CẢM NHẬN VỀ NGÀNH ĐỒ UỐNG VIỆT NAM

03/12/2024 - 12:23 PM
239 lượt xem
Cỡ chữ

Đồ uống là thực phẩm rất quan trọng trong đời sống con người cũng như trong văn hóa của dân tộc ta suốt mấy ngàn năm lịch sử. Trải qua các giai đoạn phát triển, các sản phẩm đồ uống đều ghi dấu ấn thông qua các công trình nghiên cứu và các sản phẩm mới ra đời, góp phần làm cho thị trường đồ uống ngày thêm phong phú, đa dạng, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vì lẽ đó, đồ uống trở thành một trong những thứ không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi con người, mỗi gia đình.

          Đồ uống luôn gắn liền với văn hóa của người Việt

Ẩm thực, đồ uống luôn gắn liền với văn hóa đời sống của người Việt với sự phong phú của đồ uống đã được nhắc tới trong các câu đối, ca dao, tục ngữ. Để nói về sự phong phú của đồ uống, có thể kể đến như các loại trà, các loại rượu, các loại nước giải khát... Chả thế mà ngày xưa ông cha ta có đôi câu đối nổi tiếng như sau: Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ, Chè sen rượu cúc, bánh chưng xanh.

 

 

Chè sen, rượu cúc là đồ uống nổi tiếng về hương vị của dân tộc ta. Những sản phẩm đồ uống không chỉ có nét văn hóa riêng biệt theo từng vùng miền mà còn có hương vị, màu sắc và cách thưởng thức khác nhau. Tất cả sản phẩm đồ uống mà ông cha ta sáng tạo đều mang tính truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam...

Nhiều nghiên cứu cho rằng, rượu là phát minh vĩ đại của loài người. Từ lâu, rượu luôn gắn bó với đời sống con người trong sinh hoạt cộng đồng. Rượu đem lại một sức mạnh tinh thần cho con người, tăng cường đoàn kết, nếu sử dụng điều độ, chừng mực thì sẽ phát huy tác dụng. Chẳng hạn thời xưa, Lý Bạch nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường (Trung Quốc) đã coi rượu là Tiên tửu. Có rượu mới có thơ hay. Ở nước ta, các nhà thơ lớn cũng coi rượu và thơ như bạn tri kỷ. Nhà thơ Tản Đà viết trong bài: Ngày xuân thơ và rượu: “Còn thơ còn rượu còn xuân mãi, Còn mãi xuân còn rượu còn thơ.”. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ: “Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc, Ngâm một bài thơ vỗ bụng cười.”(Trong bài Thú rượu thơ). Như thế đủ biết rượu rất cần thiết cho ta cảm xúc và trí óc minh mẫn sảng khoái tạo ra những sản phẩm tinh thần bất hủ. Trừ những kẻ phàm phu tục tử chỉ biết lấy rượu làm say dẫn đến những hành vi có hại cho xã hội và con người.

Ngày nay, ngành Đồ uống của ta đã tiếp thu kế thừa và phát huy sáng tạo để  cho ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú hơn, chất lượng ngày càng cao đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, nhất là trong các ngày lễ hội, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ngày tiệc tùng, lễ cưới hỏi, thờ cúng tổ tiên... Ngành Đồ uống xứng đáng là một ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của nước nhà.

 

 

Các sản phẩm đồ uống Việt Nam không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới, được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Tiêu biểu như các thương hiệu Bia Saigon, Bia 333, Bia Hà Nội, Bia Trúc Bạch, Trà thảo mộc Dr.Thanh, Trà Xanh Không độ, Sá xị Chương Dương... Thật tự hào cho ngành Đồ uống Việt Nam khi hơn 30 năm qua đã có nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã xây dựng nhà máy và cho ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, góp phần làm phong phú thêm thị trường đồ uống và người tiêu dùng cũng có thêm lựa chọn để đáp ứng nhu cầu sử dụng đồ uống. Đáng kể như các thương hiệu bia như Heineken, Carlsberg, AB Inbev... và nước giải khát Coca - Cola, Suntory Pepsico, URC...

