VBA góp ý Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

15/10/2024 - 06:19 PM
46 lượt xem
Cỡ chữ
Ngày 15/10, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) có Công văn số 145/CV-VBA gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố về việc góp ý Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).
 
Ngày 11/6/2024, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến chính thức đối với dự Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Kể từ khi Dự thảo Đề cương và Dự thảo chi tiết Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) được công bố, Hiệp hội đã nhận được các trao đổi phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp (DN), các ngành hàng khác có liên quan tới ngành đồ uống, các chuyên gia, cơ quan truyền thông, v.v về một số nội dung lớn của Dự thảo Luật, cụ thể: Tăng thuế suất thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia với lộ trình tăng liên tục từ năm 2026 đến năm 2030; Bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hàm lượng đường trên 5g/100ml” vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất 10%.
 
Những nội dung sửa đổi này sẽ tác động rất lớn tới không chỉ DN ngành hàng bia, rượu, nước giải khát mà sẽ tác động tới chuỗi các ngành hàng liên quan trong hệ sinh thái, tới việc làm của người lao động, an sinh xã hội, v.v tác động tới thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội.
 
Hiệp hội trân trọng được báo cáo và kính mong quý Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cân nhắc và xem xét một số nội dung quan trọng của ngành hàng đồ uống như sau:
 
1. Thực trạng ngành đồ uống
 
Vị trí, vai trò của ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát)
 
Ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) là ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, có truyền thống, văn hóa, lịch sử lâu đời, đã đi vào đời sống của người dân Việt Nam.
 
Ngành đồ uống đã cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho xã hội và bình ổn thị trường.
 
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường còn phục vụ cho xuất khẩu, các sản phẩm của ngành có sức cạnh tranh cao trong điều kiện kinh tế hội nhập.
 
Với hàng trăm nhà máy sản xuất, kinh doanh trong ngành được phân bố hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước (trên 51 tỉnh, thành phố), tạo hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong các cơ sở nhà máy sản xuất và trong chuỗi cung ứng, dịch vụ từ các đơn vị cung cấp nguyên liệu, đóng gói, kho vận, phân phối, các ngành dịch vụ, du lịch, nhà hàng, logictics v.v. đảm bảo lưu thông trong chuỗi giá trị sản phẩm.
 
Ngành có vai trò kinh tế và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng/năm (thuế Tiêu thụ đặc biệt chiếm trên 40 ngàn tỷ đồng) và luôn đứng ở vị trí những DN đóng góp ngân sách nhất nhì địa phương, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp.
 
Theo công bố của Tổng cục Thuế, trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất năm 2021, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam xếp thứ 14, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn xếp thứ 69, Công nghiệp TNHH Bia Carlsberg Việt Nam xếp thứ 220.
 
Tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong sản xuất, kinh doanh
 
Hiệp hội và các doanh nghiệp ngành đồ uống thấu hiểu và chia sẻ với các mục tiêu quản lý nhà nước cũng như sự ổn định, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng & cộng đồng.
 
Ngành đồ uống luôn tuân thủ tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối các quy định pháp luật có liên quan đặc biệt là các chính sách về thuế, phí: Thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, phí bảo vệ môi trường v.v cùng với việc tiên phong thực hiện các hoạt động trách nhiệm đối với xã hội, môi trường.
 
DN ngành hàng luôn ưu tiên cho các nghiên cứu, sáng kiến cho chất lượng và sự an toàn của sản phẩm mà DN chịu trách nhiệm.
 
Thực trạng khó khăn của ngành đồ uống hiện nay
 
Năm 2023, doanh nghiệp bia, rượu đều ghi nhận sụt giảm về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, các DN phải tái cơ cấu, thu hẹp quy mô sản xuất, v.v..
 
