Thị trường nước đóng chai, đóng bình: Nhiều lựa chọn, nhiều nỗi lo

22/06/2023 - 10:39 AM
1.956 lượt xem
Cỡ chữ

Nước uống đóng chai, đóng bình đã trở thành sản phẩm được người dân sử dụng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày và đặc biệt tăng cao khi mùa hè đến. trước sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá cả, người tiêu dùng không khỏi băn khoăn về chất lượng nước cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) của các sản phẩm này.

Người tiêu dùng nên lựa chọn nước đóng bình của những thương hiệu đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm

Những nguy cơ tiềm ẩn

Hồi đầu tháng 5/2023, trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt phản ánh thông tin tại Trường Mầm non Phong Thủy (huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình) phát hiện đỉa trong nước uống đóng bình của một công ty nước khoáng có địa chỉ ở thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Ngay sau đó, Sở Y tế Quảng Bình chủ trì với UBND huyện Lệ Thủy cùng các đơn vị liên quan làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định.

Để chủ động giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế Quảng Bình kiểm tra, xác minh thông tin, lấy mẫu các sản phẩm thực phẩm nghi ngờ để kiểm nghiệm. Đồng thời, đề nghị địa phương phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm ATTP và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm.

Việc phát hiện trong bình nước tinh khiết có dị vật lạ kể trên không phải là lần đầu. Trước đó ở một số địa phương cũng phát hiện trong bình nước có sợi tóc hay một số dị vật khác. Hoặc điển hình như vụ việc sản phẩm nước uống đóng chai của một công ty có địa chỉ ở xã Trường Thành, huyện An Lão (TP. Hải Phòng) sử dụng trực tiếp nguồn nước từ mương nước thải sinh hoạt để sản xuất. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, sau khi nước được bơm từ mương lên, trải qua các quy trình lọc thô và lọc bằng máy móc sẽ được đóng bình, dán màng co với nhãn hiệu Vimass Núi Voi rồi đưa ra thị trường tiêu thụ hàng trăm bình nước dung tích 20 lít mỗi ngày.

Tại Hà Nội, theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội, trên địa bàn hiện có hơn 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình, đá viên. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra hơn 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình hiện có trên toàn thành phố. Quá trình kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở đã có sự đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, hệ thống lọc nước đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện vệ sinh môi trường. các cơ sở đã tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh theo quy định. Đã đảm bảo hồ sơ thủ tục hành chính đầy đủ, còn hiệu lực; trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, xét nghiệm nguồn nước, tự công bố sản phẩm, kiểm định chất lượng sản phẩm theo đúng quy định.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại một vài cơ sở chưa quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân viên chưa được tập huấn đầy đủ các kiến thức về an toàn thực phẩm… Chưa kể, nhiều hộ dân tự tổ chức sản xuất và thường làm kín trong nhà, nếu họ không đăng ký thì cơ quan chức năng rất khó phát hiện, dẫn đến khó khăn trong quản lý.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại nước đóng bình với chủng loại đa dạng được bán tại các cửa hàng tạp hóa, chợ dân sinh, hộ gia đình... Bên cạnh các sản phẩm thuộc các công ty nước giải khát chuyên nghiệp, có thương hiệu và uy tín lâu năm, còn có không ít sản phẩm nước đóng bình của các cơ sở tư nhân hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đa số các sản phẩm này đều ăn theo tên của những sản phẩm, thương hiệu quen thuộc, tương đồng về thiết kế bao bì, kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ, dung tích... bằng cảm quan cũng khó biết được chất lượng nước có đảm bảo vệ sinh ATTP hay không và người tiêu dùng cũng rất dễ nhầm lẫn nếu không quan sát kỹ.

Giá cả của các loại nước đóng bình này cũng chênh lệch khá nhiều. Cùng là loại bình 19 lít - 20 lít, trong khi các sản phẩm của nhãn hiệu Satori, Lavie, Miru, Vĩnh Hảo... được bán phổ biến ở mức giá 38.000 - 67.000 đồng/bình, thì các sản phẩm do các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất chỉ có giá trên 20.000 đồng/bình.

Chị Minh Tiến, chủ một cửa hàng tạp hóa tại chợ Nhật Tân (Tây Hồ) cho biết, mặt hàng nước đóng bình tại cửa hàng của chị có rất nhiều loại. Bên cạnh những thương hiệu nổi tiếng được nhiều người biết đến có giá lên tới 67.000đ, còn bán cả những bình nước có giá 19.000đ – 20.000đ được sản xuất bởi các cơ sở tư nhân để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Chị Tiến cho biết thêm, nước giá rẻ thường được bán cho nhiều nhà hàng, quán ăn, hay các nơi thi công công trình...là những nơi có nhu cầu sử dụng nước tinh khiết cao, nhất là vào thời điểm nắng nóng như hiện nay. Khi được hỏi chị cũng như người mua có e ngại những loại nước giá rẻ không đảm bảo vệ sinh? Chị Tiến chỉ cười: “Chúng tôi dùng suốt mà cũng không thấy có vấn đề gì. Với lại bình trước khi mở đều được dán màng co niêm phong, trên thân cũng thấy có nhãn mác và địa chỉ sản xuất nên cứ dùng thôi, còn chất lượng thế nào thì phải hỏi các cơ quan quản lý chứ người tiêu dùng làm sao biết được?”

