Sống ở những đỉnh núi mờ sương, mùa Xuân với đồng bào dân tộc Dao Tiền gắn với sắc hồng mong manh của hoa đào và những cành hoa mận trắng như tuyết. Tết cổ truyền, đồng bào dân tộc Dao Tiền một lòng hướng về đất trời, tổ tiên và đón những điều may mắn, hạnh phúc nhất.
Dân tộc Dao Tiền
Vượt qua những cung đường bao quanh bởi đá núi, chúng tôi đến với bản làng của đồng bào dân tộc Dao Tiền ở tỉnh Bắc Kạn, đây là nơi có hơn 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Đón chúng tôi là cụ ông Bàn Triều Vánh (sinh năm 1947) người dong dỏng, tóc bạc trắng, giọng nói sang sảng, ngân nga. Cụ Vánh là thầy cúng có tiếng của đồng bào Dao Tiền ở đây, những năm trước, ông đã được mời đi lên tận tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang làm lễ.
Những ngày giáp Tết, bản vùng cao mờ sương đến tận khi mặt trời lên đến tỉnh đầu. Gia đình ông Vánh đã lấy củi, bắc nước từ 15/12 âm lịch, hôm nay, anh con trai đang bận rộn dọn dẹp, sửa lại cái hàng rào cho tươm tất. Nắng mùa đông hanh hao, nhảy nhót theo chân phụ nữ Dao Tiền lên rừng tìm lá dong, bên hiên nhà, các bà, các mẹ tỉ mẩn thêu nốt những đường cuối cùng cho bộ quần áo mới để chuẩn bị cho năm mới tươm tất, đẹp xinh.
Ông Bàn Triều Vánh - Người giữ nhiều sách cổ của đồng bàn Dao Tiền
Không khí Tết tràn về bản làng từ ngày 25 âm lịch, nhà nhà bắt đầu thay phiên nhau thịt lợn. Những thanh niên khoẻ mạnh thành từng tốp nhỏ, chia nhau đi thịt lợn giúp bà con khắp bản. Lợn sau khi được làm sạch, sẽ chia thành nhiều phần khác nhau, phần để làm thịt áp chảo, phần để làm lạp sườn, phần ướp muối treo gác bếp… Gia chủ cầu kỳ chế biến mâm cỗ tươm tất, dâng lên bàn thờ tổ tiên, rót chén rượm thơm, báo tổ tiên rằng hôm nay gia đình nuôi được lợn con, mời các cụ cùng chung vui.
Có thịt lợn mới, đồng bào Dao Tiền bắt đầu gói bánh chưng, bánh chuối, bánh giò. Giò tự bó là món ăn rất riêng của đồng bào nơi đây. Sau khi thịt lợn, những người phụ nữ đảm đang sẽ cắt ra miếng ba chỉ ngon nhất, cắt thật đẹp. Thịt được ướp kĩ gia vị, cho thêm hành, rau mùi và dùng lá dong gói lại. Những chiếc giò tròn căng được cho vào nồi luộc kỹ, khi đã chín thì ép bằng cây vầu, sau đó đem treo lên cho mỡ chảy ra hết. Khi ăn, giò có mùi thơm của lá dong, vị ngậy của thịt mới, thanh mát của rau, tất cả hoà quyện tạo nên hương vị đặc biệt của mâm cỗ đoàn viên.
Vào ngày cuối cùng của năm cũ, không khí Xuân mới đã gõ cửa mỗi ngôi nhà, gia đình nào cũng rộn rã tiếng nói cười, hân hoan chuẩn bị đón Tết. Các cụ ông, cụ bà cắt giấy đỏ thành những phiến nhỏ bằng bàn tay, tỉ mẩn dán trang trí khắp nhà. Người Dao Tiền quan niệm rằng, màu đỏ là màu của may mắn, tài lộc, thịnh vượng. Năm mới Tết đến, không chỉ con người, các đồ vật, con vật nuôi cũng đều vui Xuân. Chính vì vậy, trước cửa nhà, bàn thờ, đồ dùng, xe cộ, bồ đựng thóc… đều được dán giấy đỏ trang trí. Đặc biệt hơn, chuồng gia súc, gia cầm không chỉ dán giấy đỏ mà còn được treo thêm một chiếc bánh có hình như bánh chưng, nếu là chuồng gà thì bên trong là thóc, ngô, nếu là chuồng lợn sẽ gói cám, còn chuồng trâu sẽ là bánh chuối…
Nhà cửa sạch đẹp, hoa đào đón Xuân, bày bàn thờ với hoa đào, bánh kẹo, bánh chưng, bánh chuối. Báo với tổ tiên rằng “Hôm nay là 30 Tết, mời tổ tiên về ăn Tết, sum họp cùng con cháu”. Đúng thời điểm Giao thừa, gia chủ làm một mâm cỗ thật tươm tất với bún ép tay, gà luộc, bánh giò, thịt áp chảo mời tổ tiên mừng năm mới.
