Nhớ cái Tết đầu tiên ở Matxcơva

30/01/2023 - 10:18 AM
562 lượt xem
Cỡ chữ
Cuối tháng 11 năm 1988, chúng tôi đặt chân tới nước Nga. Năm ấy trời rét sớm, sau ngày Quốc khánh Liên bang các nước Cộng hòa Xô viết Xã hội Chủ nghĩa, tuyết đã phủ dày trên những con đường và những cánh rừng bạch dương. Từ sân bay Sermetchevo dva vào đến thành phố, dọc hai bên đại lộ những đụn tuyết ùn lên thành đống thành gò. Đâu đâu cũng chỉ thấy toàn một màu trắng. Những hàng cây, những ngôi nhà đều khoác lên mình tấm áo kỳ ngộ, đủ các hình thù. Với những người quen sống ở xứ Á châu, màu trắng lành lạnh gợi nên nỗi niềm xa quê khôn tả.  
 

 
Chúng tôi sống trong ốp nghiên cứu sinh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga – đôm piat (người Việt quen gọi là đôm 5) phố Ulianova. Đây là ngôi nhà nổi tiếng ở châu Âu bởi những quan hệ vô song của nó. Không những người Việt Nam mà nhiều người nước ngoài cũng biết tiếng của ngôi nhà này. Tuy nhiên, ngày mới đặt chân đến đây, tôi chỉ nghĩ đơn giản, đó là nơi ở của các nghiên cứu sinh. 
 
Năm đầu tiên, chúng tôi học ngoại ngữ và triết học ngay ở khu học đường cạnh đôm 5. Sáng đi học, chiều lên Viện, hoặc ngược lại, chiều đi học thì sáng lên Viện. Viện chúng tôi gần Quảng trường Đỏ, nơi Nhà nước Liên xô (tên gọi trước 1991) vẫn tổ chức diễu binh tuần hành trong những ngày lễ quan trọng. Khi ở trong nước, tôi nhiều lần xem các cuộc duyệt binh vào dịp kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức. Nay trực tiếp bước trên những viên đá lát của quảng trường, lòng tôi cứ bâng lâng một cảm xúc khó tả. Từ xa đâu đó, bên dòng sông Matxcơva êm đềm vẳng lại tiếng đàn vĩ cầm du dương. Một năm cũ sắp qua đi. Mới đến Matxcơva được mấy tuần mà mấy đứa chúng tôi đứa nào cũng thấy dài dằng dặc. Cảm giác xa quê, nhớ Tết luôn luôn ùa đến. Ngoài kia, sau cánh cửa sổ, tuyết lả tả bay. Giờ này, trong nước chắc đang lất phất mưa phùn… 
 
Rồi Tết đến. Với người Nga, đường phố và công sở chẳng có gì rộn rã. Nhưng Tết của người Việt lại đang tưng bừng ở khắp các vùng nội và ngoại ô, trong các ốp lao động. Thời gian này, ngoài lực lượng học sinh và nghiên cứu sinh, quanh Matxcơva có rất đông công nhân lao động xuất khẩu. Họ sống cạnh các nhà máy, khu công nghiệp đông đến mức bước chân đến đó lại có cảm giác như đang sống ở quê mình. Bởi vậy, chiều Ba mươi, theo lời hẹn với anh Hà Chính Chuyên (TS Triết học, hiện đang sống tại Hà Nội), tôi đã cùng anh đến ốp may cách Matxcơva khoảng 70 cây số. 
 
Với Việt Nam, địa điểm cách trung tâm thu đô bằng khoảng cách ấy hẳn là thuộc tỉnh khác, nhưng với nước Nga mênh mông thì nó vẫn thuộc vùng ngoại ô, đi metro chỉ hết hơn hai chục phút, rất thuận tiện. 
 
Cảm giác bất ngờ nhất đối với tôi là vừa tới chân ốp, tôi đã nghe tiếng lợn kêu eng éc và tiếng cười nói ồn ã. Vào ốp tôi mới thấy một cảnh tượng thật đặc biệt. Các chị em nữ đi lại tất bật, bày biện hoa và trang trí cây đào. Tôi sững sờ. Làm sao họ đưa được cây đào to như vậy, mà lại là đào thế từ trong nước sang nhỉ? Đào có đủ lá, hoa, đẹp quá. Một tứ thơ chợt đến trong tôi:“Sao giữa Matxcơva lại có hoa đào/ Tôi giật mình thấy mùa xuân đang đến/ Giữa mênh mông im lìm tuyết trắng/ Xuân nước mình phảng phất ở đâu đây”. 
 
