Tăng thuế TTĐB với đồ uống cần hướng tới khoan sức doanh nghiệp

05/09/2024 - 03:16 PM
67 lượt xem
Cỡ chữ

Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế, do đó các chuyên gia cho rằng mức tăng và lộ trình tăng thuế cần phù hợp, hướng tới mục tiêu nuôi dưỡng doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

 

Ảnh hưởng tới 24 ngành kinh tế

Chia sẻ tại Tọa đàm “Chính sách thuế hướng tới khoan sức doanh nghiệp” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức, ý kiến chuyên gia, hiệp hội đồng quan điểm cho rằng mục tiêu chính sách thuế không chỉ quan tâm đến điều tiết hành vi tiêu dùng mà còn phải để doanh nghiệp duy trì sản xuất hợp lý, khoan sức doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc tăng thuế TTĐB với rượu, bia là cần thiết, nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng đối với sản phẩm không có lợi cho sức khỏe nếu lạm dụng. Tuy vậy, “bất kỳ chính sách nào khi được ban hành cần được đánh giá toàn diện trên nhiều khía cạnh”, song với dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này, việc đánh giá tác động còn khá sơ sài, chưa nêu rõ được tác động thực sự của quy định đưa ra, bà Thảo nhìn nhận.

Minh chứng cho nhận định trên, bà Thảo dẫn kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, việc tăng thuế này có thể tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, Cơ quan soạn thảo vẫn chưa đưa ra được đánh giá tác động của việc tăng thuế tới các ngành kinh tế khác, bao gồm cả dịch vụ lưu trú, ăn uống… Do đó, cần có đánh giá toàn diện việc tăng thuế này vì không chỉ tác động tới ngành rượu, bia mà còn cả các ngành khác trong nền kinh tế, bà Thảo nhấn mạnh.

Mặt khác, theo bà Thảo, các nhà đầu tư khi lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực nào đó tại Việt Nam, họ thường có tầm nhìn dài hạn, lên tới vài chục năm. Vì thế, nếu chính sách thay đổi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp trong ngành hàng đó, mà còn khiến nhà đầu tư trong ngành hàng khác sẽ nhìn vào và lo ngại về rủi ro chính sách. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của nền kinh tế. Vì thế, việc đánh giá tác động toàn diện để đưa ra chính sách hợp lý còn nhằm củng cố tâm lý, niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Chia sẻ với ý kiến trên, chuyên gia Phan Đức Hiếu cho rằng, nhìn tổng thể, việc tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và theo xu hướng chung. Việc đánh thuế theo phương pháp thuế tương đối cũng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA)

Thấu hiểu và chia sẻ với mục tiêu sửa đổi Luật Thuế TTĐB là để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, giúp gia tăng nguồn lực cho phát triển kinh tế, song bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) lo ngại, điều này có thể làm gia tăng khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành, vốn đã phải vật lộn qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Trên thực tế, các nhà máy sản xuất bia, rượu được phân bố ở hầu khắp cả nước, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước với khoảng 60.000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, ngành còn tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp trong các nhà máy cũng như trong các chuỗi ngành hàng có liên quan (logistics, dịch vụ…).

“Hiện, nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn đã phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô, thay đổi cấu trúc để thích ứng với điều kiện hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc đánh thuế lên tới 100% đến năm 2030 là một mức thuế suất rất lớn, doanh nghiệp rất bất ngờ và chưa đánh giá hết tác động của đề xuất này”, bà Vân Anh thông tin.

Trong bối cảnh đó, cơ quan soạn thảo, cùng với hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia, tổ chức như CIEM có nghiên cứu để đánh giá tác động định lượng khi điều chỉnh tăng thuế này, không chỉ với đối tượng trực tiếp mà cả các đối tượng gián tiếp.

Mục tiêu tăng thuế nhằm hạn chế tiêu dùng là chưa đủ

Một trong những mục tiêu tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia cao như đề xuất của cơ quan soạn thảo là nhằm hạn chế tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần hết sức cân nhắc mục tiêu này.

“Chúng ta luôn có giả định là thuế tăng thì giá tăng, dẫn đến cầu tiêu dùng giảm. Song, nó còn hệ lụy tới các ngành trong chuỗi liên ngành. Việc đánh giá tác động ở đây không chỉ với doanh nghiệp, người tiêu dùng mà cả các ngành liên quan khác, nên cần phải nhìn nhận toàn diện”, bà Thảo cho biết.

Cũng theo bà Thảo, nếu tăng thuế quá cao, dẫn đến mức giá tăng lên trên mức kỳ vọng của người tiêu dùng thì có thể dẫn đến hàng nhập lậu, hoặc sản xuất không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Như vậy, mục tiêu bảo vệ sức khỏe khi tăng thuế có nguy cơ không đạt.

