Doanh nghiệp rượu bia lo ngại không thể phục hồi trước đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

08/08/2024 - 04:17 PM
1.018 lượt xem
Cỡ chữ

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia liên tục trong những năm tiếp theo và dự kiến lên đến 90% - 100% vào năm 2030 thực sự là cú sốc và khiến các doanh nghiệp ngành Đồ uống không khỏi lo lắng về tốc độ phục hồi cũng như ảnh hưởng đến an sinh xã hội và các ngành nghề liên quan.  

 

 

 

Doanh nghiệp lo ngại tăng thuế TTĐB

Nhằm tiếp tục ghi nhận và phản ánh ý kiến đa chiều từ các chuyên gia, đối tượng chịu tác động trực tiếp, gián tiếp… và để đóng góp vào dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, ngày 8/8/2024, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

 

 

Hội thảo diễn ra với sự có mặt của các đại diện đến từ Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan, các chuyên gia kinh tế, y tế, luật pháp, xã hội, các hiệp hội và đặc biệt là các đối tượng chịu tác động trực tiếp của Dự thảo luật là các doanh nghiệp bia, rượu, nước giải khát...

 

PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA

 

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA cho biết, ngành đồ uống có vai trò kinh tế và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước khoảng 60 nghìn tỷ đồng/năm và luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhất nhì địa phương, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp hướng tới một ngành đồ uống trách nhiệm và phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, ngành đồ uống gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách quản lý hạn chế. Theo đó, doanh nghiệp trong ngành đã phải nỗ lực, tìm mọi cách để vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để tăng sức chống chịu, ổn định sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động. Dẫu vậy, các doanh nghiệp (DN) vẫn đang rất khó khăn, các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận... của DN đều giảm sút từ 1 tới 2 con số. Nhiều DN phải tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, có nhà máy phải đóng cửa, cắt giảm lao động v.v.

 

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế của VCCI

 

Trong bối cảnh đó, tại Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Ban soạn thảo đề xuất 2 phương án tăng thuế suất TTĐB với mặt hàng rượu, bia. Theo tính toán của các chuyên gia và doanh nghiệp, với phương án 1: năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 5% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025. Còn phương án 2: năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025. Bộ Tài chính nghiêng về phương án thứ 2.

Đáng chú ý, trong vòng 4 năm tiếp theo, trong cả hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất tăng 5%/năm liên tiếp khiến giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước. Đến năm 2030, thuế suất TTĐB với bia và rượu trên 20 độ tăng lên mức 90-100% (cao hơn hiện hành 25-35%) rượu dưới 20 độ lên mức 60 -70% (cao hơn hiện hành (25-35%). Các đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra đã khiến các DN hết sức lo ngại.

 

 

Lãnh đạo VBA cho rằng, báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo mới chỉ đề cập tới con số tăng thu ngân sách, chưa có các đánh giá định lượng mức độ ảnh hưởng cụ thể như: DN giảm sản lượng, doanh thu bao nhiêu, ảnh hưởng tới lao động, an sinh xã hội như thế nào, tác động tới các ngành hàng liên quan trong chui cung ứng, dịch vụ ra sao?

"Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước về tăng thuế, tuy nhiên, 2 phương án Ban soạn thảo đưa cần được xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Đối với mặt hàng nước giải khát có đường hiện nay còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học liên quan tới đối tượng áp dụng, nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm... VBA kiến nghị xem xét chưa bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB trong giai đoạn hiện nay", lãnh đạo VBA kiến nghị.

 

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại SABECO

 

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại SABECO cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế rất nhanh và trong thời gian ngắn khiến SABECO nói riêng và các DN trong ngành đồ uống nói chung rất lo lắng. Sau COVID-19 với nhiều khó khăn, DN lại đối mặt với biến động của kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức mua suy giảm mạnh. Thêm vào đó, việc kiểm tra gắt gao nồng độ cồn thực hiện Nghị định 100 khiến tiêu dùng giảm mạnh, thậm chí thay đổi thói quen của người Việt về sử dụng đồ uống có cồn.

"Do đó, việc đề xuất tăng thuế liên tục trong những năm tiếp theo đến năm 2030 với mức thuế lên đến 90% -100% thực sự là cú sốc. DN không nhìn thấy triển vọng phục hồi sáng sủa trong những năm tới. Việc tăng thuế khiến DN, đặc biệt là các DN nhỏ, có thể phải đóng cửa, gây tổn thất lớn đến việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội", ông Giang nhấn mạnh.

