Tết sum vầy mới vui và ý nghĩa

21/01/2023 - 11:45 AM
104 lượt xem
Cỡ chữ
Năm nào cùng vậy, cứ sau ngày Ông Táo về Trời độ vài ngày là mấy anh chị em chúng tôi lại từ mọi miền đất nước tụ hội về nhà để đón Tết cùng cha mẹ. Nhà có năm anh chị em thì mỗi người học tập và lập nghiệp ở một phương trời khác nhau. Người thì mãi tận Thành phố Hồ Chí Minh, người Cà Mau, chị và em tôi thì sống tận Cao Bằng và Điện Biên. Riêng tôi thì sống tại Hà Nội và được xem là gần gặn nhất nên chẳng phải Tết, mà ngày rảnh rỗi tôi vẫn thay mặt anh chị về thăm nom chăm sóc cha mẹ. Năm tháng dần qua đi, anh chị em chúng tôi ngày một lớn khôn thì cha mẹ tôi cũng già đi trông thấy. Trên đầu cha mẹ cũng đã điểm những màu tóc pha sương bạc trắng. Cuộc sống của cha mẹ tôi quanh năm đơn côi và buồn tẻ bên nếp nhà đơn sơ cùng gà, lợn và mấy con chó nuôi cho vui và giữ nhà. Một đàn con đều đi hết, chẳng đứa nào sống cùng cha mẹ nên nhiều khi tôi thấy ông bà cũng buồn bã. Dường như cái buồn, sự thiếu vắng và đơn côi đã thành quen nên tâm tính của cha mẹ tôi cũng trở nên trầm lắng và ít nói… 
 

 
Chính vì buồn vì thiếu vắng con cái trong hầu suốt cả năm dài như thế, nên những ngày Tết là ngày cha mẹ, gia đình tôi vui vẻ nhất. Các anh, chị, em chúng tôi đều tề tịu đông đủ để ăn trọn mấy ngày Tết cùng gia đình. Mấy anh, chị cả đã lập gia đình và sinh các cháu cũng vẫn giữ thói quen về nhà đón Tết cùng cha mẹ, vì vậy gia đình tôi ngày Tết là đại gia đình sum họp tràn đầy niềm vui và tiếng cười. Từ hôm con cháu về đông đủ, mẹ tôi mừng ra mặt! Bà chạy đôn chạy đáo lo toan mấy chuyện lặt vặt như chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh, rửa lá dong để anh cả tôi gói bánh chưng. Cha tôi thì không còn sáng mắt nhưng cũng không chịu ngồi yên khi chuẩn bị bắc bếp để luộc bánh. 
 
Bữa cơm tất niên, gia đình tôi phải dọn ra làm hai mâm mới đủ ngồi, vì cả thảy đã là 13 thành viên. Mẹ tôi bảo: “Thôi, dọn làm một mâm quây tròn ăn cho vui vẻ, vì cả năm mấy khi ông bà mới được ăn cơm cùng con cháu đâu!”. Trong bữa ăn, tiếng nói, tiếng cười râm ran, rồi tiếng cha tôi hỏi thăm xem tình hình các con năm nay định mồng mấy đi (?!). Anh cả và chị hai, do ở xa nên quyết định mồng 3 đi. Nghe vậy, mẹ tôi góp ý: “Thôi, để mồng 4, nhà hoá vàng tiễn đưa các cụ ra đồng rồi hãy đi. Với lại, năm nay nhà bác Hải làm lễ khao thọ cho cụ vào hôm mồng 4, chúng mày cũng phải sang đó một chút chứ…”. Và thế là tất cả anh, chị em chúng tôi đều nghe theo lời cha, mẹ quyết định sau ngày mồng 4 mới đi. 
 

 
Quê tôi nằm ở một vùng ngoại thành đã và đang trên đà đô thị hóa mạnh mẽ. Ngày 30 cuối năm, thói quen theo mẹ đi chợ từ ngày thơ bé tôi vẫn còn giữ nên tôi nài nỉ bằng được mẹ cho đi cùng để được sống lại những ký ức của năm tháng tuổi thơ. Không chỉ mình tôi, mà mấy chị em cùng các cháu cũng theo mẹ đi chợ quê. Mẹ là người chu đáo nên khi ra tới chợ bà tỉ mẩn mua không thiếu một thứ gì, từ mấy chiếc lá chanh thơm để ăn kèm với thịt gà luộc; chút tiêu xay để rắc các món xào; hay vài củ tỏi, mấy quả ớt, chục quả chanh... Rồi nữa, các cháu được bà quý nhất khi mua nào bỏng ngô, kẹo mút, nào táo, ổi, mía, bóng bay và nhiều loại đồ chơi dân gian khác. Nhìn khung cảnh chợ quê đơn sơ với các khu cầu chợ liêu xiêu tôi thấy sao mà nên thơ, mà đẹp thế. Lúc này tôi ước giá như có được hình ảnh của các cô hàng xén răng đen, nón mê áo vá như cái thời tôi còn nhỏ thì thơ và đẹp biết bao?! 
 