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhanh và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới, làm suy giảm hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Cùng với đó, thiên tai, thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
 
Trong nước, cơn bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng với thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ đô la Mỹ và có thể lên đến 2,5 tỷ. Dự báo thiệt hại kinh tế làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng 6,8-7%. Riêng đối với DN ngành đồ uống, cơn bão Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp, làm gián đoạn đáng kể khả năng sản xuất và cung ứng hàng hóa. Thống kê nhanh từ các doanh nghiệp, các hạng mục như kho bãi, biển hiệu, thiết bị, cơ sở vật chất v.v bị hư hỏng nặng, khiến hoạt động sản xuất đình trệ và nguyên vật liệu đầu vào bị tổn thất trong quá trình sản xuất. Điều này không chỉ làm giảm sản lượng mà còn kéo dài thời gian giao hàng. Chi phí sửa chữa và khôi phục cơ sở hạ tầng ước tính tạm thời lên đến nhiều tỷ đồng, tạo áp lực tài chính cho doanh nghiệp.
 
Bên cạnh việc các DN ngành đồ uống tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn chung từ tác động từ bên ngoài và kinh tế vĩ mô, và một loạt các chính sách, dự Luật sửa đổi: Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Quảng cáo (sửa đổi), thực hiện các nghĩa vụ chính sách bắt buộc về bảo vệ môi trường từ năm 2024, chuyển đổi sang sử dụng các nguồn nguyên liệu xanh, bảo vệ môi trường, cắt giảm khí phát thải nhà kính v.v. sẽ đều tác động ảnh hưởng tới tăng chi phí đối với DN.
 
 
Nguyên nhân dẫn tới việc sụt giảm của ngành bia, rượu chủ yếu từ:
 
-Tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới có dấu hiệu phục hồi, song chậm chạp và vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Thương mại, tiêu dùng và đầu tư quốc tế suy giảm; nhiều đồng tiền mất giá. Kinh tế thế giới tiềm ẩn rủi ro và bất ổn đã kéo theo tác động nặng nề tới nền kinh tế Việt Nam khiến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu, do tác động của lạm phát toàn cầu và tình hình cung ứng gián đoạn. Khủng hoảng trên Biển Đỏ khiến giá cước vận chuyển và thời gian vận chuyển tăng lên 30%. Nguồn cung gạo khủng hoảng khiến chi phí tăng hơn 20% so với năm trước. Doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn nhưng không thể điều chỉnh giá bán lẻ tương ứng, do sức mua của người tiêu dùng giảm sút. Thậm chí một số nhãn hàng phải giảm giá bán để kích thích tiêu dùng.
 
- Các chính sách hỗ trợ cắt giảm VAT 2% không được áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn.
 
- Quy định xử lý hành chính liên quan tới vi phạm nồng độ cồn (Nghị định 100) với ưu tiên thực thi khá gắt gao.
 
- Chi phí vận hành, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng từ 15-40%.
 
- Tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng trôi nổi, không tem nhãn nguồn gốc, v.v đối với rượu, bia, đặc biệt là rượu thủ công do dân tự nấu, chiếm tới gần 63% lượng rượu tiêu thụ, hiện nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước gây nhiều rủi ro tới sức khỏe người tiêu dùng, thất thu ngân sách v.v
 
-Thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm giai đoạn 2020-2023.
 
- Dự báo ngành bia, rượu sẽ còn khó khăn.
 
2. Các luận cứ của Hồ sơ dự thảo Luật
 
2.1 Đối với ngành đồ uống có cồn
 
- Việc điều chỉnh tăng thuế sẽ có tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân tới cả nền kinh tế do vậy cần có đánh giá tác động thật kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học, đặt vào bối cảnh thực tế cả về lĩnh vực tài chính và an sinh xã hội, chiến lược phát triển kinh doanh của DN đã đầu tư ở Việt Nam, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp. Từ đó lựa chọn lộ trình tăng thuế phù hợp, mức tăng hợp lý, hài hòa.
 
- Ngành đồ uống tuân thủ tốt các quy định chính sách của nhà nước, với thực trạng ngành rượu đi xuống báo động như hiện nay, Hiệp hội rất quan ngại kịch bản suy giảm này sẽ tiếp tục xảy ra đối với ngành rượu, bia, nếu các chính sách ban hành không được đánh giá kỹ, toàn hiện, có cơ sở khoa học, định lượng cụ thể.
 
Báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo còn thiên về định tính nhiều hơn, mới chỉ định lượng được phần tăng thu ngân sách khi tăng thuế hàng năm, chưa đề cập đến những tác động đầy đủ và toàn diện như vị trí và những đóng góp đáng kể của ngành đồ uống cho xã hội và nền kinh tế nói chung. Đặc biệt là đánh giá định lượng tác động tăng thuế đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp, tác động gián tiếp, đến người tiêu dùng, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, v.v
 
- Theo tính toán sơ bộ của VBA về tác động của đề xuất tăng thuế theo 2 phương án ngay trong năm bắt đầu thực hiện (2026), Phương án 1, tăng 5% đối với mặt hàng bia từ 65% lên 70% sẽ làm cho GDP của nền kinh tế sụt giảm khoảng 0,011%, tương đương 121 tỷ đồng. Tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế sụt giảm khoảng 0,029%, tương đương 2.035 tỷ đồng. Mặc dù, nguồn thu NSNN từ thuế gián thu tăng lên 0,1491%, tương đương khoảng 1.160 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng từ thu thuế này chỉ duy trì trong ngắn hạn. Trong khi đó, thuế trực thu (thuế TNDN) sụt giảm 0,0968%, tương đương giảm khoảng 236 tỷ đồng.
 
- Đối với Phương án 2, tăng 15% từ 65% lên 80% sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới ngành Bia. Kéo theo GDP của nền kinh tế sụt giảm 0,0334%, tương đương giảm 364 tỷ đồng. Tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế sụt giảm 0,086%, tương đương 6.104 tỷ đồng. Nguồn thu NSNN từ thuế gián thu tăng lên 0,4474%, tương đương khoảng 3.480 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng từ thu thuế này cũng chỉ duy trì trong ngắn hạn. Trong khi đó, nguồn thu NSNN từ thuế trực thu (thuế TNDN) sụt giảm 0,2905%, tương đương giảm khoảng 708 tỷ đồng. Ngoài ra, người lao động trong ngành bia và chuỗi cung ứng cũng bị tác động từ việc cắt giảm nhân công, tái cấu trúc do sản lượng giảm sâu.
 
Như vậy, tính toán sơ bộ tác động trong năm 2026, có thể thấy, trong ngắn hạn, nguồn thu ngân sách từ thuế gián thu có thể tăng, nhưng ở các chu kỳ tiếp theo khi doanh nghiệp ngành bia và các ngành khác trong quan hệ liên ngành thu hẹp quy mô sản xuất, dẫn tới giảm giá trị sản xuất, giảm giá trị tăng thêm, giảm lợi nhuận; kéo theo đó ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế, đồng thời ảnh hưởng tiếp đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động. Hệ quả là làm suy giảm GDP của nền kinh tế. Tác động này sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng nhiều hơn khi lộ trình tăng thuế kéo đến năm 2030.
 
- Tăng thuế dẫn tới tăng giá sản phẩm. Trong các cuộc khảo sát tại các quốc gia khác nhau (Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Sri Lanka, Kenya, Botswana, Nga, Brazil và Belarus), một tỷ lệ đáng kể số người được hỏi cho biết giá cả là lý do chính khiến họ chọn các sản phẩm đồ uống có cồn bất hợp pháp và không được ghi nhận thay vì các sản phẩm hợp pháp có thương hiệu. Sự chênh lệch lớn về chi phí giữa rượu bia hợp pháp và bất hợp pháp sẽ tăng nguy cơ hàng giả, hàng lậu trốn thuế.
 
- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10%, từ đó tăng thuế suất đối với rượu, bia năm 2026 lên 80% và tăng 100% tới năm 2030. WHO đưa ra những khuyến cáo chung cho những nước có tốc độ phát triển, điều kiện, ưu tiên các mục tiêu rất khác nhau và không cụ thể cho Việt Nam. Các đề xuất phải được căn cứ và đánh giá đúng với thực trạng ở Việt Nam, nghiên cứu tính khả thi khi thực hiện.
 
- Hiệp hội mong muốn Ban soạn thảo tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là bài học từ các quốc gia láng giềng có điều kiện hoàn cảnh gần với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và một số quốc gia khác như Anh, Úc v.v.
 
