Trước thềm xuân mới cùng Nhà thơ Hồng Thanh Quang mạn đàm về văn hóa uống: “Mình uống rượu không để rượu “uống” mình…”

26/01/2023 - 10:54 AM
67 lượt xem
Cỡ chữ
Trong cái rét thấu xương của mùa đông Hà Nội, chúng tôi có dịp trò chuyện thân tình với Nhà thơ Hồng Thanh Quang bên ly cà phê sữa nâu nóng tại một quán cà phê quen thuộc. Sau thành công của chương trình nghệ thuật “Hồng Thanh Quang, 60 năm cuộc đời: Vẫn nguyên là nỗi khát”, những bạn văn và người hâm mộ lại thấy anh tất bật với những buổi gặp gỡ các đồng nghiệp, bạn văn, bạn thơ và các chương trình phỏng vấn trên báo chí, truyền hình. Đặc biệt, những ngày cuối năm anh lại càng bận rộn khi chuẩn bị xuất bản tiếp tập thơ mới “Thắp lửa” và những buổi ghi hình cho các chương trình chào Xuân. Tuy vậy, anh vẫn dành cho Tạp chí Đồ uống Việt Nam cuộc trò chuyện cởi mở về văn hóa uống, xu hướng tiêu dùng và tầm nhìn phát triển của ngành Đồ uống dưới góc nhìn của một nhà thơ, nhà báo. 

Nhà thơ Hồng Thanh Quang
 
PV: Xin chào Nhà thơ Hồng Thanh Quang, chúc mừng anh với thành công mỹ mãn của chương trình nghệ thuật “Vẫn nguyên là nỗi khát” vào đầu tháng 9 vừa qua. Được biết anh là một trong những nhà thơ, nhà báo không chỉ có nhiều tác phẩm thơ ca, được nhiều bạn đọc quý mến mà còn là một trong những người rất “sành” trong việc cảm nhận và thưởng thức ẩm thực, đồ uống. Nói không ngoa thì anh cũng đạt tới tầm “chuyên gia” thử nếm. Vậy, anh cảm nhận về đồ uống gắn liền với văn hóa của người Việt, nhất là trong dịp lễ tết như thế nào?
 
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi không dám nhận mình là người “sành uống” đâu nhưng ở tuổi ngoại 60 này thì cũng đã chiêm nghiệm được không ít điều về cái sự uống. Từ xưa tới nay, trong dịp lễ, tết hay cuộc sống thường ngày, rượu và sau này là bia vốn luôn là thức uống gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam. Cùng với các món ăn cổ truyền, đồ uống là những yếu tố góp phần tạo nên văn hóa ẩm thực của người Việt. Nó bắt nguồn từ mỹ tục dâng rượu lên bàn thờ tổ tiên, tạo thêm yếu tố tâm linh. Những chai rượu ngon, rượu quý được trân trọng kính dâng lên bàn thờ gia tiên trong các ngày Tết và các dịp hiếu hỷ. Rồi những khi có khách quý, ta rót rượu mời khách trong bữa tiệc gia đình, nó đã trở thành nét văn hóa được duy trì cho đến bây giờ. 
 
Phong tục sử dụng rượu, bia trong các bữa ăn ngày Tết là nét văn hóa, tuy nhiên, chỉ nên uống 1, 2 ly trong gia đình để chúc mừng năm mới thì hay chứ lạm dụng thì lại hóa ra chuyện dở. Rất không nên đến chúc Tết nhà nào cũng uống rượu, bia, đặc biệt là cần chấp hành tốt quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” để các gia đình có một cái Tết an toàn, hạnh phúc. Mỗi người cần tự ý thức trong việc uống, không ép buộc người khác uống rượu, bia nhằm tạo ra văn hóa mới trong thời đại hiện nay. Hãy tự biết cách sử dụng rượu, bia thích hợp, an toàn với mỗi cá nhân để ngày Xuân là những ngày đong đầy niềm vui, niềm yêu thương. 
 
