Tổng quan về văn hóa uống và những hiện tượng phản ánh văn hóa, lệch chuẩn văn hóa uống hiện nay

15/12/2018 - 05:58 PM
443 lượt xem
Cỡ chữ

"Tổng quan về văn hóa uống (rượu, bia)” gồm các nội dung: quan niệm về văn hóa uống và hiện tượng phản văn hóa, lệch chuẩn văn hóa uống ở nước ta hiện nay.

1. Từ quan niệm về văn hóa uống

Trước hết phải làm rõ khái niệm "văn hóa uống" (mà cụ thể ở đây là uống rượu, bia) với cơ cấu của nó thì mới có cơ sở lý luận để nhận thức thực trạng và đề ra các giải pháp "xây dựng" văn hóa uống phù hợp, hiệu quả.

Nếu văn hóa được quan niệm là "hành vi" và "quan niệm" mà những tập thể người học hỏi được với tư cách là các thành viên của mỗi cộng đồng (theo quan điểm nhân học văn hóa) thì, văn hóa uống có thể quan niệm là văn hóa hành vi uống của con người. Bởi vì văn hóa uống không thể tồn tại ngoài những biểu hiện cụ thể của hành vi uống, không thể chỉ dừng lại ở ý nghĩa văn hóa của hành vi uống. Cho nên chủ đề hội thảo nói đến "xây dựng văn hóa uống lành mạnh, văn minh" là rất đúng. Văn hóa uống không đơn thuần chỉ là những hiểu biết về các nguyên tắc, chuẩn mực uống của xã hội mà còn là quan điểm, thái độ, tình cảm và tập quán được chủ thể uống lĩnh hội và thực hành trong hoạt động của mình. Không chỉ căn cứ vào lời nói, phát ngôn mà cần căn cứ vào hành vi uống mới đánh giá đúng được văn hóa uống (thái độ, động cơ, định hướng và mục đích uống của chủ thể) như tục ngữ Việt Nam có câu: "Đừng nghe người ta nói mà hãy xem người ta làm" thì mới đánh giá được văn hóa của họ.

Tuy nhiên văn hóa uống quan niệm như trên là theo nghĩa hẹp, còn theo nghĩa rộng, văn hóa uống được xem là một bộ phận của văn hóa ẩm thực, trong lĩnh vực văn hóa sinh tồn (sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm vật chất) của một cộng đồng xã hội nhất định. Với nghĩa rộng, văn hóa uống là một tổng thể bao gồm một kết cấu gồm nhiều yếu tố gắn kết với nhau: triết lý, tư tưởng; giá trị, chuẩn mực, khuôn mẫu thực hành (quy định, quy ước, cách thức tổ chức uống (cuộc uống), hành vi uống dựa trên đặc trưng văn hóa của một cộng đồng). Ngoài ra còn các yếu tố biểu hiện (ngoại hiệu) của văn hóa uống (các biểu tượng, giai thoại, truyền thuyết...) về uống. Cụ thể là:

Triết lý uống, lý giải về uống (tất nhiên là uống rượu, bia): Đó là những tư tưởng có tính triết học, đạo đức nhân sinh xuất phát từ các quan điểm học thuyết triết học, tôn giáo, chính trị - xã hội quan niệm về uống (đồ uống, thức uống, mục đích uống) như thế nào? uống vì cái gì? uống để làm gì?

Từ thời cổ đại, ở phương Tây người ta tôn vinh rượu và việc uống rượu như là một hành động thiêng liêng có ý nghĩa thánh thần. Việc sáng chế, phát minh ra rượu (rượu nho) là công việc của thần thánh (thần Dionysos). Rượu nho được liên hệ với máu của người, cái đem lại sự sống, sự bất tử và tri thức, trí tuệ, khai sáng tâm hồn, sức mạnh của con người. Do vậy, trong các nghi lễ thiêng liêng, các nghi thức sang trọng của các cuộc tế lễ, tiếp tân, thù tạc... người ta đã dùng đến rượu và coi uống rượu như là một nghi thức bắt buộc, cao quý và sác tín. Trong cuộc sống đời thường rượu và uống rượu được xem là hạnh phúc, vinh hoa, phú quý: rượu mừng, rượu thưởng, rượu dâng, rượu ban, rượu lễ... Tóm lại, từ thời cổ đại cho đến nay, triết lý về rượu, về việc uống rượu mang ý nghĩa cao quý (ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa tâm linh).

