CHLB Đức: Lạm phát và tình hình tiêu dùng thực phẩm, đồ uống…
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine suốt hơn một năm vừa qua đã tác động không nhỏ đến mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội của nước Đức. Cuộc chiến ngày càng leo thang đã khiến cho áp lực về năng lượng và lương thực - thực phẩm luôn ở mức cao. Kể từ đầu năm 2023 trở lại đây, lạm phát ở Đức đã tăng vọt một cách đáng báo động trong bối cảnh chi phí dịch vụ và thực phẩm không ngừng tăng cao.
Tình trạng lạm phát…
Theo cơ quan thống kê liên bang Destatis đưa ra vào cuối tháng 2 vừa qua, bất chấp các biện pháp cứu trợ của chính phủ Đức, giá lương thực tăng trên mức trung bình 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng giá năng lượng giảm nhẹ sau khi chính phủ Đức đưa ra gói cứu trợ thứ ba nhằm hạn chế hóa đơn sưởi ấm gia đình tăng vọt do cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, giá năng lượng trong tháng 2 năm 2023 vẫn cao hơn 19,1% so với cùng tháng năm 2022.
Giá thực phẩm ở CHLB Đức đã tăng hơn 20% kể từ chiến tranhgiữa Nga và ukraine. Nguồn: Mlnp/Shutterstock.com
Destatis gần đây đã sửa đổi cách tính toán tỷ lệ lạm phát ở CHLB Đức, như một phần của đánh giá thường xuyên về rổ giá tiêu dùng. Sự thay đổi đã khiến việc so sánh trực tiếp với các tháng trước trở nên khó khăn hơn. Theo cách tính cũ, lạm phát của Đức đạt đỉnh 10,4% trong tháng 10 năm ngoái. Sử dụng phương pháp mới, con số tháng 10 ở mức khiêm tốn hơn là 8,8%. Fritzi Koehler-Geib, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng KfW, cho biết bất kể các cách tính khác nhau như thế nào, “có lẽ chúng ta đã bỏ lại đỉnh lạm phát sau lưng vào mùa thu năm ngoái”. Ông nhấn mạnh rằng giá hàng hóa và dịch vụ “vẫn còn khả năng tăng”, và gợi ý rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên “đi đúng hướng” trong việc tăng lãi suất.
Cuộc sống ở Đức đã trở nên đắt đỏ hơn đáng kể trong những tháng gần đây. Nguồn: www.dw.com
Những dữ liệu trên về CHLB Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã gây thêm áp lực lên Ngân hàng ECB sau khi lạm phát của Pháp đạt mức kỷ lục trong kỷ nguyên đồng euro trong tháng 2 này và giá cả của Tây Ban Nha cũng tăng cao bất chấp ước tính. Bruno Schneller, Giám đốc điều hành của Công ty quản lý tài sản Invico, cho biết: “Những bất ngờ trong việc công bố lạm phát tháng một vừa qua đã thách thức hy vọng về sự trở lại suôn sẻ của lạm phát mục tiêu.” Các thị trường lần đầu tiên định giá mức cao nhất 4% trong lãi suất tiền gửi của ECB, hiện ở mức 2,5%.
Cân nhắc giảm thuế để giảm giá lương thực thực phẩm!
Lạm phát cao, với giá lương thực tăng liên tục trong suốt hơn một năm vừa qua. Để giảm bớt gánh nặng cho người dân, nước Đức đang tranh luận về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số loại thực phẩm. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức, Cem Özdemir, đã nhiều lần kêu gọi loại bỏ thuế VAT đối với các thực phẩm tốt cho sức khỏe. Cơ quan Môi trường Đức (UBA) và nhóm vận động của Liên đoàn các Tổ chức Người tiêu dùng Đức (VZBV) cũng đang kêu gọi bãi bỏ thuế VAT đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Theo ước tính của Dirk Messner, người đứng đầu UBA, việc miễn thuế VAT đối với trái cây, rau, sản phẩm ngũ cốc và dầu thực vật có thể tiết kiệm khoảng 4 tỷ euro (4,3 tỷ USD) mỗi năm cho các hộ gia đình tư nhân. Điều nay vô hình chung cũng mang lại lợi ích cho khí hậu và đa dạng sinh học.
Đồng tiền chung châu Âu đang mất giá là nỗi lo của cả châu lục này. Nguồn: endrik Schmidt/DPA
Tuy nhiên, cũng có xảy ra tranh cãi rằng không phải ai cũng được hưởng lợi như nhau từ biện pháp này. Nhiều người cho rằng các gia đình có thu nhập thấp chi tiêu một tỷ lệ tương đối lớn trong thu nhập của họ cho thực phẩm so với các gia đình giàu có hơn. Họ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc cắt giảm thuế VAT đối với thực phẩm. Nhưng theo nhà kinh tế Sebastian Dullien của Tổ chức Hans Böckler, thực tế cho thấy ngay cả những người có thu nhập cao cũng sẽ trả ít tiền hơn cho thực phẩm. Ông cho biết: “Phô mai Pháp tại cửa hàng bán đồ ăn ngon với giá 5,99 euro/100 gam sẽ rẻ hơn khoảng 40 xu, trong khi pho mát gouda đóng gói có giá 60 xu/100 gam tại cửa hàng tạp hóa sẽ chỉ rẻ hơn 4 xu”. Về mặt tuyệt đối, những người có thu nhập cao hơn có thể tiết kiệm nhiều hơn - nhưng không nhất thiết phải liên quan đến tổng thu nhập của họ. Cũng theo ông Stefan Bach thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) thì các hộ gia đình giàu có chi tiêu gấp đôi số tiền cho thực pahẩm so với các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn vì họ tiêu thụ thực phẩm đắt tiền hơn, chất lượng cao hơn.
Sau COVID-19, CHLB Đức lại phải đối mặt với những khó khăn mới. Thiếu hụt về năng lượng cũng như sự leo thang về giá cả khiến cho người dân ở đất nước này buộc phải “thắt lương buộc bụng” nhiều hơn so với trước đây. Họ đang mong chờ những giải pháp sắp tới của chính phủ sẽ sớm đưa người dân vượt qua sự khó khăn về giá cả.
Lê Thị Diệu Linh
Nguồn: Germany considers tax cut to lower food prices - DW - 01/21/2023 German food prices rise ‘above average’ as inflation remains steady - The Local German Food Prices Rise 20-50% (ucaststudios.com) Germany’s inflation ‘time bomb’ - DW - 07/06/2022 Surprise jump in German inflation after surge in food prices (telegraph.co.uk) German inflation remains high at start of year | Reuters Germany considers tax cut to lower food prices - DW - 01/21/2023