Ở khía cạnh đồ uống gắn liền với văn hóa của người Việt không thể phủ nhận rượu, bia là một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người, không chỉ nâng cao đời sống tinh thần mà còn nâng cao chất lượng trong đời sống vật chất. Sản phẩm đồ uống nếu được sử dụng hợp lý với thể trạng của từng người thì sẽ là hữu ích, còn ngược lại lạm dụng, quá đà thì lại không tốt. Bản chất của sản phẩm đồ uống là phục vụ nhu cầu cũng như sức khỏe của người tiêu dùng, còn việc sử dụng nó như thế nào cho phù hợp với thể trạng của mình là do cách sử dụng của người tiêu dùng, chứ không phải lỗi do sản phẩm bia, rượu. 
 
Bản thân tôi đã trải nghiệm quá trình sử dụng bia, rượu từ thời thanh niên, đến nay tôi tự điều chỉnh mình là chỉ uống trong những dịp quan trọng và cũng biết “độ” của mình ở đâu để không vượt quá. Trong bữa tiệc chỉ thật sự vui khi mỗi người đều biết đến điểm dừng và lựa theo khả năng của mình, và sẽ vui hơn, hiểu nhau hơn là khi ngồi cùng với những người bạn, đồng nghiệp có cùng sở thích. Uống rượu bia để “đưa” chuyện, chứ không nên trở thành mục đích chính của bữa tiệc. Uống để cảm nhận và thưởng thức, để hàn huyên chuyện văn, chuyện đời và giao lưu, chia sẻ những ca khúc, bài thơ hay, chứ không phải uống lấy được, uống để chê bai, công kích những người vắng mặt và công kích nhau. Cách uống cũng là một nghệ thuật, là văn hóa giao tiếp, uống để có thêm cảm hứng sáng tác, giúp cuộc sống thêm vui vẻ, yêu đời, chứ không phải uống để mang nỗi bực tức, nỗi buồn cho mình chỉ vì chấp nhau những câu nói... Tôi tâm niệm, bia rượu là hương vị của cuộc sống, là thứ tạo nguồn cảm hứng, khơi dậy tiềm năng thơ ca trong mình chứ không phải là thứ xấu xa như người ta vẫn thường chê bai rượu chè... Qua cách uống bia, rượu là biết tính cách, nhân cách và bộc lộ văn hóa uống của mỗi người... Mặt trái của rượu là khi ta quá đam mê nó mà không biết tự điều chỉnh bản thân thì rất dễ trở thành nô lệ của cảm xúc và dẫn tới những hệ lụy xấu. Có những người cuối đời trở nên nghiện rượu, bê tha do quá phụ thuộc vào nó, không biết kiềm chế bản thân. 
 
Khi đã đủ trải nghiệm, kinh nghiệm sống, bản thân tôi mỗi khi muốn sáng tạo hay nói những điều mình suy nghĩ thì không nhất thiết phải sử dụng rượu mà đủ bình tĩnh tỉnh táo để làm những việc mình mong muốn. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn sử dụng bia, rượu ở góc độ thưởng thức. 
 
PV: Bản thân sản phẩm rượu, bia không chỉ là đáp ứng nhu cầu ăn và uống của người dân mà còn có giá trị về văn hóa. Dưới góc nhìn của nhà thơ, nhà báo, anh đánh giá thế nào về vai trò của đồ uống và giá trị của văn hóa uống trong đời sống của người dân cũng như đối với du khách khi tới Việt Nam du lịch? 
 
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Như đã biết, nước là nguồn gốc của sự sống. Dưới góc nhìn của văn chương, đồ uống là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển của trái tim, đa dạng của cảm xúc. Về khía cạnh phát triển lành mạnh của đồ uống là rất hữu ích cho sự phát triển của con người. Hiện nay trên thị trường có đa dạng các sản phẩm đồ uống có cồn, phù hợp với mọi khẩu vị, thể trạng của tất cả mọi người ở tuổi trưởng thành. Tại Việt Nam, chính sách kiểm soát lạm dụng đồ uống có cồn là đúng và việc uống rượu có văn hóa là quan trọng. Các doanh nghiệp đồ uống tại Việt Nam cũng nên dành một phần lợi nhuận trong việc xây dựng phong cách uống có văn hóa. Muốn phát triển bền vững, đúng hướng thì rất cần đầu tư vào các phương tiện truyền thông, phương tiện văn hóa giáo dục về việc xây dựng văn hóa uống trong thế kỷ XXI. Trong đó, Tạp chí Đồ uống Việt Nam là một đơn vị có thể đồng hành cùng doanh nghiệp đáp ứng các nhu cầu chính đáng này. 
 
