Kỳ 2: Uống bia và nỗi lo phấp phỏng nồng độ cồn

05/04/2024 - 10:47 AM
818 lượt xem
Cỡ chữ

Câu hỏi “Mất bao lâu để nồng độ cồn về 0, để có thể tham gia giao thông?” có lẽ là câu hỏi được tra cứu trên google của không phải ít người trong thời gian vừa qua. Đó cũng là nỗi phấp phỏng của nhiều người khi cuối tuần được nghỉ gặp mặt gia đình uống rượu bia mà thứ 2 đi làm vẫn phải điều khiển phương tiện cá nhân. Cơ địa, sức khỏe của mỗi người khác nhau nên việc uống rượu, bia nồng độ cồn trong máu, hơi thở của mỗi người có thời gian dài hay ngắn cũng khác nhau. Nhiều người cho rằng, nên có ngưỡng về nồng độ cồn cho phù hợp với thực tế, không nên tuyệt đối bằng 0 như hiện nay... 

 

Cần có những cơ sở khoa học để làm căn cứ thuyết phục cho việc quy định nồng độ cồn (Ảnh minh họa)    

 

“Nhịn” cho lành

 

Đó là câu nói khá quen thuộc của nhiều người khi tham dự một đám cưới, đám giỗ, hoặc ra nhà hàng, quán ăn khi có dịp gặp gỡ bạn bè thời gian gần đây. Nếu trước đây, từ chối uống rượu, bia sẽ bị phê bình là không nhiệt tình, thì nay cũng không ai nỡ trách phạt, bởi uống xong mà họ gặp các chốt kiểm tra nồng độ cồn thì nhẹ cũng bị phạt hàng triệu đồng khi đi xe máy, còn nếu điều khiển ô tô con số sẽ là hàng chục triệu đồng – số tiền quá lớn đối với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam hiện nay.

Như đã thành lệ, vào mỗi buổi chiều tối, sau khi đá bóng, nhóm bạn của anh Tình (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) lại tụ tập nhau ở quán bia hơi đầu phố để giải khát và cũng để thỏa đam mê bia hơi. Họ thường chọn vài đồ ăn kèm nhẹ nhàng rồi cụng ly và chuyện trò rôm rả như để vơi đi những căng thẳng của công việc, sau đó ai về nhà ấy, ăn cơm với vợ con, ngủ nghỉ để chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau. Thói quen ấy ban đầu mấy bà vợ không mấy hưởng ứng nhưng thấy họ sinh hoạt khá lành mạnh nên cũng không ngăn cản.

Tuy nhiên, kể từ sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 có hiệu lực, nhất là từ khi các cơ quan chức năng huy động lực lượng, phương tiện, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên khắp địa bàn thành phố và xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, thì nhóm bạn của anh Tình “buồn” hẳn, “năm thì mười họa” mới “dám” uống vì chỉ lo sáng hôm sau đi làm trong máu vẫn còn nồng độ cồn. Không chỉ vậy, những đội bơi, đội đá cầu quanh đó cũng chơi thể thao ít đi, vì cho rằng chơi xong không được uống bia thì giảm độ thú vị và những quán bia vốn khá đông đúc tại Nhật Tân giờ trở nên đìu hiu vì vắng khách.

Anh Hiếu, trưởng phòng bán hàng một công ty điện máy có trụ sở tại quận Đống Đa, do công việc khá bận rộn nên thỉnh thoảng mới tham gia ăn uống cùng anh em công ty và luôn giữ chừng mực để đảm bảo sức khỏe, an toàn. Mấy năm trở lại đây, kể từ khi các cơ quan chức năng đẩy mạnh xử phạt vi phạm nồng độ cồn, anh gần như không tham gia một cuộc ăn uống chung nào vì rất ngại trên đường về sẽ gặp lực lượng chức năng.

Anh Hiếu chia sẻ, trong một cơ quan hay doanh nghiệp, những cuộc vui tập thể rất quan trọng vì nó thắt chặt tình đồng nghiệp, mọi người vui vẻ thì năng suất lao động cũng sẽ tăng lên và một cuộc vui thì không thể thiếu vài lon bia hoặc vại bia hơi. “Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện gửi xe lại để bắt taxi, hoặc gọi xe ôm về nhà, vì thế tôi quán triệt tất cả cùng “nhịn miệng” để đảm bảo an toàn và không lo bị phạt. Kể ra thì cũng thấy mình khắt khe, nhưng cũng là lo cho tất cả mọi người thôi”.

Những câu chuyện liên quan đến việc “nhịn miệng” uống bia hơi, hay các loại đồ uống có cồn khác không hiếm gặp thời gian gần đây. Bởi uống xong có thể sẽ gặp đội kiểm tra nồng độ cồn, hoặc có nhiều người uống tối hôm trước, thậm chí vài ngày trước nhưng cơ thể chưa thanh giải kịp, dù họ hoàn toàn tỉnh táo để điều khiển phương tiện nhưng trong máu vẫn có nồng độ cồn. Khi ấy, nếu gặp đội kiểm tra thì coi như mất cả tháng lương, thậm chí vài tháng lương nếu điều khiển ô tô, chưa kể bằng lái xe và các giấy tờ liên quan khách cũng bị thu giữ. 

