Gian bếp ấm và món mứt gừng ngày Tết của Má

23/01/2025 - 02:33 PM
64 lượt xem
Cỡ chữ

Những ngày tháng Chạp, nắng xuân dìu nhẹ tràn về khắp các ngõ xóm. Từng con đường làng chân quê thân thuộc được trang hoàng màu sắc của những lá cờ đỏ sao vàng, những pa-nô với khẩu hiệu Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước đổi mới. Tết đến, diện mạo quê hương như được khoát lên mình tấm áo mới chào đón những ngày xuân Ất Tỵ 2025 ấm no hạnh phúc.

Hòa chung không khí những ngày Tết đến xuân sang, nơi gian bếp ấm của má vẫn đêm ngày đỏ lửa với từng sợi khói bay lên, chờn vờn quấn quýt rồi bện vào thành vách lâu ngày thành một màu đen bóng mà chị em tôi vẫn thường hay gọi đó là màu của thời gian.

 

 

Vì là dâu út trong nhà nên một tay má quán xuyến trong ngoài từ chuyện cơm nước hằng ngày đến giỗ chạp Tết nhất. Suốt mấy mươi năm qua kể từ ngày má về làm dâu cho bà nội khi má 19 tuổi, má vẫn chăm chút cho việc thờ cúng ông bà ngày Tết, vốn đã trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc.

Đã bao năm qua đi, biết bao mùa Tết đến, dù nay đã tuổi 74, má vẫn mạnh khỏe, vẫn cùng các con nấu nướng và vẫn muốn tự tay vào bếp làm các món mứt Tết, nhất là món mứt gừng Huế, trước dâng cúng tổ tiên ông bà, sau cả nhà xin thụ lộc, cùng nhau quây quần bên mâm cơm ngày Tết.

Từ chiều ngày 26 tháng Chạp, má đem mớ gừng Huế ra ngâm cho dễ cạo vỏ lụa bên ngoài. Năm nào cũng vậy, biết má thích mứt gừng Huế nên chị gái tôi nhờ đồng nghiệp có dịp về quê mùa giáp hạt thăm thân đều gửi mua về làm quà biếu má để làm mứt gừng đón Tết hay dùng các dịp giỗ quải trong năm. Má nói củ gừng Huế tuy khá nhỏ, nhưng hương vị thơm cay, ấm nồng độc đáo, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

 

 

Giữa hiu hiu cơn rét cuối năm, tâm trí tôi thường bềnh bồng quay về gian bếp ấm của má. Giờ này má đang lụi hụi, tỉ mẩn cạo vỏ từng củ một đến hết mớ gừng Huế đã ngâm. Từng củ gừng Huế tỏa hơi ấm nóng nằm gọn trong lòng bàn tay của má. Tháng tháng ngày ngày, chiếc bàn bào củ gừng thành từng lát mỏng vẫn nằm im ỉm nơi chạn bếp thì nay lại có dịp được gặp lại cố nhân. Từng củ gừng Huế cứ thế mấy lượt đi về trên chiếc bàn bào được kê một đầu trên thanh tre cha đã vót cẩn thận còn màu xanh thân cây, một đầu kê trên thành miệng chiếc chậu nhôm để hứng những lát gừng rơi xuống. Má nói đó chính là sự khác biệt trong cách làm mứt gừng Huế để khi thưởng thức ta mới cảm nhận được tròn vị cay thơm, nồng ấm của củ gừng Huế.

Thời gian bện vào sợi tóc pha sương, từng ánh mắt hằn sâu vết chân chim, từng lời nói thì thào chậm rãi, cùng đôi tay thô ráp một đời tảo tần, những đường gân xanh hằn lên xót xa bao mùa sương gió của má như ướp thêm vào món mứt gừng Huế thứ gia vị của tình yêu thương, của tình mẫu tử bao la rộng lớn để rồi chị em tôi quay quắt nhớ về vị Tết với thức quà đậm vị quê hương xứ sở của má trong gian bếp ám đầy muội khói thuở nào…

Cũng giống như các bà, các dì miền Tây sông nước, má bảo bí quyết để có mẻ mứt gừng Huế thơm, cay nồng tròn vị là dùng đường mật mía sên đều tay lửa vừa trên bếp củi. Những thanh củi khô vẫn hừng hực than hồng nơi gian bếp ấm ngày Tết của má, và khi từng sợi khói bếp bay lên hòa quyện mùi hương vị Tết, mùi cay nồng của những thớ gừng Huế, mùi hương đằm sâu thuộc về ký ức đã và sẽ luôn in đậm trong tâm trí chị em tôi, và củi lửa trong lò lục bục tiếng nhớ, tiếng thương.