“Để bảo đảm thị trường công bằng, minh bạch, các cơ quan liên quan cần ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn với mặt hàng đó, mới tránh được hàng giả, hàng kém chất lượng. Chỉ khi xây dựng được quy chuẩn, tiêu chuẩn và áp dụng thống nhất mới tạo ra động lực cạnh tranh công bằng”, TS. Nguyễn Minh Thảo nói.

Dẫn kết quả khảo sát tại các địa phương, bà Chu Thị Vân Anh cho biết, với sản phẩm rượu tự nấu, không đăng ký với cơ quan quản lý thì giá rượu chỉ 40.000 đồng/lít, trong khi sản phẩm rượu tự nấu nhưng có đăng ký với cơ quan quản lý, sử dụng các trang thiết bị đạt chuẩn để sản xuất rượu thì giá tăng lên 45.000 đồng/lít; đa số người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn rượu giá 40.000 đồng/lít.

Rõ ràng, giá có tác động lớn tới hành vi của người tiêu dùng. Song, nếu tăng thuế cao thì chi phí sản phẩm chính thống sẽ tăng ở mức cao, đẩy khoảng cách chênh lệch với sản phẩm rượu không được kiểm soát càng thêm lớn. Điều này có thể tạo cho thị trường rượu lậu phát triển hơn, giảm thị trường của sản phẩm chính thống, tạo sự không công bằng trong cạnh tranh, bà Vân Anh lo ngại.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế

Chia sẻ với các ý kiến trên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần đánh giá toàn diện hơn, không phải là tăng thuế thì tăng giá bán, giúp hạn chế tiêu dùng là đạt mục tiêu. Đặc biệt, phải tính đến ảnh hưởng tới các ngành khác, vì rượu, bia là ngành có tính lan tỏa.

“Cần thống nhất quan điểm rằng đánh thuế để hạn chế tiêu dùng dẫn đến hạn chế sản xuất, chứ không phải là dừng và đóng cửa sản xuất. Sản xuất có thể bị thu hẹp, song phải ở phạm vi vẫn có thể tăng trưởng chứ không phải là bị dừng hoàn toàn, bị đào thải, đảm bảo công bằng, hài hòa”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Nên áp dụng lộ trình từ năm 2027

Nhấn mạnh tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia là cần thiết, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, “vấn đề khó nhất là đánh thuế như nào? Cao nhất là bao nhiêu và lộ trình từ năm nào?”.

Theo ông, sản phẩm bia và rượu khác nhau nên kịch bản đánh thuế cần khác nhau. Mẫu số chung là phải đặt mục tiêu doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hợp lý.

Trên cơ sở đó, ông Hiếu đề nghị, Cơ quan soạn thảo nên cân nhắc lộ trình đánh thuế theo hướng kéo giãn hơn so với đề xuất như dự thảo Luật. Đó là nên bắt đầu từ sau năm 2026, để doanh nghiệp có thời gian thay đổi, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng với chính sách thuế mới.

Về mức thuế, cần tính toán hết sức cẩn thận. Đối với ngành bia, tính hiệu quả của việc tăng thuế là khó rõ ràng, vì khi bia tăng giá, những người uống bia ít có khả năng chuyển sang uống rượu. Do đó, bia tăng giá có thể khiến họ uống ít hơn. Yếu tố bia kém chất lượng cũng không phải là vấn đề lớn với thị trường bia.

Theo ông Hiếu, với thị trường bia, chỉ nên cân nhắc lộ trình tăng thuế (từ năm 2027) và mức tăng không quá đột ngột dẫn đến người ta ngừng uống. Bởi nếu doanh nghiệp ngừng bán bia sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, công ăn việc làm. Riêng với bia 0 độ, không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tương tự, với thị trường rượu, cũng cần cân nhắc giãn lộ trình bắt đầu tăng thuế từ 2027, thay vì từ 2026. Về mức độ đánh thuế, ông Hiếu đề nghị cần cân nhắc hai vấn đề.

Một là, hiện thị trường rượu thủ công rất lớn, chưa kể nhóm rượu phi chính thức. Nếu mức thuế tăng quá cao khiến chi phí tăng quá lớn, người uống rượu sẽ tìm sang sản phẩm rượu thủ công, trong khi quản lý sản phẩm này còn hạn chế, khó bảo đảm yêu cầu chất lượng. Như vậy, tính hiệu quả của chính sách thuế là giảm uống rượu sẽ không đạt được, thậm chí còn khiến rượu chính thức gặp bất lợi hơn so với rượu thủ công, rượu phi chính thức.

