Vui Xuân phải đúng luật

27/02/2023 - 09:11 AM
44 lượt xem
Cỡ chữ
Trong ngày Tết, lễ hội, việc ăn uống là một phần không thể thiếu. Rượu bia được coi là thức uống gắn kết mọi người trên bàn tiệc, đặc biệt vào ngày Tết, lễ hội. Tuy nhiên nếu lạm dụng rượu, bia hoặc lái xe sau khi uống rượu bia lại có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Phi tửu bất thành lễ, mời nhau uống rượu bia ngày Tết hay những dịp hội họp đã trở thành nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên cái “lễ” đó của người xưa khá chừng mực khi chỉ dừng lại ở dăm ba chén. Còn với những người luôn có câu cửa miệng “không say không về” trong mỗi cuộc vui dường như đang phá vỡ nét đẹp trong văn hóa uống rượu, bia xưa.

Trong dịp Tết hay những ngày đầu năm, người thân, bạn bè lâu ngày có dịp gặp nhau, chúc Tết. Ngày Tết, trong niềm vui chung của mọi nhà, bè bạn gặp nhau lấy chén rượu làm quà, để nâng ly chúc mừng một năm mới sức khỏe, thành công, kinh doanh phát đạt hơn năm cũ. Chén rượu trong dịp Tết còn là cách để bà con láng giềng quây quần, anh em, họ hàng, gia tộc hay thông gia... chia sẻ những niềm vui năm cũ, chúc nhau năm mới thịnh vượng, an khang. Bạn bè sau một năm bận rộn trong guồng quay công việc về quê ăn Tết đón xuân gặp nhau, vui ngày hội ngộ cũng phải có chén rượu nâng lên chia sẻ tâm tình…
 

Tránh lạm dụng rượu bia để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng
 
Chén rượu ngày Xuân chúc nhau sức khỏe thật ý nghĩa nhưng việc ép nhau uống rượu bia, đến nhà nào cũng uống một, hai chén dẫn tới say xỉn, không làm chủ được bản thân làm cho Tết không trọn vẹn.

Một vài năm trở lại đây, trong những ngày Tết mặc dù tình trạng lạm dụng rượu, bia vẫn còn tuy nhiên đã giảm đi đáng kể. Từ khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực, nhiều người đi chúc Tết đã không còn uống rượu, bia như trước hoặc nếu có uống thì không lái xe hoặc nhờ người chở về nhà.

Dịp Tết Quý Mão 2023 vừa qua cho thấy tình trạng mời rượu, bia các khách đến chúc Tết giảm đi rõ rệt, hầu như không còn. Bởi không chỉ có khách ở gần, đi bộ mà còn có nhiều khách ở nơi xa đến, thường tự lái xe. Cụm từ được dùng nhiều nhất để từ chối khéo lời mời rượu, không làm mất lòng gia chủ là “phải lái xe”. Dường như mức phạt cao với các vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã làm nhiều người không dám uống “thả ga”, uống có văn hóa, có trách nhiệm hơn.

Anh Nguyễn Văn Mến (Ba Vì, Hà Nội) làm nghề lái xe taxi cho biết: Dịp Tết vừa qua, suốt từ ngày 23 tháng Chạp đến Rằm Tháng Giêng, chỉ nghỉ ngày mùng 1 còn hầu như ngày nào anh cũng phải chở khách đi về quê, đi du xuân,… Do vậy anh không dám uống một giọt bia, rượu để giữ tinh thần luôn tỉnh táo, lái xe an toàn.

Thậm chí anh Mến còn hạn chế đi chúc Tết, chỉ đến thăm những gia đình thân thiết nhất. Nếu đi chúc Tết nhiều, không từ chối được mà phải uống thì không đảm bảo tỉnh táo, lỡ hẹn với khách hàng. Nếu đã uống bia, rượu nhưng vẫn cố chấp nhận khách thì rất nguy hiểm, phải chịu phạt rồi bị giữ bằng lái xe, ảnh hưởng đến công việc bởi lái xe mà không có bằng lái là không làm được gì rồi.
 

