Những gói kẹo bánh xanh đỏ đủ màu; những xiên thịt, xúc xích nướng thơm ngào ngạt; những ly trà sữa mát lịm tim... lâu nay đã trở thành những món quà vặt hấp dẫn các em học sinh sau giờ tan lớp. Các phụ huynh tỏ ra e ngại về các loại quà vặt cổng trường, nhưng cũng không nỡ từ chối cho con tiền mua những món quà ấy. Và nỗi bất an về VSATTP nơi cổng trường vẫn là vấn đề các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa.
Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Là khu vực tập trung các trường Mầm non, Tiểu học, THCS và có cả các trường đại học, cao đẳng nghề khá gần nhau, mấy dãy phố của phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) thường đông nghẹt vào các giờ tan học. Cảnh hàng trăm học sinh các cấp ùa ra khỏi mấy cổng trường, các bậc phụ huynh nhấp nhổm chờ đón con bên ngoài đã vô cùng phổ biến. Hòa trong không khí náo nhiệt ấy không thể không kể đến những chiếc xe đẩy, những gánh hàng rong mà các cô cậu học trò đã trở thành khách hàng “ruột”, vì chỉ cần có từ 2.000đ đến 20.000đ là mỗi em đã có những món ăn vặt yêu thích.

Hớn hở bước ra khỏi cổng trường, nhưng Hà Anh và Thanh Tâm chưa đến ngay nơi mà hai bà mẹ đang dừng xe chờ, mà hai cô nữ sinh lớp 7 còn sà vào chiếc xe đẩy bán đồ ăn vặt. Bạn chọn xiên thịt viên, bạn chọn chiếc xúc xích nướng và không quên mua kèm một gói nước uống màu vàng, màu tím chằng chịt những dòng chữ nước ngoài được giới thiệu là nước cam và nước nho. Cũng như Hà Anh và Thanh Tâm, nhiều bạn nhỏ khác cũng đang tíu tít giục chị bán hàng lấy thịt xiên, cá viên, bò viên, nước táo, nước me... Cạnh đó là các xe đẩy bán bò bía, bánh cờ - rếp, khoai tây chiên, hay các hộp xoài, cóc, ổi được rắc muối ớt đỏ rực... cũng đông đúc không kém.
Nằm cạnh trường học, những quán trà sữa, mỳ cay của các hộ gia đình gần đó có vẻ tươm tất và đàng hoàng hơn với đủ bàn ghế, biển hiệu. Các cô cậu học trò trong lúc chờ bố mẹ đến đón cũng vào đó gọi đĩa mỳ cay “cấp độ 7” (rất cay - PV) kèm một ly trà sữa size L có đủ topping mát lịm mà chỉ tốn đúng 15K (15.000đ - PV). Điều đáng nói là những ly trà sữa kia được rót ra từ chiếc can nhựa cũ không nhãn mác, kèm một thìa trân châu đường đen đựng trong chiếc nồi nhỏ cùng được đặt trong tủ đông cũ kỹ nơi góc nhà. Tiếp đó, cùng với đá viên, chủ quán sẽ rót vào cốc trà thứ nước siro màu xanh, đỏ, vàng chứa sẵn các hương liệu bạc hà, dâu, nho, cam, táo... tùy theo hương vị mà các khách hàng nhí lựa chọn. Thế là các bạn hồ hởi đón lấy ly trà sữa mát lịm với hương thơm quyến rũ, hồ hởi uống và không mảy may e ngại ly nước có đảm bảo vệ sinh hay không?
Khảo sát những khu vực gần một số trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội tại các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đống Đa... không khó bắt gặp cảnh những gánh hàng rong, các xe đẩy bày bán các món mà hầu hết trẻ nhỏ yêu thích như: nem chua rán, xúc xích, chả viên, cóc dầm, xoài dầm, bánh kẹo, trà sữa Thái Lan và các loại nước giải khát ghi chữ nước ngoài... Bên cạnh đó là đủ loại đồ ăn vặt như các loại bánh, kẹo có bao bì lòe loẹt kèm hình ảnh những nhân vật quen thuộc như Pokemon, Đoremon... với đủ vị ngọt, cay, mặn... Các món đồ ăn đều có giá khá rẻ, chỉ từ 2.000 - 20.000 đồng/món.
