"Tối uống tí rượu, sáng hôm sau bị phạt nồng độ cồn thì không thực tế"

13/11/2023 - 01:49 PM
258 lượt xem
Cỡ chữ

Nhiều đại biểu cho rằng việc luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là không hợp lý.

 

Sáng 10.11, sau khi nghe tờ trình 2 dự án luật Đường bộ và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (được tách ra từ luật Giao thông đường bộ 2008), Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về 2 dự án luật này. Góp ý tại tổ, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nêu băn khoăn khi dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định cấm người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) Ảnh: GIA HÂN

 

Ông Thắng cho rằng, quy định này rất cần thiết để hạn chế tai nạn giao thông vốn đang phức tạp hiện nay. "Tuy nhiên, có thể nghiên cứu mức độ sao cho phù hợp với từng loại phương tiện để phù hợp với thực tiễn", đại biểu đoàn Hưng Yên nêu.

 

Cùng quan điểm này, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng), đại biểu Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, cũng cho rằng nên quy định cụ thể từng loại phương tiện chứ không quy định chung chung.

 

"Nếu nói thế này thì tất cả các phương tiện thô sơ như xích lô, xe kéo cũng có thể vi phạm. Chúng ta nên soạn cái khung cho luật khi triển khai thì khả thi, người ta đi xe đạp uống vô tí rượu cũng bị phạt thì việc triển khai luật sẽ phức tạp", đại biểu đoàn Thừa Thiên - Huế nêu quan điểm.

 

Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cũng băn khoăn về việc cấm tuyệt đối trong máu có nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ông Hiệp thừa nhận, khi vừa uống rượu, bia mà tham gia giao thông thì phải phạt. "Tuy nhiên, buổi tối người dân uống rượu sáng hôm sau người ta đi làm, trong máu có nồng độ cồn bị phạt thì cũng băn khoăn. Hoặc người ta đi uống buổi trưa, buổi tối đêm đi xe lại bị phạt vì trong máu vẫn còn nồng độ cồn", ông Hiệp nói.

"Cái đấy là không thực tế"

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) băn khoăn không biết khi quy định cấm người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trong máu có nồng độ cồn thì có tham khảo kinh nghiệm quốc tế không vì quy định như vậy không thực tế.

 

Ông Huân dẫn ví dụ ở Phần Lan, nếu uống 1 chai bia trong vòng 1 tiếng thì đảm bảo chất kích thích không còn đủ tác động và có thể điều khiển được xe. Trường hợp uống 2 chai bia thì sau 3 tiếng có thể điều khiển được xe.

 

"Còn ở ta thì cấm tuyệt đối. Thí dụ tối qua chúng ta liên hoan thì sáng nay nồng độ vẫn còn và vi phạm. Cái đấy là không thực tế. Tối qua uống một chút, sáng nay họp vẫn tỉnh táo, vẫn phát biểu có làm sao đâu", ông Huân nêu.

Đại biểu Phạm Như Hiệp (đoàn Thừa Thiên - Huế) Ảnh: GIA HÂN

 

Cạnh đó, theo đại biểu Huân, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp rượu bia, ảnh hưởng thu nhập của khu vực lao động phi chính thức. "Bây giờ cấm chặt quá thì ảnh hưởng đến họ", ông Huân nói.

 

Từ đó, đại biểu này nêu quan điểm có thể áp dụng kinh nghiệm của Phần Lan như nêu trên; đồng thời phải quy định nồng độ cồn ở mức nào thì không được lái xe chứ "không nên cấm tuyệt đối là không có nồng độ cồn".

 

"Ta đưa nội dung cấm nồng độ cồn trước cả điều cấm về chất ma túy. Tức là ta cảnh giác với cồn ghê quá, cấm chất ma túy đưa sau, đưa cấm nồng độ cồn lên đầu tiên. Không biết mình có bị khiên cưỡng quá không", đại biểu đoàn Bình Dương nêu quan điểm.

 

Điều 8 dự thảo luật quy định 28 nhóm hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, bao gồm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn. Lý do, quy định như vậy quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

 

Nhóm ý kiến này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với quy định của bộ luật Hình sự.

 

Ngược lại, một số ý kiến thì nhất trí với quy định cấm tuyệt đối như dự thảo, vì cho rằng nội dung này đã được quy định tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.

Theo: Thanhnien.vn

Các bài viết khác

Xem thêm

Báo động tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol, rượu không rõ nguồn gốc

Bộ Y tế vừa đề nghị Sở Y tế Thái Nguyên và Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác.

Môi trường chính sách thuế tại Việt Nam: Thực trạng và kinh nghiệm quốc tế

Sáng 24/7, Hội đồng doanh nghiệp châu Âu - ASEAN đã tổ chức Tọa đàm “Môi trường chính sách thuế tại Việt Nam: Thực trạng và kinh nghiệm quốc tế”. Tọa đàm với mục tiêu ghi nhận nhiều ý kiến góp ý vào tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống thuế tại Việt Nam đảm bảo tính công bằng, hài hòa và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đắk Lắk cần có thêm nhiều "đầu tàu"

Thời gian qua, Đắk Lắk đã rất nỗ lực trong việc cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế và cân nhắc việc áp thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, trái lại còn mang đến những tác động tiêu cực tới nền kinh tế, gây ra những hệ lụy không mong muốn với các ngành có liên quan.

Cần tính toán kỹ các yếu tố tác động của dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) tới những bên liên quan

Sáng 11/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) (TTĐB). Hội thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia tài chính, chuyên gia dinh dưỡng, Hiệp hội và các doanh nghiệp.

Nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có chính sách thuế phù hợp với thực tế

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó có đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo lộ trình với mặt hàng rượu, bia lên đến 100% vào năm 2030

Doanh nghiệp Đồ uống “khó chồng khó”, người lao động đối diện nguy cơ mất việc làm

Trong mấy năm gần đây, ngành bia đã và đang phải đối mặt với các khó khăn chồng chất nay lại thêm đề xuất tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với rượu bia, theo lộ trình sẽ lên mức 100% vào năm 2030 gây nên “cú sốc” lớn cho các doanh nghiệp

Để ổn định sản xuất, phục hồi kinh tế, cần tránh những “cú sốc” đối với doanh nghiệp

Thông tin Heineken tạm dừng sản xuất nhà máy tại Quảng Nam do lượng tiêu thụ sụt giảm sau Covid-19 và triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn đã làm nóng dư luận những ngày qua. Điều này có thể cho thấy sức chống chịu của ngành bia đã vượt quá giới hạn sau thời gian dài liên tục phải đối diện với hàng loạt khó khăn.

Cần có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp làm ăn chân chính không tiếp tục “tụt dốc”

Trong đời sống văn hóa ẩm thực của người Việt Nam luôn song hành 2 yếu tố quan trọng làm nên nét văn hóa ẩm thực của người Việt, đó là món ăn và thức uống

Quảng cáo và mua tạp chí