Các thức uống tự nhiên có tác dụng thanh lọc, giải nhiệt cơ thể trong dịp tết
 
Không những khách đến chơi từ chối uống rượu, bia mà ngay cả gia chủ đã bắt đầu chủ động không mời hoặc ép khách uống bia, rượu và thay vào đó là bánh kẹo, trái cây, các loại hạt, nước giải khát. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Minh (Phú Bình, Thái Nguyên): Những năm trước, ở quê tôi có tục lệ ngày Tết có khách đến chơi là phải dọn mâm cỗ mời khách. Đến nhà nào cũng uống rượu, bia như vậy nên cánh con trai ai cũng trong tình trạng ngà ngà say. Còn chị em phụ nữ mấy ngày Tết chỉ quanh quẩn trong bếp nấu nướng và dọn dẹp. Sau mỗi cuộc rượu như vậy, ai cũng thấy uể oải, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Dần dà, phong tục này dần mất đi, ngay cả ngày Tết lại (Rằm tháng Giêng) vẫn giữ phong tục của địa phương nhưng không còn ăn uống say sưa như trước. Vì hầu như hiện nay, con cháu đều đi làm ăn xa, ăn uống xong phải lái xe về nên không ai dám uống nhiều bia, rượu. Uống say lại không đi làm được, phải ngủ lại đến hôm sau, lỡ dở nhiều công việc.

Dịp cuối năm rất nhiều cuộc gặp mặt, tất niên, ăn uống liên miên nên nhiều người cảm thấy sợ mỗi khi được mời. Anh Lê Văn Hiệp (kinh doanh ở tỉnh Lào Cai, quê ở Ba Vì, Hà Nội) cho biết, mỗi dịp Tết về quê được anh em, họ hàng mời tất niên, nên hầu như ngày nào cũng phải uống rượu, bia, cơ thể mệt mỏi. Ở quê thường hay uống rượu, mà đi làm ăn cả năm mới về để gặp gỡ người thân, bạn bè lại không tham gia, nâng chén thì cũng ái ngại, có khi còn làm mất lòng nhau. Để hạn chế nhất việc phải uống nhiều bia, rượu, nhiều khi anh Hiệp chủ động đi xe máy hoặc mang theo con nhỏ để dễ dàng từ chối.

Để những cuộc vui được trọn vẹn, thoải mái nhất, tùy theo mức độ thân thiết để có những cách từ chối lời chúc rượu mà không làm mất lòng hay ảnh hưởng đến mối quan hệ đang tạo dựng. Đừng ngại từ chối nếu không muốn uống. Hãy uống với tâm thế thưởng thức và trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện với nhau mới là cách uống văn minh chứ không phải cạn chén “trăm phần trăm”. Cần hình thành thói quen không uống rượu bia khi lái xe hoặc đã uống thì không lái xe trở thành một phản xạ tự nhiên, chấp hành đúng quy định về an toàn giao thông.  

Ánh Dương

Các bài viết khác

Xem thêm

Trước thềm xuân mới cùng Nhà thơ Hồng Thanh Quang mạn đàm về văn hóa uống: “Mình uống rượu không để rượu “uống” mình…”

Trong cái rét thấu xương của mùa đông Hà Nội, chúng tôi có dịp trò chuyện thân tình với Nhà thơ Hồng Thanh Quang bên ly cà phê sữa nâu nóng tại một quán cà phê quen thuộc. Sau thành công của chương trình nghệ thuật “Hồng Thanh Quang, 60 năm cuộc đời: Vẫn nguyên là nỗi khát”, những bạn văn và người hâm mộ lại thấy anh tất bật với những buổi gặp gỡ các đồng nghiệp, bạn văn, bạn thơ và các chương trình phỏng vấn trên báo chí, truyền hình. Đặc biệt, những ngày cuối năm anh lại càng bận rộn khi chuẩn bị xuất bản tiếp tập thơ mới “Thắp lửa” và những buổi ghi hình cho các chương trình chào Xuân. Tuy vậy, anh vẫn dành cho Tạp chí Đồ uống Việt Nam cuộc trò chuyện cởi mở về văn hóa uống, xu hướng tiêu dùng và tầm nhìn phát triển của ngành Đồ uống dưới góc nhìn của một nhà thơ, nhà báo.

