Rượu, bia không rõ nguồn gốc: Những ẩn họa khôn lường

23/08/2023 - 11:32 PM
329 lượt xem
Cỡ chữ

Những chai bia tuy dán nhãn một thương hiệu nổi tiếng nhưng thực tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, những chai rượu sóng sánh màu cánh gián được gắn mác rượu quê vẫn đang âm thầm len lỏi vào những cuộc nhậu trên khắp mọi miền quê... không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, mà còn kéo theo bao hệ lụy khôn lường khác!

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Từ nhiều năm nay, thông tin về các vụ ngộ độc rượu có chứa methanol được các báo, đài thường xuyên đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Có không ít người đã thiệt mạng, hoặc phải điều trị tốn kém mà vẫn mắc các di chứng nặng nề về sau... dẫu vậy, các vụ việc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Có thể kể đến vụ việc xảy ra gần đây nhất vào ngày 14/7, ba bệnh nhân (gồm hai mẹ con và một người đàn ông) sống tại Bình Phước đã phải nhập Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) do bị ngộ độc rượu methanol. Trước đó, họ đã tham gia nhóm nhậu gồm 4 người và uống hết sáu chai 500ml loại rượu pha sẵn trong 3 tiếng. Nhậu xong, một người có biểu hiện mệt, đau đầu, hoa mắt, nôn ói nhiều, thở nhanh, nhìn mờ cả hai mắt, khó thở, khát nước... được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Ba người còn lại cũng có triệu chứng tương tự được cấp cứu tại BV Quân y 175 điều trị bằng cách lọc máu để thải methanol ra ngoài.

Hồi tháng 6/2023, trên địa bàn xã Thiệu Vân, TP.Thanh Hóa (Thanh Hóa) đã xảy ra vụ ngộ độc rượu chứa methanol khiến 7 người phải nhập viện cấp cứu. Còn trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ đầu năm ghi nhận 2 vụ ngộ độc rượu có chứa methanol khiến 10 người phải cấp cứu, 2 người tử vong. Đó chỉ là số ít những vụ việc liên quan đến ngộ độc rượu có chứa methanol đã xảy ra khắp cả nước từ đầu năm đến nay. Điều này đã phần nào cho thấy, thói quen lạm dụng rượu, bia của không ít người, cộng với việc mua bán rượu ở các quán ăn, cửa hàng tạp hóa gần như bị thả nổi khiến tình trạng ngộ độc rượu ngày càng diễn biến phức tạp. Cùng với rượu có chứa methanol, tình hình rượu bia giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng vô cùng phức tạp.

Hồi tháng 6/2023, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra một nhà hàng ở Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã phát hiện chủ nhà hàng thu gom trên 480 lít rượu màu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ nhà hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào có liên quan đến số rượu ngâm trên. Được biết, số rượu này được nhà hàng chuẩn bị để phục vụ nhu cầu ăn uống của khách hàng.

Trước đó, ngày 6/3, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 4-PC05 (Công an Hà Nội) kiểm tra điểm kinh doanh rượu thủ công tại phố Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang bày bán 540 lít rượu màu thủ công cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Với mặt hàng bia cũng rơi vào tình trạng tương tự khi mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Yên khi tiến hành dừng, khám một xe ô tô khách đã phát hiện trên xe vận chuyển 2.400 chai bia mang thương hiệu khá quen thuộc nhưng bằng tiếng nước ngoài mà không có nhãn phụ tiếng Việt, lái xe cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Công an các tỉnh Thừa Thiên -Huế, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Thuận... cũng từng phát hiện hàng loạt xe ô tô vận chuyển hàng trăm thùng bia mang các thương hiệu nổi tiếng khác mà không có hóa đơn chứng từ kèm theo.

Thực tế trên cho thấy, tình hình sản xuất, buôn bán đồ uống có cồn bất hợp pháp, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn biến vô cùng phức tạp.

Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng thiệt

Theo TS. Hoàng Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Chống độc Bệnh viện Thống Nhất, rượu nấu từ gạo, nếp, mì là rượu ethanol có giá cao hơn, còn rượu công nghiệp chứa methanol có giá bán rẻ hơn rất nhiều và 2 loại rượu này cũng khó phân biệt. Tuy nhiên, để có giá bán phù hợp với nhu cầu của người lao động có thu nhập thấp, nhiều người bán thường trộn rượu công nghiệp vào rượu gạo để hạ giá bán.

Tình trạng gắn mác rượu quê đóng chai ngâm với các nguyênliệu khác nhau tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Bác sĩ Quang cho biết, khi bị ngộ độc rượu, người bệnh sẽ có những triệu chứng như tụt huyết áp, tay chân bủn rủn, mắt mờ, vã mồ hôi, sốt, co giật, hôn mê... Theo y học, nếu nồng độ methanol trong máu trên 50mg/dl có thể gây ngộ độc đến mức phải lọc máu và trên 80mg/dl thì khả năng tử vong cao.