Bia và uống bia xuất hiện trong thời cận đại ở phương Tây, ít nhiều cũng mang ý nghĩa như rượu và uống rượu. Song bia chủ yếu để giải khát, phục hồi sức khỏe mang tính đại chúng, thường nhật hiện nay.

Giá trị, chuẩn mực trong văn hóa uống (rượu, bia):

 

- Giá trị của việc uống (sự uống) là phẩm chất vốn có của đồ uống (rượu, bia) và hành vi uống (rượu, bia) so với thức uống khác, đem lại lợi ích cho người uống, được cộng đồng thừa nhận và chấp nhận; muốn được thỏa mãn trong điều kiện nhất định (phù hợp và thích hợp).

Giá trị của việc uống trong văn hóa uống (rượu, bia) đã được các cộng đồng người, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa thừa nhận, có thể khái quát như sau:

+ Giá trị sinh tồn: tăng cường sức khỏe, bồi bổ sinh lực, phòng chống và trị bệnh tật (rượu ngon, rượu bổ, rượu thuốc) nâng cao sức lao động, sản xuất của cải vật chất và giống loài (con người).

+ Văn hóa tinh thần: Tăng sự phấn khích (cảm xúc, ý chí, nghị lực...); thanh lọc tâm hồn, tình cảm; kích thích sáng tạo, hưởng thụ và biểu hiện văn chương, nghệ thuật (cảm hứng, linh cảm, thăng hoa, tưởng tượng...).

+ Văn hóa ứng xử - giao tiếp: Tăng cường nhu cầu chia sẻ, cảm thông, gắn kết, giao lưu tiếp biến giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng, cộng đồng với cộng đồng.

+ Văn hóa tâm linh: Góp phần tạo nên tâm thế và niềm tin thông linh với các thế lực siêu nhiên, thần thánh; thanh lọc cái uế tạp, cái trần tục thường nhật để vươn tới và hòa nhập với cái thiêng liêng, thần bí.

+ Văn hóa biểu tượng: Với những giá trị trên, rượu (và uống rượu) gắn bó với toàn bộ vòng đời của mỗi cá nhân (biết uống và cả không biết uống) và mọi hoạt động sống của một xã hội, của một cộng đồng nhất định. Uống rượu trở thành biểu tượng văn hóa thể hiện các phẩm chất người của con người và các cung bậc tỉnh cảm trong quan hệ người.

Chẳng hạn, trong xã hội Nho giáo phương Đông khi nói đến phẩm chất, lối sống thanh cao, người ta nhắc đến "bầu rượu, túi thơ", người ta chạm khắc hình ảnh "bầu rượu, túi thơ" lên các bức đại tự, cuốn thư để ở những nơi trang trọng của ngôi nhà hay đình quán cộng đồng. Người ta lấy việc chia nhau chén rượu để thể hiện tinh thần gắn kết cha con, gắn bó cộng đồng:

                                          "Tướng sỹ một lòng phụ tử

Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào"

(Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi)

(Ngày nay, các cộng đồng người vẫn duy trì truyền thống gắn kết đó: Uống chung một chén, bát rượu; dùng một chén, bát rót rượu truyền nhau uống; cụng ly, cụng chén và uống chung một bình (rượu cần)...

Trong Truyện Kiều đại thi hào Nguyễn Du hàng chục lần nói về rượu và uống rượu gắn với cuộc đời của nàng Kiều trong mười lăm năm lưu lạc đầy buồn vui và tủi hận.

                                 "Đủ điều trung khúc ân cần,

                                  Lòng xuân phơi phới, chúa xuân tàng tàng"

                     hay:    "Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,

                                 Giật mình, mình lại thương mình xót xa"

                     hoặc:  " Chén đưa bữa nhớ hôm nay,

                                 Chúc mừng xin đợi ngày rầy năm sau" v.v.

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Trong thơ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không dưới chục lần nói đến rượu và uống rượu. Rượu và uống rượu gắn với quê hương, đất nước, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với cuộc chiến đấu của quân dân ta:

                                 "Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,

                                 Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.