Nhiều người chia sẻ, không phải ai cũng có điều kiện để thuê taxi đi lại, nhà có mỗi cái xe máy, cuối tuần uống mấy lon bia mà thứ 2 đi làm vẫn bị thổi nồng độ cồn thì thấy chưa hợp lý lắm vì vậy cần phải có ngưỡng độ cồn cho cho phù hợp với thực tế, còn trường hợp nào vừa uống ở quán xong mà vẫn điều khiển phương tiện thì cần xử lý nghiêm.

 

Những quan bia đìu hiu vắng vẻ thực khách (Ảnh minh họa)

 

Quy định nồng độ cồn sao cho hợp lý

 

Hồi tháng 2/2024, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông. Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế ủng hộ việc xử phạt vi phạm hành chính những trường hợp có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. "Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tham khảo thêm quy định các nước trên thế giới để đưa quy định sao cho hài hòa, phù hợp với bối cảnh thực tế", ông Khoa nói.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ năm 2020 quy định cấm "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Tuy nhiên, hiện các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể. Việc lấy ý kiến chuyên môn về y tế đối với nồng độ cồn trong máu, hơi thở được kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan chuyên môn có thêm các cơ sở đề xuất, xác định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông.  

Bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng: “Quy định cấm tài xế mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là rất cần thiết trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông ở nước ta đang phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, như tôi đã nêu quan điểm thì việc cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn hay tỷ lệ nồng độ cồn bằng 0 sẽ khó khả thi. Thực tế, trên thế giới có một số nước cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế, nhưng cũng có những nước có quy định ngưỡng hay t lệ giới hạn về nồng độ cồn khi lái xe”.

Cũng theo ông Huân, chúng ta nên có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Thêm vào đó, cần có những cơ sở khoa học để làm căn cứ thuyết phục cho việc quy định bằng 0 sẽ dễ dàng quản lý còn quy định có ngưỡng sẽ gây ra phức tạp, khó khăn cho cơ quan quản lý.

Thiết nghĩ, để đảm bảo người dân chấp hành tốt các quy định về nồng độ cồn thì nhà nước cũng quan tâm hơn đến các phương tiện xe công cộng như xe buýt, làm sao thuận tiện cho việc đi lại cho người dân, hạn chế xe cá nhân. Đặc biệt là nên có ngưỡng về nồng độ cồn cho phù hợp với thực tế, đảm bảo căn cứ khoa học.

Thanh Nga

Các bài viết khác

Xem thêm

Tác dụng ngược nếu áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường

Đề xuất đưa nước giải khát (NGK) có đường vào đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có thể gây tác dụng ngược đối với mục đích hạn chế tiêu dùng.

Các chuyên gia nói về nguyên nhân thừa cân béo phì và giải pháp áp thuế đối với nước ngọt sẽ lợi bất cập hại

Có quá nhiều các loại thực phẩm có chứa đường trên thị trường có mức tiêu thụ nhiều hơn so với nước ngọt. Do đó, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, người tiêu dùng sẽ dịch chuyển từ sử dụng các loại nước uống lưu thông hợp pháp sang các loại nước uống đường phố vốn không bị ảnh hưởng vì tăng thuế.

“Kinh tế xanh - trách nhiệm của nhà sản xuất”

Đó là chủ đề của Diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường lần thứ VIII - 2024” do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức diễn ra vào sáng 27/6/2024 tại Hà Nội.

Tìm lối đi cho ngành Bia Việt Nam

Những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cùng xu hướng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu khiến ngành bia, rượu sẽ vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khó khăn trong năm 2024. Do đó, đề xuất tăng “sốc” thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia của Bộ Tài chính hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi cần được đánh giá toàn diện và cân nhắc kỹ lưỡng.

Thừa dinh dưỡng và thiếu vận động là nguyên nhân khiến trẻ thừa cân, béo phì

​​​​​​​Theo kết quả khảo sát ở Hà Nội, tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì ở nội thành cao hơn ngoại thành nguyên nhân do thừa dinh dưỡng và thiếu vận động. Làm gì để học sinh có thể trạng tốt, hạn chế thừa cân béo phì là những nội dung được nhiều báo đài cũng như công chúng quan tâm.

Cần những chính sách vừa hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội vừa giải quyết bệnh không lây nhiễm hiệu quả

Ngày 9/4/2024, tại Hà Nội, Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, nguyên nhân và khuyến nghị các giải pháp phòng chống” nhằm chỉ ra những nguyên nhân phát sinh, cũng như đề ra những khuyến nghị, giải pháp tầm soát các căn bệnh này.

KỲ 1: Nhà hàng, hộ kinh doanh bia khốn đốn - cần chính sách hài hòa các mục tiêu vì sự phát triển bền vững  

​​​​​​​Trong mấy năm gần đây, nhất là từ dịp Tết Nguyên đán 2024 đến nay, các đại lý, cửa hàng, quán bia rơi vào cảnh khốn đốn, kinh doanh ảm đạm, nhà hàng vắng khách, cắt giảm nhân viên, kéo theo đó là các mặt hàng nông sản, thực phẩm cũng bị ảnh hưởng.

'Uống cốc bia hôm trước, sáng nay vẫn bị phạt nồng độ cồn thì vô lý'

Đại biểu Quốc hội ủng hộ nguyên tắc đã uống rượu, bia thì không lái xe, nhưng 'uống ngày trước đến sáng nay vẫn còn nồng độ cồn, nếu bị CSGT phạt thì vô lý'.

Quảng cáo và mua tạp chí