“Nói chung là mùa nào thức ấy, đồ ăn lại rẻ và ngon nên trẻ con thích lắm”, chị Thơm, chủ gánh hàng rong cạnh Trường THCS Đống Đa (phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết. Chị Thơm cũng cho biết nguồn gốc những mặt hàng bánh kẹo, xúc xích, thịt viên... đều được nhập từ các chợ đầu mối, hoặc có rất nhiều nơi cung cấp, cái gì cũng có.
Những ly trà sữa mát lịm tim ra đời từ các nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc
Trong vai một phụ huynh đi đón con sau giờ tan học, người viết bài đỗ xe gần cổng trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã chứng kiến cảnh một phụ nữ trung tuổi đang ra sức phục vụ những cánh tay của các khách hàng nhí những gói bánh, gói kẹo màu sắc sặc sỡ ghi đủ thứ tiếng nước ngoài chỉ không có tiếng Việt, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng. Điều đáng nói là có những loại bánh vừa bóc ra đã xộc lên thứ mùi rất lạ lùng và khi đưa vào miệng ta có cảm giác như nhai một miếng nhựa tẩm ngũ vị nhưng các em nhỏ lại rất thích và cùng khen“ngon”!
Khi trò chuyện cùng một số bố mẹ cũng đang đón con, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các phụ huynh đều rất lo lắng về thế giới quà vặt nơi cổng trường. Có con đang theo học lớp 8 tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, anh Trịnh Văn Dũng cho biết đã không ít lần phàn nàn khi cậu bé nhà anh thường xuyên xin tiền mua trà sữa, thịt xiên nướng vì sợ đồ ăn không đảm bảo. “Nói mãi con cũng không nghe vì cho rằng các bạn con ăn mãi có sao đâu, chưa kể còn thấy rất ngon!”, anh Dũng cho biết.
Cùng nỗi lo như anh Dũng, chị Hương Dung có con đang học lớp 9 ở tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu cũng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề VSAT thực phẩm nơi cổng trường. Chị cho biết thêm, ban phụ huynh đã nhiều lần có ý kiến với nhà trường về vấn đề quà vặt cổng trường không được kiểm soát về nguồn gốc, nhãn mác. Tuy nhiên, phía nhà trường chỉ có thể can thiệp bằng cách trong giờ học sẽ không mở cổng trường để các con tự do mua bán, còn sau giờ học thì rất khó kiểm soát các em...
Cần có các giải pháp kiên quyết
Theo các chuyên gia về thực phẩm, thực phẩm đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường gần như không kiểm soát được các loại hóa chất, phụ gia độc hại. Qua khảo sát, có nhiều thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Ngoài ra, thức ăn đường phố thường sử dụng phẩm màu, hóa chất công nghiệp để tạo ra sản phẩm, đây là nguy cơ gây bệnh mãn tính lên gan, thận, thần kinh, gây ung thư.
Một giáo viên của trường THCS Xuân La chia sẻ, trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường cũng đã đề nghị các bậc phụ huynh không nên cho các con tiền để tiêu vặt, vì nếu không có tiền thì các con cũng không thể mua được quà. Nhưng có lẽ, với tâm lý chiều chuộng các con nên các cha mẹ chưa thực hiện triệt để điều này. Một điều quan trọng là các địa phương có các trường học đóng trên địa bàn cần phải tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và kiên quyết xử lý nghiêm, tiến tới xóa bỏ các hàng rong trước cổng trường.
Được biết, từ tháng 10/2018, Nghị định 115 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã tăng mức xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay... Đây được xem là một trong những chế tài mạnh tay nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát thực phẩm bẩn, đặc biệt trong tình trạng hàng rong, thức ăn chế biến sẵn trên đường phố, tại các khu công cộng và cổng trường đang tràn lan như hiện nay.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người bán hàng, nhất là những người bán hàng rong nơi cổng trường vẫn chưa thực hiện đúng theo quy định. Còn các ngành chức năng liên quan chủ yếu mới dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở hoặc tịch thu tang vật mà chưa tiến hành xử phạt nghiêm nên tình trạng này vẫn ngang nhiên tồn tại, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của các em học sinh.
Thiên Bình