                                 Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,

                                 Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say."

                     hay:    "Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,

                                 Tự do vàng đỏ một rừng xuân."

                     hoặc:  "Còi thu đã rúc vàng từng núi,

                                 Du kích về thôn, rượu chửa vơi"

Và rượu còn gắn với phong cách thi nhân, nhân cách người chiến sỹ chiến đấu, chiến thắng và thói quen xấu của mình ở Hồ Chí Minh:

                                 "Thuốc không, rượu chẳng có mừng xuân,

                                 Dễ khiến thi nhân hóa tục nhân.

                                 Trong mộng thuốc thơ và rượu ngọt,

                                 Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần."

Trên đây chỉ là một vài dẫn liệu nói về giá trị của việc uống (rượu) trong văn hóa uống ở nước ta và trên thế giới, từ cổ xưa cho đến ngày nay trong đời sống dân tộc và nhân loại, hướng tới giá trị chung, phổ quát là: chân - thiện - mỹ - ích.

- Chuẩn mực, quy định trong văn hóa uống

Để con người hiện thực hóa được giá trị của rượu và việc uống rượu hay nói cách khác là thực hành văn hóa uống đúng với giá trị của nó, các cộng đồng đã đặt ra các chuẩn mực, khuôn mẫu uống dẫn dắt hành vi uống của con người. Đó là chuẩn mực uống như thế nào cho phù hợp với giá các giá trị mà việc uống đem lại cho con người. Trước hết là uống cái gì (loại rượu, bia nào?), đến uống khi nào (từ tuổi nào?, vào lúc nào?)?; uống bao nhiêu (mức độ nào); uống kèm theo với cái gì? Thành tố này của văn hóa uống chúng tôi không trình bày cụ thể vì nó liên quan đến những cộng đồng người khác nhau. Chỉ xin lấy một vài ví dụ, trong văn hóa uống nước ta trước đây, danh y Lê Hữu Trác dạy: "Bán dạ tam tửu bôi/ Bình minh sở trản trà/ Mỗi nhật y như thử/ Lương y bất đáo gia" có nghĩa là: Mỗi tối ba chén rượu/ Mỗi sáng uống chén trà/ Mỗi ngày đều như thế/ Thầy thuốc không cần đến nhà. Đấy là chuẩn mực y tế, sức khỏe của văn hóa uống. Vè về rượu làng Mơ, Kẻ Chợ (Thăng Long - Hà Nội) có nói đến "mức độ" uống rượu vừa phải, đủ độ như một sự cảnh tỉnh đối với người uống:

                                 "Rượu ngon chẳng kể be sành

                     Rượu nhạt uống lắm cũng thành kẻ say"

Ngày nay, các chuẩn mực quy định trong văn hóa uống chủ yếu được đặt ra trong các điều luật và quy ước sinh hoạt, quy ước đời sống của các cộng đồng.

Công nghệ thực hành văn hóa uống (rượu, bia)

Công nghệ thực hành văn hóa uống chính là đời sống hiện thực của văn hóa uống được ý thức, được tổ chức thực tiễn dưới sự tác động của các quan niệm về giá trị, chuẩn mực văn hóa uống của các chủ thể trong một cộng đồng nhất định. Công nghệ thực hành văn hóa uống bao gồm ba yếu tố: Thể chế (quy định pháp luật, luật tục về sản xuất, kinh doanh đồ uống, việc uống); thiết chế (bộ máy tổ chức, kiểm tra, kiểm soát việc uống) và hành vi uống (chủ yếu là hành vi cá nhân, nhóm xã hội).

 

- Thể chế thực hành văn hóa uống: Bao gồm các thể chế sản xuất, kinh doanh đồ uống (rượu, bia) phù hợp với nền kinh tế, với điều kiện tiêu dùng, với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người sử dụng... Chẳng hạn, thời Pháp thuộc người Pháp cấm dân Việt Nam được nấu và uống rượu gạo (tự nấu thủ công), bắt người dân phải uống "rượu cồn", uống sâm banh, uống bia... Pháp luật nhà nước Việt Nam hiện nay cấm sản xuất, buôn bán rượu giả; cấm bán rượu cho trẻ em và ngăn ngừa trẻ em uống rượu, bia...

