Cần tính toán kỹ các yếu tố tác động của dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) tới những bên liên quan

11/07/2024 - 09:57 PM
252 lượt xem
Cỡ chữ

Sáng 11/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) (TTĐB). Hội thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia tài chính, chuyên gia dinh dưỡng, Hiệp hội và các doanh nghiệp.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan, Bộ ngành, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), đại diện một số doanh nghiệp bia, rượu, nước giải khát và hiệp hội ngành hàng liên quan.

Đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp tham gia góp ý quy định về Thuế TTĐB. Ảnh VCCI

          Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, trong đó có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế TTĐB, một số mặt hàng được điều chỉnh thuế suất với lộ trình cụ thể, thay đổi phương pháp tính thuế, một số quy định được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Những sửa đổi này sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu tại Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là một trong những dự thảo ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, ngành hàng. Một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn khi sửa đổi dự thảo thuế TTĐB đó là ngành hàng đồ uống. Trong bối cảnh doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp lớn ngành đồ uống có tình hình sản xuất kinh doanh thực sự không thuận lợi, thậm chí đảo chiều mạnh. Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc sức chịu đựng của doanh nghiệp, ngành hàng và cân nhắc lợi ích cuối cùng của sắc thuế. Hội thảo mong muốn ghi nhận nhiều hơn ý kiến đóng góp tích cực các doanh nghiệp ngành hàng để cơ quan nhà nước cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu.

          Xem xét không bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB

          Tại Hội thảo, bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VBA cho biết, nên cân nhắc không bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu Thuế TTĐB bởi nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calories duy nhất và cao nhất nên tính hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khoẻ là không rõ ràng. Hơn nữa nếu áp thuế sẽ gây ra các tác động ảnh hưởng chung đến lao động việc làm và nền kinh tế, đến sự phục hồi của ngành nước giải khát.

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA góp ý kiến về Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi)

          Việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường sẽ không khả thi trong việc đạt được mục tiêu giảm thừa cân béo phì do có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý này như nạp dư thừa năng lượng, thiếu hoạt động thể chất… Không đem lại hiệu quả thay đổi hành vi người tiêu dùng bởi hiệu ứng thay thế, người tiêu dùng sẽ chuyển sang các loại đồ uống có hàm lượng đường và calories khác trên thị trường.

          Cùng quan điểm, bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) cho biết, từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số quốc gia sau khi áp thuế TTĐB có tỷ lệ thừa cân béo phì tiếp tục tăng mặc dù mức tiêu thụ đồ uống có đường giảm. Chẳng hạn, Ấn Độ bắt đầu áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2017, nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì tiếp tục tăng, cụ thể tỷ lệ trẻ em thừa cân là 2,1% năm 2015-2016 tăng lên 3,4% vào năm 2019-2021. Như vậy, việc áp dụng thuế TTĐB với nước giải khát có đường không phải là biện pháp hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm, thừa cân béo phì. Cần xem xét lại việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

          Mức tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam không phải là cao so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong đó, nhiều quốc gia có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam cũng không áp thuế TTĐB lên sản phẩm này. Trong số 26 quốc gia châu Âu có lượng tiêu thụ nước giải khát trên 100 lít/người/năm chỉ có 11 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát. Đức mặc dù là nước có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao nhất châu Âu cũng không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát

Việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường còn có thể tác động đáng kể tới các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Theo số liệu nghiên cứu của Viện Quản lý kinh tế Trung ương nếu áp thuế TTĐB thì tác động khiến doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát thiệt hại khoảng 3.664 tỷ đồng. Đồng thời sẽ khiến GDP dự kiến giảm khoảng 0,115%, thu nhập từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,14%, thặng dư sản xuất giảm 0,077% và lao động giảm 0,06-0.08%”, đại diện VBA cho biết.

Ông Nguyễn Duy Hưng – Giám đốc Pháp chế Tập đoàn Tân Hiệp Phát lo ngại tác động của thuế TTĐB ảnh hưởng tới hàng triệu hộ nông dân

Ông Nguyễn Duy Hưng – Giám đốc Pháp chế Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng: Thừa cân béo phì là bệnh của nhà giàu, nên việc tăng thuế sẽ không có tác dụng giảm tiêu dùng. Thiếu và thừa đường đều nguy hiểm tới sức khỏe. Việc áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường cần tính đến hiệu quả chung của toàn xã hội, tác động đến mọi ngành ra sao và có tăng thu ngân sách nhà nước không? Hiện nay có rất nhiều thực phẩm chứa đường, nếu chỉ áp thuế với ngành nước giải khát có đường sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh vì ngành nước giải khát có đường chịu thuế trong khi các ngành khác có đường lại không phải chịu thuế TTĐB. Hơn nữa, áp thuế TTĐB làm cho các kế hoạch dài hạn của doanh nghiệp không kịp thay đổi, ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.

          Tập đoàn Tân Hiệp Phát có hơn 700.000 hộ phân phối, hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng trà, hàng triệu người lao động, nếu áp thuế, tăng giá bán, sản phẩm khó tiêu thụ sẽ ảnh hưởng tới hàng ngàn nhà cung cấp và việc làm của hàng triệu hộ nông dân.

