ngày tía má tôi nấu mâm cơm dâng cúng giỗ bà nội tôi – Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Vẹn.

Dù bận rộn mua bán tạp hóa, bia - nước giải khát nhưng ngày giỗ nội là một tay má lo trong ngoài. Không riêng vùng đất Long An quê tôi mà ở bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S này đều xem việc thờ cúng tổ tiên và giỗ quải là một nét đẹp trong đời sống văn hóa. Đây là dịp các con cháu tề tựu đông đủ, cùng nhau quây quần mỗi người một tay cùng nhau nấu mâm cơm cúng tổ tiên ông bà. Ngày giỗ không chỉ là dịp tỏ lòng biết ơn của thế hệ con cháu với những người đã khuất, mà đây còn là dịp ba má tôi gửi lời mời khách khứa, bà con cô bác chòm xóm đến dùng bữa cơm, uống ly rượu với gia đình. Má nói, đó là cái tình cái nghĩa, thắt chặt tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau.

Thông thường, nếu khi xưa những khách khứa và bà con cô bác xóm tôi đến tham dự ngày giỗ thường mang lễ vật dâng cúng là bánh trái cây nhà lá vườn, đôi ba lít rượu đế… thì ngày nay đa phần là những thùng bia, thùng nước ngọt tiện lợi nhanh gọn. Xế chiều, buổi tiệc kết thúc, má cùng các chị dọn dẹp. Tôi phụ má một tay quét rác, lon bia, lon nước ngọt, chai nước suối đem đổ đống rác cạnh chuồng bò của tía. Loay hoay với các bàn tiệc, đến lúc thấy bàn ghế được xếp ngay ngắn, má sực nhớ hỏi tôi:

- Con quét rác đổ đâu sao má không thấy vỏ lon bia, nước ngọt hay vỏ chai nước suối đâu hết?

- Dạ, con gom hết đổ ngoài đống rác kế bên chuồng bò rồi má! - Tôi nhanh đáp lời.

Vừa nghe tôi nói, má liền đến cửa chuồng bò lấy 3 vỏ bao phân ure mà tía đã giặt sạch sẽ phơi khô đưa cho tôi rồi bảo:

- Cầm 3 cái bao này đi theo má!

Trong đầu tôi thầm nghĩ “không biết má kêu mình đem 3 cái bao ra đống rác làm gì vậy?”. Đến nơi, tôi chưa kịp có câu trả lời cho suy nghĩ của chính mình thì má nói:

- Con lựa lon bia, lon nước ngọt, chai nước suối mỗi loại đựng vào 1 bao phụ má!

Trước hành động và câu nói của má, hai mắt tôi tròn xoe tỏ vẻ ngạc nhiên, thắc mắc. Thấy thế, má vừa cầm từng loại bỏ vào từng bao rồi nói:

- Con nhìn trên lon bia có ký hiệu 3 mũi tên xoay tròn với dòng chữ alu ở giữa là có ý nghĩa là tái chế, là làm mới , còn trên lon nước ngọt có ký hiệu vòng Mobius là biểu tượng tái chế, nó được sử dụng để nhắc nhở mọi người nên tái chế các sản phẩm chứ không nên vứt bỏ vào thùng rác đó con!

Tôi nhanh trí cầm chai nước suối lên chỉ vào biểu tượng cạnh 4 chữ “HÃY TÁI CHẾ TÔI” hỏi má:

- Má ơi, vậy là chai nước suối này cũng được tái chế phải không ạ? Má mỉm cười nhìn tôi:

- Đúng rồi con!

Sau một hồi, hai má con cũng thu gom, phân loại xong được 3 bao lon bia, lon nước ngọt và chai nước suối. Tôi cứ tưởng, 3 bao ấy sẽ được để vào nhà kho chờ bán “ve chai” một lượt, nhưng không. Điều làm tôi ngạc nhiên đó là má vào nhà lấy chục bánh ít (bánh ích) và bảo tôi:

- Con xách 3 bao vỏ lon này đi theo má!

Thấy tôi tỏ vẻ thắc mắc không biết đi đâu, má vừa dắt tôi đi vừa nói:

- Hai má con mình đem chục bánh ít và 3 bao vỏ lon, vỏ chai này đến biếu nhà bà Bảy Rồi ngay sau ủy ban xã mình đó con!