- Thiết chế thực hành văn hóa uống: Bao gồm các tổ chức, cơ quan nhà nước, xã hội và cộng đồng định ra các thể chế, thực thi các thể chế trong văn hóa uống. Cụ thể là các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, các cơ quan quản lý xã hội, quản lý thị trường và cả cơ quan giáo dục nhà trường và cộng đồng có trách nhiệm, liên quan đến văn hóa uống.

Chẳng hạn, việc thực hiện thể chế cấm sản xuất, buôn bán rượu giả cần đến một hệ thống các cơ quan nhà nước: công an, tòa án, quản lý thị trường, cơ quan tuyên truyền; để ngăn ngừa trẻ em uống rượu, bia cần đến: chính quyền, nhà trường, đoàn thể, cơ quan y tế, tổ chức xã hội...

- Hành vi uống trong thực hành văn hóa uống: Có liên quan đến mọi thành tố của văn hóa uống và nó là thành tố quan trọng của văn hóa uống, được xem là "văn hóa uống" theo nghĩa hẹp. Như ở phần đầu bài viết này đã trình bày, để tạo nên hành vi uống hay văn hóa uống theo nghĩa hẹp cần có:

a) Hiểu biết nguyên tắc, chuẩn mực về uống đúng quy định: Ở đây muốn nói đến những nguyên tắc, chuẩn mực xã hội hay nghi thức xã hội trong văn hóa uống là cơ bản (không nói đến nguyên tắc y học, sức khỏe). Cần phải hiểu biết nguyên tắc, chuẩn mực uống trong các nghi lễ (tâm linh, ngoại giao, dâng hiến, bạn thưởng...) các cuộc liên hoan (cơ quan, tập thể, cộng đồng) đông, bạn bè…) rất khác nhau và vì thế, tư cách của mỗi chủ thể trong đó cũng được quy định khác nhau hay giống nhau. Ngoài ra, còn phải hiểu và tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực cộng đồng xã hội liên quan đến việc uống như trật tự, an sinh xã hội, vấn đề an toàn giao thông... Bên cạnh đó còn phải hiểu và tuân thủ tập quán, truyền thống, tập tục trong văn hóa uống của mỗi cộng đồng cũng là một nguyên tắc quan trọng không thể bỏ qua.

b) Biểu hiện thái độ, cảm thức về uống đúng mực: Từ việc hiểu biết và tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực xã hội trong văn hóa uống, cần phải có thái độ, ý thức và tình cảm trong thực hiện hành vi uống. Thái độ, ý thức kính cẩn, trân trọng hay tự nhiên, phấn khích, tình cảm trang trọng hay vui vẻ, hòa đồng, nhập cuộc… tùy thuộc vào tính chất của mỗi cuộc uống, tiệc uống hay bữa uống.

Thái độ, cảm thức về uống không chỉ biểu hiện trong quan hệ với cộng đồng mà còn biểu hiện với chính mình (cá nhân ứng xử với bản thân) là một nội dung quan trọng của văn hóa hành vi uống. Bởi đặc thù của hành vi uống (rượu, bia, nhất là rượu) người ta có thể uống một mình, nhiều khi chỉ uống một mình “một mình uống, một mình say”, đem lại khoái cảm cá nhân. Do vậy, thái độ, cảm thức đối với hành vi uống như thế nào là “văn hóa” là việc rất khó bàn luận. Song thái độ, cảm thức chung ai cũng chấp nhận là uống để cuộc sống cá nhân và cộng đồng tốt đẹp hơn đó là văn hóa. Vì cuộc sống là cái quý giá nhất, văn hóa là cái làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Một nghệ sĩ uống để tìm cảm hứng, sáng tạo tốt hơn cũng vì cuộc sống. Một người cô hơn, đau khổ, bất đắc chí uống để giải tỏa nỗi cô đơn, nỗi đau, nỗi buồn cũng vì cuộc sống. Còn uống để hủy hoạt mình, hủy hoại người khác, hủy hoại cuộc sống thì không thể xem là hành vi văn hóa (Vấn đề này sẽ được trình bày thêm ở phần quan niệm về phản văn hóa, phi văn hóa uống).

c) Cách thức, kỹ năng và ứng xử trong hành vi thực hành văn hóa uống: cách thức, kỹ năng uống là sự biểu hiện thái độ, ý thức trong văn hóa uống. Cần có cách thức (cung cách, nghệ thuật), kỹ năng phù hợp thì thái độ, ý thức và tình cảm trong thực hành văn hóa uống mới đáp ứng được nguyên tắc, chuẩn mực của văn hóa uống và phù hợp với triết lý trong văn hóa uống. Do vậy, cách thức, kỹ năng và ứng xử được xem là phần nổi của tảng băng văn hóa uống và cũng là phần người ta dễ thấy trong văn hóa uống ở nước ta hiện nay.