 

Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Quan hệ Đối ngoại cấp cao của Công ty TNHH Nhà máy Bia HEINEKEN Việt Nam

 

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Quan hệ Đối ngoại cấp cao của Công ty TNHH Nhà máy Bia HEINEKEN Việt Nam cho biết: Riêng năm 2023, Công ty chúng tôi đã tạo ra 3.355 việc làm trực tiếp và hơn 172.000 việc làm gián tiếp trong toàn bộ chuỗi cung ứng trong đó có 54.000 việc làm là thuộc lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Cứ 1 công việc trực tiếp tại Heineken thì tạo ra 51 công việc trong chuỗi cung ứng phụ trợ. Năm 2023, HEINEKEN Việt Nam đã đóng góp 0.5% vào GDP quốc gia và 2.1% vào tổng số thuế toàn quốc, tương đương 33 nghìn t đồng tiền thuế đóng góp cho nhà nước trong toàn chuỗi giá trị, đã giảm rất đáng kể so với năm 2022. Riêng trong năm 2023 khi hoạt động kinh doanh chứng kiến sự sụt giảm 26% về sản lượng dẫn đến phần giá trị gia tăng đóng góp của HEINEKEN trong toàn bộ chuỗi giá trị đã giảm tới 28% và số thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước sụt giảm tới 37%.

Đại diện HEINEKEN Việt Nam cho biết: Về mặt tổng thể, để đạt được mục tiêu về thuế, bảo vệ sức khoẻ người dùng và ổn định phát triển kinh tế, thì chúng tôi thấy rằng Việt Nam cần một bộ giải pháp tổng thể: Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng các sản phẩm có cồn thông qua các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Tăng thuế TTĐB với các sản phẩm có cồn phải theo một lộ trình và mức tăng vừa phải, giãn giảm để các doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao đặc biệt là chi phí logistics do các mâu thuẫn địa chính trị trên toàn cầu. Việc thay đổi hành vi phải đúng hướng, dần dần, chứ không phải chuyển đổi sang tiêu thụ các sản phẩm không có nguồn gốc...

Hướng đến chính sách thuế TTĐB hài hòa

Tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, trong bối cảnh hiện nay, dưới tác động của luật thuế TTĐB sửa đổi có thể tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế TNDN, v.v  Như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ? Cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam.

 

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA)

 

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu, bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên cần hướng đến chính sách thuế TTĐB hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể. Việc tăng thuế TTĐB cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế TTĐB đề ra. Có thể việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu, bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu, bia do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu, đồ uống không rõ nguồn gốc, rượu dân tự nấu vì giá rẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng không đạt được mà lại thất thu thuế...  Cân nhắc nghiên cứu kỹ thêm tác động tăng thuế nhanh, cao theo dự  Luật đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, ngừơi tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng. Xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn.”, bà Cúc nhận định.

 

PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế

 

PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế thì nhấn mạnh, với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế. Do đó cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, cần đánh giá toàn diện tổng thể, khách quan, cân nhắc lộ trình tính thuế, tránh tăng thuế sốc, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của DN, nên giảm hoặc giãn mức tăng, xem xét lùi lộ trình, tạo điều kiện DN phục hồi, phát triển tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ rượu, bia không chính thức. Mục tiêu tăng thuế TTĐB, nhưng có khi tổng thu lại giảm, giảm việc làm, dẫn tới điều chỉnh hành vi, người tiêu dùng lại dùng hàng không đảm bảo chất lượng...

 

Ông Nguyễn Đức Lê, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường

 

Ông Nguyễn Đức Lê, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: hiện nay, trên thị trường có 3 nguồn sản phẩm đồ uống phục vụ trong nước gồm sản xuất hợp pháp là các DN đồ uống chính thống; sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài thông qua nhập khẩu, phân phối; và sản xuất rượu, bia thủ công (hợp pháp và không hợp pháp). Hiện nay, mảng đồ uống bất hợp pháp, không kiểm soát nhiều là rất nhiều. Tác động của đồ uống bất hợp pháp, khi giá tiêu dùng tăng thì người ta sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm rẻ tiền bất hợp pháp... Chúng tôi có kế hoạch ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả, tuyên truyền, vận động, ký cam kết không kinh doanh đồ uống có cồn bất hợp pháp... Giảm sát, kịp thời kiểm tra xử lý khi phát hiện đối tượng vi phạm; có gian trưng bày hàng thật, hàng giả để người tiêu dùng so sánh, nhận diện...

