Du xuân vùng Đông Bắc: Khám phá ẩm thực độc đáo

25/02/2023 - 04:18 PM
26 lượt xem
Cỡ chữ
Nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh sở hữu Kỳ quan thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long, Khu di lích danh thắng Yên Tử, cùng nhiều phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ. Nếu lựa chọn cho mình một chuyến du xuân nơi đây, bạn không chỉ được lên rừng, xuống biển, mà còn được khám phá nét văn hóa ẩm thực độc đáo tại vùng đất được ví như một "Việt Nam thu nhỏ”.

Khám phá mùa lễ hội sôi động

Được đánh giá là một trong những tỉnh có kho di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới… cùng gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, Quảng Ninh từ lâu đã là vùng đất đầy hấp dẫn mỗi độ Xuân về.

Đông đảo Phật tử và du khách tham gia Lễ hội Xuân Yên Tử 2023
 
Từ mùng 10 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, người dân cả nước lại nô nức đến tham gia Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí), một trong những lễ hội đầu xuân lớn nhất tại Quảng Ninh. Là trung tâm Phật giáo lớn nhất ở nước ta, nơi nổi tiếng với thiền phái Trúc Lâm, hàng năm, Lễ hội Yên Tử luôn thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương đến trẩy hội, tham quan và chiêm bái.

Sau 3 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, năm nay, Hội xuân Yên Tử được diễn ra với đầy đủ phần lễ và phần hội. Trong đó phần lễ khai hội với các nghi thức, như: Gióng trống, thỉnh chuông khai hội, nghi lễ cầu Quốc thái Dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử. Đáng chú ý, Lễ hội năm nay bên cạnh các nghi thức mang tầm vóc quốc gia, còn có nhiều điểm mới như các hoạt động tâm linh ban đêm, Lễ cầu an, lễ chúc phúc kết hợp một số hoạt động về nguồn nhiều ý nghĩa.

Cũng trong dịp Xuân về, Lễ hội chùa Ba Vàng, ngôi chùa linh thiêng nằm lưng chừng núi Thành Đẳng thuộc thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) diễn ra vào mùng 08 tháng Giêng. Vào ngày này, Phật tử và nhân dân thập phương sẽ về chùa tham quan, cúng lễ Phật, kết duyên lành với Tam Bảo và trải nghiệm những bài học thiện lành qua lời Phật dạy. Cách TP. Uông Bí không xa, Lễ hội Tiên Công tại vùng đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên cũng là một lễ hội lớn của tỉnh Quảng Ninh đã được công nhận là lễ hội văn hóa cấp quốc gia. Lễ hội Tiên Công được diễn ra từ mùng 7 tháng Giêng hàng năm, là dịp mà người dân đất mỏ rất mong chờ và thu hút nhiều khách du lịch bốn phương. Lễ hội đặc sắc được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn của 17 vị Tiên Công đã tạo dựng nên vùng đảo Hà Nam, đồng thời là lễ mừng thọ để tỏ lòng biết ơn tới tổ tiên, cội nguồn. Vào dịp này, những gia đình có cụ ông, cụ bà từ 80 tuổi trở lên được cung kính phong là "Cụ Thượng". Ngày chính hội, các cụ Thượng được rước đi vòng quanh làng đến miếu Tiên Công theo nhịp trống và tiếng nhạc.
 

Sắc xuân Ba Chẽ
 
Diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng 3, tại Quảng Ninh còn nổi tiếng với Lễ hội đền Cửa Ông, chùa Lôi Âm, đền Đức Ông, chùa Long Tiên, chùa Ngọa Vân… với nhiều nghi thức độc đáo. Đây là dịp để người dân và du khách du xuân, không chỉ được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo, còn được tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa và bày tỏ lòng biết ơn đối với các danh tướng đã có công dẹp giặc, giữ yên bờ cõi vùng Đông Bắc Tổ quốc.
 

