Sử dụng rượu bia ở Việt Nam hiện nay – Nhìn từ phương diện văn hóa

20/12/2018 - 10:13 AM
811 lượt xem
Cỡ chữ

1. Rượu bia là tinh hoa của thiên nhiên và là một di sản văn hóa

Rượu, là loại đồ uống có cồn, có nhiều tinh chất, hương vị của thiên nhiên có thể làm cho con người hưng phấn, hăng say, khỏe mạnh song cũng có thể làm cho chúng ta say xỉn, u mê, mệt mỏi; thăng hoa hay suy sụp, bổ dưỡng hay chất độc là do cách thức chúng ta sử dụng nó như thế nào, uống cái gì, uống bao nhiêu…đó là các yếu tố của văn hóa rượu bia, văn hóa uống văn minh, lành mạnh và có trách nhiệm mà chúng ta cần kiến tạo, truyền bá và thực hành trên phạm vi quốc gia. Tham luận này của chúng tôi là một tiếng nói có trách nhiệm từ góc độ khoa học và văn hóa về chủ đề trên.

 

Trước hết phải khẳng định rằng rượu là một phát minh, sáng tạo vĩ đại, có giá trị rất lớn của con người. Sẽ không quá lời nếu nói như ai đó cho rằng tầm quan trọng của phát minh này chỉ đứng sau việc con người tìm ra lửa. Nhiều nghiên cứu và kết quả khảo cổ cho thấy rượu bia được phát minh từ thời kỳ đồ đá và đã được tôn sùng như một vị thần hay được bảo trợ bởi thần, được sử dụng như một thứ đồ uống ưa quý trong các xã hội cổ đại ở Ai Cập, Hy Lạp, Trung Hoa, Ấn Độ... Rượu bia cùng với bánh mỳ được coi trọng là món quà thiêng liêng được Đức Chúa Trời ban tặng cho loài người, giúp cho người khỏe mạnh và phát triển về thể chất và tinh thần.  Các hoàng đế, vua chúa ở Âu- Á sau đó vẫn coi rượu là một vật phẩm quý để ban thưởng cho cấp dưới hoặc làm tặng phẩm, triều cống bang giao…Quốc tửu là một sản phẩm quan trọng bậc nhất trong các quốc yến hoặc các sự kiện mời dự tiệc ngoại giao. Mặt trái của rượu cũng được phát hiện ngay từ thời cổ đại, nhiều lệnh cấm sản xuất, uống rượu đã được ban hành và thực thi nhiều lần rồi sau một thời gian đều được bãi bỏ khi người ta nhận thấy thứ nước uống này hóa ra cũng thuộc loại nhu cầu thiết yếu, không thể bỏ được của con người. Ví dụ, ở Trung Quốc, việc sử dụng rượu đã có từ khoảng 7000 năm trước đây. Một chỉ dụ của triều đình Trung Quốc vào khoảng năm 1116 TCN đã nói rõ về việc sử dụng rượu có chừng mực đã được trời quy định. Trời đã quy định có hay không có nó, điều này hiển nhiên có lợi cho ngân khố quốc gia. Vào thời Marco Polo (1254–1324), người ta uống rượu hàng ngày và đó là một trong những nguồn thu lớn nhất của ngân khố[1]. Đồ uống có cồn đã được sử dụng rộng rãi trong tất cả các tầng lớp của xã hội Trung Quốc, nó được dùng như một nguồn cảm hứng, thể hiện cho lòng mến khách, là một phương thuốc giải quyết mệt mỏi, và đôi khi được sử dụng sai mục đích. Các bộ luật cấm làm rượu đã được ban hành và bãi bỏ 41 lần từ năm 1100 TCN tới năm 1400 sau công nguyên. Tuy nhiên, một nhà bình luận viết vào khoảng năm 650 TCN rằng thiên hạ "sẽ không làm việc nếu thiếu rượu. Việc cấm nó và kiêng rượu đã vượt quá sức mạnh của các nhà hiền triết. Do đó, chúng tôi phải cảnh báo về sự lạm dụng rượu.[2]"

 

Tại Pháp, 3% diện tích đất nông nghiệp được dùng để trồng nho. Theo số liệu năm 2004 thì sản lượng rượu vang của Pháp khoảng 50 đến 60 triệu hectôlít.[6] Khoảng 1/3 trong số này được dùng để xuất khẩu với doanh thu gần 6 tỷ USD. Hiện nay rượu vang Pháp phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ trên thế giới, từ các nước sản xuất rượu vang truyền thống khác như Tây Ban NhaÝ đến các quốc gia mới nổi như Hoa KỳÚc và Nam Phi.