Theo các chuyên gia về thực phẩm, nước uống tinh khiết đóng bình kém chất lượng có thể chứa rất nhiều kim loại nặng như chì, thủy ngân và lượng ion Mg, Ca vượt quá liều lượng, cùng với các vi sinh vật gây bệnh: E.Coli, Clostridium perfringens, Streptococcus faecalis. Thành phần tạp chất độc hại và vi khuẩn trong nguồn nước uống trực tiếp vào cơ thể gây nên một loạt các bệnh tiêu hóa, bài tiết, nhiễm khuẩn, tích tụ lâu ngày có thể dẫn tới bệnh ung thư.

Theo Cục An toàn thực phẩm, mặc dù đa dạng về mẫu mã, chủng loại và có những điểm khác biệt, song các nhóm sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình đều phải tuân thủ các quy định hiện hành, trong đó có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai đã được ban hành. Cơ sở sản xuất nước uống đóng chai có khu vực chiết rót sản phẩm phải kín, tách biệt với các khu vực khác và được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí. Ngoài ra, phải đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị, và được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Về phía người tiêu dùng, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình, trước hết cần nâng cao nhận thức về hàng giả, hàng nhái. Người tiêu dùng nên lựa chọn nước đóng bình của những thương hiệu đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đúng theo tiêu chuẩn yêu cầu của Bộ Y tế, mua tại các đại lý uy tín. Khi mua cần lưu ý nhãn mác, đọc kỹ các thông tin tên thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ, ngày sản xuất, thời gian sử dụng, có chứng nhận công bố đạt chuẩn. Chú ý bình và nhãn mác phải mới, không bị dán chồng lên nhãn cũ.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần tỏ thái độ kiên quyết, không chọn mua các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình không có địa chỉ rõ ràng, không công bố chất lượng sản phẩm để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm.

Khang Vũ

Các bài viết khác

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp bia rượu kêu 'quá sốc'

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu tại dự thảo là quá cao, tăng quá sốc, chưa từng có tiền lệ và sẽ tác động rất lớn đến toàn ngành… Đó là quan ngại của doanh nghiệp tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) diễn ra ngày 6/9 tại Cần Thơ.

Thiết kế cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường "từ sớm, từ xa"

Sáng 6/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp, cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/NĐ-CP/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo Nghị định).

Siêu bão số 3 Yagi sắp đi vào Vịnh Bắc Bộ

Hiện tại bão số 3 Yagi vẫn đang mạnh cấp siêu bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão đi vào Vịnh Bắc Bộ và giảm cường độ xuống cấp 12 - 13.

Ngành Đồ uống thực hiện EPR, hưởng ứng kinh tế tuần hoàn

Những năm gần đây, việc thực hiện quy trình sản xuất và sử dụng bao bì giảm thiểu tác động đến môi trường đã trở thành xu hướng được thúc đẩy trên toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp đồ uống trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã tích cực chuyển đổi quá trình sản xuất sang mô hình kinh tế tuần hoàn và thực hiện trách nhiệm tái chế (EPR) hướng đến phát triển bền vững.

Cảm nghĩ của nhà thơ về đồ uống và văn hóa uống

Mỗi người đều có cảm nhận, sở thích khác nhau về hương vị đồ uống, song đều có một cái chung bất thành văn đó là văn hóa uống. Ai cũng cảm nhận được giá trị của đồ uống trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, trong hiếu hỷ, thờ cúng tổ tiên, tiếp khách...

Tăng thuế TTĐB với đồ uống cần hướng tới khoan sức doanh nghiệp

Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế, do đó các chuyên gia cho rằng mức tăng và lộ trình tăng thuế cần phù hợp, hướng tới mục tiêu nuôi dưỡng doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Hành trình thập kỷ hỗ trợ cộng đồng từ sáng kiến Ekocenter

Cam kết phát triển bền vững cùng chiến lược “Lựa Chọn Hôm Nay, Định Hình Tương Lai” với 3 trụ cột chính: sản phẩm, hành tinh và con người, Coca-Cola Việt Nam đã không ngừng kiến tạo những giá trị mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng tại Việt Nam.

Bánh tôm Hồ Tây, Bia Trúc Bạch - Tạo nên nét văn hóa ẩm thực thu hút khách du lịch

Không biết có tự bao giờ, bánh tôm Hồ Tây tồn tại mãi với thời gian, là nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Hà Nội. Ngon, lạ, thanh tao, có sức hút với du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với Thủ đô yêu dấu.

Nhiều thương hiệu lớn tham gia PRO Việt Nam cam kết xây dựng Việt Nam xanh

Mới đây, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tổ chức buổi lễ ký kết và thông báo các thành viên mới trong năm 2024. Có 8 doanh nghiệp lớn thuộc nhiều ngành nghề (trong đó có các doanh nghiệp ngành Đồ uống) đã gia nhập vào PRO Việt Nam, nâng tổng số thành viên của PRO Việt Nam lên 30

Quảng cáo và mua tạp chí