Cần nhìn nhận sản phẩm bia, rượu dưới góc độ văn hóa

02/07/2023 - 05:48 PM
531 lượt xem
Cỡ chữ

Sản phẩm rượu, bia hay chuyện về văn hóa uống, chuyện uống có trách nhiệm cần được nhìn nhận khách quan hơn, tăng cường nhận thức để không làm lệch lạc đi hình ảnh về một thức uống trở thành nét văn hóa của dân tộc, góp phần quảng bá văn hóa du lịch tới bạn bè quốc tế.

Một nét văn hóa truyền thống

Uống rượu là một nét văn hóa của người Việt đã có từ lâu đời. Rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, đình đám. Rượu gắn với bạn hiền, vần thơ và cả những lời thề ước. Nếu như “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì “chén rượu là đầu cuộc vui”. Đôi khi “nâng chén tiêu sầu”, rượu giúp con người vơi đi nỗi buồn, nỗi đau trong cuộc sống. Tuy nhiên, câu chuyện uống rượu, bia như thế nào, uống vào thời điểm nào, uống ra làm sao... dường như vẫn chưa được nhiều người quan tâm. Thực tế có nhiều người không thích rượu, thậm chí bình thường còn ghét rượu, không bao giờ uống rượu một mình. Nhưng khi gặp bạn bè thì lúc nào cũng cần có chén rượu, cốc bia. Đó là tâm lý, con người ta quan niệm vui hay buồn đều phải có rượu. Hiếm khi có bạn bè lâu ngày gặp lại rủ nhau đi uống nước ngọt, đa phần là phải rượu, bia.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, văn hoá uống rượu, bia ở nước ta có từ lâu đời, hình ảnh “bầu rượu, túi thơ” đã đi vào các tác phẩm văn chương, âm nhạc. Do vậy, không thể nhìn rượu, bia như thức uống thông thường mà cần hiểu nó chứa đựng trong đó là bề dày văn hóa, lễ nghĩa trong cuộc sống và giao tiếp. “Ngày xưa các cụ đã rất tinh tế và có định lượng đúng đắn về từng thành phần trong sử dụng rượu như tiên tửu, Phật tửu. Uống rượu vào mà lời nói ra lỗ mãng, ăn uống thô lỗ, chửi bới, gây gổ đánh nhau gọi là Tục tửu, Cuồng tửu. Lợi dụng chén rượu để khích bác lẫn nhau, xúc phạm làm tổn thương người khác, đó là ti tửu, hay cẩu tửu. Người xưa phân ra các loại rượu uống rượu như vậy bởi mỗi con người có tính cách, tâm trạng, thể trạng khác nhau; có người uống một ly đã say, thậm chí ngửi rượu đã say rồi, có người uống vài ba chén chưa say”, nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích.

Du khách quốc tế thưởng thức bia như một cách khám phá văn hóa khi tới Việt Nam 

Không thể đổ lỗi cho rượu. Vấn đề là con người với nhận thức đúng về văn hóa uống và mời rượu. Uống rượu cho đúng và cho đẹp, chúng ta cũng cần trí tuệ, tri thức và nhất là ý thức. Phải ý thức được rằng, uống rượu cũng đòi hỏi có văn hóa. Mà văn hóa thì không chấp nhận sự thái quá. Trong chuyện uống rượu, có cả sự cao quý, sự sang trọng và dung tục, thấp hèn. Cao sang là những lúc uống rượu có tính chất nghi lễ như tiệc chiêu đãi, bạn bè gặp nhau, lễ, Tết… Điều quan trọng nhất là không quá chén, không ép nhau uống tới cùng.

Rượu đã trở thành thứ không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, tiệc, hội cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Uống rượu đã trở thành một truyền thống, một nét văn hoá riêng của mỗi vùng miền cũng như của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia hoặc uống một cách thái quá thì cần phải lên án.

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu (Nam Định) đưa ra câu hỏi, nếu rượu và bia là tác hại thì chúng ta nghĩ gì, trong những ngày giỗ tết với tấm lòng thành kính trời đất, tổ tiên, với người thân đã mất, tiễn năm cũ đón một năm mới với truyền thống văn hóa ngàn đời, mọi gia đình của dân tộc Việt Nam đều có bát cơm thơm, chén rượu cúng trên bàn thờ tổ tiên lúc giao thừa.

Chúng ta nghĩ gì với truyền thống hiếu khách khi khách đến nhà, gia chủ làm cơm mời khách với chén rượu nhạt. Chúng ta nghĩ gì khi khách quốc tế đến thăm nước ta các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cầm ly rượu vang để tiếp khách quốc tế. Từ đó, nếu rượu và bia là tác hại thì chúng ta dùng cái gọi là tác hại để thành kính với tổ tiên, trời đất, khách đến nhà và ngoại giao quốc tế hay sao? Để đạt được mục tiêu giảm ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng, nên khuyến khích sản xuất phải đảm bảo chất lượng và người tiêu dùng phải có ý thức. Nếu có ý thức thì người sản xuất sẽ sản xuất ra những sản phẩm chất lượng và người tiêu dùng sẽ quyết định nên uống như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe, đến cộng đồng.