Du xuân chùa Trung Tiết tại Đông Triều
 
Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, ngay trong tháng đầu năm mới 2023, ngành du lịch Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, tổng lượng khách đến tỉnh đạt 1,6 triệu lượt, gấp 12,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch của tỉnh đạt 3.520 tỷ đồng, gấp 15,4 lần cùng kỳ. Riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão, toàn tỉnh đón gần 700.000 lượt khách, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thị trường khách quốc tế khôi phục trở lại với trên 17.000 lượt khách.  
Trong dịp Xuân Quý Mão 2023, toàn tỉnh Quảng Ninh tổ chức gần 150 sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội. Tỉnh tập trung tăng cường quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Thông qua đó, thu hút được đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế; quảng bá tiềm năng, thế mạnh nổi trội; giới thiệu các điểm đến, sản phẩm mới của du lịch Hạ Long. Góp phần lan tỏa các thông điệp của vùng đất và con người Hạ Long về niềm tự hào của người dân miền đất kỳ quan Thế giới.

Những trải nghiệm khó quên

Trong tiết xuân Quý Mão khá ấm áp, gia đình anh Trung Hiếu sống tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cùng nhóm bạn thân đã có mặt tại núi Bảo Đài (thuộc địa phận 2 xã An Sinh và Bình Khê, TX.Đông Triều) để vãn cảnh chùa Ngọa Vân. Đây là một quần thể kiến trúc chùa tháp lớn của Thiền Phái Trúc Lâm thuộc dãy Yên Tử, được coi là thánh địa của Phật Giáo Trúc Lâm.

Chia sẻ về chuyến du xuân của gia đình, anh Hiếu cho biết, anh vốn sinh ra và lớn lên tại TP. Hạ Long, nên hầu hết những danh thắng tiêu biểu của quê hương Quảng Ninh năm nào gia đình anh cũng đi thăm nếu có thời gian thích hợp. Trước Tết Nguyên đán Quý Mão, anh Hiếu đã đưa gia đình về dự Carnaval mùa đông 2022, còn dịp này gia đình anh cùng nhóm bạn thân thực hiện chuyến du xuân thăm thú một số danh thắng như Yên Tử, chùa Ngọa Vân, đền An Sinh… Với anh Hiếu, những chuyến du xuân vãn cảnh chùa đầu năm không chỉ là dịp để mọi người được thăm thú cảnh đẹp, mà còn biết thêm nhiều kiến thức lịch sử văn hóa có ý nghĩa, nhất là với các cháu nhỏ. Những chuyến đi cũng là dịp để anh và bạn bè lưu lại và chia sẻ những khoảnh khắc thật đẹp trên quê hương mình.
 

Khám phá thiên đường hoa Quảng La – TP. Hạ Long
 
Thông tin về những điểm du xuân lý tưởng, anh Hiếu cho biết, Quảng Ninh có vô vàn điểm đến lý thú để du khách trải nghiệm. Tại thành phố Hạ Long, có thể khám phá vịnh Hạ Long, Thiên đường hoa Quảng La, thăm Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh, Khu vui chơi Sun World… Ngoài ra, có thể thăm khu di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng ở Uông Bí; chùa Ngọa Vân, đền An Sinh, chùa Trung Tiết ở Đông Triều... Nếu là tín đồ của phượt, bạn có thể khám phá sống lưng khủng long với bạt ngàn lau trắng tại miền biên viễn Bình Liêu, hoặc ra thành phố vùng biên Móng Cái… Đặc biệt, chỉ cần khám phá con đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả có tổng chiều dài 18,7km, được đánh giá hiện đại, độc đáo nhất - nhì ở Việt Nam bởi có sự kết nối không gian giữa núi rừng và biển cả cùng cảnh quan vô cùng đặc sắc của vịnh Hạ Long, đã đủ có những trải nghiệm đáng nhớ. Đáng chú ý, sau mỗi điểm đến, du khách có thể cùng người thân, bè bạn tụ họp tại những địa chỉ ẩm thực tiêu biểu mỗi nơi để cùng thưởng thức những món đặc sản địa phương vô cùng hấp dẫn để cùng nâng ly chúc mừng năm mới.