Tôi hỏi anh Hà Chính Chuyên:
 
 - Này, họ làm thế nào đưa được đào sang đây thế nhỉ? 
 
Hà Chính Chuyên tủm tỉm cười: 
 
- Đào giả đấy! 
 
- Tài quá - Tôi thốt lên - Các cô gái người Việt thật quá khéo tay. Người chính quốc còn không biết đây là đào giả, huống hồ người nước ngoài. Hỏi ra tôi mới biết, để chọn được một cái cây có thế đẹp như vậy, anh em công nhân đã phải mất mấy tháng tìm trong rừng và “giấm sẵn” để đến gần Tết mới chặt và đưa về. Tình cảm tha thiết với quê hương đã làm cho họ nảy sinh một sáng tạo thật đặc biệt. 
 
Vì chúng tôi lớn tuổi bậc “cha chú” nên được đón tiếp trọng vọng lắm. Ngồi trong phòng khách chúng tôi được uống trà đen, ăn kẹo sô cô la, nghe các bản nhạc Nga truyền thống và nghe cả những bài hát nổi tiếng bằng tiếng Việt. Trong lúc đó, cánh nam giới đang náo nức đánh tiết canh, luộc lòng lợn. Rau thơm, rau húng, thìa là… bày ra la liệt trong khu nhà bếp. Tôi đi một vòng qua các phòng ở và thấy phòng nào cũng khói hương nghi ngút. Phòng nào cũng có cặp bánh chưng đặt nơi bàn thờ. Mùi khói nhang cùng mùi thức ăn phảng phất hương vị Tết làm tôi có cảm giác rưng rưng. 
 
Bữa tất niên ở ốp lao động rất vui. Trong các bàn tiệc có nhiều quan khách người Nga. Bà trưởng ốp khoảng 40 tuổi, sau lúc chạm cốc bằng sâm panh Nga đã ăn món tiết canh một cách ngon lành. Tôi hỏi anh Hà Chính Chuyên: 
 
- Sao nghe nói người Nga họ sợ món này lắm? 
 
Anh Hà Chính Chuyên chậc lưỡi: 
 
- Người mình ở đây mấy năm đã “làm quen” cho họ. 
 
Như để minh họa cho lời nói của Hà Chính Chuyên, bà trưởng ốp huơ tay nói bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: 
 
- Kus nưi! Kus nưi! Ngòn nắm, ngòn nắm. Thú vị mòn tuyết canh… 
 
Cả hai dãy bàn đều vỗ tay ầm ầm. Sau đó bà trưởng ốp giơ cao cốc đứng lên nói to: Chúc mứng nằm mới! 
 
Các công nhân cùng lúc hô vang: 
 
- Sờ nô vưm gôt đơm… Nô vưm gốt đơm… 
 
Mọi người đi lại chạm cốc nhau, chúc tụng những lời tốt đẹp. Cô nữ đội trưởng nói với chúng tôi: 
 
- Mời hai chú ở lại đón giao thừa với chúng cháu. Lát nữa, chúng cháu sẽ tổ chức dạ hội. Người Nga sẽ vào đây cùng khiêu vũ, vui lắm. 
 
Tôi lắc đầu: 
 
- Tiếc quá! Các chú mắc hẹn mất rồi. 
 
Chả là, cách đây nửa tháng anh Lân Cường (PGS.TS công tác tác tại Viện Khảo cổ học) đã đặt hàng với tôi. Anh bảo tôi viết một kịch bản cho hai nhân vật với nội dung “Táo quân chầu trời” để làm tiết mục văn nghệ đón giao thừa cho nghiên cứu sinh. Tôi đã viết xong và cùng anh Lân Cường dịch sang tiếng Nga với mục đích vừa diễn xuất bằng tiếng Việt vừa diễn xuất bằng tiếng Nga cho vui Món này trước khi sang đây, đội văn nghệ lớp N2 do tôi làm đầu trò đã từng làm. Lúc đó là giữa học kỳ, cô chủ nhiệm yêu cầu lớp dựng một vở kịch hài ngắn bằng tiếng Nga để phục vụ cho phong trào và cho việc học tập. Nhận kế hoạch xong, lớp giao cho tôi vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn lại vừa sắm vai. Tham gia cùng có Bùi Thị Ngọc Diệp (TS công tác tại Bộ Giáo dục), Trần Thị Quý (PGS. TS khoa Thư viện, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) và vài ba người khác. Đêm văn nghệ đó chúng tôi đã cù cho khán giả một trận cười vỡ bụng vì các vai hài của mình. 
 
