Ngành Đồ uống thực hiện EPR, hưởng ứng kinh tế tuần hoàn

06/09/2024 - 10:48 AM
98 lượt xem
Cỡ chữ

Những năm gần đây, việc thực hiện quy trình sản xuất và sử dụng bao bì giảm thiểu tác động đến môi trường đã trở thành xu hướng được thúc đẩy trên toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp đồ uống trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã tích cực chuyển đổi quá trình sản xuất sang mô hình kinh tế tuần hoàn và thực hiện trách nhiệm tái chế (EPR) hướng đến phát triển bền vững.

 

Nỗ lực với mục tiêu sản xuất xanh

Trước xu thế tất yếu về phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam đang tích cực thay đổi chiến lược sản xuất nhằm hạn chế các loại rác thải nhựa từ bao bì sản phẩm. Nỗ lực để phát triển bền vững với sản xuất xanh - bao bì thân thiện môi trường còn giúp tăng cơ hội để các doanh nghiệp đồ uống tiếp cận thị trường quốc tế, vì đây là yêu cầu bắt buộc tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay EU…

Những năm gần đây, ngành đồ uống Việt Nam đã bắt tay vào thực hiện các hoạt động tuyên truyền, ứng dụng sản xuất bao bì xanh, đồng thời đầu tư nghiên cứu thiết kế bao bì theo hướng thuận lợi cho việc tái chế, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa phát sinh rác thải xấu. Các loại vỏ bao bì nhựa dần chuyển đổi sang nguyên vật liệu dễ tái chế hoặc “tự huỷ sinh học”.

Để phát triển bền vững, ngành đồ uống Việt Nam đã nhanh chóng nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, định hướng kinh tế tuần hoàn ở tầm chiến lược. Không chỉ đầu tư công nghệ, giải pháp xanh, hệ thống nhà máy sản xuất giảm khí thải carbon, mà còn phải chuyển đổi sản xuất bao bì xanh. Các nguyên liệu đầu vào đều phải thân thiện với môi trường, đồng thời có thể thu gom, tái chế bao bì dễ dàng. Có thể kể đến một số doanh nghiệp đồ uống Việt Nam đi đầu trong việc “xanh hoá” bao bì sản phẩm như SABECO, Heineken Việt Nam, Coca‑Cola Việt Nam, Tân Hiệp Phát…

Những năm qua, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đã không ngừng nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm để cho ra thị trường những sản phẩm có chất lượng ổn định, loại bỏ được nhiều chất độc hại trong các khâu chế biến và áp dụng sản xuất bao bì bền vững cho hầu hết dòng sản phẩm. Doanh nghiệp sử dụng vỏ lon bia mỏng, nhẹ để tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh đó, với chương trình “Tái chế két bia”, thúc đẩy mạng lưới đối tác phân phối khắp cả nước cùng xử lý bao bì, vỏ chai sau khi sử dụng. Năm 2003, Habeco đã hoàn thành việc đầu tư, lắp đặt khu nhà nấu mới công suất 100 triệu lít/năm với trang thiết bị hiện đại. Từ nhà nấu, lò hơi đến hệ thống xử lý nước, nuôi cấy men, lên men bằng tank tự động ngoài trời, hệ thống lọc, lạnh, xử lý nước thải... đều được thay mới và cải tiến, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh công nghiệp, thực phẩm.

Heineken Việt Nam tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng cách “xanh hoá” quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm. Không chỉ thực hiện nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo, doanh nghiệp này còn chủ động sử dụng lại 100% chai bia và két. Heineken thiết kế lon bia nhôm mỏng, nhẹ, tối ưu hoá sản xuất để giảm nhiên liệu. Đồng thời, 100% lon bia nhôm cũng được tái chế tuần hoàn, tiết kiệm được lượng nhôm bằng khoảng 486 triệu lon mỗi năm.

Từ ngày 15 tháng 11 năm 2023 - Coca‑Cola Việt Nam khởi động chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” hợp tác cùng công ty Nhựa tái chế Duy Tân và ứng dụng thu gom ve chai công nghệ VECA. Đây là một bước tiến của Coca‑Cola hướng đến tầm nhìn Vì một thế giới không rác thải, khi làm việc cùng các đối tác chiến lược và thử nghiệm các cách thức khác nhau nhằm hỗ trợ mô hình kinh tế tuần hoàn cho chai nhựa PET tại Việt Nam. Chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” được Coca‑Cola triển khai với mục đích nâng cao nhận thức người dùng về những giá trị mà việc tái chế chai nhựa PET sau khi sử dụng mang lại.

Có mặt tại Việt Nam năm 1994, Suntory Pepsico là thành viên Liên minh tái chế bao bì nhựa Việt Nam với nhiều sáng kiến nhằm cải tiến trong sản xuất như giảm trọng lượng và thay đổi chất lượng bao bì, loại bỏ màng co nắp chai, từ đó tiết kiệm gần 8.000 tấn nhựa trong sản xuất. Suntory Pepsico Việt Nam khởi xướng chiến dịch “Sự hồi sinh của rác” kêu gọi toàn bộ nhân viên phân loại rác thải tại nơi làm việc để tái chế, đồng thời trang bị gần 400 thùng rác mới, 82 túi rác tại các nhà máy và văn phòng công ty. Năm 2019, Công ty đồng hành cùng Trung ương Hội sinh viên Việt Nam huy động gần 1.000 thanh niên làm sạch bãi biển tại 5 tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Quảng Nam, Bến Tre đã thu gom 8,5 tấn rác thải các loại… Từ năm 2019 đến năm 2021, Suntory Pepsico Việt Nam đã xây dựng 11 nhà vệ sinh sử dụng vật liệu chai nhựa tái chế tại 5 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Bình, Cao Bằng, Hải Phòng. Năm 2022, Suntory Pepsico Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai “chỉ số xanh”.