Từ hình ảnh Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Việt Nam năm 2016 và mới đây nhất ngày 03/6/2023, Thủ tướng Úc Anthony Albanese khi tới Việt Nam đều thưởng thức các món ăn bình dân, kết hợp với Bia Hà Nội cho thấy đến cả các chính khách quốc tế cũng muốn khám phá, tìm hiểu về nền văn hóa của đất nước Việt Nam thông qua ẩm thực và đồ uống, trong đó bia là thức uống thể hiện văn hóa của một đất nước.

Uống bia giải khát ngày hè trở thành sở thích hàng ngày của nhiều người

Hay hình ảnh về cốc Bia hơi Hà Nội để lại dấu ấn cho đến tận bây giờ đối với nhiều người. Họ uống bia vì yêu thích vị bia thơm ngon, mát lạnh của Bia hơi Hà Nội và ôn lại những kỷ niệm của một thời đã qua. “Từ những năm 1984-1985 tôi đã biết đến Bia hơi Hà Nội. Rất ấn tượng và thích thú khi hàng ngày xếp hàng uống bia tại cổng sắt phía sau nhà máy Bia. Đến giờ tôi vẫn giữ thói quen này, cứ chiều đi làm về tôi đều ghé cửa hàng quen trên phố Vĩnh Phúc để uống Bia hơi Hà Nội - đây như là thức uống hàng ngày của tôi. Tôi chọn Bia hơi Hà Nội vì chất lượng không thay đổi, thơm ngon, uống cảm giác dễ tiêu hóa, không đầy bụng”, ông Hoàng Đình Thắng (63 tuổi, Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ.

Nếu như các bậc tiền bối xưa yêu thích rượu thì người trẻ hiện nay lại có xu hướng ưa chuộng bia hơn. Nhiều người chọn uống bia giải khát, số khác lại coi bia như một chất xúc tác làm kích thích vị giác để thưởng thức ẩm thực ngon miệng hơn.

Theo chia sẻ của anh Dũng (37 tuổi, Hà Đông, Hà Nội): Tôi không phải một người có tửu lượng tốt nên hiếm khi tôi uống rượu, nhưng hầu như bữa tối nào tôi cũng uống 1 đến 2 lon bia. Uống bia để giải khát, uống bia giúp ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn và kích thích tiêu hóa tốt hơn.

Đồng thuận về nhận thức trong sử dụng rượu, bia

Vẫn biết uống rượu, bia là một nét văn hoá nhưng uống mà để lại hậu quả không tốt thì lại là điều đáng phê phán. Nhiều người vẫn biết đến câu: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, tuy nhiên ít người biết rằng các cụ xưa vẫn dạy: “Ẩm tửu dung hoà đích quân tử” nghĩa là người quân tử uống rượu phải trầm tính, uống chỉ đến mức phấn chấn, suy nghĩ những điều có lợi cho gia đình và đất nước, ấy mới được coi là người sành rượu. Có thể coi rượu là một thứ tinh tuý của trời đất, một thú hưởng thụ tuyệt vời của nhân loại. Cách mời uống rượu với những người cùng bàn có nhiều phương pháp khác nhau. Tùy vào từng thời điểm mà nên áp dụng cho phù hợp với ngữ cảnh và văn hóa ứng xử của mỗi vùng miền.

Theo TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: “Văn hóa sử dụng rượu, bia phải được hiểu là sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, có chừng mực, đúng thời điểm, đúng đối tượng. Chuẩn mực mời rượu vẫn còn, dần dần phải hình thành thói quen, hình thành văn hóa uống rượu, mời nhau uống rượu để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, không phải ép nhau đến say mới là uống rượu hết mình. Đến lúc nào đó con người sống đủ hiểu biết văn minh, con sâu rượu sẽ dần bị loại bỏ, thì người nhận được lời mời từ con sâu rượu dũng cảm từ chối”.

Ngoài ra, điều quan trọng hơn cả là phải chú ý lời nói của mình. Các cụ có câu “lời mời cao hơn mâm cỗ” vì vậy mỗi lời bạn nói khi mời rượu sếp, khi tiếp rượu hay từ chối uống cũng phải làm sao để người nghe cảm thấy hài lòng. Tránh những lời nói đả kích, thiếu tôn trọng hay thách thức người cùng uống.

Rượu vốn là thức uống mỹ vị. Chính vì thế, người thưởng rượu cũng phải là người tinh tế. Uống rượu có văn hóa là phải nhấp từng ngụm rất nhỏ để cho hương rượu ngấm vào đầu lưỡi, cảm nhận đến tận cùng cái vị cay nồng đặc trưng. Cứ thế mà thưởng từng chút một để thấy tinh thần phấn khởi, tâm hồn nhẹ nhàng bay bổng, dễ trò chuyện, chia sẻ tâm tình.

Tửu lượng không phải mức thang đo đạo đức hay giá trị con người. Nó không chứng tỏ độ giàu có, chịu chơi hay độ “men” của đấng mày râu. Nhưng vì một sức ép vô hình nào đó, nhiều người ngày nay đang gắng sức thể hiện bản lĩnh của mình trên bàn nhậu chứ không phải trong công việc hay cách đối nhân xử thế. Ép rượu, bia hay chuốc rượu, bia đều là hành động thể hiện sự thiếu văn hóa.