Theo “Báo cáo về kinh doanh đồ uống có cồn bất hợp pháp, Thông lệ quốc tế tốt nhất và những bài học kinh nghiệm”; mới đây của Liên minh các doanh nghiệp rượu quốc tế tại châu Á - Thái Bình Dương (APISWA), 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý, có nghĩa là chỉ có trên 30% thị trường đang nộp thuế. Những con số này cho thấy không chỉ ngân sách Nhà nước bị thất thu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chân chính và gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Chia sẻ tại tọa đàm “Đồ uống có cồn bất hợp pháp: Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), Tiểu ban Rượu vang & Rượu mạnh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) tổ chức hồi đầu năm 2023, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê cho biết, sản phẩm nhập lậu chủ yếu qua các tuyến biên giới, cửa khẩu và qua đường hàng không. Tình trạng này đặc biệt tăng cao vào dịp lễ, Tết và được tiêu thụ chủ yếu ở bar, vũ trường hoặc làm quà biếu.

Đối với sản phẩm giả các đối tượng thường dùng vỏ chai rượu, bia các nhãn hiệu nổi tiếng đã qua sử dụng nhưng còn mới cùng với nắp, nút giả, được pha chế từ những loại cồn, rượu có giá trị thấp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đáng chú ý, các sản phẩm này đều được người bán sử dụng tem chống rượu giả rất giống tem thật nhằm lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Còn với dòng sản phẩm thủ công tự nấu, tự pha chế, nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất, nguyên liệu, phụ gia, hương liệu không bảo đảm chất lượng... chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt các vụ ngộ độc rượu như đã kể trên.

Có một thực tế là vấn đề kiểm soát, công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng rượu, bia thủ công còn rất khó khăn do việc sản xuất rượu, bia thủ công đơn giản, nhất là rượu thủ công được thực hiện chủ yếu tại các hộ gia đình (hầu hết ở khu vực nông thôn). Việc mua bán đối với mặt hàng này cũng được thực hiện một cách dễ dàng, trong khi đó, nguyên nhân các vụ ngộ độc rượu lại chủ yếu đến từ việc sử dụng, lạm dụng mặt hàng này trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Hơn nữa, việc sản xuất, buôn bán đồ uống có cồn bất hợp pháp tồn tại do lợi nhuận cao mang lại, khiến công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của một số doanh nghiệp sản xuất, chủ sở hữu.

Để giải quyết hiệu quả những tồn tại, hạn chế trên, đại diện Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp, bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đặc biệt là các quy định quản lý đối với rượu sản xuất thủ công; tăng cường nguồn lực và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chú trọng vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật...

Với các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia trong nước cần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh đối với các sản phẩm rượu, bia của mình trên thị trường so với các sản phẩm tương tự của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo đảm tính minh bạch trong sản xuất, nhập khẩu đồ uống có cồn bảo vệ người tiêu dùng và tránh thất thu thuế.

Về phía Cục An toàn thực phẩm, khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu bia.

Nga Nguyễn

Các bài viết khác

Xem thêm

Tăng cường tái chế thủy tinh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam

Ngày 15/1/2024, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hoạt động tái chế thủy tinh tại Việt Nam” nhằm cải thiện công tác quản lý rác thủy tinh, đồng thời tìm ra các giải pháp thúc đẩy tái chế thủy tinh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”: Cần hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế

Chiều ngày 27/12, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”. Tham dự Tọa đàm có các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đại diện Đại sứ quán Anh, Pháp, Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cùng đại diện các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam...

Đừng để việc đo nồng độ cồn thành nỗi ám ánh cho người dân

Chưa bao giờ câu chuyện nồng độ cồn khi tham gia giao thông lại trở nên nóng bỏng như bây giờ.

Ngành Đồ uống Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Đi cùng với sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid - 19, sự khởi sắc trong kinh doanh du lịch, ngành thực phẩm đồ uống tại Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên cũng đối diện không ít khó khăn, thách thức trong hiện tại cũng như tương lai...

Rộng mở các tiềm năng để ngành Nước giải khát Việt Nam vượt khó

Với nền kinh tế đang tăng trưởng ở tốc độ cao trong khu vực (trung bình từ 6-8%/năm), khi thu nhập và đời sống của người dân được nâng cao, các loại đồ uống, trong đó có nước giải khát ngày càng được sử dụng rộng rãi. Đó là lý do khiến Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành nước giải khát

Rượu không rõ nguồn gốc – Doanh nghiệp cần giải pháp vượt trở ngại

Với 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam chưa được quản lý, không chỉ Nhà nước bị thất thu ngân sách, gây hại trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp rượu chân chính.

Ngành Bia Việt Nam không ngừng bứt phá vượt qua khó khăn

Ngành Đồ uống Việt Nam (bia, rượu, nước giải khát) là ngành kinh tế, kỹ thuật đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, ngành Bia Việt Nam với sự góp mặt của các thương hiệu nội địa như Bia Saigon, Bia Hà Nội và hàng loạt các hãng bia nổi tiếng thế giới như HEINEKEN, Carlsberg, AB Inbev…

Doanh nghiệp Đồ uống Việt Nam được vinh danh tại các bảng xếp hạng uy tín

Nhằm ghi nhận những cố gắng và thành quả đạt được của các doanh nghiệp, hàng năm, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện nhiều khảo sát đánh giá dựa trên các tiêu chí khác nhau. Trong đó, các doanh nghiệp Đồ uống Việt Nam vinh dự nằm trong nhiều bảng xếp hạng uy tín.

Quảng cáo và mua tạp chí

Bình chọn trực tuyến

🔴 Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia cũng như các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này có nghĩa, khác với quy định trước đây là cứ có nồng độ cồn khi lái xe là bị phạt. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.