 

Xét về thị trường trong nước thì người dân Pháp là một trong những dân tộc sử dụng nhiều rượu vang nhất thế giới, tuy nhiên xu hướng này đang giảm dần trong 40 năm qua, từ trung bình 135 lít một năm trên mỗi người Pháp vào năm 1960 xuống còn 69 lít vào năm 1999. Tuy dùng rất nhiều rượu nhưng tồn tại một nghịch lý Pháp là người Pháp có tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim thấp hơn nhiều nước tiêu thụ rượu vang ít hơn[3]. Một số nghiên cứu về y học cho thấy nếu uống rượu vang điều độ, sẽ tốt cho sức khỏe và làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch.

 

Phần trình bày trên cho thấy rượu bia hay đồ uống có cồn đã có lịch sử hàng nghìn năm do người phát minh, sử dụng và có văn hóa sử dụng của nó. Tuy nhiên, mỗi nước do điều kiện tự nhiên và đặc điểm chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội khác nhau nên cũng có phương thức sử dụng rượu bia khác nhau nên chúng ta không thể dùng các quan điểm, chuẩn mực văn hóa của nước này để đánh giá và áp dụng cho nước khác. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xã hội đa văn hóa hiện nay, chúng ta cần xây dựng một bộ tiêu chuẩn, tiêu chí để nhận biết đánh giá về văn hóa sử dụng rượu bia một cách văn minh, lành mạnh, đồng thời vẫn tôn trọng sự khác biệt và bản sắc của mỗi dân tộc, quốc gia…

2.Văn hóa và các tiêu chuẩn đánh giá văn hóa sử dụng rượu, bia
 

Văn hóa là gì? Trong bìa cuốn Nhật ký trong tù viết năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quan niệm rất hiện đại về văn hóa: “Văn hóa là tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[4]. Sau khi Việt Nam được độc lập, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh tới vai trò của văn hóa theo nghĩa rộng này: Văn hóa, giáo dục có chức năng “trồng người” và phát triển xã hội; là bó đuốc soi đường cho quốc dân đi đến văn minh, tự do, hạnh phúc.

 

Dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh, quan niệm của UNESCO và thực tiễn hiện nay, theo tôi có thể định nghĩa văn hóa như sau: Văn hóa là phương thức sinh hoạt với các biểu hiện qua hành vi, hoạt động và sản phẩm của con người được định hướng theo các hệ thống giá trị và chuẩn mực, trung tâm là các giá trị chân, thiện, mỹ.

 

Bản chất của đời sống của con người là theo đuổi các nhu cầu, quyền lợi có giá trị và được định hướng, định chuẩn, đánh giá theo hệ thống giá trị nhất định. Đó chính là các giá trị cơ bản như quyền sống, độc lập, tự do, hạnh phúc, bình đẳng, bác ái, sức khỏe, giàu có, an lành, tình yêu, sự đam mê…Tuy nhiên, không phải hoạt động nào, sản phẩm gì của con người cũng là văn hóa hay có mức độ văn hóa chân- thiện –mỹ cao, đủ tiêu chuẩn là văn hóa. Chúng ta đã chứng kiến nhiều hành vi, hàng hóa và dịch vụ đi ngược, trái ngược với các giá trị chân, thiện, mỹ như sản xuất rượu có nhiều độc tố, thực phẩm bẩn, hành vi xả rác bừa bãi, say rượu vẫn lái xe…Mặc khác, việc thiếu nền tảng và tầm nhìn văn hóa của các nhà cầm quyền cũng làm cho chính sách quản lý sử dụng rượu dễ bị tác động bởi một số nhóm dư luận xã hội phản đối hoặc các chính khách cực đoan, dẫn đến các lệnh cấm rượu chỉ được một thời gian rồi cuối cùng lại bị bãi bỏ bởi quy luật của cuộc sống, gây hại hơn là làm lợi cho xã hội. Chúng ta cần có một nền văn hóa bia rượu khôn ngoan kế thừa những tinh hoa của dân tộc đồng thời tiếp thu những yếu tố văn minh và hội nhập với thế giới hiện đại. Theo cách tiếp cận này, trước hết cần có các hệ tiêu chí để đánh giá một sản phẩm, hàng hóa hay hành vi cụ thể có đủ tiêu chuẩn, mức độ văn hóa hay không để xây dựng cái văn hóa hoạt động, đời sống trong lĩnh vực đó. Theo nghiên cứu của chúng tôi, văn hóa của một tổ chức hay lĩnh vực cụ thể là tổng hợp của 3 tiêu chuẩn, tiêu chí sau đây:

 

  1.  Tính cộng đồng tuân thủ một cách tự nhiên, tự nguyện, tự giác. Đây là tiêu chí đánh giá về mức độ mạnh và bao trùm của văn hóa.
  2. Tính ổn định, bảo tồn, di truyển xã hội: Văn hóa thể hiện và bảo tổn qua nhiều đời bằng các thói quen, phong tục, nghi lễ, luật lệ, sử sách, kỷ niệm, sự kiện… có tính lặp lại, thường niên.
  3. Tính tinh hoa, giá trị, chuẩn mực: Văn hóa thể hiện mức độ đẹp, tinh hoa, hoàn hảo là hiện thân của các giá trị chân – thiện – mỹ. Trong đó, chân là cái đúng, là chân lý và công lý, là cái có tính khoa học, hiệu quả, là trình độ phát triển của công nghệ, kinh tế, chính trị, xã hội, là mức độ văn minh, tiến bộ…Thiện là giá trị trung tâm của đạo đức, là sự nhân ái, khoan dung, thiện tâm, lòng tốt, thân thiện, an lành, không làm hại tới sức khỏe, lợi ích và sinh mạng của con người; là phạm trù đối nghịch với cái ác, cái có hại, cái dã man…Mỹ là cái đẹp thẩm mỹ, là sự hoàn hảo, có khởi nguồn của tình yêu, sự đam mê, hành động văn hóa. Mặt khác, sự theo đuổi, đấu tranh cho chân lý, lòng nhân ái, sự tử tế với mọi người cũng là cái đẹp của con người.

Trong ba tiêu chí trên thì quan trọng nhất là tiêu chí thứ 3: có giá trị, là cái tinh hoa. Nếu một hiện tượng, hành vi, hàng hóa, dịch vụ có đủ 2 tiêu chí trên (1) và (2) nhưng thiếu tiêu chí thứ (3) thì nó mới có tính văn hóa hay là cái văn hóa dưới chuẩn, thậm chí là “văn hóa xấu”, chưa thực sự là văn hóa. Mặt khác, một sản phẩm tinh hoa, có giá trị cao muốn được cộng đồng, xã hội coi là văn hóa cũng cần đòi hỏi họ chấp nhận một cách tự nhiên, tự giác và cần được duy trì, bảo tồn, phát huy một cách bền vững. Một cái đẹp, một phong trào tốt song chỉ duy trì trong một thời gian ngắn hay chỉ có một vài người biết thì chưa trở thành văn hóa. Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí trên đây để nhận diện, đánh giá thực trạng sử dụng rượu bia ở nước ta hiện nay.

3. Một vài nét về thực trạng sử dụng rượu bia ở nước ta hiện nay từ góc nhìn chuẩn mực văn hóa
 

Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam hiện nay tập trung vào khâu tiêu thụ, uống và các khâu, công việc có liên quan trực tiếp với nó như chuỗi cung ứng, tàng trữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ với nhiều kênh và hình thức phân phối khác nhau như bán trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán rượu, bar, quán ăn, quán nước, trên tàu xe…thuộc các khu dân cư đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo… Đây là một bức tranh khá phức tạp, trong phạm vi bài viết này tôi chỉ xin tập trung vào chuyện uống rượu bia ở nước ta ở một số điểm sau đây:

 

 

Thứ nhất, chuyện uống rượu bia ở Việt Nam hiện đã là một sinh hoạt văn hóa, có quy mô bao trùm khắp các vùng và khu vực dân cư