Không biết cuộc diễn với Lân Cường lần này tình hình sẽ ra sao? 
 
Tôi và Hà Chính Chuyên về tới đôm 5 đã hơn 11 giờ đêm. Anh Lân Cường mắng tôi dồn dập: 
 
- Ông không nhớ nhiệm vụ à? Đi đâu thế? Tôi tìm ông suốt từ tối đến giờ. Nhanh lên. 
 
Lân Cường vốn là người vui tính và năng nổ. Được sự hỗ trợ của người vợ trẻ anh đã làm xong phần hóa trang. Râu trắng râu đen đều là tước từ các sợi dây buộc hàng. Mũ Ngọc hoàng và mũ Táo quân, anh tự mua giấy về cắt và làm lấy. Quần áo thụng đỏ, thụng xanh, không biết anh kiếm từ đâu, ra dáng lắm. Lân Cường hay nói nên nhận vai Táo quân. Tôi sắm vai Ngọc hoàng. Kể cũng sướng, được làm vua nên được nói cái giọng của bậc tối thượng. Tôi vung tay quát tháo. Lân Cường vờ run lẩy bẩy. Tôi và Lân Cường chỉ kịp ráp vở được 30 phút - nghĩa là chạy thử một lượt là tới lúc giao thừa. 
 
Đúng phút giao thừa, sau một hồi trống thúc, tôi đi hài, áo thụng đỏ, mũ dát vàng bước ra. Sau đó đến Lân Cường, mặc áo thụng xanh, mũ cánh chuồn, giọng thé thé xuất hiện. Diễn chừng vài phút, người xem kéo đến đông dần. Rồi gần như nghiên cứu sinh của tất cả các nước: Việt Nam, Afghanistan, Ả rập xê út, Bun Ga ri, Mông Cổ, Ba Lan… đều có mặt. Sau mỗi đối thoại của chúng tôi, họ hô lên rầm rĩ, huýt sáo, vỗ tay… 
 
Tôi không ngờ một vở diễn tự biên, không có nhạc chỉ có tiếng trống cắc - tùng mà lại được mọi người cổ vũ mạnh mẽ đến vậy. 
 
Khán giả chen chúc, ngó nghiêng khiến cho tôi quát tháo càng mạnh. Tôi nói: Hạ giới lộn xộn quá, lộn xộn quá! Cần chỉnh đốn nhanh tay không thế giới loạn mất… Thế là tiếng vỗ tay lại rầm rầm. 
 
Lúc chúng tôi diễn lời thoại cuối cùng cũng là lúc tiếng nhạc nhảy vang lên. Sâm panh và rượu đã bày ra ở các quầy xung quanh. Tất cả các nghiên cứu sinh người Việt cùng các bạn Tây đều nhảy một cách tưng bừng. Tôi thay quần áo xong quay ra thì thấy anh Trần Nho Thìn đang nhảy rất hăng hái. Tôi hơi ngớ ra, không ngờ anh Trần Nho Thìn lại từ Kon kô vơ lên đây để cùng đón giao thừa (anh ở cách chỗ tôi vài ga tàu điện ngầm) và nhảy “oách” đến thế. Tôi cứ nghĩ anh là nhà nghiên cứu văn học cổ thì không thích cái món nhảy nhót này. Thế mà anh lại nhảy rất “hoành tráng” và “hội nhập” với văn hóa Nga khá sớm.
Tôi cũng bị cuốn vào cuộc. Mấy bài nhảy tôi thạo từ dạo làm chuyên gia ở Căm Pu chia giờ đây tôi đã quên hết nên lúc đầu khá lúng túng. Nhưng hơi sâm panh và rượu cô nhắc đã đẩy những bước chân của tôi liến thoắng quanh mấy vị nghiên cứu sinh Xy ry và Ả rập. Cuộc đón giao thừa ở đôm 5 thật quá tưng bừng. Chúng tôi thức luôn tới sáng và làm bữa cơm Năm mới đầu tiên ở Matxcơva. Sang đón Năm mới cùng với chúng tôi còn có cả người bạn đồng nghiệp cùng khoa là anh Bùi Việt Thắng (Nhà phê bình văn học, giảng viên khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội).. Bữa tiệc đang lúc dâng trào thì Bùi Việt Thắng chợt bảo tôi: 
 
- Thi sĩ Hữu Đạt đọc một bài thơ cho khí thế đi. 
 