Ngoài ra, cần đầu tư hơn nữa trong xây dựng, phổ biến văn hóa uống cho người Việt Nam bởi ngay cả những người rất hiện đại cũng quên đi kinh nghiệm uống văn minh, văn hóa của cha ông ta ngày trước. Đọc lại văn thơ xưa, các danh nhân, tiền bối đã rất văn minh trong việc uống. Nhìn lại văn hóa uống của người xưa cũng không thua kém với văn hóa của người phương Tây. Tuy nhiên, cần kết hợp giữa văn hóa, văn minh hiện đại với văn hóa uống của cha ông ta ngày trước. Văn minh là đơn giản, thanh tịnh nhưng sang trọng. Sang trọng là sử dụng đúng nghi lễ, các nghi lễ không phù phiếm, đúng nội hàm chất lượng của sản phẩm sẽ làm gia tăng giá trị của các đồ uống đó. 
 
Trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp đồ uống, chúng ta nên nghĩ tới việc thành lập một cơ sở lưu giữ, sưu tầm, tập hợp về các sản phẩm đồ uống, giống như một bảo tàng đồ uống. Có thể chọn một địa điểm nào đó làm nơi giới thiệu cho các đoàn ngoại giao và khách du lịch về văn hóa uống, các sản phẩm đồ uống của người Việt để bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa ẩm thực, đồ uống của Việt Nam, từ đó thu hút đông đảo du khách tới tham quan, thưởng ngoạn. Ngành Đồ uống Việt Nam cũng cần có vị trí xứng đáng, các sản phẩm đồ uống còn mang đặc trưng văn hóa riêng của đất nước, là sản phẩm được sử dụng trong các cuộc tiếp đón nguyên thủ các quốc gia khi tới thăm Việt Nam. 
 
PV: Đúng vậy, đó là một nét văn hóa, đặc trưng ẩm thực, đồ uống Việt Nam khiến du khách quốc tế rất yêu thích. Vẫn là câu chuyện về văn hóa uống, giới trẻ hiện nay việc uống rượu, bia có phải đang khác nhiều so với cha ông ta ngày xưa, phải chăng khi đời sống được nâng cao thì việc uống cũng thay đổi theo. Nhà thơ bình luận gì về điều này? 
 
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Ở bất cứ giai đoạn nào của xã hội cũng có những kiểu người khác nhau. Có bậc trượng phu kỹ càng trong cách ăn nói, nhưng cũng có những người phàm phu tục tử không tự biết kiềm chế. Việc uống rượu cũng như vậy. Xưa cũng có người uống rượu chậm rãi từng chén, có nghi lễ, nhưng cũng có người uống rượu thùng bất chi thình, kiểu như Chí Phèo. Và ngày nay cũng có những người như thế, bởi bản chất con người là không thay đổi. Cũng có những người tinh tế trong sử dụng rượu, nhưng cũng có đầy rẫy những “anh Chí” đời mới. Điều đó không có gì làm lạ. 
 
Trong quá khứ không phải cái gì cũng hay nhưng không phải cái gì hay trong quá khứ đều bác bỏ. Các thế hệ đi sau đều nên kế thừa những tinh hoa được tích lũy từ những thời đã qua. Trong uống rượu cũng vậy, không bao giờ được bác bỏ rượu, không bao giờ cấm sử dụng rượu, mà chỉ cấm việc lạm dụng rượu, việc ứng xử không tốt với sản phẩm bia, rượu. 
 
