Rượu không rõ nguồn gốc – Doanh nghiệp cần giải pháp vượt trở ngại

05/12/2023 - 03:44 PM
178 lượt xem
Cỡ chữ

Với 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam chưa được quản lý, không chỉ Nhà nước bị thất thu ngân sách, gây hại trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp rượu chân chính.

Hiểm họa khôn lường với sức khỏe

Ngay từ đầu năm 2023, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo về việc một số tỉnh, thành phố đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao, trong đó đã có nhiều ca tử vong.

Theo Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), gần như tháng nào nơi đây cũng tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc rượu Methanol. "Rượu thường dùng để uống có chứa Ethanol, còn Methanol còn gọi là cồn công nghiệp có nhiều công dụng như dung môi, làm sơn. Chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được sử dụng để làm rượu thực phẩm như ethanol, vì thế, nếu uống nhầm rượu chứa Methanol thì nguy cơ gây hại rất lớn!" – BS Nguyễn Trung Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Rượu không rõ nguồn gốc chiếm đến 63% lượng rượu tiêu thụ trên thị trường.

Mặc dù có nhiều lời cảnh báo về tác hại của tình trạng ngộ độc rượu đối với sức khỏe nhưng không ít người vẫn phớt lờ, tiếp tục lạm dụng và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để rồi rước họa vào thân. Các vụ ngộ độc rượu chủ yếu là rượu trắng có hàm lượng methanol cao. Ngoài ra còn có các tác nhân là rượu ngâm một số loại cây lá, con vật hoặc rượu ngâm cây rừng có tính độc. Khi say hoặc ngộ độc rượu, ngoài mất các giác quan và phản xạ, người say rượu còn dễ bị viêm phổi do lạnh hay sặc chất nôn... Trường hợp ngộ độc rượu quá nặng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính chung trong 12 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong. Tính chung từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra gần 70 vụ ngộ độc thực phẩm, gồm cả ngộ độc rượu, khiến 870 người mắc, trong đó có 14 người tử vong. Những con số này một lần nữa cảnh báo về mối nguy hại của ngộ độc rượu đối với sức khỏe và tính mạng con người.

Những bất cập trong quản lý rượu hiện nay

Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cả nước hiện có hơn 162 cơ sở sản xuất rượu có quy mô công nghiệp, so với bia, quy mô các cơ sở sản xuất rượu công nghiệp phần lớn là nhỏ. Sản lượng rượu sản xuất công nghiệp thấp, chỉ khoảng 75 triệu lít/năm.

Từ khi có chính sách mở cửa, tình trạng sản xuất rượu làng nghề đua nhau mở ra, việc quản lý sản xuất, chất lượng, thu nộp ngân sách gặp nhiều khó khăn. Theo Báo cáo về kinh doanh đồ uống có cồn bất hợp pháp của Liên minh các doanh nghiệp rượu quốc tế tại châu Á - Thái Bình Dương (APISWA), 63% lượng rượu tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý, tức là chỉ có hơn 30% thị trường đang nộp thuế. Những con số này cho thấy, không chỉ ngân sách Nhà nước bị thất thu, gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng, mà ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính.

Cũng theo VBA, một năm Việt Nam tiêu thụ trung bình trên 300 triệu lít rượu, trong số này chỉ có khoảng 15 - 20% là rượu của các cơ sở nhà máy sản xuất đảm bảo yêu cầu quy mô công nghiệp. Điều này thực sự gây ra rất nhiều hệ lụy, không chỉ là vấn đề đảm bảo ATTP mà còn là chuyện nhà nước thất thu quá nhiều thuế.

Ông Tống Nguyên Long - Phó Giám đốc Công ty CP Rượu và Nước giải khát Hà Nội cho biết: “Rượu là mặt hàng chịu mức thuế suất, thuế tiêu thụ đặc biệt cao, ví dụ như rượu trên 20 độ là 65%. Một chai rượu bán 100.000 đồng, chúng tôi nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho Nhà nước xấp xỉ 40.000 đồng. Thế nhưng, những loại rượu mà chúng ta không kiểm soát được thì không những ngân sách Nhà nước không thu được 40.000 đồng thuế, mà còn không kiểm soát được chất lượng”.

Ngoài ra, theo ông Long, mặc dù quy định của Việt Nam tương đối đầy đủ, thậm chí, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực phẩm nói chung và về rượu, bia nói riêng khá cao; nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự. Nhưng thực tế trong thời gian qua, các chế tài thực hiện chưa được nhiều. Điều này dẫn đến, thị trường rượu, đặc biệt vào các dịp lễ lớn hay chuẩn bị Tết Nguyên đán, tương đối phức tạp.

Rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ không chỉ được mua bán dễ dàng tại các cửa hàng tạp hóa, các nhà hàng, quán ăn, mà còn được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với “mác” rượu quê, rượu truyền thống. Nếu là rượu ngoại thì được gắn mác “hàng xách tay”... Thực trạng này khiến cho những doanh nghiệp sản xuất rượu chất lượng, nộp thuế đầy đủ thực sự gặp những khó khăn nhất định.

