Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp góp ý Dự thảo Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với ngành Đồ uống

11/08/2024 - 09:55 PM
740 lượt xem
Cỡ chữ

Tại Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 08/8/2024 đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp trong ngành Đồ uống.

 

 

 

 Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): 

“Nên lắng nghe tất cả các ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp và có đánh giá tác động toàn diện”

 

Rất khó có phương án để tất cả cùng hài lòng nhưng cộng đồng doanh nghiệp hy vọng cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi sẽ có thêm những thông tin đa chiều để cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra quyết định phù hợp nhất, hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và người tiêu dùng, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA):

“Cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét mức thuế phù hợp để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay”

 

Cách đây hơn 35 năm khi nước ta thực hiện mở cửa nền kinh tế, đến nay kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống người dân được cải thiện, kinh tế khởi sắc đi lên, trong đó có sự đóng không nhỏ của ngành Đồ uống Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp đồ uống nước ngoài đã kỷ niệm 30 năm thành công và phát triển tại Việt Nam. Điều đó cho thấy chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư nước ngoài, mở ra cơ hội lớn cho phát triển đất nước. Khi chính sách mở cửa có hiệu lực, từ những năm 1990 trở lại đây, ngành Đồ uống đã đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước, trong đó riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, ngành đã nộp trên 40 nghìn tỷ đồng/năm, toàn ngành đóng góp khoảng 60 nghìn tỷ đồng/năm cho ngân sách Nhà nước.

Nếu như trước đây cho rằng bia là xa xỉ nên đánh thuế, thì nay đề cao quan tâm hơn đến chính sách an toàn giao thông, sức khỏe cộng đồng, v.v Mỗi khi chính sách đưa ra đều có mục tiêu cụ thể và các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đều gương mẫu chấp hành và thực hiện rất nghiêm túc. Chúng tôi mong rằng, Ban soạn thảo dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét mức thuế phù hợp để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

 

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia:

"Cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng phù hợp, khả thi, tránh hiện tượng “khó chồng khó” cho doanh nghiệp"

 

 Bức tranh kinh tế toàn cầu suy giảm tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam, kinh doanh tại Việt Nam giai đoạn 2020-2024 ghi nhận phục hồi không đồng đều, hành vi tiêu dùng, lối sống thay đổi, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, Nhà nước đã có nhiều gói hỗ trợ tài khóa giúp các doanh nghiệp phục hồi phát triển mà chúng ta lại tăng thuế trong bối cảnh này thì liệu có phù hợp không? Do vậy cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi để tránh hiện tượng “khó chồng khó”, và tăng thuế nhanh quá có thể gây sốc, gây tác dụng ngược như lách luật, chuyển sang dùng thứ khác có tác hại nhiều hơn…

 Do vậy, cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam. Cần đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp: bảo vệ các sản phẩm chính ngạch, chống buôn lậu, trốn thuế, hàng nhái – hàng giả; nâng cao nhận thức, ý thức của cả người dân và DN; tăng cường năng lực của cơ quan quản lý thuế, chính quyền địa phương…

 

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA):

“Tăng thuế là cần thiết nhưng cần có lộ trình để đạt được mục tiêu đề ra”

 

 Việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu, bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên cần hướng đến chính sách thuế TTĐB hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể.

Việc tăng thuế TTĐB cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế TTĐB đề ra. Cân nhắc nghiên cứu kỹ tác động tăng thuế nhanh, cao theo dự luật đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng, v,v . Xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất từ từ và có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn cũng như đảm bảo hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể....Đối với nước giải khát có đường cũng phải tính toán kỹ, để đạt được hiệu quả của Luật thuế.

Việc tăng thuế tránh đột ngột và nên có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi, không ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống, đến thị trường và người lao động trong chuỗi cung ứng liên hoàn này. Cần có các biên pháp quyết liêt chống hàng nhập lậu và đưa vào diện quản lý nộp thuế TTĐB của rượu trong dân, sản xuất rượu không có đăng ký kinh doanh, không đảm bảo chất lượng =>  gây ngộ độc, chết người, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân, và trật tự, an sinh xã hội.