Rượu không nhất thiết ngày nào cũng phải uống nhưng có thể sử dụng rượu trong những dịp quan trọng và uống những loại rượu chất lượng. Trong cuộc sống có nhiều điều cần phải thực hiện, trong những lúc đó không nên sử dụng rượu bia, không nên biến rượu bia thành thứ đồ uống giải khát hàng ngày, theo kiểu “uống như nước lã”. Chỉ nên sử dụng rượu, bia ở mức cần thiết nhằm giải tỏa căng thẳng, stress, không được lạm dụng vì sẽ không tốt cho sức khỏe. Hiện nay, ở đâu đó vẫn có tình trạng uống theo phong trào, không uống theo thẩm mỹ. Điều đó không tốt cho sức khỏe. Cần làm chủ được bản thân, không uống rượu bia khi có việc phải giải quyết, chỉ nên uống rượu, bia sau ngày làm việc với mức độ vừa phải, điều quan trọng là không được quên nhiệm vụ của mình. Và điều quan trọng là chúng ta phải biết lựa chọn những loại đồ uống có chất lượng, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, không nên vì ham rẻ mà sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc có nguy cơ gây ngộ độc, không đảm bảo an toàn cho bản thân... Cần xác minh nguồn gốc của các sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng của sản phẩm, xác minh rõ trách nhiệm của người sản xuất... 
 
PV: Và bây giờ là câu chuyện về bia. Nói về các sản phẩm đồ uống thì bia là sản phẩm có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế đất nước cũng như đáp ứng nhu cầu giải khát của người dân. Nhà thơ cảm nhận thế nào về ngành bia hiện nay? 
 
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Việt Nam là đất nước nhiệt đới nên việc tiêu thụ bia là rất tốt. Uống bia trở thành thú vui, giúp giải tỏa tâm lý, trở thành một nét văn hóa. Cần thiết phải xây dựng câu lạc bộ uống bia có văn hóa, có trách nhiệm. Trách nhiệm này đến từ nhà sản xuất, nhà phân phối cùng nhau góp phần xây dựng văn hóa uống ngay tại các quán bia. Có dịch vụ đưa khách sau khi sử dụng bia tại nhà hàng về nhà an toàn, đảm bảo nơi giữ xe an toàn cho khách, tạo ra môi trường thưởng thức bia ngon và an toàn cho khách hàng. 
 
Uống bia ở mức độ phù hợp sẽ giúp bản thân sảng khoái, tạo không khí vui vẻ. Cũng như với rượu, chúng ta hãy hướng tới việc sử dụng bia có văn hóa. Các cơ sở sản xuất, nhà hàng cung cấp bia lớn nên xây dựng các địa chỉ uống bia văn minh, lịch sự như là mô hình về uống bia có văn hóa, có trách nhiệm.
 
Như các gia đình Việt Nam, trong dịp lễ, tết, gia đình tôi cũng có nhu cầu mua bia cao hơn ngày thường. Vào dịp Tết, gia đình vẫn thường mua mấy thùng bia để sử dụng và tiếp khách. Hiện nay, thị trường có nhiều thương hiệu bia lớn như Bia Saigon, Tiger, Bia 333, Heineken, Bia Hà Nội, Carlsberg... để chúng ta lựa chọn. Có thể nói, các sản phẩm bia với đủ các sắc màu cũng góp phần làm nên không khí Tết cho mỗi gia đình, cùng với thực phẩm thiết yếu khác thì bia, rượu là những thức uống không thể thiếu trong dịp Tết đến, Xuân về. 
 
Bia là một thức uống gắn liền với cuộc sống hàng ngày, là gia vị cho cuộc sống thêm màu sắc. Làm sao để đất nước ta phát triển văn hóa uống trở thành nét văn hóa tự bảo vệ mình và để rượu, bia phát huy tác dụng tốt tới sức khỏe con người. Bởi nếu sử dụng rượu, bia đúng cách, đúng mức thì sẽ mang lại giá trị tốt. Bản thân tôi cũng là một người biết tìm ra những khoái cảm khi uống bia, rượu, nhưng may mắn là tôi không bị lệ thuộc vào một loại đồ uống nào. Theo tôi nghĩ, văn minh nhất trong văn hóa uống đó là không bị lệ thuộc. Mình phải làm chủ được những cuộc chơi có uống rượu hay bia của mình… Mình uống rượu bia chứ không để rượu, bia “uống” mình. 
 
PV: Để ngành đồ uống phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong hiện tại và tương lai, Nhà thơ có lời khuyên gì cho các nhà sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này? 
 