Hạnh phúc nhất, vui vẻ nhất trong những ngày Tết có lẽ là giờ phút Giao thừa. Mấy đứa cháu tôi ngủ cũng bị đánh thức dậy để được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lấy hên. Rồi các cháu, các con xúm lại quanh cha mẹ tôi để mừng tuổi ông bà. Niềm hân hoan, niềm vui lúc này dâng trào nơi khoé mắt cha mẹ. Thấy tôi mừng tuổi cha mẹ nhiều hơn mọi năm, cha tôi thương thằng út vất vả bảo: “Thằng út không có nên cha mẹ trả lại, không lấy đâu! Bao giờ làm ra tiền như anh, chị thì cha mẹ mới nhận…”. Tôi phải nói, phải giải thích mãi cha mẹ mới nhận cho. Sau nghi lễ mừng năm mới cùng những lời chúc tốt đẹp, gia đình tôi lại có một bữa cơm cúng Giao thừa vui vẻ và đầm ấm. Mặc dù vừa ăn ban tối vẫn còn no nhưng các thành viên trong gia đình đều vẫn ngồi ăn chút xíu cho vui. Bia, rượu khui ra và tiệc được kéo dài cho tới tận tang tảng sáng, khi các cháu và cha mẹ tôi đã đi ngủ, lúc này bên mâm cơm chỉ còn lại mấy anh chị em chúng tôi ngồi hỏi han chuyện trò. 
 

 
Mấy ngày Tết diễn ra cực kỳ vui vẻ và hạnh phúc! Mãi tới tối mồng 3 Tết, đợi cho cha mẹ tôi đã ngủ, 5 anh chị em chúng tôi đã có cuộc họp bàn để cắt cử người về ở và trông nom cha mẹ lúc tuổi già. Vì các anh chị đều đã có gia đình, gắn liền với công việc ở xa vì thế nên di chuyển về sống cùng cha mẹ là điều rất khó. Nghĩ vậy nên tôi đã nhận trọng trách này: “Bố mẹ bây giờ đã già yếu, cần người chăm sóc nên ít bữa nữa em sẽ không thuê nhà sống bên Hà Nội nữa mà sẽ sắm chiếc xe gắn máy để sớm hôm đi về nhà cùng cha mẹ. Biết là đi lại vất vả đấy nhưng em sẽ khắc phục và rồi sẽ thành quen thôi. Thế nhưng, có một điều kiện này em đưa ra anh chị phải thực hiện để cha mẹ vui, đó là hàng năm cứ mấy ngày Tết phải tụ tập về nhà ăn Tểt chứ không được đón Tết riêng nhé…”. Cuộc họp đã đi tới quyết định như vậy và anh chị em chúng tôi đều vui vì từ nay cha mẹ tôi sẽ không phải sống đơn côi thui thủi một mình nữa, mà đã có tôi sớm hôm đi về, dẫu chỉ là sự xuất hiện thường nhật để cha mẹ vui mà thôi… 
 
Cuộc vui nào rồi cũng có lúc chia tay và mấy ngày Tết qua đi nhanh chóng, các anh chị em chúng tôi lại rời đại gia đình để trở về các miền quê sinh sống, lập nghiệp. Cha mẹ tôi buồn, các con, cháu cũng buồn. Thấy mẹ, cha đứng tần ngần tiễn con cháu ra xe, tôi vội động viên: “Ông bà vui lên để anh chị và các cháu ra đi mới vui chứ! Chả mấy mà lại tới Tết, gia đình ta lại đoàn tụ, lại vui vẻ…”, bởi một cái Tết sum vầy luôn đủ đầy các thành viên trong gia đình mới vui, mới nhiều ý nghĩa… 
 
Trịnh Viết Hiệp

Các bài viết khác

Xem thêm

Vui Xuân phải đúng luật

Trong ngày Tết, lễ hội, việc ăn uống là một phần không thể thiếu. Rượu bia được coi là thức uống gắn kết mọi người trên bàn tiệc, đặc biệt vào ngày Tết, lễ hội. Tuy nhiên nếu lạm dụng rượu, bia hoặc lái xe sau khi uống rượu bia lại có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Trước thềm xuân mới cùng Nhà thơ Hồng Thanh Quang mạn đàm về văn hóa uống: “Mình uống rượu không để rượu “uống” mình…”

