Đề xuất giảm thuế để giảm kích cầu và giảm áp lực cho doanh nghiệp
Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có đường, nhiều doanh nghiệp ngành đồ uống lo đối diện khó khăn nhiều hơn. theo đó, các đại biểu QH đề xuất, nên áp dụng giảm thuế VAT 2% cho tất cả mặt hàng để kích cầu và kéo dài một năm thay vì 6 tháng nhằm phát huy hiệu quả. Đó là những nội dung được nhiều tờ báo, trang tin tập trung đề cập thời gian gần đây.
Cụ thể, trên báo Tiền phong ngày 25/05/2023 có bài “Đề xuất áp Thuế Tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Doanh nghiệp thêm nỗi lo” (Đề xuất áp Thuế Tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Doanh nghiệp thêm nỗi lo (tienphong.vn) đã nhấn mạnh: Trước đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có đường, nhiều doanh nghiệp ngành đồ uống lo đối diện khó khăn nhiều hơn phá sản nhất là khi họ chưa kịp vực dậy sau khó khăn hậu COVID-19.
Bài viết cho biết, trong tài liệu mới nhất xin ý kiến thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi, Bộ Tài chính giữ đề xuất áp thuế với đồ uống có đường, thức uống đại mạch khiến các doanh nghiệp (DN) đồ uống lo lắng. Theo đó, bài viết trích dẫn ý kiến đại diện một số DN sản xuất nước ngọt cho thấy DN đang phải đối mặt với các khó khăn như: nguyên liệu đầu vào nhập khẩu liên tục tăng cùng chi phí sản xuất, vận chuyển, nhân công cũng tăng không ngừng. Trong khi đó, doanh số sụt giảm, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng hạn chế mua sắm...
Bài viết trên cũng trích dẫn các số liệu cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của dịch COVID-19 đến tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành Đồ uống: “Dịch COVID-19 đã giáng đòn nặng vào sức chống chịu của DN ngành đồ uống. Năm 2020, doanh thu giảm 17%, lợi nhuận giảm gần 95% so với năm 2019. Sang năm 2021, con số này tương ứng giảm 4,8% và lợi nhuận giảm 31%. Từ năm 2022 trở lại đây, DN ngành đồ uống mới bắt đầu gượng dậy”. Đồng thời, trích dẫn ý kiến của đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành đồ uống đang ở giai đoạn khó khăn. Đề xuất áp Thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ tác động lớn không chỉ đến DN mà còn tác động tới đời sống kinh tế, xã hội của người dân.
Theo đó, bài viết trích dẫn đề xuất từ ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách (VEPR): Trong bối cảnh khó khăn chung về sản xuất kinh doanh, chính sách thuế với doanh nghiệp, người dân nên duy trì để tiếp sức và kích cầu tiêu dùng trong nước. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thay vì tăng thu từ tăng thuế nên nuôi dưỡng cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Mới đây, ngày 27/5/2023, trên tờ VnExpress.net có bài “Đại biểu Quốc hội: Nên giảm thuế VAT tất cả mặt hàng để kích cầu” (Đại biểu Quốc hội: Nên giảm thuế VAT tất cả mặt hàng để kích cầu - VnExpress Kinh doanh). Bài viết cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT với các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10%, trừ một số lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, viễn thông. Chính sách này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với tổng cầu giảm sâu.
Bài viết trích dẫn ý kiến của nhiều đại biểu chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 27/5, cho rằng nên nới chính sách giảm thuế này với tất cả hàng hóa, dịch vụ trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Trong đó có ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, mọi cơ hội kinh doanh đều quý giá, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, việc giảm thuế này sẽ kích cầu, giải quyết khó khăn thị trường - nút thắt lớn nhất với doanh nghiệp lúc này.
Cùng quan điểm, PGS-TS kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong bối cảnh này, chính sách tài khóa cần mở rộng để giúp nền kinh tế thoát đà suy giảm, giải quyết bài toán an sinh xã hội, việc làm. “Tất cả ngành nghề lĩnh vực đều kết nối với nhau. Thị trường tài chính là một thị trường quan trọng góp phần giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp. "Cái gì làm dễ, thuận lợi thì nên làm. Do đó, cần giảm thuế VAT cho đại trà chứ không nên khoanh vùng, thậm chí có thể kéo giảm thuế này sâu hơn”, ông Ngân nhấn mạnh.
Thanh Nga (TH)