2.2 Đối với ngành nước giải khát
 
Các cơ sở khoa học và thực tiễn cho thấy việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường không hiệu quả về phòng, chống các bệnh thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm, trong khi lại tạo ra các tác động đáng kể về kinh tế và xã hội.
 
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường là không làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng bởi người tiêu dùng có thể chuyển sang tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống khác có hàm lượng đường và calo tương tự hoặc thậm chí còn cao hơn các sản phẩm nước giải khát là đối tượng chịu thuế. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại đồ uống có chứa đường bán trên đường phố như trà sữa, chè, cà phê, nước hoa quả,… nhưng lại không bị chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Khảo sát về thói quen chọn lựa nước uống của người tiêu dùng thực hiện năm 2018 của tổ chức Decision Lab cho thấy nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường thì sẽ có 49% người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế là nước uống chế biến tại chỗ có đường, đây là các loại đồ uống có hàm lượng đường và chất lượng khó kiểm soát và khó có thể thu thuế tiêu thụ đặc biệt.
 
Nghiên cứu về thói quen ăn, uống của học sinh ở độ tuổi từ 6 -15 được tiến hành bởi Viện Dinh dưỡng quốc gia vào năm 2018 đã cho thấy không có mối liên hệ biện chứng giữa việc tiêu thụ nước giải khát và tỷ lệ thừa cân, béo phì. Trẻ em ở khu vực nông thôn tiêu thụ nhiều nước ngọt hơn ở thành thị nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì lại thấp hơn do chế độ ăn ở trẻ em khu vực nông thôn ít chất béo, chất đạm hơn, đồng thời trẻ em nông thôn cũng vận động nhiều hơn trẻ em thành thị. (Tóm tắt Báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất tiêu thụ và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh thành thị và nông thôn Việt Nam kèm theo).
 
Mức tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam không cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới và có chiều hướng giảm đáng kể từ 50,7 lít/người/năm năm 2018 xuống còn khoảng 34 lít/người/năm vào năm 2020. Mức tiêu thụ này chỉ bằng 1/5 mức tiêu thụ trung bình của các nước châu Âu, thấp hơn nhiều nước trong khu vực châu Á và châu Mỹ. Nhiều quốc gia có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam cũng không áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên sản phẩm này.
 
 
 
Theo báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương được công bố tháng 10/2024, việc áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trên nhiều khía cạnh như tăng trưởng kinh tế, nguồn thu ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn, thu nhập của người lao động và việc làm. Cụ thể: Báo cáo đánh giá việc áp dụng chính sách thuế này sẽ không những có tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn có các tác động lan tỏa khác như: sụt giảm về GDP là 0,448%, tương ứng 42.570 tỷ đồng; Tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%; tương ứng 55.077 tỷ đồng; Tổng giá trị sản xuất của những ngành không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát (NGK) có đường sụt giảm 49.995 tỷ đồng. Các doanh nghiệp ngành NGK sẽ phải thu hẹp quy mô sản xuất, kéo theo đó khấu hao tài sản cố định giảm ở mức -0,654%; lợi nhuận giảm với mức -0,561% ngay năm đầu tiên khi áp thuế. Vì thế, thuế trực thu sụt giảm theo ở mức -0,636%, tương ứng 2.152 tỷ đồng. Ở các chu kỳ tiếp theo, nguồn thu ngân sách từ thuế trực thu tiếp tục giảm. Thuế gián thu sẽ có mức tăng trong năm đầu tiên áp thuế (năm 2026) là 8.057 tỷ đồng, tương đương 0,853%. Tuy nhiên, sang chu kỳ tiếp theo, nguồn thu từ thuế gián thu bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương đương khoảng 4.978 tỷ đồng/năm và tiếp tục giảm.
 