Tôi chếnh choáng trong hơi men, đọc bài “Đêm giao thừa ở Matxcơva”. Chẳng rõ tôi đọc hay rượu đọc mà bài thơ chưa kết thúc, Nguyễn Văn Hằng bỗng òa lên như một đứa trẻ. Tôi cũng rưng rưng. Quay sang, nước mắt Bùi Việt Thắng cũng chảy ròng ròng. Hóa ra Tết có một cái gì sâu lắng lắm trong tâm tư mỗi người. Đi xa, dù vui đến đâu vẫn thèm cái Tết ở quê nhà. 
Với kinh nghiệm là người đi trước, Bùi Việt Thắng động viên anh em: 
 
- Thôi nào, tiếp tục ăn đi kẻo khóc là mất hên đấy. 
 
Chúng tôi lại cụng ly. Dưới tầng 5 bỗng có tiếng pháo tép lẹt đẹt nổ. Từ cuối hành lang, có tiếng bước chân rậm rịch và tiếng ồn ào. Một số nghiên cứu sinh châu Âu đã rủ nhau, tập hợp lại thành đoàn đến các phòng nghiên cứu sinh Việt Nam chúc mừng Năm mới. Lại những chuỗi lời chúc mừng lơ lớ Chúc mứng năm mời xen lẫn những câu tiếng Nga sờ nô vưm got đơm vang lên, xen lẫn tiếng sâm panh nổ bôm bốp.
 
 Ngày đầu tiên của Năm mới bắt đầu! Tôi thật bất ngờ khi thấy cái Tết của người Việt đã tạo ra sự cởi mở chan hòa giữa các dân tộc đặc biệt đến như vậy.
 
Hữu Đạt   

Các bài viết khác

Xem thêm

Tìm hiểu về rượu vang Bồ Đào Nha

Bồ Đào Nha nằm ở cuối lục địa châu Âu, trên bán đảo Iberia giữa vĩ tuyến 36 và 42° Bắc, giáp với Đại Tây Dương về phía Tây và giáp với Tây Ban Nha về phía Đông. Quốc gia này tạo thành một hình chữ nhật, rộng trung bình 160 km và dài 560 km, với diện tích 91,600 km vuông và dân số khoảng 10,6 triệu người.

Những quốc gia dẫn đầu về sản xuất rượu vang thế giới

Trong một hội nghị trực tuyến từ trụ sở chính của tổ chức Rượu vang Quốc tế (OIV) ở Paris, Tổng giám đốc OIV Pau Roca đã trình bày những ước tính đầu tiên về sản lượng rượu vang thế giới vào năm 2021. Theo đó, thứ tự đã có sự thay đổi khi Pháp mất một bậc để trở thành nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới sau Ý và Tây Ban Nha.

Rượu vang sủi bọt – Ngôi sao rượu vang Italy

Rượu vang sủi bọt Prosecco có thể chỉ mới trở thành ngôi sao trong những năm gần đây ở Việt Nam, nhưng tuyệt phẩm rượu vang của vùng Đông Bắc Italy này đã có lịch sử hàng trăm năm.

CHLB Đức: Lạm phát và tình hình tiêu dùng thực phẩm, đồ uống…

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine suốt hơn một năm vừa qua đã tác động không nhỏ đến mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội của nước Đức. Cuộc chiến ngày càng leo thang đã khiến cho áp lực về năng lượng và lương thực - thực phẩm luôn ở mức cao.

Cuộc thi “Tìm kiếm chuyên gia rượu vang đại sứ thương hiệu cho vang vùng ABRUZZO-ITALY”

Rượu vang Ý ngày càng trở nên phổ biến tại thị trường Việt Nam với những dòng vang ngon mang hương vị đặc trưng của từng giống nho và từng vùng trồng nho trải dài từ Bắc xuống Nam.

Tết ở trời Âu

Tết cổ truyền là một dịp lễ đặc biệt nhất trong năm của người dân Việt Nam. Đối với những người Việt xa quê sống tại CHLB Đức, dịp này cũng không kém phần đặc biệt. Với họ, được về nơi chôn rau cắt rốn để đón chào năm mới là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Nhưng mỗi người một hoàn cảnh, với những người phải đón Tết xa tổ quốc thì họ cũng có những cách riêng để có thể được cảm nhận Tết một cách Việt nhất.

Quảng cáo và mua tạp chí

Bình chọn trực tuyến

🔴 Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia cũng như các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này có nghĩa, khác với quy định trước đây là cứ có nồng độ cồn khi lái xe là bị phạt. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.