Giãn lộ trình với ngành hàng đồ uống có cồn

          Ngành Bia - Rượu đã và đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố trong nước và quốc tế như dịch Covid-19, một số chính sách hạn chế đồ uống có cồn như Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, thương mại điện tử, bảo vệ môi trường, chính sách cồn “Zero”/Nghị định 100 và ưu tiên thực thi gắt gao, liên tục kéo dài… Gây nên sự sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu và đặc biệt là lợi nhuận và đã có nhà máy phải đóng cửa.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. Ảnh VCCI

          Trong bối cảnh đó, nếu tăng thuế TTĐB như dự thảo của Bộ Tài chính sẽ gây ra “cú sốc” lớn trong lịch sử tăng thuế TTĐB. Doanh nghiệp chưa thể đánh giá hết được tác động “khủng” của đề xuất này vì đòi hỏi thời gian, số liệu thống kê chính thống đầy đủ, mô hình tình toán tác động thuế khoa học và các yếu tố về độ co giãn, phản ứng người tiêu dùng và hành vi chuyển đổi các sản phẩm thay thế…

Nếu tăng thuế nguy cơ người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang sử dụng hàng lậu, hàng giả, hàng trôi nổi, giá rẻ, chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và bất hợp pháp cho hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu, ảnh hưởng tới doanh nghiệp chính thống

Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết, mặc dù thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn liên tục tăng kế từ năm 2008 song tiêu thụ đồ uống có cồn cũng vẫn tăng qua các năm cho thấy thuế tiêu thụ đặc biệt không có tác động đáng kể đối với việc thay đổi hành vi người tiêu dùng. Các doanh nghiệp đang phải gánh chịu cùng lúc rất nhiều loại thuế và chi phí như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, phí tái chế, xử lý chất thải… Các loại chi phí này sẽ gia tăng thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

“Đối với bia, rượu, thuốc lá cần tính đến thời điểm hiện nay trong khi doanh nghiệp đang khó khăn, không nên để doanh nghiệp gồng mình. Cần tuyên truyền cho người dân tăng cường tập luyện, thể thao”, ông Phụng nói.

Ông Nguyễn Thanh Phúc – Giám đốc Quan hệ đối ngoại Heineken Việt Nam góp ý tại Hội thảo

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phúc – Giám đốc Quan hệ đối ngoại Heineken Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế đối với rượu, bia ở giai đoạn này cần được xem xét một cách cẩn trọng và toàn diện, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách và hài hòa các lợi ích. Kiến nghị thuế suất đối với bia sẽ giữ ổn định ở mức 65% trong vòng 3 năm đầu tiên kể từ ngày Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) có hiệu lực, sau đó 3 năm thì tăng một lần và tăng không quá 5% mỗi lần.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, cần cân nhắc thời điểm áp thuế TTĐB, cân nhắc đối tượng áp thuế TTĐB, cần có nghiên cứu đánh giá tác động, có số liệu thống nhất, học hòi kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện luật thuế, đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hài hòa lợi ích xã hội. Để thay đổi hành vi cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt.

 Kim Anh

Các bài viết khác

Xem thêm

Đề xuất chưa áp Thuế TTĐB với nước giải khát có đường

Sáng ngày 17/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của Dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường”. Tham dự Hội thảo có đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp.

Ngành Đồ uống Việt Nam tích cực chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ

Do hậu quả của bão lũ tại nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, vừa qua, các doanh nghiệp ngành Đồ uống đã tổ chức các đoàn công tác từ thiện đến thăm và hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ với mong muốn động viên, chia sẻ với đồng bào sớm vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống

Đoàn công tác từ thiện ngành Đồ uống Việt Nam hỗ trợ HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng khắc phục hậu quả sau bão số 3

Ngày 23/9/2024, Đoàn công tác từ thiện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Tạp chí Đồ uống Việt Nam cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đã về thôn Gò Sỏi (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) trao tặng quà hỗ trợ HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng vừa bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3 Yagi gây ra.

Cân nhắc không bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu Thuế Tiêu thụ đặc biệt

Sáng 20/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Góp ý dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”. Hội thảo góp phần hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính khoa học, công bằng của sắc thuế, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách bền vững

Đoàn từ thiện VBA trao tặng 50 triệu đồng và 300 thùng nước cho người dân vùng ngập lụt ở Hiệp Hòa, Bắc Giang

Sáng 18/9, Đoàn từ thiện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Tạp chí Đồ uống Việt Nam, Công đoàn VBA cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đã về UBND xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) trao tặng 50 triệu đồng và 300 thùng nước Dasani của Coca - Cola Việt Nam cho người dân vùng ngập lụt ở 2 thôn Đa Hội và thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa.

Đoàn từ thiện ngành Đồ uống tặng 50 triệu đồng và 650 thùng nước uống cho người dân bị sạt lở đất, ngập lụt ở Yên Bái

Sáng 16/9, Đoàn công tác từ thiện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Tạp chí Đồ uống Việt Nam, Công đoàn VBA với sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đã chia sẻ khó khăn với đồng bào bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Người tiêu dùng thêm nỗi lo bia giả, nhái các thương hiệu

Giống như nhiều loại mặt hàng tiêu dùng trên thị trường, bia cũng là mặt hàng được làm giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến cơ quan chức năng rất khó khăn để phát hiện, xử lý. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần “mạnh tay” xử lý để không gây tổn thất đến doanh nghiệp làm ăn chân chính và bảo vệ người tiêu dùng.

Nước giải khát kém chất lượng: Nỗi lo của người tiêu dùng

Thị trường nước giải khát hiện nay vô cùng đa dạng về mẫu mã cũng như nguồn gốc nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm chính hãng, tình trạng nước giải khát nhái thương hiệu, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường đang ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi, sức khỏe người sử dụng.

Đoàn công tác từ thiện VBA và Tạp chí Đồ uống Việt Nam trao quà cho người dân ngập lụt ở Văn Giang, Hưng Yên

Sáng 14-9, chuyến công tác từ thiện đợt 2 của Chương trình "Ngành Đồ uống Việt Nam chia sẻ khó khăn cùng đồng bào vùng lũ" do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) và Tạp chí Đồ uống Việt Nam phát động đã được thực hiện tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Chương trình có sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam.

Quảng cáo và mua tạp chí