Cách thức, kỹ năng uống (ngoài những cách thức mà y tế quy định) là cách thức uống gắn với mục đích uống, gắn với không gian, môi trường, thời gian uống; gắn với thức ăn, phương tiện dùng để uống. Nghĩa là ngoài cách thức pha chế rượu, thử rượu (về mặt kỹ thuật) là cách dùng rượu, uống rượu lúc nào để đạt được mục đích (đã trình bầy ở phần trên), đem lại lợi ích (sức khỏe, tinh thần) của cá nhân và cộng đồng. Kỹ năng trong thực hành văn hóa uống còn là kỹ năng rót rượu, mời rượu, dâng rượu và kỹ năng thưởng thức rượu.

Cách thức, kỹ năng uống trong văn hóa uống, xin nhắc lại là “uống rượu”, “dùng rượu”, “thưởng thức rượu” chứ không phải là “nốc rượu”, “hốc rượu”, “tu rượu”. Uống trong không gian, thời gian thích hợp, được phép (ngày lễ, tết, ngày liên hoan, lúc tụ tập, bữa trưa, bữa tối, buổi tối…) đúng nơi, đúng chỗ (nhà hàng, khách sạn, quán rượu hay gia đình…). Mức độ uống: vừa đủ, phù hợp với sức khỏe, điều kiện kinh tế, công việc, hoàn cảnh… của cá nhân, cộng đồng. Trong thực hành văn hóa rượu, người ta phân biệt người “biết uống rượu” khác “kẻ nghiện rượu”, “gã nát rượu”; người ta chia ra hạng người “Bầu rượu, túi thơ”, “Bầu tiên, chuốc tửu”, “Tẩy trần mượn chén giải phiền” (Truyện Kiều) với bọn “Bợm rượu, “Sâu rượu”, “Ma rượu – ma men”…

Cách thức, kỹ năng uống trong văn hóa uống còn là nghệ thuật ứng xử với người uống, bạn uống, đối tác uống và người xung quanh, cộng đồng. Uống với ai: bạn bè, cộng đồng, “người trên, kẻ dưới”, với đối tác, thậm chí uống với đối thủ hoặc kẻ thù… như thế nào? Dân gian có nói: “Rượu ngon phải có bạn hiền”, “vợ chồng chén tạc, chén thù” hay anh em, bạn bè “chén chú, chén anh”; phải biết kìm nén, nhiều khi “rượu vào, lời ra”, hay phải biết “kính trên, nhường dưới” khi va chạm trong cuộc rượu. Đấy vừa là nghệ thuật vừa là kỹ năng ứng xử trong văn hóa uống.

Hệ thống yếu tố ngoại hiện của văn hóa uống:

Yếu tố ngoại hiện là yếu tố hiện ra bên ngoài (biểu hiện ra bên ngoài) để người ta có thể nhận biết nội dung bên trong của sự vật, hiện tượng (trong văn hóa doanh nghiệp đó là các yếu tố vật thể và phi vật thể: logo, biển hiệu, nhãn hiệu, trang trí trụ sở, trang phục…) ngày lễ, ngày kỷ niệm, bài hát truyền thống, giai thoại, chuyện kể…). Văn hóa uống (rượu, bia) cũng có một hệ thống ngoại hiện phong phú, đa dạng.