Là cán bộ kinh doanh của một doanh nghiệp tại Hạ Long, thường xuyên đi tiếp khách, nên khi nhắc đến những đặc trưng ẩm thực của vùng đất Quảng Ninh, anh Quang Minh, một người con của vùng đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên rất hào hứng. Theo anh Minh, ẩm thực Hạ Long nổi tiếng nhất với các món ăn từ hải sản như: ngán, tôm, cá, cua, mực, sá sùng, sứa, tu hài, sò, ruốc, ốc, hàu, hà, cù kỳ... Có thể do môi sinh của biển Hạ Long có sự khác biệt, nên những sản vật này cũng ngon và đậm đà hơn nhiều vùng biển khác. Cộng với cách chế biến độc đáo, kỳ công theo công thức riêng, mà các món hải sản tại Hạ Long sẽ mang đến những cảm nhận khác biệt khi thưởng thức.

“Một điểm đặc biệt là khi ăn hải sản ở Hạ Long là bạn có thể uống các loại bia, hoặc rượu đều rất ngon, cảm thấy như bùng lên hương vị của biển cả vậy! Thị trường bia, rượu tại Hạ Long hiện có nhiều thương hiệu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của du khách đến từ các vùng miền. Còn người Hạ Long như tôi quan sát, thường dùng bia Hạ Long và Tiger bạc. Rượu thì không thể không nhắc đến một số loại đặc sản địa phương như rượu nếp cái hoa vàng Đông Triều, rượu sim Hoành Bồ, rượu Ba kích tím Tiên Yên… Riêng món rượu ngán (rượu nếp cái hoa vàng đánh với tiết của con ngán còn sống vừa tách ra khỏi vỏ) thì chỉ duy nhất ở Quảng Ninh mới có. Rất khó để có thể tả về rượu ngán, nhưng khi ăn hải sản mà nhấp môi chén rượu ngán đã được hâm nóng thì vô cùng thú vị!”, anh Minh khẳng định.
 

Một số món đặc sản tại Quảng Ninh
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm gần đây, các đơn vị du lịch tại Hạ Long đã và đang khai thác thế mạnh về văn hóa ẩm thực để thu hút du khách. Các loại đặc sản nổi tiếng của Hạ Long, để được đưa vào tiêu thụ tại các khách sạn, nhà hàng, đều được chọn lựa kỹ lưỡng từ những nhà cung cấp tốt nhất tại địa phương. Bên cạnh đó, chú trọng cách chế biến, trình bày rồi mới đưa đến cho khách hàng sử dụng.

Chị Hải Hà, CEO một nhà hàng có tiếng tại Hạ Long cho biết, nắm bắt tâm lý du khách thường mong muốn được sử dụng các sản vật địa phương, nhà hàng đã đưa vào thực đơn nhiều món ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ví dụ, sử dụng hải sản từ vùng đánh bắt, nuôi trồng tại đảo Hà Nam, vịnh Hạ Long, đảo Cô Tô, biển Vân Đồn. Bên cạnh đó là các sản vật nổi tiếng như: gà Tiên Yên, Hoành Bồ; thịt lợn rừng chăn nuôi tại các huyện miền Đông; các loại ổi, dứa, chuối ngự tại các vùng nông sản hữu cơ tại Quảng Yên, Hoành Bồ, Vân Đồn… Với đồ uống, nhà hàng cũng chỉ sử dụng sản phẩm của các thương hiệu uy tín trên thị trường Đồ uống Việt Nam. Riêng các loại rượu đặc sản Quảng Ninh như rượu Ba kích, rượu Sim, rượu Nếp cái hoa vàng của Hoành Bồ hay Quảng Yên, Đông Triều… đều nhập từ những cơ sở uy tín, thậm chí được cấp chứng chỉ sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh…