Thông qua chiến dịch “xanh hoá” bao bì, ngành đồ uống Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực để hưởng ứng mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm hướng tới phát triển bền vững ở tương lai. Ở chiều ngược lại, Nhà nước cũng đang nỗ lực ban hành những chính sách thích hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Thực hiện trách nhiệm tái chế - Xu thế tất yếu

Tại Hội nghị COP 26 được tổ chức tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…

Từ tháng 10/2023, hàng loạt sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu sẽ chịu chính sách điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu, do vậy, giảm phát thải khí nhà kính vừa là xu hướng, vừa là yêu cầu mà các doanh nghiệp phải thực hiện nếu Việt Nam muốn tham gia thị trường toàn cầu. Đồng thời, lộ trình thực hiện tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ mà Chính phủ đã cam kết sẽ không thể thiếu vai trò và đóng góp của khu vực tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp và trên lộ trình ấy, kinh tế tuần hoàn chính là lời giải cho xu hướng phát triển bền vững.

Để thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ của các doanh nghiệp phải đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà còn đảm bảo “tái sinh” nguồn nguyên liệu là quá trình được thực hiện xuyên suốt trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhà sản xuất, nhập khẩu 6 loại sản phẩm, bao bì phải thực hiện trách nhiệm tái chế. Lộ trình thực hiện từ 1/1/2024 đến 1/1/2027. Đây là một phần của quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR) được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm tăng cường trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế (VCCI), yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm - trách nhiệm tái chế EPR - là điểm rất tiến bộ trong luật Bảo vệ môi trường. Tuy vậy, nếu định mức chi phí tái chế (Fs) không phù hợp thì EPR khó có thể được triển khai.

Năm 2023, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), và các Hiệp hội ngành hàng cùng ra kiến nghị góp ý với Hội đồng EPR, Bộ Tài Nguyên và môi trường.

 Tháng 4/2023 Hiệp hội đã có các công văn số 36, 37/CV-VBA về góp ý mức đóng góp của các doanh nghiệp đồ uống vào dự thảo định mức chi phí tái chế Fs trong thu gom xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu để đảm bảo hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp công nghiệp trong đó có ngành đồ uống hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do hậu quả của dịch bệnh Covid và ảnh hưởng bởi các chính sách của Nhà nước.

Bài tham gia Cuộc thi viết: Ngành Đồ uống Việt Nam phát triển bền vững, hướng ứng kinh tế tuần hoàn

Tác giả: Kiệt Vũ

Các bài viết khác

Xem thêm

Thể lệ Cuộc thi viết “Ngành Đồ uống Việt Nam phát triển bền vững, hưởng ứng kinh tế tuần hoàn"

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam và Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức Cuộc thi viết: "Ngành Đồ uống Việt Nam phát triển bền vững, hưởng ứng kinh tế tuần hoàn".

“Xanh hóa” bao bì chiến lược phát triển bền vững của ngành Đồ uống Việt Nam

Trong thời đại kinh tế tuần hoàn chiếm vị thế quyết định, làn sóng chuyển đổi xanh bùng nổ trên thế giới. Các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam cũng bắt nhịp bằng xu hướng “xanh hoá” bao bì như một sự chuyển dịch tất yếu.

Doanh nghiệp Đồ uống Việt Nam: Nỗ lực thực hiện trách nhiệm cộng đồng

Tham gia tích cực các quỹ xã hội, thực hiện nhiều hoạt động từ thiện, bảo trợ xã hội; Đồng hành cùng chính quyền và người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID -19 và chủ động triển khai các quy trình sản xuất theo tiêu chí Xanh – Bền vững... Đó là những hoạt động thể hiện trách nhiệm cộng đồng suốt thời gian qua của các doanh nghiệp ngành đồ uống.

Ấm lòng tình làng nghĩa xóm từ những bao vỏ chai của má

Những ngày tháng 4, dọc các tuyến đường dẫn vào trụ sở ủy ban, nhà văn hóa, đài tưởng niệm liệt sĩ xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được trang hoàng với những hàng cờ đỏ sao vàng và pa-nô khẩu hiệu chào mừng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bia Hà Nội – Phát huy truyền thống, nỗ lực và trách nhiệm với cộng đồng

Nhắc đến Habeco - Bia Hà Nội người ta sẽ nghĩ ngay đến Nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890, là sự khởi đầu cho một dòng sản phẩm đồ uống Việt Nam, vượt qua thời gian cùng với những thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội.

Ngành Nước giải khát và các hoạt động an sinh xã hội những tháng đầu năm 2023

Những năm gần đây, bên cạnh việc chú trọng tới chất lượng sản xuất, các đơn vị của ngành đồ uống Việt Nam còn rất quan tâm tới công tác an sinh xã hội, hướng về cộng đồng. Chỉ trong vài tháng đầu năm 2023, các đơn vị đã có rất nhiều hoạt động tích cực cho xã hội, tạo nên niềm tin yêu của người tiêu dùng dành cho nhãn hàng.

HEINEKEN và hành trình hướng đến tác động môi trường bằng 0

Hơn 30 năm có mặt tại Việt Nam, Heineken không chỉ trở thành doanh nghiệp có đóng góp tương đương 1% cho GDP quốc gia mà còn tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với hành trình “Tác động môi trường bằng 0”

Coca-Cola – Viết tiếp hành trình vì môi trường xanh

Em có nghe “Tiến Quân Ca” vang dội Từ những ngôi trường xóm ấp xa xôi

Quảng cáo và mua tạp chí