Ông Bàn Tiến Minh - con trai ông Vánh đang dán giấy đỏ chuẩn bị đón Tết
Thời khắc năm mới đến, người trong nhà quây quần bên bếp lửa hồng đượm, nhấp chén chè xanh, rộn rã dành cho nhau lời chúc đẹp nhất. Câu chuyện đầu năm nói nhiều về những điều tốt đẹp sắp đến, người già lẳng lặng nghe sương rơi ngoài sân, mong ngóng tiếng gà gáy đầu tiên gọi đất trời thức giấc.
Khoảng 4h sáng, mỗi nhà đều bày trước bàn thờ một cái bàn nhỏ, bên trên đặt ống hương, một bát nước gừng đường, một con dao và có thêm một bó đuốc.
Chủ nhà sẽ thắp hương, gọi tổ tiên về hỗ trợ đi đuổi những điều xấu. Sau khi khấn xong, người làm lễ sẽ đốt bó đuốc, ra khỏi nhà và đi về hướng đại lợi nhất trong năm mới, vừa đi vừa xua đuổi tà ma, đen đủi. Ngọn đuốc ấm áp xua đi sương mù đêm đông, dẫn người chủ nhà đến những cành hoa mận trắng muốt, đón lộc về nhà. Hoa mận sau khi đưa về sẽ chia thành nhiều nhánh nhỏ, dâng lên bàn thờ, cắm trước cửa nhà, cài vào bồ thóc, chuồng gia súc, gia cầm… tất cả đều có lộc đầu năm mới. Cuối cùng, gia chủ sẽ báo lại với tổ tiên, rằng việc đã xong, cảm ơn các cụ đã phù hộ độ trì, mong xuân mới cầu tài lộc, thịnh vượng, thóc đầy bồ, vật nuôi béo khoẻ. Bát nước gừng ấm sẽ chia cho mọi người trong nhà, tượng trưng cho đón may mắn, ấm áp và xua đuổi đi những điều không vui.
Sớm mùng 1, cả nhà sẽ cùng sum họp, quây quần bên mâm cỗ đón năm mới, dành trọn thời gian cho những người thân trong nhà. Mùng 2 Tết, các gia đình có điều kiện sẽ chuẩn bị một mâm lễ đơn giản gồm thịt gà và thịt lợn, đón thầy về làm lễ cầu tài lộc cho cả năm thuận buồm xuôi gió, phát tài, phát lộc. Lễ cầu tài lộc chỉ có thể làm trước ngày 15 tháng Giêng, nếu làm muộn hơn sẽ không còn được hiệu nghiệm.
Từ mùng 2 Tết trở đi, mọi người sẽ đi chúc Tết bên nội, bên ngoại, giao lưu với anh em bạn bè. Ngoài ra cũng không quên lên nương, rẫy vào ngày khai công mà thầy đã xem cho mỗi gia đình từ trước. Đến mùng 4 Tết, các gia đình sẽ làm lễ hạ bàn, thông báo với tổ tiên rằng đã sang năm mới được 04 ngày, con cháu xin phép tiếp tục đi làm, mong các cụ phù hộ cho công việc thuận lợi, phúc lộc đầy nhà, mùa màng bội thu…
Một mùa xuân mới lại đến với những yêu thương, hy vọng âm vang trong tiếng khèn, tiếng hát của đồng bào các dân tộc. Và những phong tục đón Tết của đồng bào Dao Tiền đã góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa thêm đa dạng, đặc sắc.
Triệu Hoàng Giang