Trên ngọn lửa hồng nhảy múa reo vui, mẻ mứt gừng Huế của má hơi khói loang nghi ngút. Với màu vàng bắt mắt, đậm đà mùi vị đặc trưng thơm cay, nồng ấm của củ gừng Huế cuống quýt toả lan cũng là lúc mẻ mứt gừng Huế đã khô và được phủ đều lớp đường kết tinh, má nhấc chảo và bày ra mâm đem phơi dưới nắng hanh vàng tháng Chạp.

Ngẩng đầu lên nhìn trời se se xuân sớm, Tết bắt đầu đặt những dấu chân đầu tiên lên bậc cửa, nơi má đã ngồi sẵn, mòn mỏi chờ mong những đứa con mải mê cơm áo chữ nghĩa bôn ba nơi xứ người trở về nhà. Sớm mai, nghe tiếng gió bấc xốn xang thổi dọc miền tâm tưởng, nhìn ngoài trời sương giăng mây phủ, cả nhà lại quay quần cùng nhau thưởng thức món mứt gừng ngày Tết tròn vị yêu thương của má. Hương vị ấy là tín hiệu của mùa xuân, của sự đoàn viên sum họp và ngập tràn yêu thương.

Thi Hoàng Khiêm

Các bài viết khác

Xem thêm

Đón lộc đầu Xuân cùng đồng bào Dao Tiền

Sống ở những đỉnh núi mờ sương, mùa Xuân với đồng bào dân tộc Dao Tiền gắn với sắc hồng mong manh của hoa đào và những cành hoa mận trắng như tuyết. Tết cổ truyền, đồng bào dân tộc Dao Tiền một lòng hướng về đất trời, tổ tiên và đón những điều may mắn, hạnh phúc nhất.

Bí quyết ăn uống khỏe mạnh: Lời khuyên từ chuyên gia

Tết Nguyên Đán đã từ lâu trở thành dịp lễ truyền thống đặc biệt quan trọng với mỗi người Việt Nam, là thời điểm để mọi người quây quần bên gia đình, chia sẻ niềm vui, những dự định cho năm mới. Tuy nhiên, niềm vui ngày Tết sẽ không trọn vẹn nếu chúng ta không biết cách giữ gìn sức khỏe. Vậy thì, làm gì để có một cái Tết thật vui mà sức khỏe vẫn dồi dào?

Đừng để tục lì xì “biến tướng”, làm giảm ý nghĩa và nét đẹp trong dịp Tết

Mừng tuổi hay còn gọi là lì xì là phong tục tốt đẹp của người Việt Nam từ bao đời nay với ý nghĩa chúc cho một năm mới thật nhiều sức khỏe, tài lộc và may mắn. Nhưng mừng tuổi thế nào cho đúng, mừng bao nhiêu để không làm khó xử cả người tặng và người nhận vẫn là nỗi băn khoăn của không ít người.

Chè lam bánh bỏng: Thức quà quê đậm vị quà Tết

Chè lam, bánh bỏng thực ra không phải là thức quà quê mà trẻ con nông thôn xưa mong là có được. Chè lam, bánh bỏng chỉ làm vào dịp Tết Nguyên đán, nói là quà nhưng vào dịp Tết mới được thưởng thức, bởi vậy mà nhớ lâu, nhớ mãi thành ra một ấn tượng khó phai mờ trong trí não trẻ thơ!

Ngày Xuân luận bàn câu đối Tết

Câu đối Tết là phong tục đã có từ lâu đời, thường được sử dụng nhiều trong những ngày lễ Tết của người dân Việt Nam. Câu đối cũng là một phần không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến Xuân về đúng như đôi câu đối: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Thăm làng cổ Đường Lâm chiều cuối năm: Khám phá một miền cổ tích

Là một làng cổ lâu đời mang rất nhiều nét văn hóa đặc sắc, làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa với đình làng, cây đa, bến nước, chùa miếu... cùng không gian làng quê yên bình, cổ kính giúp nơi đây trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong hành trình về xứ Đoài mây trắng.

Những loại đồ uống tốt nhất cho người tập Gym

Gym là một trong những bộ môn được yêu thích hiện nay, nhất là đối với các bạn trẻ. Gym sẽ giúp cơ thể bạn tiêu hao nhiều năng lượng nhưng phải tập và có chế độ ăn uống khoa học thì vóc dáng mới trở nên săn chắc và hoàn thiện hơn. Tập gym nên uống nước gì để tốt cho cơ thể cũng là thắc mắc của nhiều người.

Đồ uống gắn liền với văn hóa, đời sống của người Việt

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, để sinh tồn và phát triển, loài người luôn luôn tìm cách đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu là ăn, uống, mặc, ở và đi lại. Câu hỏi muôn thuở đầu tiên để sinh sống đối với bất cứ dân tộc nào trên hành tinh này chính là: cần ăn gì và uống gì? Và thế là từ xa xưa, con người đã luôn luôn phải đi tìm thức ăn và thức uống.

Quảng cáo và mua tạp chí