Theo nhận định của các chuyên gia, ẩm thực và du lịch vốn có sự gắn kết tự nhiên, gần gũi khi mà bất cứ hành trình nào của du khách tới khám phá những miền đất mới cũng thường đi kèm việc trải nghiệm các nét ẩm thực địa phương. Ẩm thực cũng là con đường tiếp cận nhanh chóng và gần gũi, sẽ rất phù hợp khi dùng ẩm thực để phát triển du lịch.

Theo đó, đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, để phát huy giá trị văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch, Quảng Ninh sẽ tăng cường các hình thức quảng bá sản phẩm, kết hợp các tour du lịch với khám phá ẩm thực địa phương, đa dạng các phương pháp chế biến món ăn. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động chế biến món ăn và thức uống mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống, nhằm phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất, vừa góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Ninh trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

Ghi chép Thanh Nga

Các bài viết khác

Xem thêm

Vui Xuân phải đúng luật

Trong ngày Tết, lễ hội, việc ăn uống là một phần không thể thiếu. Rượu bia được coi là thức uống gắn kết mọi người trên bàn tiệc, đặc biệt vào ngày Tết, lễ hội. Tuy nhiên nếu lạm dụng rượu, bia hoặc lái xe sau khi uống rượu bia lại có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Trước thềm xuân mới cùng Nhà thơ Hồng Thanh Quang mạn đàm về văn hóa uống: “Mình uống rượu không để rượu “uống” mình…”

Trong cái rét thấu xương của mùa đông Hà Nội, chúng tôi có dịp trò chuyện thân tình với Nhà thơ Hồng Thanh Quang bên ly cà phê sữa nâu nóng tại một quán cà phê quen thuộc. Sau thành công của chương trình nghệ thuật “Hồng Thanh Quang, 60 năm cuộc đời: Vẫn nguyên là nỗi khát”, những bạn văn và người hâm mộ lại thấy anh tất bật với những buổi gặp gỡ các đồng nghiệp, bạn văn, bạn thơ và các chương trình phỏng vấn trên báo chí, truyền hình. Đặc biệt, những ngày cuối năm anh lại càng bận rộn khi chuẩn bị xuất bản tiếp tập thơ mới “Thắp lửa” và những buổi ghi hình cho các chương trình chào Xuân. Tuy vậy, anh vẫn dành cho Tạp chí Đồ uống Việt Nam cuộc trò chuyện cởi mở về văn hóa uống, xu hướng tiêu dùng và tầm nhìn phát triển của ngành Đồ uống dưới góc nhìn của một nhà thơ, nhà báo.

Tết sum vầy mới vui và ý nghĩa

Năm nào cùng vậy, cứ sau ngày Ông Táo về Trời độ vài ngày là mấy anh chị em chúng tôi lại từ mọi miền đất nước tụ hội về nhà để đón Tết cùng cha mẹ. Nhà có năm anh chị em thì mỗi người học tập và lập nghiệp ở một phương trời khác nhau. Người thì mãi tận Thành phố Hồ Chí Minh, người Cà Mau, chị và em tôi thì sống tận Cao Bằng và Điện Biên. Riêng tôi thì sống tại Hà Nội và được xem là gần gặn nhất nên chẳng phải Tết, mà ngày rảnh rỗi tôi vẫn thay mặt anh chị về thăm nom chăm sóc cha mẹ. Năm tháng dần qua đi, anh chị em chúng tôi ngày một lớn khôn thì cha mẹ tôi cũng già đi trông thấy. Trên đầu cha mẹ cũng đã điểm những màu tóc pha sương bạc trắng. Cuộc sống của cha mẹ tôi quanh năm đơn côi và buồn tẻ bên nếp nhà đơn sơ cùng gà, lợn và mấy con chó nuôi cho vui và giữ nhà. Một đàn con đều đi hết, chẳng đứa nào sống cùng cha mẹ nên nhiều khi tôi thấy ông bà cũng buồn bã. Dường như cái buồn, sự thiếu vắng và đơn côi đã thành quen nên tâm tính của cha mẹ tôi cũng trở nên trầm lắng và ít nói…

