Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”: Cần hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế

28/12/2023 - 07:22 PM
669 lượt xem
Cỡ chữ
Chiều ngày 27/12, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”. Tham dự Tọa đàm có các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đại diện Đại sứ quán Anh, Pháp, Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cùng đại diện các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam...
Các đại biểu tham dự Tọa đàm
 
Tọa đàm “Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” được tổ chức nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp, đề xuất chính sách của các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, góp phần vào quá trình thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt; khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật.
 
Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển tốt hơn
 
Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), gửi Bộ Tư pháp trước để tổng hợp vào đề nghị của Chính phủ bổ sung Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội; trình Quốc hội cho ý kiến luật này tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
 
Bà Nguyễn Thị Mai Phương chia sẻ tại Tọa đàm.
 
Tại Tọa đàm, các diễn giả khẳng định, từ năm 2008 đến nay, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt qua 4 lần được sửa đổi, bổ sung đã đi vào cuộc sống và tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. “Dù còn một số hạn chế nhất định, song có thể nói Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ đóng góp cho nguồn thu cho ngân sách mà còn là công cụ chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội”, bà Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét.
 
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt còn một số hạn chế như: đối tượng chịu thuế còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện. Cùng với đó, thuế suất thuế với một số mặt hàng ảnh hưởng đến sức khoẻ và xã hội chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng…
 
PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.
 
Từ thực tế đó, các diễn giả tại Tọa đàm nhấn mạnh, sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết để phát huy hơn nữa vai trò của sắc thuế này theo đúng chủ trương và định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều tiết tiêu dùng phù hợp xu hướng tiêu dùng trong xã hội theo hướng bảo vệ sức khỏe Nhân dân và bảo vệ môi trường, bảo đảm huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước và phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế. Việc sửa đổi Luật cần bảo đảm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, quá trình sửa Luật phải cân đối cả ba khía cạnh: Sức khỏe của Nhân dân và cộng đồng; thu ngân sách nhà nước và tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi và phát triển tốt hơn.
 
Cần phương pháp tính thuế phù hợp
 
Đối với chính sách hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế; xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
 
Về vấn đề này, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, mô hình thuế hỗn hợp ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng. Tính đến năm 2018, đã có 62 quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp (tăng từ 55 quốc gia năm 2008). Trong ASEAN, Thái Lan, Malaysia và Philippines đã triển khai mô hình thuế hỗn hợp với một số danh mục đồ uống có cồn.
 
Đại diện ngành Đồ uống Việt Nam, PGS, T.S Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) chia sẻ, các doanh nghiệp bia, rượu đã có một thời gian dài chịu tác động của các biện pháp giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 và chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành và Nghị định 100. Bên cạnh đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến giá nguyên liệu ngành bia tăng phi mã. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong ngành đồ uống thời gian qua bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20%-30%. Nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng phải đóng cửa.
 
"Trong bối cảnh khó khăn ấy, về các chính sách thuế, chúng tôi đề xuất cần nghiên cứu kỹ các phương pháp tính thuế để không tác động quá lớn đối với ngành, lấy các số liệu thật chi tiết để xem từng loại thuế tác động đến các doanh nghiệp như thế nào. Nếu không có số liệu sẽ khó có thể đưa ra được những chính sách phù hợp”, PGS, TS.Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.
 
TS. Đặng Thị Thu Hoài - Trưởng ban Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu tại Tọa đàm.
 
Chia sẻ kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về hiệu quả của thuế hỗn hợp, TS. Đặng Thị Thu Hoài - Trưởng ban Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, CIEM cho biết, áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp sẽ khiến giá sản phẩm rượu ở phân khúc cao cấp rẻ hơn tương đối so với chính nó nếu áp thuế tương đối. Như vậy, người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng nhóm sản phẩm đồ uống có cồn với chất lượng tốt hơn, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm… và do đó tăng thêm nguồn thu ngân sách từ khu vực đồ uống có cồn chính thức.
 
Bà Hoài cho rằng: “Không phải ngẫu nhiên các nước phát triển áp dụng mô hình thuế hỗn hợp. Chúng tôi đã có một số nghiên cứu về vấn đề này và kết quả nghiên cứu cho thấy đã đến lúc Việt Nam áp dụng thuế hỗn hợp với đồ uống có cồn thay cho thuế tương đối hiện nay. Vấn đề quan trọng là điều kiện và cách thức triển khai cụ thể như thế nào”.
 
Bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ, xu hướng áp dụng thuế hỗn hợp với đồ uống có cồn đã rõ, bởi đây là phương pháp tiên tiến của thế giới. Hơn nữa, Quyết định số 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã yêu cầu nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Và mới đây, Nghị quyết số 115 của Chính phủ đã định hướng vấn đề này. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế hỗn hợp phải có lộ trình cụ thể và công khai để doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt nhất.
 