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Trong hiện tại và tương lai, ngành đồ uống sẽ luôn phát triển, tuy nhiên cần phải phát triển bền vững thì mới đứng vững trên thị trường, bởi đồ uống nhập ngoại hiện cũng rất phong phú. Điều quan trọng là tạo được cảm tình, thiện cảm của người tiêu dùng về nhà sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng. Tôi tin là ở một nước nhiệt đới như Việt Nam định hướng phát triển lành mạnh của ngành đồ uống luôn luôn là cần thiết, hữu ích miễn là ngành đồ uống biết cách ngày càng thanh lọc, nâng cao khẩu vị, bắt kịp xu hướng thưởng thức đồ uống của người tiêu dùng. Chẳng hạn làm sao nghiên cứu phát triển các sản phẩm nước giải khát không làm tăng lượng đường, các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Nắm bắt được xu hướng, thể trạng của con người Việt Nam hiện đại thì các sản phẩm đồ uống sẽ ngày càng phát triển, được người tiêu dùng tin tưởng, yêu thích. Do đó phải luôn lạc quan trong xu thế phát triển của ngành đồ uống nếu biết tự điều chỉnh mình cho phù hợp hơn với thẩm mỹ và nhu cầu thực tế ngày càng thay đổi. 
 
Vấn đề đồ uống với kinh tế xanh, phát triển bền vững đang rất được quan tâm trong hiện tại và tương lai. Chẳng hạn, các nhà sản xuất cần đặc biệt quan tâm tới bảo vệ môi trường, thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cũng cần có cam kết gì với những đại lý bia để họ tuân thủ việc bán bia hướng tới kinh tế xanh... 
 
PV: Trước thềm Xuân mới Quý Mão 2023, ông có mong muốn gì cho bản thân và lời chúc gì cho ngành Đồ uống Việt Nam? 
 
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Với bản thân tôi mong sao giữ được sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho đời, làm đẹp cho đất nước từ nghề viết. Năm mới sắp tới dự báo sẽ nhiều khó khăn nên rất cần phải tự cân bằng với những người xung quanh, với công việc với cả những đồ uống mà mình yêu thích. 
 
Ngành Đồ uống cũng vậy, doanh nghiệp phải cố gắng đi trước để nắm bắt được nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của xã hội để tự điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Nếu tiên liệu được sớm sẽ có khả năng thích ứng với tình hình khó khăn chung của xã hội. 
Trong năm mới, tôi cũng hy vọng Tạp chí Đồ uống Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, có nhiều bước đột phá mới, có thể mở một chuyên mục “Chuyện cười đồ uống” mang lại những câu chuyện, nội dung hấp dẫn, thu hút độc giả hơn nữa, đáp ứng đa dạng đối tượng độc giả. 
 
PV: Cảm ơn ông về buổi trò chuyện rất cởi mở này, chúc ông nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc và ngày càng có nhiều tác phẩm hay gửi tới công chúng cả nước!  
 
Phú Cường – Anh Nguyễn (Thực hiện)

Các bài viết khác

Xem thêm

Vui Xuân phải đúng luật

Trong ngày Tết, lễ hội, việc ăn uống là một phần không thể thiếu. Rượu bia được coi là thức uống gắn kết mọi người trên bàn tiệc, đặc biệt vào ngày Tết, lễ hội. Tuy nhiên nếu lạm dụng rượu, bia hoặc lái xe sau khi uống rượu bia lại có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Tết sum vầy mới vui và ý nghĩa

Năm nào cùng vậy, cứ sau ngày Ông Táo về Trời độ vài ngày là mấy anh chị em chúng tôi lại từ mọi miền đất nước tụ hội về nhà để đón Tết cùng cha mẹ. Nhà có năm anh chị em thì mỗi người học tập và lập nghiệp ở một phương trời khác nhau. Người thì mãi tận Thành phố Hồ Chí Minh, người Cà Mau, chị và em tôi thì sống tận Cao Bằng và Điện Biên. Riêng tôi thì sống tại Hà Nội và được xem là gần gặn nhất nên chẳng phải Tết, mà ngày rảnh rỗi tôi vẫn thay mặt anh chị về thăm nom chăm sóc cha mẹ. Năm tháng dần qua đi, anh chị em chúng tôi ngày một lớn khôn thì cha mẹ tôi cũng già đi trông thấy. Trên đầu cha mẹ cũng đã điểm những màu tóc pha sương bạc trắng. Cuộc sống của cha mẹ tôi quanh năm đơn côi và buồn tẻ bên nếp nhà đơn sơ cùng gà, lợn và mấy con chó nuôi cho vui và giữ nhà. Một đàn con đều đi hết, chẳng đứa nào sống cùng cha mẹ nên nhiều khi tôi thấy ông bà cũng buồn bã. Dường như cái buồn, sự thiếu vắng và đơn côi đã thành quen nên tâm tính của cha mẹ tôi cũng trở nên trầm lắng và ít nói…