Theo chân má đi bộ băng qua con mương cạn sau lưng ủy ban xã, vượt qua hai đám ruộng đậu phộng xanh mướt của nhà hàng xóm là nhà bà Bảy Rồi. Nói là nhà chứ nhìn tứ bề là vách đất trộn rơm gió thổi xào xạc, mái tôn được các cán bộ xã hỗ trợ cùng bà con lối xóm mỗi người một tay lợp lại cho bà Bảy ăn Tết. Nghe má kể, bà Bảy Rồi là vợ của ông Mười Chấn, ông Mười mất đi để bà hai đứa con trai và một đứa con gái. Đứa con gái gả đi theo chồng cũng đơn chiếc khó khăn, hai người con trai, một đứa tên Nhớ, một đứa tên Thương quanh năm công cán, ai kêu gì mần nấy mà cũng không đủ cái ăn cái mặc. Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám miết tấm thân gầy yếu của bà Bảy đến lúc bóng xế tuổi già vẫn chưa muốn buông tha.

Sau một hồi thăm hỏi sức khỏe, má cầm đôi tay thô ráp của bà Bảy nói:

- Nay là ngày giỗ bà nội của tụi nhỏ, con có chục bánh ít biếu cô Bảy ăn lấy thảo và 3 bao lon bia, lon nước ngọt, chai nước suối để thím gom thêm đủ chuyến bán ve chai mua mắm muối dùng - Má vừa nói vừa đưa nhẹ tay chỉ về hướng 3 bao lon bia, lon nước ngọt, chai nước suối tôi để ngay thềm nhà cạnh cửa ra vào.

Đứng sau lưng má, trong khoảnh khắc cho – nhận ngắn ngủi ấy, tôi cảm nhận được sự ấm áp lan tỏa từ những điều bình dị nhất của tình làng nghĩa xóm. Dù trời sập tối, nhưng tôi vẫn cảm nhận được niềm vui ánh lên trên nụ cười, đôi mắt của má. Bà Bảy kéo chiếc khăn rằn vắt vai chấm lên đôi mắt rưng rưng ngấn lệ, cầm tay má nói:

- Thím cảm ơn út Đẹp (tên má tôi) mày nhiều!

Hai má con chào bà Bảy ra về mà lòng vui khó tả. Bởi đó không chỉ là phút giây cho – nhận mà còn là nghĩa cử cao đẹp của tình làng nghĩa xóm, là gieo vào lòng người tình yêu thương và niềm tin vào cuộc sống đến những người xung quanh mình như lời má vẫn thường hay dạy anh chị em tôi rằng: “Mình ăn thì hết, mà người ta ăn thì còn các con à!

Trên đường về nhà, bóng chiều hoàng hôn chập choạng, tôi tâm tình với má:

- Má ơi, sao má biết hết ý nghĩa các ký hiệu trên các lon bia, lon nước ngọt, chai nước suối vậy má?

Má nắm tay tôi vừa đi vừa nói:

- Con biết không? Trong những lần má được các doanh nghiệp, công ty sản xuất ngành đồ uống bia nước ngọt mời tham dự các hội thảo giới thiệu sản phẩm, hội nghị khách hàng, má đều được các đơn vị thông tin chi tiết về chất lượng cũng như trên mỗi bao bì sản phẩm của ngành đồ uống đều có những ký hiệu mang ý nghĩa tái chế, làm mới. Nhà sản xuất luôn muốn hướng những người tiêu dùng tái chế các sản phẩm, phế phẩm từ các khâu như thu gom, phân loại để từng bước tái chế, kéo dài chu kỳ tuần hoàn các chế phẩm, đó cũng là cách góp phần bảo vệ môi trường đó con!

Từ những lời giải thích, hướng dẫn của má cùng những hình ảnh ký hiệu trên các lon bia, lon nước ngọt, chai nước suối, tôi mới phát hiện ra những điều tuy giản đơn nhưng lại mang nhiều ý nghĩa rất lớn đối với chu kỳ tuần hoàn của các sản phẩm tái chế mà các nhà sản xuất đồ uống hướng đến.