Bà Đặng Ngọc Hương, Tiểu ban Rượu vang và rượu mạnh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) chia sẻ tại Tọa đàm.
 
Theo bà Đặng Ngọc Hương, Tiểu ban Rượu vang và rượu mạnh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, trước đây phương pháp thuế tương đối là phù hợp với Việt Nam, vì ưu điểm là tự động điều chỉnh theo lạm phát, giảm thiểu việc điều chỉnh thuế thường xuyên; thuận lợi cho việc thu và quản lý thuế. Tuy nhiên, thuế tương đối không mang lại hiệu quả mong muốn trong việc giảm tiêu thụ sản phẩm và có thể hướng người tiêu dùng đến việc tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp, bất hợp pháp.
 
 
Cũng theo bà Đặng Ngọc Hương, thuế tiêu thụ đặc biệt hướng đến ba mục tiêu - sức khỏe người tiêu dùng, ngân sách, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp. Tùy việc đặt mục tiêu cao hơn để Việt Nam lựa chọn mô hình thuế phù hợp. Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng thì thuế tuyệt đối là tốt nhất, nhưng với điều kiện của Việt Nam thì chưa nên áp dụng vì có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa.
 
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) khi được ban hành dự kiến sẽ tác động mạnh đến hành vi của người tiêu dùng cũng như hoạt động của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước. Các diễn giả tham dự tọa đàm kỳ vọng, sau lần sửa đổi này, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ phát huy cao hơn nữa vai trò với đời sống, kinh tế - xã hội; bảo đảm môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi; hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
 
Nga Nguyễn

Các bài viết khác

Xem thêm

Đoàn công tác Tạp chí Đồ uống Việt Nam tới thăm và làm việc với Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh

Sáng ngày 07/11, Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức đoàn công tác tới thăm và làm việc với Nhà máy Bia Hà Nội – Mê Linh

190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024

Tối 4/11, tại Hà Nội, Hội đồng thương hiệu Quốc gia phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9, năm 2024, với chủ đề "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và phát biểu tại buổi Lễ. Thủ tướng kêu gọi doanh nhân, doanh nghiệp chung sức cùng đất nước bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đề xuất chưa áp Thuế TTĐB với nước giải khát có đường

Sáng ngày 17/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của Dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường”. Tham dự Hội thảo có đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp.

Ngành Đồ uống Việt Nam tích cực chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ

Do hậu quả của bão lũ tại nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, vừa qua, các doanh nghiệp ngành Đồ uống đã tổ chức các đoàn công tác từ thiện đến thăm và hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ với mong muốn động viên, chia sẻ với đồng bào sớm vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống

Đoàn công tác từ thiện ngành Đồ uống Việt Nam hỗ trợ HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng khắc phục hậu quả sau bão số 3

Ngày 23/9/2024, Đoàn công tác từ thiện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Tạp chí Đồ uống Việt Nam cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đã về thôn Gò Sỏi (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) trao tặng quà hỗ trợ HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng vừa bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3 Yagi gây ra.

Cân nhắc không bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu Thuế Tiêu thụ đặc biệt

Sáng 20/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Góp ý dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”. Hội thảo góp phần hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính khoa học, công bằng của sắc thuế, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách bền vững

Đoàn từ thiện VBA trao tặng 50 triệu đồng và 300 thùng nước cho người dân vùng ngập lụt ở Hiệp Hòa, Bắc Giang

Sáng 18/9, Đoàn từ thiện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Tạp chí Đồ uống Việt Nam, Công đoàn VBA cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đã về UBND xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) trao tặng 50 triệu đồng và 300 thùng nước Dasani của Coca - Cola Việt Nam cho người dân vùng ngập lụt ở 2 thôn Đa Hội và thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa.

Đoàn từ thiện ngành Đồ uống tặng 50 triệu đồng và 650 thùng nước uống cho người dân bị sạt lở đất, ngập lụt ở Yên Bái

Sáng 16/9, Đoàn công tác từ thiện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Tạp chí Đồ uống Việt Nam, Công đoàn VBA với sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đã chia sẻ khó khăn với đồng bào bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Người tiêu dùng thêm nỗi lo bia giả, nhái các thương hiệu

Giống như nhiều loại mặt hàng tiêu dùng trên thị trường, bia cũng là mặt hàng được làm giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến cơ quan chức năng rất khó khăn để phát hiện, xử lý. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần “mạnh tay” xử lý để không gây tổn thất đến doanh nghiệp làm ăn chân chính và bảo vệ người tiêu dùng.

Quảng cáo và mua tạp chí