Sáng 30/9, tại Hà Nội, Tạp chí Đồ uống Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam” đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Ẩm thực, đồ uống với đời sống, văn hóa của người Việt" nhằm chia sẻ thông tin về nét đẹp văn hóa, ứng xử văn minh trong ăn uống, đời sống, từ đó giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, vì sự phát triển bền vững.
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, thơ ca, ngôn ngữ và đồ uống
Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, thơ ca, ngôn ngữ và đồ uống, PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA); PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Nguyên Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết; PGS.TS Phạm Văn Tình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học, Nhà nghiên cứu Văn hóa, Ngôn ngữ học...
Phát biểu tại Tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Văn Chương - Phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam cho biết: “Từ xưa đến nay, ẩm thực và đồ uống luôn song hành trong đời sống cũng như trong văn hóa của người Việt. Việc giữ gìn nét đẹp văn hóa đó không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, hiệp hội ngành nghề liên quan mà còn đối với mỗi người tiêu dùng, nhất là việc sử dụng ẩm thực, đồ uống sao cho khoa học, đảm bảo sức khỏe, ứng xử có văn hóa, văn minh trong việc thưởng thức ẩm thực, đồ uống. Đặc biệt là đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, đã uống rượu, bia thì không lái xe... Tọa đàm được tổ chức nhằm chia sẻ ý kiến khách quan, công tâm nhất của các chuyên gia, nhà thơ, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, hiệp hội ngành nghề về lĩnh vực ẩm thực, đồ uống với đời sống, văn hóa của người Việt...”.
Trong văn hóa của người Á Đông, thơ ca và ẩm thực gắn liền với nhau, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Việt và đi liền với thú vui tao nhã của các nhà thơ, nhà văn, nho sĩ. Đây chính là lý do vì sao, theo thời gian, các bài thơ, các câu ca về ẩm thực (gồm cả đồ ăn, thức uống) cứ ngày một nhiều thêm, trở thành đề tài quen thuộc trong những cuộc luận bàn và Tọa đàm với chủ đề "Ẩm thực, đồ uống với đời sống, văn hóa của người Việt" chính là sự tiếp nối ấy.
Chủ đề của buổi Tọa đàm được các đại biểu khách mời đánh giá là khá thú vị và rất thực tế. Việc sử dụng ẩm thực, đồ uống là nhu cầu tất yếu của cuộc sống, và đó là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi sôi nổi, chia sẻ một cách khách quan, công tâm nhất với mong muốn duy trì nét đẹp văn hóa trong thưởng thức ẩm thực, đồ uống, xây dựng và thực hiện văn hóa uống thật sự chuẩn mực, văn minh, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi theo hướng tích cực, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông...
Tọa đàm với chủ đề "Ẩm thực, đồ uống với đời sống, văn hóa của người Việt" được các đại biểu khách mời đánh giá là khá thú vị và rất thực tế
Các chuyên gia đã chia sẻ về lịch sử, văn hóa đồ uống (bao gồm bia, rượu) cũng như những giá trị văn hóa mà đồ uống song hành với ẩm thực mang lại cho đời sống của người Việt xưa và nay. Để tồn tại và phát triển, con người cần đáp ứng nhu cầu ăn, uống, mặc, ở và đi lại. Ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú, đồ uống cũng rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và du khách bốn phương.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi đánh giá, nhìn nhận về lĩnh vực đồ uống chúng ta cần có góc nhìn công tâm, khách quan, thấy được cả mặt tích cực và tiêu cực, thấy được giá trị văn hóa và giá trị thực tế của ẩm thực, đồ uống, cái gì quá cũng không tốt, bản thân sản phẩm không có tội mà cái chính là nhận thức, hành vi của người sử dụng sản phẩm như thế nào? Hãy trả lại giá trị thực của bia, rượu trong văn hóa là thưởng thức, chứ không phải là uống lấy được, không phải là uống cho người khác vui lòng... Mỗi người cần nâng cao nhận thức và bản lĩnh của mình, ứng xử văn minh trong thực hành văn hóa ẩm thực.
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ hay các tác phẩm thơ ca xưa và nay đều có nói đến ẩm thực, đồ uống, qua đó cho thấy ông cha ta rất tinh tế trong ứng xử khi thực hành văn hóa ẩm thực. Những câu ca dao, tục ngữ, áng thơ văn đó không chỉ có giá trị văn hóa tinh thần mà còn có tính giáo dục, nhắc nhở mỗi chúng ta ứng xử đẹp, có văn hóa trong ăn uống cũng như trong đời sống hàng ngày.
Thực tế, từ khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đi vào cuộc sống, việc sử dụng đồ uống có cồn cũng dần chuẩn mực hơn, hầu như không còn cảnh nài ép nhau uống, chấp hành quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” ngày càng tốt hơn, đặc biệt là người sử dụng đồ uống có cồn giảm hơn nhiều so với trước, số lần uống trong tuần cũng giảm. Mức tiêu thụ đồ uống có cồn/đầu người ở nước ta thuộc mức trung bình so với các nước trên thế giới, không phải là quá cao như một số thông tin chia sẻ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, ở nước ta mức tiêu thụ bia bình quân theo đầu người là 40 lít bia/người/năm; mức tiêu thụ rượu khoảng 6 lít rượu tinh khiết/người/năm, đứng thứ 94/194 nước.
Về lâu dài, ngoài việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, sử dụng một cách điều độ, không lạm dụng thì các yếu tố khác như cơ sở vật chất, dịch vụ giao thông cũng cần được quan tâm để người tiêu dùng thực thi tốt các quy định về nồng độ cồn... Chi phí tham gia các phương tiện giao thông cần ở mức phù hợp, tránh vượt quá khả năng tài chính của nhiều người...
Chi tiết ý kiến các chuyên gia tại buổi Tọa đàm, chúng tôi sẽ đăng tải trên Tạp chí Đồ uống Việt Nam xuất bản trung tuần tháng 11 tới, kính mời quý độc giả đón đọc.
Kim Anh