 

Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng rượu bia là một yếu tố, một loại hàng hóa không thể thiếu được trong cuộc sống, nó xuất hiện ở mọi vùng miền, khu vực và cộng đồng dân cư nước ta. Thực tế thì trong những ngày lễ tết, các cuộc liên hoan, gặp mặt, đãi khách hay văn nghệ gia đình, bạn bè, cơ quan, đoàn thể, cộng đồng dân cư…nếu thiếu rượu bia sẽ khó vui và kém vui hơn. Rượu, nếu sử dụng đúng, có thể kích thích cảm hứng sáng tạo, tăng lòng dũng cảm, tính hào sảng, kết nối nhiều người thành một khối thống nhất, chia sẻ trách nhiệm và niềm vui. Trong chiến tranh gian khổ, thiếu thốn, hành vi vua tôi, tướng sỹ cùng đoàn kết, thống nhất ý chí đánh giặc “Tướng sỹ một lòng phụ tử/Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Nguyễn Trãi: Bình Ngô đại cáo)  hay lễ hội Hội thề Lũng Nhai, Hội thề Đông Quan từ thời Lê Lợi và tục  “uống máu ăn thề” tập hợp anh em chiến đấu chống quân xâm lược sau này đã trở thành biểu tượng có giá trị lịch sử không phai mờ của rượu truyền thống. Thời bao cấp khan hiếm hàng hóa, chúng ta thường tìm mua rượu thuốc để rành dịp Tết mang về biếu ông bà, cha mẹ…Ngày nay thì bia, rượu vang là thứ đồ uống không thể thiếu trong các cuộc liên hoan cơ quan, doanh nghiệp…Phụ nữ hiện đại cũng đã khẳng định quyền bình đẳng của mình trong uống rượu bia. Ưu thế của họ là biết kiềm chế và uống chừng mực để tránh say xỉn…

 

Với một cách nhìn xuyên suốt lịch sử và hiện đại như vậy chúng ta sẽ thấy rượu bia từ xưa đến nay đã trở thành một thành phần của phương thức sinh hoạt có tính văn hóa của người Việt Nam. Từ quan điểm này sẽ thấy các kiến giải cắt bỏ hoàn toàn hay giảm càng nhiều càng tốt lượng tiêu thụ rượu bia hiện nay sẽ tiết kiệm mỗi năm hơn vài tỷ USD, dùng số tiền đó tiêu dùng vào việc khác là một gợi ý chính sách không chỉ duy lý, siêu hình, mà còn thiếu kiến thức lịch sử và văn hóa. Bia rượu là một loại hàng hóa thì cần điều chỉnh nó theo dựa theo các quy luật của kinh tế thị trường, việc quản trị quốc gia không thể theo cách cái gì khó quản thì cấm.

 

Thứ hai, sử dụng, uống bia rượu là một nhu cầu của đời sống và là truyền thống văn hóa, không thể cấm hay bỏ, vấn đề là cần làm cho sinh hoạt này văn minh, lành mạnh hơn.

 

Như đã trình bày ở phần trên đồ uống có cồn, tiêu biểu là rượu bia, là một phát minh lớn của con người, đã được sử dụng, bảo tồn và phát triển khoảng 7 đến 10 nghìn năm nay. Về phương diện phục vụ cho chăm sóc sức khỏe, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc uống rượu bia một cách khoa học, có điều độ đã tác dụng tích cực, nhất là một số loại rượu vang, rượu ngâm thảo dược. Các loại rượu thuốc, rượu thảo dược như nhân sâm, linh chi, bakích, củ đinh lăng…có giá trị cao và được những người trung và cao tuổi ưa chuộng. Về phương diện kỹ thuật, công nghệ, nhiều nước phát triển như Pháp Đức, Mỹ, Ý, Nhật… đều có những công nghệ và bí quyết tạo nên những thương hiệu rượu bia nổi tiếng, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu hàng tỷ USD. Những sản phẩm đồ uống có cồn tinh hoa trong các loại vang và cô nhắc Pháp, vang Ý, whisky Scotland, bia Đức, vodka Nga, Mỹ, rượu sake Nhật Bản, rượu Mao Đài Trung Quốc…đã góp phần nâng cao uy tín dân tộc và thương hiệu quốc gia của các nước này. Văn hóa sử dụng rượu bia ở các nước trên là nền tảng tôn vinh những sản phẩm, thương hiệu tinh hoa, tạo ra sự thống nhất ở quy mô toàn dân tộc và xã hội. Mặc dù ở các nước này vẫn có hiện tượng làm dụng rượu bia song nhìn chung, rượu bia do họ sản xuất và sử dụng có vai trò tích cực hơn nhiều so với mặt tiêu cực mà nó gây ra.