Vị trí, vai trò của ngành đối với đất nước

 Từ khi hiệp hội được thành lập thì sự phát triển của ngành đồ uống ngày càng quy củ, bài bản hơn, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam được thành lập từ năm 1991, từ đó đến nay, Hiệp hội đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Đồ uống Việt Nam, đồng hành với doanh nghiệp, là cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động ngày càng hiệu quả, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người tiêu dùng, góp phần đưa ngành Đồ uống Việt Nam trở thành một trong những ngành có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Toàn ngành, mỗi năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 60 ngàn tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho cả triệu lao động. Không những thế, ngành Đồ uống Việt Nam còn thực hiện tốt các mục tiêu: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Ngành đồ uống luôn có trách nhiệm với công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ nguồn nước... Ngành Đồ uống Việt Nam đã đóng góp tới 6% tổng giá trị ngành công nghiệp nước nhà, xứng đáng là doanh nghiệp tốp đầu trong các doanh nghiệp của nước ta.

Tạp chí Đồ uống Việt Nam - Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động rất ý nghĩa với cộng đồng, trong đó có sáng kiến đưa sách, tạp chí về các thư viện và nhà văn hóa ở địa phương để khuyến khích việc đọc sách, tạp chí ở cộng đồng. Mới đây, Tổng Biên tập Tạp chí Đồ uống Việt Nam Nguyễn Văn Chương đã tới thăm, tặng kệ sách và hơn 20 đầu sách cùng một số ấn phẩm Tạp chí Đồ uống Việt Nam cho Thư viện của thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Đồng chí Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà Nguyễn Phú Việt và ông Vương Hữu Thảo - quản lý Thư viện đã tiếp nhận và cảm ơn Tạp chí Đồ uống Việt Nam đã có chương trình thiết thực, ý nghĩa đối với bà con nơi đây.

 

 

Trong quá trình phát triển, ngành Đồ uống có những bước thăng trầm, nhất là từ khi có dịch Covid - 19, rồi chịu tác động kép bởi chính sách hạn chế đồ uống có cồn, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, tiếp đến là nguyên liệu đầu vào tăng cao do xung đột ở một số nơi trên thế giới, việc điều chỉnh thuế Tiêu thụ đặc biệt, trách nhiệm của nhà sản xuất về tái chế bao bì... khiến cho các doanh nghiệp rơi vào cảnh khó chồng khó, sản lượng, doanh thu bia, rượu giảm mạnh. Trong khi đó, tình trạng rượu không rõ nguồn gốc, rượu do dân tự nấu vẫn tràn lan, chiếm tới trên 60% lượng rượu tiêu thụ trên thị trường, cộng với rượu, bia ngoại nhập lậu chưa kiểm soát, trôi nổi khiến cho các doanh nghiệp chính thống, làm ăn chân chính thêm khó khăn, do không ít người tiêu dùng còn có tâm lý thích hàng giá rẻ, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu công bằng trên thị trường.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần có biện pháp cứng rắn trong việc ngăn chặn việc sản xuất rượu, bia bất hợp pháp như quy định chất lượng của rượu bia, có biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng rượu tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc, có chế tài mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là tình trạng rượu có chứa methanol (cồn công nghiệp) gây ngộ độc... Đối với thuế Tiêu thụ đặc biệt, Nhà nước cũng nên xem xét giãn thời gian tăng và mức tăng hợp lý, chứ không nên tăng cao đột ngột khiến cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Không phải là tăng thuế cao thì người ta hạn chế uống mà chính là do sợ bị phạt về nồng độ cồn nên người ta ít uống hơn trước. Trong khi sản lượng rượu, bia chính thống giảm sút mạnh thì rượu trôi nổi, rượu dân tự nấu lại tăng, điều này cho thấy, nếu tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt cao, giá bán bia, rượu tăng thì người ta sẽ dùng các loại rượu, bia lậu, hàng không rõ nguồn gốc vì giá rẻ. Như vậy, cả người tiêu dùng, doanh nghiệp đều thiệt, Nhà nước thì lại thất thu thuế do doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm doanh thu, sản lượng tiêu thụ giảm...     