Trong cái rét thấu xương của mùa đông Hà Nội, chúng tôi có dịp trò chuyện thân tình với Nhà thơ Hồng Thanh Quang bên ly cà phê sữa nâu nóng tại một quán cà phê quen thuộc. Sau thành công của chương trình nghệ thuật “Hồng Thanh Quang, 60 năm cuộc đời: Vẫn nguyên là nỗi khát”, những bạn văn và người hâm mộ lại thấy anh tất bật với những buổi gặp gỡ các đồng nghiệp, bạn văn, bạn thơ và các chương trình phỏng vấn trên báo chí, truyền hình. Đặc biệt, những ngày cuối năm anh lại càng bận rộn khi chuẩn bị xuất bản tiếp tập thơ mới “Thắp lửa” và những buổi ghi hình cho các chương trình chào Xuân. Tuy vậy, anh vẫn dành cho Tạp chí Đồ uống Việt Nam cuộc trò chuyện cởi mở về văn hóa uống, xu hướng tiêu dùng và tầm nhìn phát triển của ngành Đồ uống dưới góc nhìn của một nhà thơ, nhà báo.

Nhớ về Tết của một thời thơ ấu

Mỗi khi Tết đến trong tôi lại nôn nao nỗi nhớ về một miền cổ tích, nơi tôi sinh ra và có những tháng ngày ấu thơ đầy ắp những kỷ niệm. Tết với người lớn luôn là sự lo toan vất vả, khi biết bao nhiêu thứ cần phải mua sắm bằng tiền, mà với nền kinh tế của đại đa số người dân quê tôi khi xưa đều eo hẹp, nghèo khó khi chỉ trông vào lúa, ngô, khoai, sắn thu hoạch nơi ruộng đồng, thì đồng tiền kiếm được qua một năm không lấy gì làm dư giả.

Đón Xuân có trách nhiệm

Lại một mùa Xuân nữa sắp đến khiến lòng người hối hả, chộn rộn. Nhiều người chuẩn bị tâm thế từ rất sớm, cả tinh thần, sức khỏe và tiền bạc. Nhưng không phải ai cũng có ý thức đón Tết có trách nhiệm.

Hấp dẫn phiên chợ Tết ngày Xuân

Chẳng biết tự bao giờ, đi chợ Tết đã là niềm vui của hầu hết mọi người Việt, từ già trẻ, trai gái, đàn ông, đàn bà… ở nông thôn hay thành thị, ở vùng núi hay hải đảo. Cái cảm giác được hòa vào dòng người náo nhiệt mua mua, bán bán trong phiên chợ Tết giữa tiết Xuân sang khiến lòng người trào dâng cảm xúc, như được trở lại một thời thơ ấu và thêm háo hức đón chờ cái Tết đang đến rất gần!

Chở mùa Xuân về với ngoại

Chắc có lẽ cái Tết năm nay cũng chẳng có gì khác so với những năm trước. Cũng với cái khung cảnh tất bật xô bồ của cuộc sống đang hối hả vào những tháng cuối năm. Ai ai cũng cố phấn đấu, nỗ lực hết mình để đạt được những thành tích tốt nhất, để có được một cái tết trọn vẹn nhất bên người thân.

Ngày Tết nói về thành ngữ: Bánh chưng xanh dưa hành ngày Tết

Đây là loại thành ngữ mang tính biểu tượng nói về cái Tết cổ truyền của người Việt Nam. Theo phong tục, ở Việt Nam mỗi năm có rất nhiều Tết: Tết Rằm tháng Giêng, Tết mồng Mười tháng Ba (Tết bánh trôi), Tết cơm mới, Tết đoan ngọ, Tết Rằm tháng Bảy, Tết Độc lập, Tết Dương lịch… Nhưng chỉ có Tết Âm lịch (Tết Nguyên Đán) là tết to nhất, nên được viết hoa thành một tên riêng: Tết. Đó là Tết mở đầu cho một năm mới. Bởi vậy, theo truyền thống, nó có ý nghĩa rất quan trọng và rất thiêng liêng. Vào những ngày này, nhà nông thì nghỉ việc đồng áng, cán bộ hay công nhân viên chức thì “nghỉ Tết” theo chế độ Nhà nước ban hành. Bắt đầu từ ngày 26, 27 tháng Chạp, những ai công tác ở xa đã bắt đầu khăn gói lên đường về quê, còn những ai không đi công tác thì xếp nép công việc đồng áng, chuẩn bị mua gạo, thịt, lá dong để gói bánh phục vụ cho việc “ăn Tết”.

Quảng cáo và mua tạp chí