Nhớ về Tết của một thời thơ ấu

Mỗi khi Tết đến trong tôi lại nôn nao nỗi nhớ về một miền cổ tích, nơi tôi sinh ra và có những tháng ngày ấu thơ đầy ắp những kỷ niệm. Tết với người lớn luôn là sự lo toan vất vả, khi biết bao nhiêu thứ cần phải mua sắm bằng tiền, mà với nền kinh tế của đại đa số người dân quê tôi khi xưa đều eo hẹp, nghèo khó khi chỉ trông vào lúa, ngô, khoai, sắn thu hoạch nơi ruộng đồng, thì đồng tiền kiếm được qua một năm không lấy gì làm dư giả.

Đón Xuân có trách nhiệm

Lại một mùa Xuân nữa sắp đến khiến lòng người hối hả, chộn rộn. Nhiều người chuẩn bị tâm thế từ rất sớm, cả tinh thần, sức khỏe và tiền bạc. Nhưng không phải ai cũng có ý thức đón Tết có trách nhiệm.

Hấp dẫn phiên chợ Tết ngày Xuân

Chẳng biết tự bao giờ, đi chợ Tết đã là niềm vui của hầu hết mọi người Việt, từ già trẻ, trai gái, đàn ông, đàn bà… ở nông thôn hay thành thị, ở vùng núi hay hải đảo. Cái cảm giác được hòa vào dòng người náo nhiệt mua mua, bán bán trong phiên chợ Tết giữa tiết Xuân sang khiến lòng người trào dâng cảm xúc, như được trở lại một thời thơ ấu và thêm háo hức đón chờ cái Tết đang đến rất gần!

Chở mùa Xuân về với ngoại

Chắc có lẽ cái Tết năm nay cũng chẳng có gì khác so với những năm trước. Cũng với cái khung cảnh tất bật xô bồ của cuộc sống đang hối hả vào những tháng cuối năm. Ai ai cũng cố phấn đấu, nỗ lực hết mình để đạt được những thành tích tốt nhất, để có được một cái tết trọn vẹn nhất bên người thân.

Ngày Tết nói về thành ngữ: Bánh chưng xanh dưa hành ngày Tết

Đây là loại thành ngữ mang tính biểu tượng nói về cái Tết cổ truyền của người Việt Nam. Theo phong tục, ở Việt Nam mỗi năm có rất nhiều Tết: Tết Rằm tháng Giêng, Tết mồng Mười tháng Ba (Tết bánh trôi), Tết cơm mới, Tết đoan ngọ, Tết Rằm tháng Bảy, Tết Độc lập, Tết Dương lịch… Nhưng chỉ có Tết Âm lịch (Tết Nguyên Đán) là tết to nhất, nên được viết hoa thành một tên riêng: Tết. Đó là Tết mở đầu cho một năm mới. Bởi vậy, theo truyền thống, nó có ý nghĩa rất quan trọng và rất thiêng liêng. Vào những ngày này, nhà nông thì nghỉ việc đồng áng, cán bộ hay công nhân viên chức thì “nghỉ Tết” theo chế độ Nhà nước ban hành. Bắt đầu từ ngày 26, 27 tháng Chạp, những ai công tác ở xa đã bắt đầu khăn gói lên đường về quê, còn những ai không đi công tác thì xếp nép công việc đồng áng, chuẩn bị mua gạo, thịt, lá dong để gói bánh phục vụ cho việc “ăn Tết”.

Quảng cáo và mua tạp chí