3. Kiến nghị
 
Trong bối cảnh các DN còn khó khăn hiện nay, để góp phần dự thảo luật được ban hành hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, tránh gây “sốc” thị trường, cũng như góp phần đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam. Hiệp hội thay mặt các DN xin kiến nghị như sau:
 
3.1 Đối với mặt hàng rượu, bia
 
i.Thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nên được thực hiện từ năm 2027.
 
ii.Đối với sản phẩm rượu, bia xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới. Cụ thể:
 
Đối với Bia:
- Từ 1/1/2027 – 31/12/2028: 70%
- Từ 1/1/2029- 31/12/2030: 75%
- Từ 1/1/2031: 80%
 
Đối với Rượu từ 20 độ trở lên:
- Từ 1/1/2027 – 31/12/2028: 70%
- Từ 1/1/2029- 31/12/2030: 75%
- Từ 1/1/2031: 80%
 
Đối với Rượu dưới 20 độ:
- Từ 1/1/2027 – 31/12/2028: 40%
- Từ 1/1/2029- 31/12/2030: 45%
- Từ 1/1/2031: 50%
 
3.2 Đối với mặt hàng Nước giải khát
 
Các cơ sở khoa học và thực tiễn cho thấy, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường không hiệu quả về phòng, chống các bệnh thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm, trong khi lại tạo ra các tác động đáng kể về kinh tế và xã hội. Vì vậy, Hiệp hội kính đề nghị chưa bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
 
Kim Anh

Các bài viết khác

Xem thêm

Giải pháp chính sách phù hợp phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá

Ngày 16/10, báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm "Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp" nhằm tăng cường tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống buôn lậu thuốc lá, xây dựng hành lang pháp lý trong quản lý thuốc lá mới.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2024

Sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản công; 15 lĩnh vực Thông tin và Truyền thông người có chức vụ không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2024.

Cân nhắc lộ trình tăng, mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp, hài hòa

Ngày 20/9, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã gửi Công văn số 140/CV-VBA tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc góp ý Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi).

VBA góp ý Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm

Ngày 19/9, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có Công văn số 139/CV-VBA gửi Bộ Y tế, đồng gửi Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về việc góp ý Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm

Nên lắng nghe tất cả các ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp và có đánh giá tác động toàn diện

Rất khó có phương án để tất cả cùng hài lòng nhưng cộng đồng doanh nghiệp hy vọng cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi sẽ có thêm những thông tin đa chiều để cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra quyết định phù hợp nhất

Nếu chưa rõ tác động và chưa có định lượng cụ thể thì cần xác định một mức “thuế suất tạm thời”

Khi chưa có đánh giá đầy đủ, thì nên giữ ở mức thận trọng hài hòa giữa các bên, đề xuất chỉ tăng 1 lần vào năm 2026, và giãn ra 2 năm đến năm 2028 sau đó cùng ngồi lại để trao đổi xem xét đánh giá tác động cụ thể của tất cả các sắc thuế, nếu tất cả đồng thuận thì chúng ta áp dụng, ngược lại chúng ta có thể áp dụng thêm một vài phương pháp khác cho phù hợp.

Cách tính thuế ở mỗi nước khác nhau, không thể căn cứ theo khuyến nghị của WHO cho nhiều nước có điều kiện khác nhau mà áp dụng cho Việt Nam

Không đưa đồ uống có đường vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với 2 lý do chính: Theo kinh nghiệm quốc tế thì ở nước Đức tỷ lệ sự dụng đồ uống có đường cao nhất Châu Âu, hay ở Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những quốc gia sử dụng đồ uống có đường nước cao nhất Châu Á thì đều là những quốc gia không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mà họ điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng để cải thiện sức khỏe thông qua các chính sách giáo dục và dinh dưỡng cũng như hướng dẫn về dinh dưỡng và thể thao

Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, phương án 10% sẽ tác động đến 24 ngành trong nền kinh tế

 Theo tính toán, nếu áp dụng 10% đối với nước giải khát có đường thì hệ số co giãn của người lao động và vốn đối với ngành nước giải khát có đường giảm 1,03%. Điều đó có nghĩa là quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát có đường thu hẹp đi đáng kể nếu như áp dụng thuế suất này.

Thuế tiêu thụ đặc biệt ảnh hưởng lớn đến các ngành hàng liên quan như du lịch dịch vụ

Ngành du lịch là ngành chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn 2020-2021, hơn 90% doanh nghiệp lữ hành phải đóng cửa, các cơ sở lưu trú phải hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp phải rao bán, cơ sở vật chất xuống cấp, nhân lực bị cắt giảm từ 40-60% tại các cơ sở lưu trú.

Quảng cáo và mua tạp chí