Điểm báo: Đề xuất cân nhắc lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống
Những ngày qua, thông tin Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã thu hút sự quan tâm của công luận, với nhiều ý kiến góp ý. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp có chung nhận định, những sửa đổi này sẽ tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ...
Trên báo Hải quan Online ngày 11/7/2024 có đăng bài “Đánh thuế, tăng thuế TTĐB góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng”(https://haiquanonline.com.vn/danh-thue-tang-thue-ttdb-gop-phan-thay-doi-hanh-vi-tieu-dung-187892.html)
Mới đây, ngày 19/7 trên Báo Tin tức của có đăng bài “Chuyên gia: Chưa phải là thời điểm để đánh thuế đường?” (https://baotintuc.vn/kinh-te/chuyen-gia-chua-phai-la-thoi-diem-de-danh-thue-duong-20240719121847981.htm). Bài viết cho biết, trong dự thảo mới nhất của Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính vẫn tiếp tục đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường, với mức thuế suất là 10%. Điều này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, có quan điểm cho rằng việc áp thuế TTĐB lên đồ uống có đường không giúp đạt mục tiêu sức khỏe và kinh tế mà thậm chí còn gây thiệt hại lớn cho nhiều ngành phụ trợ và nền kinh tế nói chung. Bài viết đã trích dẫn Báo cáo Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các báo cáo tại Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khoẻ Cộng đồng Việt Nam... cho thấy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường không giúp đạt mục tiêu tăng ngân sách quốc gia, mà ngược lại, còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nước giải khát và các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan. Bài báo cũng trích dẫn ý kiến của chuyên gia: “Chính phủ cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố kinh tế - xã hội và đưa ra các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà không gây thiệt hại cho nền kinh tế”.
Cũng trong ngày 19/7/2024, trên Tạp chí Nhà đầu tư có bài “Hệ lụy nào khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường?”( Hệ lụy nào khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường? (nhadautu.vn); Hay Tạp chí Người Đưa Tin có bài “Người tiêu dùng cần sử dụng, kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể hợp lý” (Người tiêu dùng cần sử dụng, kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể hợp lý - Tạp chí Người Đưa Tin (baomoi.com)). Các bài báo đều cho biết, theo chuyên gia dinh dưỡng, tỷ lệ thừa cân béo phì không tương ứng với mức độ tiêu thụ nước ngọt thường xuyên, có quá nhiều các loại thực phẩm có chứa đường trên thị trường và mức tiêu thụ của các loại thực phẩm này còn nhiều hơn so với nước ngọt. Cần có nghiên cứu sâu hơn để đưa ra sắc thuế phù hợp và có tính thuyết phục...
Trước đó, ngày 18/7, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã đăng tải phóng sự “Diễn đàn kinh tế: Áp thuế với nước ngọt có giảm thừa cân, béo phì?”. (https://www.quochoitv.vn/dien-dan-kinh-te-ap-thue-voi-nuoc-ngot-co-giam-thua-can-beo-phi-229395.htm). Phóng sự cho biết, đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam vào đối tượng chịu thuế TTĐB vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đồng thời, cung cấp các ý kiến phân tích đa chiều của các chuyên gia và đối tượng chịu tác động trực tiếp, gián tiếp của đề xuất này. Cụ thể như ý kiến của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: Hiện nay, chưa có đủ bằng chứng khoa học thuyết phục để kết luận đồ uống có đường là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thừa cân, béo phì tại Việt Nam… Hay ý kiến của TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: "Chúng ta chưa có một nghiên cứu tổng thể và toàn diện nào về việc mức độ thừa cân béo phì là do nước giải khát có đường. Đây là một trong những điểm cần có nghiên cứu sâu hơn để đưa ra sắc thuế phù hợp và có tính thuyết phục về đối tượng chịu thuế thì chúng ta mới có cơ sở để áp thuế cho mặt hàng đó".
Cũng trong phóng sự còn có nhận định của đại diện Tiểu ban Nước giải khát thuộc VBA cho rằng: Vấn đề mấu chốt là cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, để người dân có ý thức dung nạp kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể hợp lý so với calo tiêu hao. Bên cạnh đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường và nước giải khát sẽ tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này, ngăn trở đà phục hồi và tăng trưởng của ngành và nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, xã hội.
Vẫn liên quan đến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong ngày 11/7, trên trang thông tin tổng hợp Vietnambiz đăng bài “Khó chồng khó, doanh nghiệp rượu bia kiến nghị lùi thời gian áp thuế tiêu thụ đặc biệt” (Khó chồng khó, doanh nghiệp rượu bia kiến nghị lùi thời gian áp thuế tiêu thụ đặc biệt (vietnambiz.vn); Trên báo Quân đội Nhân dân có bài “Băn khoăn áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường” (https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/ban-khoan-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-len-nuoc-giai-khat-co-duong-784911); Trên Tạp chí điện tử VnEconomy có bài “Tranh luận căng thẳng về thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường và cồn” (https://vneconomy.vn/tranh-luan-cang-thang-ve-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-duong-va-con.htm). Vào ngày 10/7, trên báo Đầu tư có bài “Hệ lụy nào khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường?” (https://baodautu.vn/he-luy-nao-khi-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-do-uong-co-duong-d219634.html)... Các bài viết trên đều cho biết, theo các doanh nghiệp rượu bia, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá bán sản phẩm và dẫn đến giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh thu nhập của người tiêu dùng giảm trong giai đoạn năm 2024 - 2025. Vì vậy, cần xem xét giảm mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần cân nhắc kỹ lưỡng lợi - hại, tác động bởi sẽ gây quá sức chịu đựng của doanh nghiệp trong ngành trong khi khó đạt mục tiêu bảo vệ sức khoẻ người dân như kỳ vọng...
Các bài viết cũng nêu đề xuất của các doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới”….
Thanh Nga