Hai là, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ vì sao phân chia rượu trên 20 độ và dưới 20 độ để áp thuế khác nhau. Bởi nếu không cẩn thận, rượu mạnh có thể được uống ít hơn, song lại dẫn đến sử dụng rượu thấp độ gia tăng. “Khi một chính sách đưa ra không nên tạo thuận lợi cho nhóm đối tượng này hơn nhóm đối tượng khác, mà cần bảo đảm công bằng. Vì thế, việc phân định độ cồn trong rượu cần tính toán kỹ để bảo đảm sự công bằng”, ông Phan Đức Hiếu đề nghị.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Chu Thị Vân Anh đề xuất, việc tiếp cận chính sách tiên tiến của thế giới để tham khảo là cần thiết, song cần đánh giá bối cảnh thực tiễn của Việt Nam để đề ra lộ trình và mức thuế cho phù hợp. “Chúng tôi mong lộ trình áp dụng từ năm 2027, và tăng ở mức tối đa là 80% đến năm 2030, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn khó khăn”, bà Vân Anh mong muốn.

Để có cơ sở khoa học cho việc tăng thuế lần này, các đại biểu kiến nghị, ngành hàng cùng các bên liên quan cần đánh giá xem sức chống chịu của doanh nghiệp ở mức độ nào sẽ bị thu hẹp sản xuất nhưng vẫn tạo việc làm và tăng trưởng cho nền kinh tế; ở mức độ nào doanh nghiệp sẽ quá sức chịu đựng, có thể ngừng hoạt động và phá sản; từ đó làm cơ sở tính toán mức tăng cũng như lộ trình tăng cho phù hợp.

Kim Anh

Các bài viết khác

Xem thêm

Đoàn từ thiện ngành Đồ uống tặng 50 triệu đồng và 650 thùng nước uống cho người dân bị sạt lở đất, ngập lụt ở Yên Bái

Sáng 16/9, Đoàn công tác từ thiện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Tạp chí Đồ uống Việt Nam, Công đoàn VBA với sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đã chia sẻ khó khăn với đồng bào bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Nước giải khát kém chất lượng: Nỗi lo của người tiêu dùng

Thị trường nước giải khát hiện nay vô cùng đa dạng về mẫu mã cũng như nguồn gốc nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm chính hãng, tình trạng nước giải khát nhái thương hiệu, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường đang ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi, sức khỏe người sử dụng.

Đoàn công tác từ thiện VBA và Tạp chí Đồ uống Việt Nam trao quà cho người dân ngập lụt ở Văn Giang, Hưng Yên

Sáng 14-9, chuyến công tác từ thiện đợt 2 của Chương trình "Ngành Đồ uống Việt Nam chia sẻ khó khăn cùng đồng bào vùng lũ" do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) và Tạp chí Đồ uống Việt Nam phát động đã được thực hiện tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Chương trình có sự đồng hành của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam.

Ngành Đồ uống Việt Nam chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở Sóc Sơn, Hà Nội

Sáng 13/9, Lãnh đạo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), Tạp chí Đồ uống Việt Nam và Công đoàn VBA đã tới thăm và trao quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội)

VBA kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ

Sáng 11/9, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), Tạp chí Đồ uống Việt Nam và ngành Đồ uống Việt Nam phát động và thực hiện Chương trình "Ngành Đồ uống Việt Nam chia sẻ khó khăn cùng đồng bào vùng lũ"

Nhiều thương hiệu lớn tham gia PRO Việt Nam cam kết xây dựng Việt Nam xanh

Mới đây, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tổ chức buổi lễ ký kết và thông báo các thành viên mới trong năm 2024. Có 8 doanh nghiệp lớn thuộc nhiều ngành nghề (trong đó có các doanh nghiệp ngành Đồ uống) đã gia nhập vào PRO Việt Nam, nâng tổng số thành viên của PRO Việt Nam lên 30

Vị trí, vai trò của ngành Đồ uống Việt Nam và những khó khăn, thách thức

Ngành Đồ uống Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bên cạnh đó ngành cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố trong nước và quốc tế.

Người tiêu dùng nói gì về đề xuất tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia?

Nhiều ý kiến lo ngại rằng khi tăng thuế suất Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) quá cao đối với rượu, bia không những không đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng những sản phẩm có hại tới sức khỏe người dân mà còn có nguy cơ gia tăng sử dụng các sản phẩm rượu, bia không chính thống, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu…

Lãnh đạo Tạp chí Đồ uống Việt Nam tới thăm và làm việc với Vinabeco

Mới đây, Đoàn công tác Tạp chí Đồ uống Việt Nam đã tới thăm và làm việc tại trụ sở Công ty CP Công nghệ Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (Vinabeco) ở khu đô thị mới Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng cáo và mua tạp chí