Bàn giải pháp tháo gỡ

Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), việc xử lý đối với những hành vi vi phạm trong việc SXKD rượu đang còn có một số bất cập, mặc dù đã có những văn bản pháp luật mới quy định một cách rất chặt chẽ và các hình phạt cũng đã đủ sức răn đe. Trong đó, khó nhất là kiểm soát sản xuất rượu thủ công.

Ông Lê cho rằng, sản xuất, buôn bán đồ uống có cồn bất hợp pháp tồn tại do lợi nhuận cao mang lại, cộng với thói quen mua hàng khá dễ tính của người tiêu dùng như mua hàng không lấy hóa đơn, chứng từ, không kiểm tra tem, nhãn,... Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát, công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng rượu, bia thủ công còn rất khó khăn do việc sản xuất rượu, bia thủ công đơn giản, được thực hiện chủ yếu tại các hộ gia đình nhất là khu vực nông thôn).

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Đức Lê đề xuất nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này. Trong đó, kiến nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn, đặc biệt là tại địa bàn biên giới thường xuyên kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, trong đó có sản phẩm rượu, bia. Tiếp đó, kiến nghị UBND các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sản xuất rượu thủ công; không sử dụng cồn công nghiệp, nguyên liệu không đảm bảo an toàn, không thuộc loại dùng cho thực phẩm để sản xuất rượu.

Cũng theo ông Lê, các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia trong nước cần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh đối với các sản phẩm rượu, bia của mình trên thị trường so với các sản phẩm tương tự của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo đảm tính minh bạch trong sản xuất, nhập khẩu đồ uống có cồn bảo vệ người tiêu dùng và tránh thất thu thuế.

Còn theo bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VBA, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quyết liệt và chặt chẽ hơn trong công tác kiểm tra, giám sát, nhằm kiểm soát tình hình sản xuất kinh doanh rượu trên thị trường, nhất là những dịp cao điểm như Lễ, Tết. Bởi trên thực tế, những sản phẩm rượu thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nồng độ methanol vượt ngưỡng cho phép, hoặc sản phẩm rượu nhập khẩu không đảm bảo chất lượng đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất kinh tế, ngân sách Nhà nước, đặc biệt ảnh hưởng đến những doanh nghiệp hoạt động chân chính.  

Nga Nguyễn

Các bài viết khác

Xem thêm

Tăng cường tái chế thủy tinh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam

Ngày 15/1/2024, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hoạt động tái chế thủy tinh tại Việt Nam” nhằm cải thiện công tác quản lý rác thủy tinh, đồng thời tìm ra các giải pháp thúc đẩy tái chế thủy tinh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”: Cần hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế

Chiều ngày 27/12, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”. Tham dự Tọa đàm có các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đại diện Đại sứ quán Anh, Pháp, Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cùng đại diện các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam...

Đừng để việc đo nồng độ cồn thành nỗi ám ánh cho người dân

Chưa bao giờ câu chuyện nồng độ cồn khi tham gia giao thông lại trở nên nóng bỏng như bây giờ.

Ngành Đồ uống Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Đi cùng với sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid - 19, sự khởi sắc trong kinh doanh du lịch, ngành thực phẩm đồ uống tại Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên cũng đối diện không ít khó khăn, thách thức trong hiện tại cũng như tương lai...

Rộng mở các tiềm năng để ngành Nước giải khát Việt Nam vượt khó

Với nền kinh tế đang tăng trưởng ở tốc độ cao trong khu vực (trung bình từ 6-8%/năm), khi thu nhập và đời sống của người dân được nâng cao, các loại đồ uống, trong đó có nước giải khát ngày càng được sử dụng rộng rãi. Đó là lý do khiến Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành nước giải khát

Ngành Bia Việt Nam không ngừng bứt phá vượt qua khó khăn

Ngành Đồ uống Việt Nam (bia, rượu, nước giải khát) là ngành kinh tế, kỹ thuật đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, ngành Bia Việt Nam với sự góp mặt của các thương hiệu nội địa như Bia Saigon, Bia Hà Nội và hàng loạt các hãng bia nổi tiếng thế giới như HEINEKEN, Carlsberg, AB Inbev…

Doanh nghiệp Đồ uống Việt Nam được vinh danh tại các bảng xếp hạng uy tín

Nhằm ghi nhận những cố gắng và thành quả đạt được của các doanh nghiệp, hàng năm, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện nhiều khảo sát đánh giá dựa trên các tiêu chí khác nhau. Trong đó, các doanh nghiệp Đồ uống Việt Nam vinh dự nằm trong nhiều bảng xếp hạng uy tín.

Đại biểu Quốc hội tranh luận về nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông

Chiều 24/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó, nội dung về nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhận được nhiều ý kiến góp ý và tranh luận từ các đại biểu.

Quảng cáo và mua tạp chí

Bình chọn trực tuyến

🔴 Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia cũng như các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này có nghĩa, khác với quy định trước đây là cứ có nồng độ cồn khi lái xe là bị phạt. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.