Ví dự như Malaysia khi chính sách thuế tăng lên, giá sản phẩm tăng, người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm của Nhà nước mà họ chuyển uống rượu bia lậu, do nhu cầu không đổi, tăng nguy cơ hàng nhái, hàng giả gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng tạo thêm gánh nặng cho cơ sở y tế và dẫn đến thu ngân sách không đạt được mục tiêu đặt ra.

 

PGS. TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế:

 Tăng thuế TTĐB với đồ uống có cồn phương án 2, sẽ là “cú sốc” trước sự “tụt dốc”, khó khăn chồng chất, DN rượu bia khó phục hồi, đứng vững.

 

Trong bối cảnh khó khăn, tăng thuế TTĐB không chỉ tác động trực tiếp đến các DN rượu bia mà còn tác động đến cả các chuỗi trong hệ sinh thái ngành. Ảnh hưởng đến sự đóng góp vào ngân sách nhà nước; đến hàng vạn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Tình trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, buôn lậu gia tăng ảnh hưởng sức khỏe. Vì vậy các đề xuất đưa ra phải tính toán cụ thể, kỹ lưỡng về mục tiêu và tác động khi tăng thuế TTĐB đối với rượu bia, dựa trên các luận cứ, thông tin, dữ liệu xác thực.

Xem xét lùi lộ trình tăng thuế TTĐB, bắt đầu tăng từ năm 2027. Tăng 5% cách nhau 2 năm và dừng lại 80%, để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại. Bên cạnh đó là rà soát lại công tác thực thi pháp luật về quản lý rượu bia phi chính thức. Ngoài thuế, cần kết hợp đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia.

 

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục Quản lý thị trường):
 

"Sự chênh lệch lớn về chi phí giữa rượu bia hợp pháp và bất hợp pháp => tăng nguy cơ hàng giả, hàng lậu trốn thuế"

 

Dự thảo luật thuế TTĐB tăng cao sẽ tạo động lực cho tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh rượu bia bất hợp pháp gia tăng, giá trị đầu tư ban đầu không thay đổi nhưng giá trị lợi nhuận đem lại lớn và khi giá thành sản phẩm hợp pháp tăng họ kiếm được lời cao hơn. Trong khi đó doanh nghiệp hợp pháp lại chịu rất nhiều chi phí tuân thủ như cấp phép đăng, chi phí môi trường, chi phí cho các dự án tuyên truyền về phòng chống tác hại của rượu bia…  nên giá sản phẩm hợp pháp cao hơn => tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm hợp pháp và bất hơp pháp.

Kiến nghị các Bộ có liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường trong việc kiểm soát ngăn chặn việc buôn lậu sản phẩm rượu bia. Tăng cường công tác tuyên truyền hạn chế sản xuất rượu thủ công, bên cạnh đó các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia trong nước cần tăng cường chất lượng sản phẩm Đồng thời sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo đảm tính minh bạch trong sản xuất, nhập khẩu đồ uống có cồn bảo vệ người tiêu dùng và tránh thất thu thuế.

 

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại SABECO

 Việc tăng thuế nên cân nhắc mức hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng”

 

SABECO tuân thủ sử dụng rượu, bia có trách nhiệm, đề cao hoạt động trách nhiệm của doanh nghiệp, khi các bên cùng hợp tác phát triển, đề xuất tăng thuế lần này có tác động đến cung cầu, tăng trong thời gian ngắn, thực trạng hiện nay thấy lo lắng, sau đại dịch, giá nguyên liệu tăng cao, sức mua suy giảm, Nghị định 100 ảnh hưởng đến tiêu dùng, thay đổi thói quen tiêu dùng, doanh nghiệp đang rất khó khăn. Đề xuất tăng thuế liên tục thực sự là sốc đối với ngành, chưa thấy triển vọng phục hồi, việc tăng thuế sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn, các nhà máy nhỏ dễ phải đóng cửa, tổn thất lớn tới người lao động và an sinh xã hội. Việc tăng thuế ở quốc gia nào cũng nhằm tăng nguồn thu thuế, tuy nhiên tốc độ tăng và mức tăng nên cân nhắc mức hợp lý, đảm bảo lợi ích hài hòa của nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, duy trì được nguồn thu thuế trong lâu dài.

