Chính sách thuế với đồ uống có cồn: Cần có lộ trình, đảm bảo công bằng, hài hòa…

30/07/2024 - 07:01 PM
268 lượt xem
Cỡ chữ

Chiều ngày 30/7, Thời báo Tài chính Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính đã tổ chức Tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn”.

Tham dự Tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, ông Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, ông Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Anh - đại diện Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội.

Ông Phạm Thu Phong – Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phạm Thu Phong – Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nhấn mạnh: Bộ Tài chính dự thảo sửa đổi quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng rượu, bia theo pháp luật chuyên ngành và xây dựng 02 phương án tăng thuế suất thuế TTĐB với rượu bia theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030. Những sửa đổi của Dự thảo Luật TTĐB sẽ có tác động đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng. Vì vậy, việc lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia trong việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB được Bộ Tài chính rất quan tâm, chú trọng. Tọa đàm nhằm thu thập, tổng hợp các ý kiến của các tổ chức, đối tượng chịu sự tác động của Dự thảo Luật.

Tại Việt Nam, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm có cồn, tính từ khi có Luật Thuế TTĐB năm 1990 đến nay đã được sửa đổi 12 lần, từ sản phẩm chịu thuế, thuế suất, nồng độ cồn. Trong đó, những sửa đổi phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, đồng thời phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam chia sẻ cần hướng tới một chính sách thuế hiệu quả và bền vững cho đồ uống có cồn

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam chia sẻ: Theo kinh nghiệm làm thuế hơn 30 năm, chính sách thuế làm sao vừa hiệu quả bền vững chính sách dựa trên hài hòa lợi ích, sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng nhà sản xuất đến kinh doanh, bán lẻ và quyền lợi của nhà nước. Hài hòa rất là khó nhưng làm sao để có hiệu quả nhất, thuế TTĐB chỉ đánh vào các sản phẩm hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng, hàng xa xỉ, ở nước ta thuế TTĐB là loại thuế có thuế suất cao nhất trong các loại thuế hiện nay...

Theo kinh nghiệm quốc tế, một mức thuế vừa phải thì có tác dụng điều tiết, thuế cao sẽ tăng giá bán lên nhưng mục tiêu giảm buôn lậu thì rất khó. Thuế chỉ là một biện pháp, quan trọng là phương pháp quản lý. Cần cân nhắc nếu tăng thuế cao quá người tiêu dùng sẽ tìm đến bia lậu, rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí có những vụ ngộ độc rượu chứa methanol còn dẫn đến tử vong...

“Tăng thuế là cần thiết nhưng cần tăng có lộ trình, tăng từ từ để doanh nghiệp không bị sốc. Cần lựa chọn hệ thống thuế và lộ trình chuyển đổi phù hợp với điều kiện cụ thể, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng mô hình thuế và cải cách phù hợp, đáp ứng điều tiết cho 3 nhóm đồ uống có cồn theo đặc thù của từng nhóm”, bà Cúc chia sẻ thêm.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại tọa đàm

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, cần quản lý chặt chẽ tình trạng rượu dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc, nếu bán ra thị trường phải kiểm tra, kiểm soát về chất lượng để đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Tình trạng rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc đó là nguyên nhân tiềm tàng dẫn tới các ngộ độc rượu, thực tế nhiều vụ ngộ độc phải cấp cứu, điều trị tại Trung tâm Chống độc là do người dân uống rượu có chứa methanol (cồn công nghiệp). Để bảo đảm sức khỏe cộng đồng cần kiểm soát chất lượng sản phẩm bia, rượu, đặc biệt là rượu dân nấu, rượu không rõ nguồn gốc. Có như vậy mới đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe mà vẫn ổn định nguồn thu ngân sách...

PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA phát biểu

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA cho rằng, bia, rượu có lịch sử văn hóa lâu đời, gắn liền với đời sống, được dùng trong hiếu, hỷ, thờ cúng tổ tiên, trong nhiều sự kiện tiếp đón nguyên thủ quốc gia... Những năm 2000, trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, ngành Bia đã giúp nhiều tỉnh, thành tăng nguồn ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân địa phương... Đến nay, ngành Đồ uống đóng góp vào ngân sách khoảng 60 nghìn tỷ/năm, giải quyết việc làm trực tiếp tại các nhà máy và gián tiếp tại các chuỗi cung ứng, dịch vụ, công nghiệp phụ trợ liên quan cả triệu lao động... Từ năm 2020 đến nay, do chịu nhiều tác động, ảnh hưởng lớn nên ngành Đồ uống gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, nhà hàng bia vắng khách, nhiều người lao động bị mất việc làm... dẫn đến doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của các doanh nghiệp đều giảm...