 

Ở Việt Nam không mạnh về truyền thống nấu bia song chúng ta cũng có những làng nghề, địa phương nấu rượu nổi tiếng như Làng Vân, huyện Việt Yên, Bắc Giang, rượu ngô Bắc Hà, Hà Giang, rượu men lá Mẫu Sơn, Lạng Sơn, rượu Kim Sơn, Ninh Bình, rượu cần Êđê Ban Mê, Đăklăk,  rượu đế Gò Đen, Long An, rượu vang Đà Lạt, rượu vang sim Phú Quốc, Kiên Giang…Tuy nhiên, nếu so sánh với chất lượng rượu của các nước trên, nhất là đối với loại rượu vang, thì đặc sản của chúng ta còn phải phấn đấu nhiều.

 

Từ thời Pháp thuộc, rồi khi Việt Nam giành được độc lập đến nay, Chính quyền đã nhiều lần ban bố lệnh cấm nấu rượu tư, giành quyền sản xuất và tiêu thụ rượu quốc doanh, song các lệnh trên đều mất hiệu lực sau đó. Hiện nay, mỗi năm ngành bia – rượu- nước giải khát đóng góp cho Ngân sách Nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng ngân sách,  riêng bia là 26.000 tỷ đồng (số liệu 2015)[5].

Tại sao số ca và tỷ lệ tai nạn giao thông, một phần có ảnh hưởng tiêu cực của sử dụng rượu bia trái phép, đã kéo dài hàng chục năm nay mà chưa giải quyết được cơ bản?

 

Liệu có hợp lý không, khi đưa ra cách lý giải: “Theo thống kê, tổng chi tiêu cho rượu, bia của Việt Nam là 16.372 tỷ đồng, số tiền này có thể mua 1.770.000 tấn gạo đủ để nuôi sống gần 21 triệu người/năm”. Quan điểm trên có hợp lý không? Chúng tôi cho rằng cần có Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia hay sử dụng rượu bia không đúng cách là cần thiết. Nhưng cho rằng quy kết các chi phí y tế cho người dân về các căn bệnh có nguyên nhân của rượu bia chỉ là do hậu quả của rượu bia là không thỏa đáng. Mặc khác, cho rằng có thể cắt giảm hoàn toàn chi phí tiêu dùng rượu bia để giành cho người nghèo cũng không hợp lý bởi vì nếu không sản xuất bia rượu, không có các dịch vụ thương mại, du lịch có bia rượu thì GDP và Ngân sách Nhà nước phải trừ đi bao nhiêu tỷ USD?  Lấy đâu ra nguồn tiền như hiện tại để giảm nghèo? Và nếu xã hội không chi tiêu vào rượu bia thì có tiết kiệm được nguyên số tiền đó không hay họ sẽ chuyển sang tiêu dùng mặt hàng khác, ở nước khác, ví dụ sang nước ngoài mua rượu bia mang về với giá cao hơn nhiều? Tôi cho rằng đây là một giả thiết hoặc một ý tưởng xây dựng chính sách thiếu tính khoa học và thực tế. Chúng ta cần có các các giải pháp phòng chống tác hại của việc sử dụng rượu bia không văn minh, thiếu trách nhiệm hợp lý hơn. Nó không được thoát ly khỏi nền tảng văn hóa và điều kiện thực tế của xã hội Việt Nam.