 

Bà Trần Ngọc Ánh – Giám đốc Quan hệ Đối ngoại cấp cao Heineken Việt Nam:

"Để đạt được các mục tiêu của Chính phủ tăng ngân sách nhà nước, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, ổn định phát triển kinh tế cần có bộ giải pháp tổng thể"

 

Gồm 3 trụ lực Nâng cao nhận thức người tiêu dùng; Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối vối đồ uống có cồn thì mức tăng cần phù hợp với kịch bản kinh tế của Việt Nam; Thay đổi hành vi tiêu dùng cần có thời gian đúng hướng để tránh tình trạng người dùng chuyển sang dùng sản phẩm trôi nổi rẻ tiền không được cấp phép, không nộp thuế gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Về mặt tổng thể, để đạt được mục tiêu về thuế, bảo vệ sức khoẻ người dùng và ổn định phát triển kinh tế, thì chúng tôi thấy rằng Việt Nam cần một bộ giải pháp tổng thể: Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng các sản phẩm có cồn thông qua các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Tăng thuế TTĐB với các sản phẩm có cồn phải theo một lộ trình và mức tăng vừa phải, giãn giảm để các doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao.

 

Ông Đỗ Thái Vương - Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam:

Nên xem xét lại “không đưa nước giải khát có đường vào dự thảo Luật Thuế TTĐB”

 

Dự thảo cần đưa ra các đánh giá toàn diện và công bằng đối với Ngành hàng này. Nếu sắc thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho doanh nghiệp, giá sản phẩm tăng cao người tiêu dùng chuyển sang hình thức sử dụng các sản phẩm khác như trà sữa, … gây muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp và nhà nước không thu được thuế. Ngoài việc tăng thuế sốc và việc thay đổi công thức đồ uống và khẩu vị của người tiêu dùng cũng cần có lộ trình phù hợp để điều chỉnh. Bộ Tài chính nên xem xét không đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB theo Tiêu chuẩn Việt Nam.

 

Bà Trịnh Thị Vân Giang - Giám đốc đối ngoại PERNOD RICARD Việt Nam:
   

“Tăng thuế để đạt mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tăng ngân sách” chúng tôi rất quan ngại về mục tiêu này!

 

Việc tăng thuế tác động không nhỏ tới nền kinh tế, gây gia tăng lạm phát, chi phí sinh hoạt. Tại Việt Nam cần cân nhắc đến tăng thuế trong bối cảnh hiện nay.

Về vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, việc tăng thuế chắc chắn thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng sản phẩm phi chính thức, hàng nhái, hàng giả hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc. Trong năm 2022, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, sản phẩm đồ uống có cồn phi chính thức của Việt Nam chiếm khoảng 64% lượng tiêu thụ. Tăng thuế không chỉ tác động đến ngành đồ uống cố cồn mà còn tác động đến các ngành hàng du lịch, dịch vụ, hệ thống nhà hàng khách sạn đang trong quá trình phục hồi. Vì vậy, cần cân nhắc hiệu lực không sớm hơn năm 2027 để doanh nghiệp có thời gian thích ứng với sắc thuế mới.

 

Ông Trần Hậu Cường - Giám đốc Công ty CP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (HALICO):

“Việc tăng thuế liệu có mang lại tác dụng giảm lượng tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe tiêu dùng?”

 

Theo quan sát của chúng tôi trong những năm gần đây, qua mỗi lần tăng thuế, người tiêu dùng càng có nguy cơ tìm đến các các phẩm giá rẻ trôi nổi không rõ nguồn gốc nhiều hơn do người tiêu dùng vẫn có nhu cầu sử dụng rượu. Theo tính toán, tỷ lệ rượu bất hợp pháp chiếm tới trên 80%, và chỉ thu thuế được dưới 20% rượu hợp pháp.