Sinh lão bệnh tử - vòng tuần hoàn của tạo hóa, bà Bảy đã về với thế giới bên kia, má tôi cũng đã già. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ bà nội, trong tôi luôn nhớ đến hình ảnh má và tôi cùng đến thăm nhà bà Bảy khi xưa. Tám anh chị em tôi vô cùng hạnh phúc khi được là con của má, còn có má, còn được nghe má dạy bảo cái tình, cái nghĩa về lẽ sống ở đời từ những điều rất đỗi bình dị, giản đơn.  

Thi Hoàng Khiêm

Các bài viết khác

Xem thêm

“Xanh hóa” bao bì chiến lược phát triển bền vững của ngành Đồ uống Việt Nam

Trong thời đại kinh tế tuần hoàn chiếm vị thế quyết định, làn sóng chuyển đổi xanh bùng nổ trên thế giới. Các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam cũng bắt nhịp bằng xu hướng “xanh hoá” bao bì như một sự chuyển dịch tất yếu.

Doanh nghiệp Đồ uống Việt Nam: Nỗ lực thực hiện trách nhiệm cộng đồng

Tham gia tích cực các quỹ xã hội, thực hiện nhiều hoạt động từ thiện, bảo trợ xã hội; Đồng hành cùng chính quyền và người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID -19 và chủ động triển khai các quy trình sản xuất theo tiêu chí Xanh – Bền vững... Đó là những hoạt động thể hiện trách nhiệm cộng đồng suốt thời gian qua của các doanh nghiệp ngành đồ uống.

Bia Hà Nội – Phát huy truyền thống, nỗ lực và trách nhiệm với cộng đồng

Nhắc đến Habeco - Bia Hà Nội người ta sẽ nghĩ ngay đến Nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890, là sự khởi đầu cho một dòng sản phẩm đồ uống Việt Nam, vượt qua thời gian cùng với những thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội.

Ngành Nước giải khát và các hoạt động an sinh xã hội những tháng đầu năm 2023

Những năm gần đây, bên cạnh việc chú trọng tới chất lượng sản xuất, các đơn vị của ngành đồ uống Việt Nam còn rất quan tâm tới công tác an sinh xã hội, hướng về cộng đồng. Chỉ trong vài tháng đầu năm 2023, các đơn vị đã có rất nhiều hoạt động tích cực cho xã hội, tạo nên niềm tin yêu của người tiêu dùng dành cho nhãn hàng.

HEINEKEN và hành trình hướng đến tác động môi trường bằng 0

Hơn 30 năm có mặt tại Việt Nam, Heineken không chỉ trở thành doanh nghiệp có đóng góp tương đương 1% cho GDP quốc gia mà còn tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với hành trình “Tác động môi trường bằng 0”

Coca-Cola – Viết tiếp hành trình vì môi trường xanh

Em có nghe “Tiến Quân Ca” vang dội Từ những ngôi trường xóm ấp xa xôi

Ống hút giấy – Sự thay đổi mang ý nghĩa chiến lược của Nestlé Milo

Để hiện thực hóa mục tiêu giảm đi lượng rác thải nhựa đáng báo động như hiện nay, tập đoàn Nestlé Vietnam đang có những bước đi vững chắc trong kế hoạch bảo vệ môi trường, cũng như đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2025.

Thể lệ Cuộc thi viết “Ngành Đồ uống Việt Nam phát triển bền vững, hưởng ứng kinh tế tuần hoàn"

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam  và Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức Cuộc thi viết: "Ngành Đồ uống Việt Nam phát triển bền vững, hưởng ứng kinh tế tuần hoàn"

La Vie – Đơn vị quan tâm đến phát triển kinh tế tuần hoàn

Những năm gần đây, La Vie được biết đến là thương hiệu đồ uống tiêu biểu về phát triển bền vững. Nhờ những sáng kiến vì môi trường được áp dụng đối với bao bì sản phẩm cùng sự nỗ lực bảo vệ tài nguyên nước, La Vie ngày càng trở thành một thương hiệu đồ uống được nhiều khách hàng yêu thích.

Quảng cáo và mua tạp chí

Bình chọn trực tuyến

🔴 Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia cũng như các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này có nghĩa, khác với quy định trước đây là cứ có nồng độ cồn khi lái xe là bị phạt. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.