Sáng 24/7, Hội đồng doanh nghiệp châu Âu - ASEAN đã tổ chức Tọa đàm “Môi trường chính sách thuế tại Việt Nam: Thực trạng và kinh nghiệm quốc tế”. Tọa đàm với mục tiêu ghi nhận nhiều ý kiến góp ý vào tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống thuế tại Việt Nam đảm bảo tính công bằng, hài hòa và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm
Trong nửa đầu năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải đối diện với những thách thức đáng kể về mặt kinh tế vĩ mô như căng thẳng địa chính trị gia tăng trên thế giới, rủi ro về lạm phát, giá cả hàng hóa và nguyên liệu đầu vào tăng cao. Bên cạnh áp lực về mặt kinh tế, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị trước những thay đổi sắp tới đối với những chính sách thuế, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và những chính sách liên quan đến áp thuế tối thiểu toàn cầu. Việc xây dựng các chính sách thuế đúng đắn, phù hợp trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) có một số thay đổi trong chính sách thuế với ngành Đồ uống như sửa đổi mô tả một số hàng hóa chịu thuế như rượu, tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và đề xuất thuế suất 10% cho đồ uống với hàm lượng đường trên 5g/100ml.
Hiện nay, gần 64% lượng rượu tiêu thụ ở Việt Nam là nằm ngoài quản lý của nhà nước và do đó không bị đánh thuế. Thuế suất cao dẫn đến buôn bán phi chính thức, nếu tăng thuế sẽ dẫn tới sự chuyển dịch tiêu dùng sang sản phẩm giá rẻ và phi chính thức.
Kinh nghiệm quốc tế
Bà Marion Chaminade – Tham tán Nông nghiệp, đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam chia sẻ về hệ thống thuế của Pháp đối với đồ uống có cồn. Theo đó, đồ uống có cồn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, 4,57 tỷ lít rượu vang được sản xuất (nhà sản xuất thứ 2 trên thế giới); 59.000 doanh nghiệp trồng nho; 129.000 cơ sở sản xuất; 2,53 tỷ lít rượu vang được tiêu thụ; kim ngạch xuất khẩu 12 tỷ € (nhà xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh số 1); chiếm 24% tổng nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt: khoảng 3,5 tỷ € (năm 2022). Những yếu tố để tạo nên một nền kinh tế vững mạnh như xây dựng khung pháp lý chặt chẽ hơn (định nghĩa rượu vang, quy định về kinh doanh rượu vang); hệ thống thuế phù hợp, kiểm soát tài khóa chặt chẽ giữa sản xuất (hoặc nhập khẩu) và tiêu dùng, sản phẩm phi chính thức chỉ chiếm 4,6 % tổng lượng tiêu thụ.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA chia sẻ tại Tọa đàm
Tại Pháp, mục đích đánh thuế đồ uống có cồn nhằm ngăn chặn tiêu thụ rượu bia quá mức. Thuế suất nên được đặt ở mức vừa phải, có thể xem xét giảm bớt cho các đơn vị sản xuất quy mô nhỏ. Mức độ đánh thuế đóng vai trò quan trọng – hiệu ứng giảm tiêu dùng. Dùng mức thuế cao để ngăn cấm, người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm ít bị đánh thuế hơn, tăng trốn thuế thông qua buôn lậu, làm giả, sản xuất trái phép, chuyển sang sản xuất và tiêu thụ rượu bia tự nấu phi chính thức, mua đồ uống có cồn ở nước ngoài và nộp thuế ở nước ngoài.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Chính phủ Bỉ đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu mạnh lên hơn 40% từ tháng 11/2015. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2016, Bộ Tài chính của Bỉ dự kiến sẽ thu thêm 128 triệu euro từ thuế tiêu thụ đặc biệt. Chỉ có 40 triệu euro được thu, trong đó gần 30 triệu euro đến từ rượu mạnh. Nguyên nhân được xác định do lượng hàng bán giảm 33% khi giá các sản phẩm rượu mạnh tăng hơn 20%. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng của Bỉ ghi nhận mức tăng (tăng 40% khối lượng rượu mạnh ở Luxmbourg và doanh số bán hàng ở miền Bắc nước Pháp tăng gấp đôi so với phần còn lại của cả nước, cứ 4 chai rượu mạnh tiêu thụ ở Bỉ thì có 1 chai được mua từ quốc gia khác).
Tại Vương quốc Anh, đầu năm 2023, quốc gia này đã tăng thuế đối với rượu khiến doanh số bán rượu giảm 20%. Trong nửa năm 2023, nguồn thu thuế từ rượu giảm 108 triệu bảng Anh. Cuối năm 2023, Vương quốc Anh dừng tăng thuế đối với rượu.
Cân nhắc ổn định, hài hòa
Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, kinh nghiệm tại EU cho thấy, việc tăng thuế TTĐB đã khiến người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm có giá rẻ hơn, bao gồm cả sản phẩm phi chính thức. Đồng nghĩa với việc quốc gia bị thất thu thuế.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phát biểu tại Tọa đàm
TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, chính sách tăng thuế TTĐB có nguy cơ kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất đúng quy định pháp luật. Các chính sách kiểm soát chặt hơn như giám sát, tăng thuế… hầu như mới hướng tới các cơ sở đăng ký và bỏ ngỏ các cơ sở không đăng ký. Do vậy cần thay đổi tư duy chính sách thuế trong dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), đảm bảo hài hòa trong phương pháp tính thuế TTĐB. Nên xây dựng các chính sách thuế đa mục tiêu, bổ sung mục tiêu hạn chế hoạt động buôn bán bất hợp pháp
Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, cần nghiên cứu điều kiện thực tế của Việt Nam để có đánh giá kỹ lưỡng hơn, khoa học hơn về thực trạng các doanh nghiệp hiện nay. Chính sách thuế cần phù hợp không ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp và việc làm của người lao động. Lộ trình tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn cần đảm bảo an toàn sức khỏe, chống lạm dụng đồ uống có cồn, đồng thời ổn định nguồn thu ngân sách, bảo đảm hài hòa lợi ích, không tạo ra “cú sốc” lớn ảnh hưởng tới doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
Tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến về tăng thuế TTĐB đồ uống có cồn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm từ quốc tế, đảm bảo hài hòa, ổn định, công bằng nhằm thu hút đầu tư, kích cầu du lịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, bảo đảm việc làm, phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Nguyễn Tươi