Mục tiêu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt ngoài việc thu thuế thì mục tiêu đem lại sức khỏe của người tiêu dùng còn quan trọng hơn. Thực trạng rượu phi chính thức hiện nay rất nghiêm trọng và đáng báo động, nên tăng cường quản lý chất lượng, tuyên truyền giáo dục để người dân hiểu về rượu để sử dụng rượu một cách hợp lý có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

 

Bà Nguyễn Thanh Thùy Linh - Giám đốc Pháp chế Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam:

“Dự thảo tăng thuế gây một cú “sốc” và nằm ngoài dự đoán của doanh nghiệp

 

Các nhà đầu tư trong đó có Carlsberg luôn coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng đặc biệt tính ổn định về mặt chính sách cũng như mục tiêu hướng tới nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Từ năm 2014 - 2018 tăng thuế có làm giảm lượng rượu, bia hay không. Từ năm 2021 đến nay vẫn sắc thuế đó việc áp dụng Nghị định 100 đã tác động đến thay đổi hành vi như thế nào. Nhìn vào tổng thể bức tranh từ 2014 đến nay thì có thể thấy thuế không phải là căn nguyên cơ bản giảm lượng tiêu thụ rượu, bia.

Đề xuất: Tăng thuế chỉ được xảy ra sau 2-3 năm sau khi được công bố để có thể có kế hoạch kinh doanh phù hợp với thị trường; Người sử dụng và doanh nghiệp cần có thời gian để điều chỉnh, thích ứng; Sau mỗi lần tăng thuế cần đánh giá lại tác động và xem xét các lần tăng thuế tiếp theo hợp lý.

 

Ông Phạm Tuấn Khải - Chuyên gia pháp luật

Nền kinh tế có đi lên được không “xương sống là các doanh nghiệp”

 

 Các phương án xây dựng Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang thiếu đánh giá tác động do vậy cần nghiên cứu và các đánh giá thật kỹ từng chi tiết, từng quy phạm khi tăng thuế sẽ tác động như thế nào, doanh nghiệp mất bao nhiêu lao động, một sản phẩm tăng giá lên thì bán được bao nhiêu?… Từ đó mới đưa ra một chính sách phù hợp. Bên cạnh đó cần tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế...

 

Ông Nguyễn Văn Phụng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA):

Kéo dài các biện pháp hành chính để cải thiện hành vi thay vì tăng thuế?

 

Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng, đóng vai trò tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và là công cụ giúp Nhà nước điều tiết hành vi người tiêu dùng. Sắc thuế này có tác động làm thay đổi hành vi người tiêu dùng không? Tôi cho là không, vì tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhiều năm nay nhưng lượng tiêu thụ vẫn không giảm.

Từ khi có Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã thay đổi hành vi người tiêu dùng nhiều hơn là chính sách thuế.

Do đó,đề xuất nên kéo dài các biện pháp hành chính để hành vi cải thiện hơn. Về đề xuất đánh thuế với đồ uống có đường vì ảnh hưởng tới sức khỏe, thì cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng, cơ sở khoa học từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia thuộc Bộ Y tế để xem có tác động gây béo phì hay hại cho sức khỏe hay không???

 

Bà Lê Mai Khanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam

"Thuế tiêu thụ đặc biệt ảnh hưởng lớn đến các ngành hàng liên quan như du lịch dịch vụ"

 

Ngành du lịch là ngành chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn 2020-2021, hơn 90% doanh nghiệp lữ hành phải đóng cửa, các cơ sở lưu trú phải hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp phải rao bán, cơ sở vật chất xuống cấp, nhân lực bị cắt giảm từ 40-60% tại các cơ sở lưu trú.

Trong kinh doanh du lịch, khách sạn có rất nhiều dịch vụ bổ sung, trong đó có dịch vụ ăn uống là dịch vụ đầu tiên và rất quan trọng. Doanh thu ăn uống chiếm 30% trong tổng doanh thu của khách sạn. Trong thời gian gần đây, chính sách giảm giá phòng được áp dụng để hút khách, nếu tiếp tục chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại đồ uống trong dịch vụ ăn uống của khách sạn thì doanh thu khách sạn sẽ chịu nhiều tổn thất.

