Thăm làng cổ Đường Lâm chiều cuối năm: Khám phá một miền cổ tích

20/01/2025 - 10:09 AM
112 lượt xem
Cỡ chữ

Là một làng cổ lâu đời mang rất nhiều nét văn hóa đặc sắc, làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa với đình làng, cây đa, bến nước, chùa miếu... cùng không gian làng quê yên bình, cổ kính giúp nơi đây trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong hành trình về xứ Đoài mây trắng.

 

 

Một ngày cuối năm 2024, tôi có dịp trở lại thăm làng cổ Đường Lâm nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 40 km, thuộc thị xã Sơn Tây, vùng đất vốn được mệnh danh là “xứ Đoài mây trắng”. Nơi đây từ lâu đã hấp dẫn du khách bởi sắc màu cổ kính hiện hữu trong từng con đường, ngôi nhà, mái đình, ngôi đền, thành cổ và những nét văn hóa cổ truyền được cư dân bản địa gìn giữ và truyền lại qua bao thế hệ.

Xã Đường Lâm có 9 thôn khác nhau, trong đó các thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm là nơi tập trung nhiều di tích, nhà cổ. Các thôn này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. Nơi đây còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền.

 

 

Điểm ấn tượng đầu tiên với du khách chính là cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào năm 1833 bằng đá ong, lớp mái ngói vảy, trụ cột vững chãi, rêu phong cổ kính nhuốm màu thời gian. Bên cạnh là cây đa hơn 300 năm tuổi tạo nên một cảnh quan thực sự thanh bình và cổ kính. Bước qua chiếc cổng làng mang vẻ đẹp rất thơ không xa là Đình Mông Phụ, nơi được coi là tinh hoa của kiến trúc Việt, nhưng mang nét đặc sắc riêng.

Đình Làng Mông Phụ đã được xây dựng cách đây 380 năm, rộng 1800m2, mang đậm nét kiến trúc Việt - Mường, mô phỏng kiến trúc của nhà sàn với sàn gỗ cách đất. Phía bên trong đình có treo rất nhiều hoành phi câu đối nổi bật. Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc độc đáo, tinh vi của cụ Mục Hùng - một người thợ cả tài hoa, có bộ óc sáng tạo và có đôi bàn tay vàng, đã có công trực tiếp vẽ mẫu và hướng dẫn nhóm thợ mộc làng Mía xây dựng ngôi Đình này.

Rời Đình Làng Mông Phụ, bắt đầu hành trình thăm ngôi làng với những nếp nhà, tường rào và các con đường được xây dựng bằng những phiến đá ong màu vàng sậm, mang đến sự ấm áp và nét đẹp rất riêng đậm chất cổ xưa mà không nơi đâu có được. Trong không gian ấy, ta dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà mang lối kiến trúc cổ xưa với tuổi đời hàng trăm năm mang đậm dấu ấn đồng bằng Bắc Bộ.

Đó là nhà cổ ông Hùng, ngôi nhà lâu đời nhất làng Mông Phụ đã gần 400 năm với 12 đời sinh sống ở đây. Ngôi nhà gây ấn tượng với chiếc cổng cổ được xây bằng đất đá, bã chấu, bùn để tạo chất kết dính. Được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 dĩ, 3 gian giữa là nơi để thờ cúng tổ tiên bên cạnh bài trí bộ trường kỷ dùng để tiếp khách, 2 gian bên cạnh dùng làm phòng để ngủ, hệ thống cửa cánh phố ở chính giữa ngôi nhà. Cho tới nay, ngôi nhà vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn những nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc Việt.

 

 

Một ngôi nhà nổi tiếng khác là nhà cổ ông Thể tọa lạc tại xóm Xui, thôn Mông Phụ gồm 7 gian được gắn kết theo lối cổ truyền. Căn nhà được xây dựng hoàn toàn dùng mộng, không sử dụng đinh sắt. Ngôi nhà nay đã trải qua 14 đời sinh sống ở đây và đặc biệt nổi tiếng với nghề làm tương. Ngay khi bước chân vào sân nhà, đã có một mùi tương rất thơm phảng phất, cùng với đó là những chum tương được xếp san sát nhau ở sân. Ở gian nhà ngang phía xa là những dụng cụ để xay ngô cùng với những khóm ngô được treo lên thanh ngang hệt như ngôi nhà trên vùng núi Bắc Bộ.

Đến làng cổ Đường Lâm, ngoài những ngôi nhà cổ, du khách còn được khám phá những di sản vốn là điểm nhấn của làng như: ngôi đền thờ vua Phùng Hưng, lăng và đền thờ vua Ngô Quyền, thành cổ Sơn Tây, giếng cổ, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh... Dấu mốc thời gian và lối kiến trúc độc đáo, tài hoa của người xưa được hiện hữu rõ nét qua những hoa văn, họa tiết, hoành phi, câu đối của những công trình cổ kính ở Đường Lâm.

Đặc sản Đường Lâm

Tại Đường Lâm, ẩm thực cũng là một yếu tố tạo nên sức hút cho khách du lịch. Tới đây, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn cổ truyền, dân dã mà đậm đà dư vị đồng quê như gà mía Sơn Tây, thịt lợn quay đòn, chè kho, chè lam, nem, rau muống luộc chấm tương, cá kho, cà ngâm tương, bánh tẻ, kẹo dồi, kẹo lạc.

 

 

Đi quanh làng cổ Đường Lâm, du khách dễ dàng bắt gặp những quán nước bên những sạp gỗ nhỏ, trông rất yên bình. Ngồi bên quán nhỏ, tìm cảm giác thư thái trong không gian yên tĩnh, thưởng thức chè lam, kẹo lạc, kẹo vừng, bánh gai… cùng nước vối có thể coi là thú vui ẩm thực không thể thiếu khi du khách đến đây, là những trải nghiệm về văn hóa vô cùng ý nghĩa. Mỗi thức quà có vị đặc trưng riêng, nhưng đều thơm ngon và khi tới bất kì đâu trong làng bạn cũng có thể thưởng thức và mua về làm quà.