Đừng bao giờ dùng bất kì lời lẽ hoặc cách thức khiêu khích, dụ dỗ nào để người khác phải uống bia rượu vào người. Nếu người ta không muốn uống, bạn đừng cố ép. Người vì bạn mà uống vài lon bia có sẵn sàng “vào sinh ra tử” vì bạn không? Sẵn lòng uống với bạn, xỉn với bạn khác xa hoàn toàn với việc sống chết vì bạn.

Đừng bao giờ để rượu, bia làm bạn mất kiểm soát, điều này cực kì quan trọng! Đừng bao giờ để cho bản thân mình phải uống vì người khác. Nếu bạn không muốn uống, hãy giữ chính kiến của mình. Những người bạn sẵn lòng bỏ rơi bạn, “tẩy chay” bạn, xem thường bạn, thậm chí đòi thật sự nghỉ chơi với bạn… chỉ vì bạn không uống với họ “vài ly” thì không thể nào là người bạn tốt được. Đó chỉ là những người xem bạn như một trò đùa, một thứ để họ thử xem “tầm ảnh hưởng” của họ đến đâu mà thôi.

Như đã nói, rượu, bia hình thành từ đời sống sinh hoạt, dần trở thành một hiện tượng văn hóa. Vì thế nên nhìn nhận vấn đề sử dụng rượu, bia ở góc độ văn hóa để có cách ứng xử phù hợp. Hàng nghìn năm nay, rượu, bia vẫn hiện hữu trong đời sống, thế nên việc ngăn cấm, từ bỏ rượu, bia là điều không thể! Vấn đề là cần nâng cao nhận thức của người sử dụng để điều chỉnh hành vi nhằm góp phần giảm tác hại của rượu, bia. Một thói quen không thể dễ thay đổi một sớm một chiều, do đó công tác tuyên truyền cần phải tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau. Ngay cả việc mở các diễn đàn trên báo chí về văn hóa rượu, bia cũng là việc cần thiết để góp thêm tiếng nói nhằm thay đổi nhận thức của mọi người trong sử dụng rượu, bia.  

Ánh Dương

Các bài viết khác

Xem thêm

Tăng cường tái chế thủy tinh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam

Ngày 15/1/2024, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hoạt động tái chế thủy tinh tại Việt Nam” nhằm cải thiện công tác quản lý rác thủy tinh, đồng thời tìm ra các giải pháp thúc đẩy tái chế thủy tinh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”: Cần hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế

Chiều ngày 27/12, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”. Tham dự Tọa đàm có các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đại diện Đại sứ quán Anh, Pháp, Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cùng đại diện các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam...

Đừng để việc đo nồng độ cồn thành nỗi ám ánh cho người dân

Chưa bao giờ câu chuyện nồng độ cồn khi tham gia giao thông lại trở nên nóng bỏng như bây giờ.

Ngành Đồ uống Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Đi cùng với sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid - 19, sự khởi sắc trong kinh doanh du lịch, ngành thực phẩm đồ uống tại Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên cũng đối diện không ít khó khăn, thách thức trong hiện tại cũng như tương lai...

Rộng mở các tiềm năng để ngành Nước giải khát Việt Nam vượt khó

Với nền kinh tế đang tăng trưởng ở tốc độ cao trong khu vực (trung bình từ 6-8%/năm), khi thu nhập và đời sống của người dân được nâng cao, các loại đồ uống, trong đó có nước giải khát ngày càng được sử dụng rộng rãi. Đó là lý do khiến Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành nước giải khát

Rượu không rõ nguồn gốc – Doanh nghiệp cần giải pháp vượt trở ngại

Với 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam chưa được quản lý, không chỉ Nhà nước bị thất thu ngân sách, gây hại trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp rượu chân chính.

Ngành Bia Việt Nam không ngừng bứt phá vượt qua khó khăn

Ngành Đồ uống Việt Nam (bia, rượu, nước giải khát) là ngành kinh tế, kỹ thuật đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, ngành Bia Việt Nam với sự góp mặt của các thương hiệu nội địa như Bia Saigon, Bia Hà Nội và hàng loạt các hãng bia nổi tiếng thế giới như HEINEKEN, Carlsberg, AB Inbev…

Doanh nghiệp Đồ uống Việt Nam được vinh danh tại các bảng xếp hạng uy tín

Nhằm ghi nhận những cố gắng và thành quả đạt được của các doanh nghiệp, hàng năm, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện nhiều khảo sát đánh giá dựa trên các tiêu chí khác nhau. Trong đó, các doanh nghiệp Đồ uống Việt Nam vinh dự nằm trong nhiều bảng xếp hạng uy tín.

Quảng cáo và mua tạp chí

Bình chọn trực tuyến

🔴 Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia cũng như các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này có nghĩa, khác với quy định trước đây là cứ có nồng độ cồn khi lái xe là bị phạt. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.