‘Uống có văn hóa’ giúp đẩy lùi tai nạn giao thông

20/03/2015 - 10:42 AM
435 lượt xem
Cỡ chữ

Ông Khuất Việt Hùng chia sẻ hãy nhân rộng mô hình kinh doanh uống có văn hóa và an toàn giao thông.

Chia sẻ về vấn đề kiểm soát việc lạm dụng rượu bia tham gia giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mong muốn các doanh nghiệp (DN) sản xuất rượu, bia tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào chương trình phòng chống tác hại rượu, bia để kéo giảm bền vững tai nạn giao thông.

Chiến dịch thay đổi hành vi

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Trung tâm Quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP) vừa tổ chức Hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình Hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam (2010-2014). Chương trình này được cụ thể hóa bằng dự án “Sáng kiến cải thiện tình trạng sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện” tại Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng.

Người dân đã khá quen với việc lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn khi người điều khiển ô tô vẫn ngồi trong xe.

Xuất phát từ dự án này, từ năm 2010 đến nay, ở các địa phương trên, người dân đã được tiếp cận với các chiến dịch truyền thông lớn về chống lạm dụng bia, rượu trước khi tham gia giao thông. Thông qua những chiến dịch cổ động rộng rãi trên đường phố, qua đài báo địa phương hoặc trong mỗi cơ quan, hay chiến dịch phát từng bản cam kết không giao xe cho người có biểu hiện sử dụng bia rượu, tuyên truyền trên loa truyền thanh…

“Hiệp hội rất ủng hộ chương trình phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn, tán thành đưa thành hình phạt cao nhất đối với hành vi điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu, bia”.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tổng Thư ký Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam.

Cũng thông qua Chương trình này, người dân và người tham gia giao thông đã dần quen với hình ảnh kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh theo chuẩn quốc tế. Người lái xe ôtô chỉ cần hạ kính xuống để thử nhanh, chứ không cần xuống xe, xuất trình giấy tờ rồi mới kiểm tra nồng độ cồn như trước.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, mô hình kiểm tra nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế đã mang lại hiệu quả thực tế rất cao.

“Trước kia khi cảnh sát giao thông nghi ngờ lái xe sử dụng rượu, bia buộc phải dừng xe kiểm tra, mất thời gian. Nhưng giờ xử lý sàng lọc trước, không có vi phạm thì cho đi, không gây cản trở cho người tham gia giao thông. Như vậy giúp cho việc kiểm tra, xử lý nhanh hơn, chính xác hơn”, Đại tá Dánh nói.

TS Lưu Bích Ngọc, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, kết quả điều tra cuối kỳ cho thấy, tỷ lệ người dân tiếp nhận truyền thông về vấn đề sử dụng bia, rượu đã tăng lên thêm 20 -30% so với đầu kỳ.

Hơn 90% người được hỏi đồng thuận với việc cảnh sát giao thông cưỡng chế, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Quan trọng nhất là tỷ lệ người (do người dân tự khai báo) tự mình giảm hành vi uống rượu, bia trước khi đi lái xe tăng thêm 10% so với giữa kỳ.

Hiệp hội bia, rượu cần vào cuộc mạnh mẽ hơn

Theo ông Khuất Việt Hùng, dự án đã góp phần quan trọng hình thành nên quy trình tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông và là bài học cụ thể để các địa phương thực hiện phòng chống nguy cơ vi phạm và tai nạn giao thông từ bia, rượu. 

Tuy nhiên, theo ông Brett Bivans, Phó Chủ tịch Liên minh Quốc tế về Uống có trách nhiệm (IARD)/ICAP toàn cầu: Dự án đã kết thúc nhưng có nhiều việc cần triển khai thực hiện, trong đó cần tập trung cao vào đối tượng thanh thiếu niên, vì đây là nhóm thường có hành động quá khích, có rủi ro, nguy cơ cao, không hợp tác với cảnh sát giao thông. Muốn hiệu quả cũng cần thay đổi công tác cưỡng chế, cần xây dựng luật phòng chống đồ uống có cồn khi tham gia giao thông… .

Còn ông Võ Minh Đức, Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Nghệ An đề xuất cần luật hóa vấn đề nơi bán, người mua, để không xảy ra tình trạng ngay cả học sinh cũng mua được, dẫn đến lạm dụng rượu, bia.

Cũng đánh giá vai trò quan trọng của nhà sản xuất, ông Hùng cho rằng, nhà sản xuất cần thể hiện trách nhiệm hơn nữa để cùng xã hội đẩy lùi tai nạn giao thông do lạm dụng rượu, bia.

Ông Hùng thẳng thắn: “Chúng ta có nhiều khẩu hiệu tuyên truyền, nhưng rất mong có khẩu hiệu là “hành động cụ thể”. Mong các DN sản xuất rượu, bia tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào chương trình phòng chống tác hại rượu, bia. Các nhà sản xuất hãy nhân rộng mô hình kinh doanh uống văn hóa và an toàn giao thông. Doanh nghiệp hãy ủng hộ, trang bị thiết bị đo nồng độ cồn cho cảnh sát giao thông”.

Theo Huy Lộc / Giao thông vận tải

Các bài viết khác

Xem thêm

Tài xế uống 4 lon bia: “CSGT phạt 7 triệu đồng tôi lấy gì đóng”

Sau khi bị Đội CSGT Tân Sơn Nhất kiểm tra có nồng độ cồn kịch khung, nam tài xế không hợp tác với lực lượng chức năng mà liên tục gọi điện thoại nhờ người can thiệp bỏ qua lỗi vi phạm.

Uống có văn hóa, văn minh trong dịp nghỉ Lễ

Năm nay, dịp lễ Quốc khánh 2-9 được nghỉ 4 ngày liền nên hầu như ai đi làm ăn, công tác xa cũng về quê để nghỉ ngơi, gặp mặt gia đình, bạn bè. Nhiều người cảm nhận dịp nghỉ lễ năm nay như thế nghỉ Tết Nguyên đán vì có nhiều thời gian thăm hỏi nội, ngoại, cùng nhau làm cỗ cúng ông bà, tổ tiên.

Văn hóa uống trong thành ngữ, tục ngữ thơ ca

Ở Việt Nam và thế giới, rượu bia là thứ đồ uống không thể thiếu trong các dịp vui như lễ tết, cưới xin, mừng thọ, mừng nhà mới...

Lịch sử của rượu

Từ rất lâu, đồ uống chứa cồn đã gắn liền với lịch sử phát triển của con người. Nhiều nhà khảo cổ tin rằng, rượu vang được làm từ nho đã ra đời cách đây hơn 10000 năm và những đồ uống khác như bia, rượu mật ong thậm chí còn xuất hiện sớm hơn

Quảng cáo và mua tạp chí

Bình chọn trực tuyến

🔴 Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia cũng như các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này có nghĩa, khác với quy định trước đây là cứ có nồng độ cồn khi lái xe là bị phạt. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.