 

Thứ ba, cách thức uống, sử dụng rượu bia của người Việt Nam nhìn chung ở mức độ chân - thiện - mỹ thấp, nhất là đối với nhóm người nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa

 

Tỷ lệ và mức độ thiệt hại do lạm dụng rượu bia, do sử dụng rượu bia không đúng cách ở Việt Nam cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới, biểu hiện ở những trào lưu và đặc điểm sau đây:

 

-Sử dụng rượu bia một cách tràn lan, không đúng lúc, đúng chỗ, trở thành một tệ và tính xấu, nhất là đối với giới đàn ông và nhóm người lao động nghèo. Chúng ta dễ dàng thấy việc uống bia rượu ở nước ta diễn ra ở mọi nơi mọi lúc. Trong các liên hoan, đám cưới, cuộc vui đã đành, cả ở nơi cần thể hiện sự buồn đau thương như trong các đám tang khi người mất còn chưa được chôn cất. Ở miền núi có dân tộc thiểu số còn duy trì tục lệ làm cỗ mời cả làng đến uống rượu suốt 3 ngày khiến nhiều gia đình phải mắc nợ. Ở thành phố, tiêu biểu như Thủ đô Hà Nội còn có cái văn hóa “bia hơi vỉa hè”, ngồi uống bia hơi lấn chiếm vỉa hè, ngay bên đường xe cộ qua lại, sát các cống rãnh bốc mùi vẫn “tự nhiên như ruồi”. Chính phủ đã có chỉ thị cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong các buổi trưa ngày làm việc, nhưng nhiều địa phương, nhiều tổ chức chưa chấp hàng nghiêm. Họ vẫn có thể tiếp tục uống với các lý do về trường hợp ngoại lệ như tiếp khách, tiếp đãi đối tác quan trọng…  

 

 -Sử dụng rượu bia quá mức độ và không đúng cách dẫn đến các tác hại cho cá nhân và xã hội. Có nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ đàn ông Việt Nam sử uống rượu bia thường xuyên thuộc loại cao. Thêm nữa là việc uống rượu bia dễ dãi, tạp nham, thiếu chọn lọc và thiếu kiến thức khoa học có thể tàn phá sức khỏe, suy thoái giống nòi. Nguy cơ cao từ các loại rượu tự sản xuất không được kiểm nghiệm và quản lý chất lượng, rượu nhập ngoại do buôn lậu, không rõ nguồn gốc. Rất nguy hại ở chỗ, như báo chí đã nhiều lần lên tiếng, nhiều người kinh doanh đã sử dụng các viên hóa chất không rõ nguồn gốc cho vào nước lã để tạo ra loại rượu giá rẻ độc hại. Ở nhiều vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, loại rượu hóa chất giá 10-15 đ/lít đã trở thành một thứ đồ uống hàng ngày rất dễ tiếp cận, thậm chí được sử dụng thay cho nước uống. Lượng hóa chất độc hại này sẽ tàn phá lục phủ ngũ tạng, đã gây hại không chỉ cho người uống mà còn cả cho thế hệ con cái họ. Cách thức sử dụng đồ uống có cồn như vậy vô hình chung biến thứ đồ uống hữu ích này trở thành một thứ hàng hóa, ẩm thực bất thiện, gây hại lớn cho các cá nhân và cộng đồng.

 

 Sử dụng rượu bia quá mức độ và không đúng cách là một nguyên nhân gây nên tỷ lệ người bị thương tật, thương vong do tai nạn giao thông cao, do họ uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông. Nhiều căn bệnh như tiểu đường, gút, tim mạch, ung thư… có một nguyên nhân vì sử dụng rượu bia thường xuyên và quá mức độ. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, chúng ta không thể quy cho thực trạng tai nạn giao thông và bệnh tật tăng cao hiện nay chỉ do tác hại của sử dụng rượu bia.

 