Nhắc tới Đường Lâm, không thể không nhắc tới Tương gạo. Tương luôn là món ăn phổ biến của mọi người, mọi nhà ở xứ Đoài. Tương dùng chấm đậu sống, đậu rán, kho cá, chấm rau muống, rau lang, kho thịt. Đặc biệt, nước tương được kho với cá cùng với một số gia vị khác như nước hàng, vài lát riềng, vài miếng thịt ba chỉ trong chiếc nồi đất nung làm cho cá rất nhừ, vô cùng thơm, ngon.

Một đặc sản của Đường Lâm không thể không nhắc đến là món rượu quê được chính người dân trưng cất bằng bí quyết riêng. Rượu được ủ trong những chum đựng truyền thống, có loại rượu hạ thổ từ rất lâu mới được rót ra uống.

Trong cái lạnh cuối năm, giữa không gian trầm mặc đậm chất cổ xưa của làng cổ Đường Lâm, bỗng nghe tiếng chim hót líu lo đón những tia nắng xuyên qua kẽ lá, những cành đào phai thấp thoáng bên các ngôi nhà cổ dần hé nụ và đâu đây thoảng hương thơm mùi bánh chưng, bánh nếp… báo hiệu một mùa xuân mới lại về. Giữa cuộc sống xô bồ tấp nập hôm nay, ngôi làng cổ Đường Lâm với những giá trị xưa cũ, mang đậm truyền thống bao đời, giống như “nốt trầm xao xuyến” đưa ta tìm về một miền cổ tích.

Trúc Lam

Các bài viết khác

Xem thêm

Đón lộc đầu Xuân cùng đồng bào Dao Tiền

Sống ở những đỉnh núi mờ sương, mùa Xuân với đồng bào dân tộc Dao Tiền gắn với sắc hồng mong manh của hoa đào và những cành hoa mận trắng như tuyết. Tết cổ truyền, đồng bào dân tộc Dao Tiền một lòng hướng về đất trời, tổ tiên và đón những điều may mắn, hạnh phúc nhất.

Bí quyết ăn uống khỏe mạnh: Lời khuyên từ chuyên gia

Tết Nguyên Đán đã từ lâu trở thành dịp lễ truyền thống đặc biệt quan trọng với mỗi người Việt Nam, là thời điểm để mọi người quây quần bên gia đình, chia sẻ niềm vui, những dự định cho năm mới. Tuy nhiên, niềm vui ngày Tết sẽ không trọn vẹn nếu chúng ta không biết cách giữ gìn sức khỏe. Vậy thì, làm gì để có một cái Tết thật vui mà sức khỏe vẫn dồi dào?

Đừng để tục lì xì “biến tướng”, làm giảm ý nghĩa và nét đẹp trong dịp Tết

Mừng tuổi hay còn gọi là lì xì là phong tục tốt đẹp của người Việt Nam từ bao đời nay với ý nghĩa chúc cho một năm mới thật nhiều sức khỏe, tài lộc và may mắn. Nhưng mừng tuổi thế nào cho đúng, mừng bao nhiêu để không làm khó xử cả người tặng và người nhận vẫn là nỗi băn khoăn của không ít người.

Chè lam bánh bỏng: Thức quà quê đậm vị quà Tết

Chè lam, bánh bỏng thực ra không phải là thức quà quê mà trẻ con nông thôn xưa mong là có được. Chè lam, bánh bỏng chỉ làm vào dịp Tết Nguyên đán, nói là quà nhưng vào dịp Tết mới được thưởng thức, bởi vậy mà nhớ lâu, nhớ mãi thành ra một ấn tượng khó phai mờ trong trí não trẻ thơ!

Gian bếp ấm và món mứt gừng ngày Tết của Má

Những ngày tháng Chạp, nắng xuân dìu nhẹ tràn về khắp các ngõ xóm. Từng con đường làng chân quê thân thuộc được trang hoàng màu sắc của những lá cờ đỏ sao vàng, những pa-nô với khẩu hiệu Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước đổi mới. Tết đến, diện mạo quê hương như được khoát lên mình tấm áo mới chào đón những ngày xuân Ất Tỵ 2025 ấm no hạnh phúc.

Ngày Xuân luận bàn câu đối Tết

Câu đối Tết là phong tục đã có từ lâu đời, thường được sử dụng nhiều trong những ngày lễ Tết của người dân Việt Nam. Câu đối cũng là một phần không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến Xuân về đúng như đôi câu đối: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Những loại đồ uống tốt nhất cho người tập Gym

Gym là một trong những bộ môn được yêu thích hiện nay, nhất là đối với các bạn trẻ. Gym sẽ giúp cơ thể bạn tiêu hao nhiều năng lượng nhưng phải tập và có chế độ ăn uống khoa học thì vóc dáng mới trở nên săn chắc và hoàn thiện hơn. Tập gym nên uống nước gì để tốt cho cơ thể cũng là thắc mắc của nhiều người.

Đồ uống gắn liền với văn hóa, đời sống của người Việt

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, để sinh tồn và phát triển, loài người luôn luôn tìm cách đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu là ăn, uống, mặc, ở và đi lại. Câu hỏi muôn thuở đầu tiên để sinh sống đối với bất cứ dân tộc nào trên hành tinh này chính là: cần ăn gì và uống gì? Và thế là từ xa xưa, con người đã luôn luôn phải đi tìm thức ăn và thức uống.

Quảng cáo và mua tạp chí