Tết sum vầy mới vui và ý nghĩa

Năm nào cùng vậy, cứ sau ngày Ông Táo về Trời độ vài ngày là mấy anh chị em chúng tôi lại từ mọi miền đất nước tụ hội về nhà để đón Tết cùng cha mẹ. Nhà có năm anh chị em thì mỗi người học tập và lập nghiệp ở một phương trời khác nhau. Người thì mãi tận Thành phố Hồ Chí Minh, người Cà Mau, chị và em tôi thì sống tận Cao Bằng và Điện Biên. Riêng tôi thì sống tại Hà Nội và được xem là gần gặn nhất nên chẳng phải Tết, mà ngày rảnh rỗi tôi vẫn thay mặt anh chị về thăm nom chăm sóc cha mẹ. Năm tháng dần qua đi, anh chị em chúng tôi ngày một lớn khôn thì cha mẹ tôi cũng già đi trông thấy. Trên đầu cha mẹ cũng đã điểm những màu tóc pha sương bạc trắng. Cuộc sống của cha mẹ tôi quanh năm đơn côi và buồn tẻ bên nếp nhà đơn sơ cùng gà, lợn và mấy con chó nuôi cho vui và giữ nhà. Một đàn con đều đi hết, chẳng đứa nào sống cùng cha mẹ nên nhiều khi tôi thấy ông bà cũng buồn bã. Dường như cái buồn, sự thiếu vắng và đơn côi đã thành quen nên tâm tính của cha mẹ tôi cũng trở nên trầm lắng và ít nói…

Nhớ về Tết của một thời thơ ấu

Mỗi khi Tết đến trong tôi lại nôn nao nỗi nhớ về một miền cổ tích, nơi tôi sinh ra và có những tháng ngày ấu thơ đầy ắp những kỷ niệm. Tết với người lớn luôn là sự lo toan vất vả, khi biết bao nhiêu thứ cần phải mua sắm bằng tiền, mà với nền kinh tế của đại đa số người dân quê tôi khi xưa đều eo hẹp, nghèo khó khi chỉ trông vào lúa, ngô, khoai, sắn thu hoạch nơi ruộng đồng, thì đồng tiền kiếm được qua một năm không lấy gì làm dư giả.

Đón Xuân có trách nhiệm

Lại một mùa Xuân nữa sắp đến khiến lòng người hối hả, chộn rộn. Nhiều người chuẩn bị tâm thế từ rất sớm, cả tinh thần, sức khỏe và tiền bạc. Nhưng không phải ai cũng có ý thức đón Tết có trách nhiệm.

Hấp dẫn phiên chợ Tết ngày Xuân

Chẳng biết tự bao giờ, đi chợ Tết đã là niềm vui của hầu hết mọi người Việt, từ già trẻ, trai gái, đàn ông, đàn bà… ở nông thôn hay thành thị, ở vùng núi hay hải đảo. Cái cảm giác được hòa vào dòng người náo nhiệt mua mua, bán bán trong phiên chợ Tết giữa tiết Xuân sang khiến lòng người trào dâng cảm xúc, như được trở lại một thời thơ ấu và thêm háo hức đón chờ cái Tết đang đến rất gần!

Chở mùa Xuân về với ngoại

Chắc có lẽ cái Tết năm nay cũng chẳng có gì khác so với những năm trước. Cũng với cái khung cảnh tất bật xô bồ của cuộc sống đang hối hả vào những tháng cuối năm. Ai ai cũng cố phấn đấu, nỗ lực hết mình để đạt được những thành tích tốt nhất, để có được một cái tết trọn vẹn nhất bên người thân.

Ngày Tết nói về thành ngữ: Bánh chưng xanh dưa hành ngày Tết

Đây là loại thành ngữ mang tính biểu tượng nói về cái Tết cổ truyền của người Việt Nam. Theo phong tục, ở Việt Nam mỗi năm có rất nhiều Tết: Tết Rằm tháng Giêng, Tết mồng Mười tháng Ba (Tết bánh trôi), Tết cơm mới, Tết đoan ngọ, Tết Rằm tháng Bảy, Tết Độc lập, Tết Dương lịch… Nhưng chỉ có Tết Âm lịch (Tết Nguyên Đán) là tết to nhất, nên được viết hoa thành một tên riêng: Tết. Đó là Tết mở đầu cho một năm mới. Bởi vậy, theo truyền thống, nó có ý nghĩa rất quan trọng và rất thiêng liêng. Vào những ngày này, nhà nông thì nghỉ việc đồng áng, cán bộ hay công nhân viên chức thì “nghỉ Tết” theo chế độ Nhà nước ban hành. Bắt đầu từ ngày 26, 27 tháng Chạp, những ai công tác ở xa đã bắt đầu khăn gói lên đường về quê, còn những ai không đi công tác thì xếp nép công việc đồng áng, chuẩn bị mua gạo, thịt, lá dong để gói bánh phục vụ cho việc “ăn Tết”.

Quảng cáo và mua tạp chí