Sử dụng rượu bia không đẹp, thiếu văn hóa không chỉ không phát huy được mặt tích cực và không tôn vinh được cái tinh hoa của nó mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh và những người không sử dụng rượu bia. Nếu trong văn hóa truyền thống việc mời rượu, uống rượu được thực hiện theo nhiều tục lệ, lễ nghi, hành vi đẹp thì ngày nay, nó thường diễn ra một cách sơ sài, cẩu thả, thiếu sự tôn trọng những người xung quanh. Các thói quen, tục uống rượu quay vòng, ép uống, hò hét to khi uống, uống đến mức say xỉn, nằm gục tại chỗ mới là thật lòng, hết mình… hầu hết là các thói mới, xuất hiện khoảng 30 năm trở lại đây. Bên cạnh đó là cách sử dụng rượu bia một cách lãng phí, kiểu trưởng giả học làm sang hay trọc phú như là công chức nhưng đòi hỏi được tiếp đãi những chai rượu hàng chục hàng trăm triệu đồng, uống cô nhắc như uống nước lã… Cách thức trình diễn uống rượu ồn ào, thiếu văn hóa, văn minh này gây phản cảm và ác cảm cho những người không sử dụng rượu bia, nhất là đối với những người từ các nước văn minh khi đến Việt Nam. Trong khi chúng ta lại rất thiếu các lễ hội, sự kiện để tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của bia rượu như các lễ hội ở các nước văn minh thường làm như lễ hội bia ở Đức, lễ hội và các cuộc thi rượu vang ở Pháp, với các chuyên gia và nghệ nhân về sản xuất rượu, nếm rượu, đánh giá rượu đẳng cấp quốc tế.

 

Tóm lại, nhìn một cách tổng quát thì văn hóa sử dụng rượu bia ở Việt Nam hiện nay còn ở mức độ dưới chuẩn. Nói cách khác, phương thức sử dụng rượu bia của nước ta hiện nay thiếu và yếu tính chân, thiện, mỹ, chưa đạt tới một nền văn hóa đẹp và mạnh.

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo tôi là:

(1) do nhận thức về rượu bia và cách thức khoa học về sử dụng nó còn sơ khai, phiến diện, thiếu nhiều yếu tố văn hóa, văn minh.

(2) Nền tảng, các chuẩn mực văn hóa, nguyên tắc sử dụng rượu bia còn sơ sài, thiếu sự thống nhất chung ở phạm vi quốc gia để định hướng cho chính sách quản lý nhà nước và cách hành xử có văn hóa của công dân.

(3) công tác nghiên cứu, đào tạo, truyền thông về sử dụng rượu bia còn thiếu sự quan tâm và thực hiện thiếu hiệu quả ở các chủ thể có liên quan, trong cả khu vực nhà nước và xã hội.

(4) Pháp luật, quy định và các chế tài xử phạt về các hành vi sản xuất, phân phối, sử dụng rượu bia quá mức, sai cách, gây hậu quả xấu còn chưa nghiêm minh, thiếu hiệu lực và hiệu quả.

(3) Năng lực quản trị quốc gia, quản trị địa phương đối với lĩnh vực này còn bất cập, trước hết là trong thái độ, đạo đức và năng lực của bộ phận cán bộ, công chức có trách nhiệm.

(4) Cán bộ lãnh đạo, quản lý khu vực công và tư chưa thực sự nêu gương, chưa trở thành tấm gương về việc truyền bá và thực hành văn hóa sử dụng rượu bia văn minh, lành mạnh.

(5) Chúng ta chưa tận dụng tốt cơ hội hội nhập, giao lưu quốc tế để học hỏi và phát huy văn hóa rượu bia của mình ở quy mô tổ chức, doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia.

 

 4. Đề xuất định hướng và giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa sử dụng rượu bia ở Việt Nam giai đoạn hiện nay

 

Một là, tăng cường truyền thông, giáo dục, đào tạo nâng cao nhận thức của xã hội về rượu bia và văn hóa sử dụng rượu bia ở Việt Nam hiện nay theo các chuẩn mực chân – thiện – mỹ với mục tiêu uống rượu bia văn minh, lịch sự, có trách nhiệm với bản thân và với gia đình, tổ chức và xã hội.

 

Hai là, nghiên cứu, tổng kết, xây dựng một hệ thống văn bản về văn hóa sử dụng đồ uống có cồn của Việt Nam với các giá trị, chuẩn mực, quy phạm, nguyên tắc thực hiện với mục đích bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, học hỏi những tinh hoa của nhân loại, phát triển mặt tích cực của văn hóa rượu bia, góp phần phát triển các nguồn lực văn hóa trong kinh doanh cũng như trong hoạt động và sinh hoạt cộng đồng của mỗi tổ chức, doanh nghiệp…theo các yêu cầu quá trình hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Ba là, hoàn thiện các công cụ quản lý tổ chức và xã hội bằng luật pháp, tăng tính hiệu lực, công bằng, minh bạch và hiệu quả của nó, để điều chỉnh việc sản xuất, phân phối và sử dụng đồ uống có cồn đúng cách, giảm thiểu việc lạm dụng rượu bia gây tác hại cho bản thân và xã hội.