“Từ trước đến nay, các doanh nghiệp ngành Đồ uống đều thực hiện tốt các chính sách thuế, toàn ngành luôn chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong điều kiện ngành gặp nhiều khó khăn hiện nay, mong cơ quan soạn thảo xem xét cân nhắc mức tăng, lộ trình sao cho phù hợp, hài hòa, vừa đảm bảo sức khỏe cộng đồng, vừa giúp doanh nghiệp phục hồi kinh tế, vượt qua khó khăn, đảm bảo nguồn thu ngân sách và công tác an sinh xã hội, việc làm của người lao động... Thực tế cho thấy, mấy năm gần đây, khi chưa tăng thuế thì sản lượng tiêu thụ bia, rượu của các doanh nghiệp đã giảm mạnh, trong khi đó tình trạng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu dân tự nấu, hàng giả, hàng nhái thì không kiểm soát được chất lượng, không thu được thuế, sản lượng tiêu thụ trên thị trường lại tăng vì bán giá rẻ. Tình trạng này không chỉ làm thất thu thuế mà còn nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng...  

Việc ban hành các quy định, chính sách nhà nước là đúng đắn, tuy nhiên nên cân nhắc mức thuế, lộ trình phù hợp, hài hòa giữa các bên liên quan, tránh đột ngột, tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp, một chính sách nên ổn định ít nhất 10 năm để các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư sản xuất, có thời gian để thích ứng và phục hồi kinh tế, tiếp tục đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì sự phát triển bền vững...” - PGS.TS Nguyễn Văn Việt chia sẻ.

Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất, tập trung trao đổi giữa lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế, đại diện hiệp hội doanh nghiệp cùng bàn thảo, ghi nhận ý kiến nhiều chiều của các bên liên quan và cộng đồng doanh nghiệp nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), đảm bảo tính công bằng, trung lập của chính sách thuế, góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Kim Anh

Các bài viết khác

Xem thêm

Đề xuất chưa áp Thuế TTĐB với nước giải khát có đường

Sáng ngày 17/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của Dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường”. Tham dự Hội thảo có đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp.

Ngành Đồ uống Việt Nam tích cực chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ

Do hậu quả của bão lũ tại nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, vừa qua, các doanh nghiệp ngành Đồ uống đã tổ chức các đoàn công tác từ thiện đến thăm và hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ với mong muốn động viên, chia sẻ với đồng bào sớm vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống

Đoàn công tác từ thiện ngành Đồ uống Việt Nam hỗ trợ HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng khắc phục hậu quả sau bão số 3

Ngày 23/9/2024, Đoàn công tác từ thiện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Tạp chí Đồ uống Việt Nam cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đã về thôn Gò Sỏi (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) trao tặng quà hỗ trợ HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng vừa bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3 Yagi gây ra.

Cân nhắc không bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu Thuế Tiêu thụ đặc biệt

Sáng 20/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Góp ý dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”. Hội thảo góp phần hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính khoa học, công bằng của sắc thuế, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách bền vững

Đoàn từ thiện VBA trao tặng 50 triệu đồng và 300 thùng nước cho người dân vùng ngập lụt ở Hiệp Hòa, Bắc Giang

Sáng 18/9, Đoàn từ thiện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Tạp chí Đồ uống Việt Nam, Công đoàn VBA cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đã về UBND xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) trao tặng 50 triệu đồng và 300 thùng nước Dasani của Coca - Cola Việt Nam cho người dân vùng ngập lụt ở 2 thôn Đa Hội và thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa.

Đoàn từ thiện ngành Đồ uống tặng 50 triệu đồng và 650 thùng nước uống cho người dân bị sạt lở đất, ngập lụt ở Yên Bái

Sáng 16/9, Đoàn công tác từ thiện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Tạp chí Đồ uống Việt Nam, Công đoàn VBA với sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đã chia sẻ khó khăn với đồng bào bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Người tiêu dùng thêm nỗi lo bia giả, nhái các thương hiệu

Giống như nhiều loại mặt hàng tiêu dùng trên thị trường, bia cũng là mặt hàng được làm giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến cơ quan chức năng rất khó khăn để phát hiện, xử lý. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần “mạnh tay” xử lý để không gây tổn thất đến doanh nghiệp làm ăn chân chính và bảo vệ người tiêu dùng.

Nước giải khát kém chất lượng: Nỗi lo của người tiêu dùng

Thị trường nước giải khát hiện nay vô cùng đa dạng về mẫu mã cũng như nguồn gốc nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm chính hãng, tình trạng nước giải khát nhái thương hiệu, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường đang ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi, sức khỏe người sử dụng.

Đoàn công tác từ thiện VBA và Tạp chí Đồ uống Việt Nam trao quà cho người dân ngập lụt ở Văn Giang, Hưng Yên

Sáng 14-9, chuyến công tác từ thiện đợt 2 của Chương trình "Ngành Đồ uống Việt Nam chia sẻ khó khăn cùng đồng bào vùng lũ" do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) và Tạp chí Đồ uống Việt Nam phát động đã được thực hiện tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Chương trình có sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam.

Quảng cáo và mua tạp chí