Trong văn hóa uống, truyền thống phương Đông có thể bắt gặp hình ảnh “bầu rượu” trang trí trên các nóc đình, nóc chùa, các bức cuốn thư chạm khắc hình “Bầu rượu, túi thơ”. Tại phòng khách của nhiều gia đình trang trí bằng các bình rượu quý, các chai, lọ, nậm rượu cổ, các bức họa, khảm trai, khảm xà cừ với đề tài “tiên ông uống rượu, đánh vờ”, “Lã Vọng uống rượu, câu cá”… Các yếu tố phi vật thể cũng vô cùng phong phú và hấp dẫn: từ giai thoại Ngọc Hoàng thượng đế, tiên ông, đạo cốt, vua chúa say rượu quên cả trách nhiệm đến các kỳ nhân, nghĩa hiệp uống rượu “mãi võ”, chống lại cường quyền như Võ Tòng, Lỗ Chí Thâm…; từ các truyện cổ tích và các vị vua, quan sau mê “tửu sắc” để mất nước, đến các câu truyện dân nữ giết giặc Minh bằng rượu (cho giặc uống say, bỏ vào bao ném xuống sông) hay câu truyện uống rượu hết tiền gán vợ, đến hình ảnh “Chí Phèo” say rượu đã trở thành biểu tượng văn chương. Rượu đã trở thành đề tài văn chương và phương tiện giao tiếp, biểu hiện cảm xúc trong cuộc sống thường nhật:

                       “Em là con gái Kẻ Mơ,

                Em đi bán rượu tình cờ gặp anh”

Hay:              “Tay cầm bầu rượu, nắm nem,

                 Mải vui quên hết lời em dặn dò”

                                                       (Ca dao)

Hoặc:

“Sống ở trên đời đánh chén nhè,

Thác về âm phủ cắp kè kè.

Diêm Vương phán hỏi rằng: Chi đó?

Be!”

                                                    (Phạm Thái)

Đó cũng là một lối sống, một sinh kế của một cộng đồng “Nam vô tửu như cờ vô phong” hay:

                    “Rượu ngon xưa vốn nghề nhà,

          Hoàng Mai, Vọng Thúy không qua rượu Vồi”

                                                                  (Ca dao)

Hoặc “Rượu Vân Trai, gia Bất Nạo, gạo Đồng Bồ, ngô Tạ Xá, cá Đồng Vinh”.

Tóm lại, khi nói đến văn hóa uống (rượu, bia) là nói đến hệ thống hữu cơ các sự vật hiện tượng và hành vi, quan niệm liên quan đến rượu, bia và uống (rượu, bia) với một cơ cấu nhất định, có quan hệ với nhau tạo nên một “kiểu”, “dạng” hay một “lối” uống (rượu, bia) nhất định. Đó gọi là “văn hóa uống” theo nghĩa rộng (Văn hóa học quan tâm).

2. Đến hiện tượng phản văn hóa, lệch chuẩn văn hóa uống hiện nay

Như ở phần trên chúng tôi đã trình bày, văn hóa uống hiểu theo nghĩa rộng mới thật đầy đủ, song trong đời sống hiện nay người ta bàn đến văn hóa uống (rượu, bia) thường theo nghĩa hẹp (văn hóa hành vi uống rượu, bia). Quan niệm như vậy trực tiếp gắn với vấn đề của Hội thảo “Xây dựng văn hóa uống lành mạnh, văn minh”, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn theo chỉ đạo của Chính phủ, và vì Mục tiêu thứ ba trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Do vậy, trong phần này, chúng tôi chỉ bàn luận vấn đề xung quanh hành vi thực hành văn hóa uống:

 

Đó là sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết nguyên tắc, chuẩn mực văn hóa uống: Hiện tượng phản văn hóa, lệch chuẩn văn hóa uống hiện nay, trước hết biểu hiện ở việc người uống không hiểu biết, không quan tâm đến các nguyên tắc, chuẩn mực văn hóa uống. Phần lớn người uống hoặc là theo thói tục, tập tục xã hội sinh ra, lớn lên là uống, là đàn ông thì phải uống (tất nhiên có ngoại lệ) hay người lớn rủ rê, bạn bè rủ rê “vui bạn, vui bè” thì uống hoặc là bắt chước, đua đòi thể hiện “phong cách đàn ông”, “người sành điệu”, “giới thượng lưu, anh chị”… Họ không được dạy bảo, hướng dẫn về nguyên tắc, chuẩn mực và quy cách uống từ trong nhà trường, gia đình và xã hội một cách nghiêm túc, tự giác và cụ thể. Ngược lại, học học theo, làm theo hoặc a dua theo “mốt” thời thượng một cách tự phát, vô ý thức.