Nếu tăng thuế TTĐB thì việc sử dụng rượu bất hợp pháp sẽ tăng nhanh, tạo động lực cho các sản phẩm bất hợp pháp hoạt động mạnh hơn, khi giá bán cao lên thì họ sẽ mua hàng rẻ, tiện dụng, quay trở lại sử dụng bia cỏ, rượu nút lá chuối vì rẻ tiền. Các sản phẩm hợp pháp đang chịu nhiều tác động của các luật, trong khi đó đồ uống bất hợp pháp lại không chịu bất cứ loại thuế nào...

Từ kinh nghiệm các nước, chuyên gia Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện Quốc gia, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế sẽ làm tăng thêm khoảng cách lợi ích giữa sản phẩm chính thức và bất hợp pháp, từ đó tạo động lực buôn lậu phát triển, chính vì vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc tăng thuế cao gây sốc thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp, kinh tế, xã hội và có nguy cơ gia tăng sản phẩm bất hợp pháp.

Có đại biểu cho rằng, về thuế TTĐB cần giãn, giảm để phù hợp với lộ trình và kịch bản kinh tế, mức độ cải thiện thu nhập của người tiêu dùng trong những năm tới. Về giải pháp tổng thể thì cần phải kết hợp với các chương trình tuyên truyền uống có trách nhiệm. Và tách biểu thuế để tạo ra sự khuyến khích đổi mới, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nồng độ cồn thấp hơn, tạo ra sự nhất quán và công bằng giữa các sản phẩm rượu và bia. 

Nga Nguyễn

Các bài viết khác

Xem thêm

Tăng thuế TTĐB với đồ uống cần hướng tới khoan sức doanh nghiệp

Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế, do đó các chuyên gia cho rằng mức tăng và lộ trình tăng thuế cần phù hợp, hướng tới mục tiêu nuôi dưỡng doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Nhiều thương hiệu lớn tham gia PRO Việt Nam cam kết xây dựng Việt Nam xanh

Mới đây, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tổ chức buổi lễ ký kết và thông báo các thành viên mới trong năm 2024. Có 8 doanh nghiệp lớn thuộc nhiều ngành nghề (trong đó có các doanh nghiệp ngành Đồ uống) đã gia nhập vào PRO Việt Nam, nâng tổng số thành viên của PRO Việt Nam lên 30

Vị trí, vai trò của ngành Đồ uống Việt Nam và những khó khăn, thách thức

Ngành Đồ uống Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bên cạnh đó ngành cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố trong nước và quốc tế.

Lãnh đạo Tạp chí Đồ uống Việt Nam tới thăm và làm việc với Vinabeco

Mới đây, Đoàn công tác Tạp chí Đồ uống Việt Nam đã tới thăm và làm việc tại trụ sở Công ty CP Công nghệ Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (Vinabeco) ở khu đô thị mới Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội.

Tăng thuế TTĐB với đồ uống cần nghiên cứu lộ trình và mức tăng phù hợp

Sáng 14/8, tại Hà Nội, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” để đóng góp thêm những ý kiến, giúp cơ quan soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) (TTĐB) có góc nhìn đa chiều về lộ trình tăng thuế suất thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế.

Thể lệ Cuộc thi "Thơ với văn hóa ẩm thực và đồ uống Việt Nam"

Một Cuộc thi cực kỳ hấp dẫn về cách thể hiện cũng như giải thưởng, đó là Cuộc thi Sáng tác Thơ mang tên "Thơ với văn hóa ẩm thực và đồ uống Việt Nam".

Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp góp ý Dự thảo Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với ngành Đồ uống

Tại Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 08/8/2024 đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp trong ngành Đồ uống.

Fi Vietnam 2024: Nơi hội tụ tinh hoa nguyên liệu F&B ASEAN

Để bắt kịp xu hướng và tìm kiếm những nguyên liệu độc đáo, hãy tham gia Fi Vietnam 2024, nơi hội tụ tinh hoa nguyên liệu chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới.

Chính sách thuế với đồ uống có cồn: Cần có lộ trình, đảm bảo công bằng, hài hòa…

Chiều ngày 30/7, Thời báo Tài chính Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính đã tổ chức Tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn”.

Quảng cáo và mua tạp chí