Nhớ về Tết của một thời thơ ấu

Mỗi khi Tết đến trong tôi lại nôn nao nỗi nhớ về một miền cổ tích, nơi tôi sinh ra và có những tháng ngày ấu thơ đầy ắp những kỷ niệm. Tết với người lớn luôn là sự lo toan vất vả, khi biết bao nhiêu thứ cần phải mua sắm bằng tiền, mà với nền kinh tế của đại đa số người dân quê tôi khi xưa đều eo hẹp, nghèo khó khi chỉ trông vào lúa, ngô, khoai, sắn thu hoạch nơi ruộng đồng, thì đồng tiền kiếm được qua một năm không lấy gì làm dư giả.

Đón Xuân có trách nhiệm

Lại một mùa Xuân nữa sắp đến khiến lòng người hối hả, chộn rộn. Nhiều người chuẩn bị tâm thế từ rất sớm, cả tinh thần, sức khỏe và tiền bạc. Nhưng không phải ai cũng có ý thức đón Tết có trách nhiệm.

Hấp dẫn phiên chợ Tết ngày Xuân

Chẳng biết tự bao giờ, đi chợ Tết đã là niềm vui của hầu hết mọi người Việt, từ già trẻ, trai gái, đàn ông, đàn bà… ở nông thôn hay thành thị, ở vùng núi hay hải đảo. Cái cảm giác được hòa vào dòng người náo nhiệt mua mua, bán bán trong phiên chợ Tết giữa tiết Xuân sang khiến lòng người trào dâng cảm xúc, như được trở lại một thời thơ ấu và thêm háo hức đón chờ cái Tết đang đến rất gần!

Chở mùa Xuân về với ngoại

Chắc có lẽ cái Tết năm nay cũng chẳng có gì khác so với những năm trước. Cũng với cái khung cảnh tất bật xô bồ của cuộc sống đang hối hả vào những tháng cuối năm. Ai ai cũng cố phấn đấu, nỗ lực hết mình để đạt được những thành tích tốt nhất, để có được một cái tết trọn vẹn nhất bên người thân.

Ngày Tết nói về thành ngữ: Bánh chưng xanh dưa hành ngày Tết

Đây là loại thành ngữ mang tính biểu tượng nói về cái Tết cổ truyền của người Việt Nam. Theo phong tục, ở Việt Nam mỗi năm có rất nhiều Tết: Tết Rằm tháng Giêng, Tết mồng Mười tháng Ba (Tết bánh trôi), Tết cơm mới, Tết đoan ngọ, Tết Rằm tháng Bảy, Tết Độc lập, Tết Dương lịch… Nhưng chỉ có Tết Âm lịch (Tết Nguyên Đán) là tết to nhất, nên được viết hoa thành một tên riêng: Tết. Đó là Tết mở đầu cho một năm mới. Bởi vậy, theo truyền thống, nó có ý nghĩa rất quan trọng và rất thiêng liêng. Vào những ngày này, nhà nông thì nghỉ việc đồng áng, cán bộ hay công nhân viên chức thì “nghỉ Tết” theo chế độ Nhà nước ban hành. Bắt đầu từ ngày 26, 27 tháng Chạp, những ai công tác ở xa đã bắt đầu khăn gói lên đường về quê, còn những ai không đi công tác thì xếp nép công việc đồng áng, chuẩn bị mua gạo, thịt, lá dong để gói bánh phục vụ cho việc “ăn Tết”.

Quảng cáo và mua tạp chí