Về chủ quan thì số đông trong những người không hiểu biết hay không nhận thức được các nguyên tắc, chuẩn mực văn hóa uống là do trình độ dân trí thấp, năng lực tâm lý yếu (dễ bị lôi kéo, chạy theo đam mê…) không ý thức được hoàn cảnh của bản thân, mượn rượu, bia để lãng quên số phận hoặc trách nhiệm hay tự huyễn hoặc mình.

Từ chỗ không hiểu biết, kém hiểu biết và năng lực tâm lý yếu lại bị chính chất “ma men” của rượu, bia kích động cùng với yếu tố vô thức tập thể dẫn họ đến việc không tuân thủ nguyên tắc, chuẩn mực văn hóa uống. Đây là một vòng tuần hoàn luẩn quẩn, vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả, tác động lẫn nhau ở người uống.

Từ đó dẫn đến thái độ ứng xử trong thực hành văn hóa uống lệch chuẩn, không đúng mực. Trước hết là thái độ, trách nhiệm của người uống đối với sức khỏe, sự an sinh và đặc biệt là nhân cách của bản thân họ. Uống để tăng thêm sức khỏe thể chất và tinh thần của mình hay vô tình hủy hoại sức khỏe của mình. Nhiều người uống không có thái độ rõ ràng. Do vậy, họ bị sự lôi kéo của người khác, của “ma men” lao vào cuộc nhậu không làm chủ được bản thân, xông vào những cuộc thách đố, khích bác dẫn đến say rượu, bia, nghiện ngập rượu, bia, tác hại đến sức khỏe, sinh ra bệnh tật. Có những trường hợp người say rượu, bia đã không chú ý bảo đảm an sinh thể chất và tính mạng khi tham gia giao thông, tham gia hoạt động sản xuất, vui chơi giải trí. Đặc biệt là tham gia vào các cuộc đánh lộn dẫn đến thương tích, chết người, gây ra tội ác. Một bộ phận người uống khác vì say rượu (bia) trở thành kẻ nát rượu (bia) đã dẫn đến tha hóa nhân cách như người ta đã gọi là những “gã A.Q”, “Chí Phèo” hay những ông “đại gàn” hiện đại.

Tất nhiên vấn đề phản văn hóa, lệch chuẩn văn hóa uống (rượu, bia) không chỉ gây ra những hậu quả xấu cho mình, người uống mà còn gây ra các mối nguy hại cho người khác, cho cộng đồng, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Bài viết này xin được không bàn luận vấn đề trên.

 

PGS. TS. Lê Quý Đức

Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển

                                                     Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2018.

 

 

 

Các bài viết khác

Xem thêm

Tài xế uống 4 lon bia: “CSGT phạt 7 triệu đồng tôi lấy gì đóng”

Sau khi bị Đội CSGT Tân Sơn Nhất kiểm tra có nồng độ cồn kịch khung, nam tài xế không hợp tác với lực lượng chức năng mà liên tục gọi điện thoại nhờ người can thiệp bỏ qua lỗi vi phạm.

Uống có văn hóa, văn minh trong dịp nghỉ Lễ

Năm nay, dịp lễ Quốc khánh 2-9 được nghỉ 4 ngày liền nên hầu như ai đi làm ăn, công tác xa cũng về quê để nghỉ ngơi, gặp mặt gia đình, bạn bè. Nhiều người cảm nhận dịp nghỉ lễ năm nay như thế nghỉ Tết Nguyên đán vì có nhiều thời gian thăm hỏi nội, ngoại, cùng nhau làm cỗ cúng ông bà, tổ tiên.

Văn hóa uống trong thành ngữ, tục ngữ thơ ca

Ở Việt Nam và thế giới, rượu bia là thứ đồ uống không thể thiếu trong các dịp vui như lễ tết, cưới xin, mừng thọ, mừng nhà mới...

Lịch sử của rượu

Từ rất lâu, đồ uống chứa cồn đã gắn liền với lịch sử phát triển của con người. Nhiều nhà khảo cổ tin rằng, rượu vang được làm từ nho đã ra đời cách đây hơn 10000 năm và những đồ uống khác như bia, rượu mật ong thậm chí còn xuất hiện sớm hơn

Quảng cáo và mua tạp chí

Bình chọn trực tuyến

🔴 Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia cũng như các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này có nghĩa, khác với quy định trước đây là cứ có nồng độ cồn khi lái xe là bị phạt. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.