Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó có đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo lộ trình với mặt hàng rượu, bia lên đến 100% vào năm 2030. Việc đề xuất tăng thuế TTĐB cao như vậy đã tạo ra “cú sốc” đối với các doanh nghiệp ngành đồ uống trong bối cảnh đang khó khăn chồng chất, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận giảm sâu. Theo ý kiến của các doanh nghiệp và các chuyên gia, Ban soạn thảo Dự thảo Luật nên xem xét tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế để có những chính sách phù hợp với thực tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn - nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
Với đề xuất tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn, theo Hiệp hội Bia - Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), đây là cú tăng “sốc” lớn nhất chưa từng có trong lịch sử tăng thuế TTĐB đối với ngành rượu bia, đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với các khó khăn chồng chất. VBA cũng bày tỏ mong muốn Ban soạn thảo tham khảo thêm các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là bài học từ các quốc gia láng giềng có điều kiện hoàn cảnh gần với Việt Nam như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan... để có chính sách thuế phù hợp.
Ví dụ từ Malaysia, đất nước này đã từng trải qua cú sốc thuế vào giai đoạn năm 2014 - 2015 khi quốc gia này liên tiếp tăng thuế TTĐB. Việc tăng thuế cao và đột ngột như ở Malaysia đã không hỗ trợ chính phủ Malaysia đạt được mục tiêu của họ, thay vào đó, đã tạo ra các hiệu ứng domino tiêu cực trên thị trường, làm mất nguồn thu của chính phủ, nhiều nhà máy phải đóng cửa, nhiều người bị mất việc làm.
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc với mặt hàng rượu, bia lên đến 100% vào năm 2030
Tại Thái Lan, mới đây, Chính phủ nước này cho biết sẽ xem xét gỡ bỏ lệnh cấm bán đồ uống có cồn trong khoảng thời gian 14-17h hàng ngày sau khi ngành kinh doanh nhà hàng phản ánh đang phải vật lộn với chi phí tăng cao, kinh tế suy thoái. Lệnh cấm có từ năm 1972 đã gây ra nhiều khó khăn cho những người kinh doanh nhà hàng vì khách nước ngoài thường xuyên hỏi tại sao họ không thể gọi đồ uống vào buổi chiều. Việc sửa đổi các dự luật kiểm soát rượu đang được thảo luận tại Quốc hội và Nội các Thái Lan (Cabinet) đã ban hành chỉ thị cho Bộ Y tế Công cộng của nước này về việc xem xét các biện pháp thúc đẩy du lịch trong các dự luật kiểm soát rượu nói trên. Cụ thể, Nội các Thái Lan đưa ra một loạt biện pháp tăng cường tiêu dùng liên quan đến du lịch thông qua các chính sách liên quan đến rượu, bao gồm: Sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như đơn giản hóa thuế đối với rượu vang; Sửa đổi thuế nhập khẩu theo hướng giảm thuế rượu vang xuống 0%; Giảm một nửa thuế giải trí.
Còn ở Trung Quốc, đất nước này đã có sự thay đổi đáng kể trong chính sách kiểm soát đồ uống có cồn. Đặc biệt là trong giai đoạn 1990-2019, tại quốc gia này, việc sử dụng đồ uống có cồn, một khía cạnh được chấp nhận rộng rãi trong văn hóa Trung Quốc trong nhiều thiên niên kỷ. Tiêu thụ đồ uống có cồn là một chuẩn mực văn hóa trong xã hội Trung Quốc hiện đại, đặc biệt là tại các sự kiện xã hội như lễ hội truyền thống, đám cưới và bữa tối kinh doanh v.v. Theo đó, thuế đồ uống có cồn từ lâu đã là nguồn thu quan trọng của chính phủ Trung Quốc. Năm 2017, khoảng 30 tỷ Nhân dân tệ Trung Quốc (khoảng 4,5 tỷ USD) thuế tiêu thụ đã được thu từ ngành công nghiệp rượu, khiến ngành này trở thành ngành đóng góp lớn thứ tư vào tổng doanh thu thuế tiêu dùng năm đó.
Hiện tại, thuế nhập khẩu đồ uống có cồn đã dần được cắt giảm tiến tới xóa bỏ theo lộ trình nhờ các hiệp định được ký kết kể từ khi Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các Hiệp định thương mại khác. Hiện tại, Trung Quốc áp dụng Thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức thấp từ 10% - 25% tùy loại. Bia đang chịu thuế RMB 220/tấn. Việc tiêu thụ rượu bất hợp pháp (rượu Bai jiu) chiếm khoảng 25%. Thực tế này cho thấy, chính sách thuế hợp lý vừa giúp ổn định nguồn thu ngân sách, vừa giảm đồ uống có cồn bất hợp pháp. Riêng tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đang xem xét miễn các loại thuế đối với đồ uống có cồn khi nhập khẩu. Theo một quan chức tỉnh này, trong tương lai, hàng hóa vào Hải Nam qua hải quan sẽ được miễn thuế hải quan, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt để thúc đẩy du lịch.
Cân nhắc để có chính sách thuế phù hợp
Theo văn bản của VBA gửi Bộ Tài chính mới đấy, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và sản phẩm bất hợp pháp, từ đó hàng lậu, hàng giả nhái kém chất lượng sẽ phổ biến, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu... Chưa kể, khi tăng thuế sẽ tạo bất lợi và hàng rào khoảng cách giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu, khi doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn về vốn, chi phí sản xuất lớn, thị trường thu hẹp.
Cũng theo VBA, bên cạnh giải pháp về thuế, cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, thực thi nghiêm chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chống thất thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tổng tổn thất tài chính từ khu vực phi chính thức vào khoảng 2.816 triệu USD. Trong đó, tổn thất tài chính từ việc sản xuất là 751 triệu USD, từ các hoạt động buôn lậu và sản xuất hàng giả, hàng nhái vào khoảng 2.015 triệu USD.
Văn bản của VBA cho rằng, việc đánh thuế cần tuân thủ nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất thì mới có cơ sở để nộp thuế. Việc tăng thuế cao quá mức sẽ tạo ra các cú sốc về thuế và điều này gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như thất thu thuế của Chính phủ, đóng cửa các nhà máy sản xuất và gia tăng thất nghiệp của lao động trong ngành.
Bên cạnh đó, việc đề xuất tăng thuế theo khuyến nghị của WHO mà chưa tính toán kỹ lưỡng tới các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam với một mục tiêu chung chung là “Bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, chưa có các báo cáo đánh giá hiệu quả của những lần tăng thuế trước đối với việc có đạt được các mục tiêu đề ra hay không, đề xuất mới có cơ sở khoa học như thế nào, đã có đầy đủ các báo cáo đánh giá tác động toàn diện (kinh tế - xã hội – ngân sách) hay chưa cũng đang gây nhiều băn khoăn, lo lắng và nhiều ý kiến phản biện trái chiều.
Nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Theo các chuyên gia, nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng. Thực hiện nguyên tắc này, nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp; nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng v.v Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, Nhà nước sẽ thất thu thuế. Do vậy, VBA kiến nghị Bộ Tài chính và Ban soạn thảo xem xét: Thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) từ năm 2027; Đối với sản phẩm rượu, bia xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, góp phần ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới.
Nga Nguyễn