 Do đó, tôi cho rằng không nên áp dụng tăng sắc thuế này ngay trong năm 2026, mà nên giãn lộ trình để doanh nghiệp kịp phục hồi.

 

TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

"Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, phương án 10% sẽ tác động đến 24 ngành trong nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp hàng nghìn lao động trong các doanh nghiệp"

 

 Theo tính toán, nếu áp dụng 10% đối với nước giải khát có đường thì hệ số co giãn của người lao động và vốn đối với ngành nước giải khát có đường giảm 1,03%. Điều đó có nghĩa là quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát có đường thu hẹp đi đáng kể nếu như áp dụng thuế suất này.

Với việc áp dụng việc đánh thuế 10% tác động đến 24 ngành trong nền kinh tế. Nếu áp dụng mức thuế này thì GDP của nền kinh tế sẽ giảm 0,5%. Nếu áp dụng mức GDP năm 2022 là 5,55 triệu tỷ, mất đi của nền kinh tế là 27,8 nghìn tỷ do các ngành trong nền kinh tế bị tác động. Tính toán chuỗi tác động này là ngành nước giải khát và 24 ngành trong nền kinh tế trong chuỗi giá trị.

Đối với thuế gián thu nếu áp dụng thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của thuế gián thu. Trong năm đầu tiên, nguồn thu của thuế gián thu tăng, vì khi tăng thuế TTĐB nguồn thu sẽ tăng trong năm đầu. Nhưng từ năm thứ 2 nguồn thu giảm, áp dụng đường cong laffer. Nguồn gián thu giảm khoảng 0,5%. Ước tính nguồn thu của thuế gián thu năm 2022 là 1 triệu tỷ. Với 0,5 % giảm đi thì giảm đi 5,2 nghìn tỷ. Kéo theo đó doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát và 24 ngành khác giảm, thuế trước thu cũng giảm. Theo số liệu thuế trước thu năm 2022 là 3,38 nghìn tỷ, giảm 3,2 nghìn tỷ bắt đầu ngay sau khi áp dụng thuế TTĐB với nước giải khát có đường. Trong dự thảo đánh giá tác động của Bộ Tài chính cũng chỉ nói sẽ tăng nguồn thu, giảm điều tiết người tiêu dùng và điều tiết thu nhập, không có con số cụ thể.

Nếu áp dụng 10% thì ảnh hưởng trực tiếp đến lao động trong các doanh nghiệp giảm 2.000 lao động.

 

Bà Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện Quốc gia, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam (USABC):

"Cách tính thuế ở các nước trên thế giới rất khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể, mục tiêu, kinh tế, văn hóa, v.v Vì vậy, không thể căn cứ theo khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho nhiều nước có điều kiện khác nhau mà áp dụng cho Việt Nam".

 

Không đưa đồ uống có đường vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với 2 lý do chính: Theo kinh nghiệm quốc tế thì ở nước Đức tỷ lệ sự dụng đồ uống có đường cao nhất Châu Âu, hay ở Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những quốc gia sử dụng đồ uống có đường nước cao nhất Châu Á thì đều là những quốc gia không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mà họ điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng để cải thiện sức khỏe thông qua các chính sách giáo dục và dinh dưỡng cũng như hướng dẫn về dinh dưỡng và thể thao. Ở Nhật Bản, tuy tỷ lệ sử dụng nước giải khát có đường cao nhưng tỷ lệ béo phì lại thấp nhất thế giới.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi, việc tăng thuế “sốc” cùng với việc phải thực trách nhiệm đồng thời liên quan đến các chính sách môi trường, các luật thuế thu nhập doanh nghệp, thuế VAT… làm tăng gánh nặng chi phí các doanh nghiệp gây ra nhiều hệ lụy nó cũng khiến các mục tiêu khó đạt được.

 

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR):
 Nếu chưa rõ tác động và chưa có định lượng cụ thể thì cần xác định một mức “thuế suất tạm thời”.
 