 

Bốn là, phương pháp xây dựng và quản trị văn hóa sử dụng rượu bia cần kết hợp giữa xây và chống, xây dựng là chủ yếu, lấy cái tốt đẹp đè bẹp cái xấu. Cần ưu tiên việc khen thưởng, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng văn hóa sử dụng rượu bia văn minh, lành mạnh. Cần chú trọng việc tổ chức các lễ hội về bia rượu ở cấp trung ương và địa phương; các cuộc thi về chất lượng và sự sáng tạo, đổi mới về sản phẩm và thương hiệu bia rượu. Cần đào tạo, phát triển đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia xuất sắc về sản xuất, đánh giá, biểu diễn và truyền thông về  bia rượu của Việt Nam.

 

Năm là, nâng cao trách nhiệm nêu gương của bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các tổ chức khác trong việc sử dụng rượu bia có văn hóa, văn minh, tiết kiệm và lành mạnh để nhân viên và cấp dưới làm theo. Cần coi đây là một biểu hiện của đạo đức, lối sống và năng lực của người cán bộ lãnh đạo, cơ sở để tạo niềm tin cho quần chúng.

 

Sáu là, thực hiện và phát huy vai trò của các tổ chức hiệp hội, đoàn thể, của báo chí và xã hội trong việc xây dựng, phản biện các văn bản chính sách, pháp luật và quán trình xây dựng văn hóa sử dụng rượu bia ở nước ta; giám sát và tham gia đánh giá đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức liên quan tới lĩnh vực này. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi, biểu hiện vi phạm pháp luật, phản nhân văn, gây hậu quả xấu trong việc sử dụng rượu bia của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào ở nước ta./.

                                                    

                                                            PGS. TS. Đỗ Minh Cương

                                    GVCC, Chủ nhiệm Bộ môn, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGH

            Kiêm Viện phó Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển VHDNVN.

                                     


[1] McGovern, Patrick E. (2003). Ancient Wine: The Search for the Origins of Viniculture. Princeton: Princeton University Press. tr. 314. ISBN 0691070806.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3. tr.431.

Các bài viết khác

Xem thêm

Tài xế uống 4 lon bia: “CSGT phạt 7 triệu đồng tôi lấy gì đóng”

Sau khi bị Đội CSGT Tân Sơn Nhất kiểm tra có nồng độ cồn kịch khung, nam tài xế không hợp tác với lực lượng chức năng mà liên tục gọi điện thoại nhờ người can thiệp bỏ qua lỗi vi phạm.

Uống có văn hóa, văn minh trong dịp nghỉ Lễ

Năm nay, dịp lễ Quốc khánh 2-9 được nghỉ 4 ngày liền nên hầu như ai đi làm ăn, công tác xa cũng về quê để nghỉ ngơi, gặp mặt gia đình, bạn bè. Nhiều người cảm nhận dịp nghỉ lễ năm nay như thế nghỉ Tết Nguyên đán vì có nhiều thời gian thăm hỏi nội, ngoại, cùng nhau làm cỗ cúng ông bà, tổ tiên.

Văn hóa uống trong thành ngữ, tục ngữ thơ ca

Ở Việt Nam và thế giới, rượu bia là thứ đồ uống không thể thiếu trong các dịp vui như lễ tết, cưới xin, mừng thọ, mừng nhà mới...

Lịch sử của rượu

Từ rất lâu, đồ uống chứa cồn đã gắn liền với lịch sử phát triển của con người. Nhiều nhà khảo cổ tin rằng, rượu vang được làm từ nho đã ra đời cách đây hơn 10000 năm và những đồ uống khác như bia, rượu mật ong thậm chí còn xuất hiện sớm hơn

Quảng cáo và mua tạp chí

Bình chọn trực tuyến

🔴 Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia cũng như các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này có nghĩa, khác với quy định trước đây là cứ có nồng độ cồn khi lái xe là bị phạt. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.