Một điểm nữa cần nói đến là vấn đề trẻ em béo phì, số người mắc tiểu đường càng nhiều. Tôi cho rằng, bệnh tiểu đường phần lớn do cơ địa mỗi người. Vả lại những người mắc các bệnh này là do ăn uống không khoa học, ăn nhiều đồ rán đồ chiên, đồ ăn sẵn, ít vận động nên dễ mắc bệnh béo phì, ăn uống không điều độ, lạm dụng chất ngọt, các loại nước, đồ ăn vỉa hè nhiều đường.

Tôi nghĩ, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống cũng nên giảm lượng đường trong sản phẩm, nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe...

 Tôi tin tưởng rằng, với sự năng động sáng tạo của các doanh nghiệp và chính sách đối với đồ uống có cồn phù hợp với thực tế thì ngành Đồ uống Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển, góp phần vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm cho người lao động trên cả nước, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng khi được sử dụng các sản phẩm có chất lượng cao. Chúc cho ngành Đồ uống Việt Nam luôn là tốp đầu trong các doanh nghiệp nước nhà.

 

                                                           Ngày 15 Tháng 11 Năm 2024

                         

Tác phẩm tham gia Cuộc thi viết “Ngành Đồ uống Việt Nam phát triển bền vững, hưởng ứng kinh tế tuần hoàn”

Tác giả: Vương Khắc Côn                              

Các bài viết khác

Xem thêm

Tạp chí Đồ Uống Việt Nam tổ chức Chấm giải Cuộc thi “Thơ với văn hóa ẩm thực và đồ uống Việt Nam”

Sau gần một năm phát động, Cuộc thi “Thơ với văn hóa ẩm thực và Đồ uống Việt Nam” đã khép lại với sự tham gia của đông đảo độc giả cả nước. Từ hàng trăm tác phẩm tham dự, Tạp chí Đồ Uống Việt Nam đã tổ chức Hội đồng chấm giải để chọn ra các tác phẩm xuất sắc, dự kiến trao giải vào ngày kỷ niệm 25 năm thành lập Tạp chí, góp khơi dậy niềm tự hào về văn hóa ẩm thực dân tộc.

Cuộc thi "Thơ với văn hóa ẩm thực và đồ uống Việt Nam"

Những tác phẩm tham gia Cuộc thi "Thơ với văn hóa ẩm thực và đồ uống Việt Nam"

Chấm giải Cuộc thi viết “Ngành Đồ uống Việt Nam phát triển bền vững, hưởng ứng kinh tế tuần hoàn”

Chiều 04/12, Tạp chí Đồ uống Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam) đã tổ chức buổi Chấm giải Cuộc thi “Ngành Đồ uống Việt Nam phát triển bền vững, hưởng ứng kinh tế tuần hoàn”.

Nhà máy "xanh" ở Mê Linh: Hành trình 15 năm kiên định từ sản xuất xanh đến kinh tế tuần hoàn

Tác phẩm video dự thi Cuộc thi "Ngành Đồ uống phát triển bền vững, hưởng ứng kinh tế tuần hoàn" Tác giả: Trần Đức Anh - Nguyễn Thị Thanh Mai

 Doanh nghiệp ngành đồ uống chung tay phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Môi trường đóng vai trò quan trọng, là nền tảng cho mọi sự phát triển. Ô nhiễm môi trường nói chung và rác thải nhựa nói riêng đang là vấn đề đáng báo động trên toàn cầu.

BIA HÀ NỘI - Nguồn cội thành công, phát triển bền vững: Phát huy truyền thống, nỗ lực và trách nhiệm với cộng đồng

Nhắc đến HABECO - Bia Hà Nội người ta sẽ nghĩ ngay đến Nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890, là sự khởi đầu cho một dòng sản phẩm đồ uống Việt Nam, vượt qua thời gian cùng với những thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội

Quảng cáo và mua tạp chí