         Khi chưa có đánh giá đầy đủ, thì nên giữ ở mức thận trọng hài hòa giữa các bên, đề xuất chỉ tăng 1 lần vào năm 2026, và giãn ra 2 năm đến năm 2028 sau đó cùng ngồi lại để trao đổi xem xét đánh giá tác động cụ thể của tất cả các sắc thuế, nếu tất cả đồng thuận thì chúng ta áp dụng, ngược lại chúng ta có thể áp dụng thêm một vài phương pháp khác cho phù hợp.

Nếu tăng lên thuế cao quá khác gì cấm rượu, bia, và bài học từ một số nước như Mỹ, Nga trong việc cấm rượu, bia một thời gian sau đó phải dừng lại vì mang lại nhiều hệ lụy.

 Bất kỳ một loại thuế nào tăng đến một giá trị nhất định về thuế suất thì nó có tác dụng kể cả nguồn thu và các tác động thực hiện mục tiêu của các chính sách thuế còn quá mức thuế đó thì các mục tiêu sẽ đi xuống.

Kim Tươi - Thu Nga 

                                                                                (Ghi)

Các bài viết khác

Xem thêm

Đoàn từ thiện ngành Đồ uống tặng 50 triệu đồng và 650 thùng nước uống cho người dân bị sạt lở đất, ngập lụt ở Yên Bái

Sáng 16/9, Đoàn công tác từ thiện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Tạp chí Đồ uống Việt Nam, Công đoàn VBA với sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đã chia sẻ khó khăn với đồng bào bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Nước giải khát kém chất lượng: Nỗi lo của người tiêu dùng

Thị trường nước giải khát hiện nay vô cùng đa dạng về mẫu mã cũng như nguồn gốc nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm chính hãng, tình trạng nước giải khát nhái thương hiệu, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường đang ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi, sức khỏe người sử dụng.

Đoàn công tác từ thiện VBA và Tạp chí Đồ uống Việt Nam trao quà cho người dân ngập lụt ở Văn Giang, Hưng Yên

Sáng 14-9, chuyến công tác từ thiện đợt 2 của Chương trình "Ngành Đồ uống Việt Nam chia sẻ khó khăn cùng đồng bào vùng lũ" do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) và Tạp chí Đồ uống Việt Nam phát động đã được thực hiện tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Chương trình có sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam.

Ngành Đồ uống Việt Nam chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở Sóc Sơn, Hà Nội

Sáng 13/9, Lãnh đạo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), Tạp chí Đồ uống Việt Nam và Công đoàn VBA đã tới thăm và trao quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội)

VBA kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ

Sáng 11/9, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), Tạp chí Đồ uống Việt Nam và ngành Đồ uống Việt Nam phát động và thực hiện Chương trình "Ngành Đồ uống Việt Nam chia sẻ khó khăn cùng đồng bào vùng lũ"

Tăng thuế TTĐB với đồ uống cần hướng tới khoan sức doanh nghiệp

Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế, do đó các chuyên gia cho rằng mức tăng và lộ trình tăng thuế cần phù hợp, hướng tới mục tiêu nuôi dưỡng doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Nhiều thương hiệu lớn tham gia PRO Việt Nam cam kết xây dựng Việt Nam xanh

Mới đây, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tổ chức buổi lễ ký kết và thông báo các thành viên mới trong năm 2024. Có 8 doanh nghiệp lớn thuộc nhiều ngành nghề (trong đó có các doanh nghiệp ngành Đồ uống) đã gia nhập vào PRO Việt Nam, nâng tổng số thành viên của PRO Việt Nam lên 30

Vị trí, vai trò của ngành Đồ uống Việt Nam và những khó khăn, thách thức

Ngành Đồ uống Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bên cạnh đó ngành cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố trong nước và quốc tế.

Người tiêu dùng nói gì về đề xuất tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia?

Nhiều ý kiến lo ngại rằng khi tăng thuế suất Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) quá cao đối với rượu, bia không những không đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng những sản phẩm có hại tới sức khỏe người dân mà còn có nguy cơ gia tăng sử dụng các sản phẩm rượu, bia không chính thống, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu…

Quảng cáo và mua tạp chí