Vietnam Report công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm – Đồ uống năm 2020

25/09/2020 - 04:00 PM
366 lượt xem
Cỡ chữ
Ngày 23 - 9 - 2020, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm – Đồ uống năm 2020 .
Danh sách này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan: người tiêu dùng, chuyên gia… được thực hiện trong tháng 8/2020.
 
Danh sách xếp hạng được phân chia thành các nhóm ngành: Nhóm ngành Sữa và các sản phẩm từ Sữa, nhóm ngành Đường, bánh kẹo và thực phẩm dinh dưỡng khác; nhóm ngành Thực phẩm đóng gói, gia vị, dầu ăn; nhóm ngành Thực phẩm tươi sống, đông lạnh; nhóm ngành Đồ uống có cồn và nhóm ngành Đồ uống không cồn.
Cụ thể, với bảng xếp hạng của nhóm ngành Sữa và các sản phẩm từ Sữa, Công ty CP Sữa Việt Nam đứng đầu danh sách công ty uy tín năm 2020, kế tiếp là Công ty CP Sữa TH và công ty Frieslandcampina Việt Nam...
Với nhóm ngành: Đường, bánh kẹo và thực phẩm dinh dưỡng khác, vị trí đầu thuộc về Công ty TNHH Nestlé Việt Nam.
Ở nhóm ngành: Thực phẩm đóng gói, gia vị, dầu ăn, Công ty CP Tiêu dùng Masan giữ vị trí số 1.
Ngành Thực phẩm tươi sống, đông lạnh lần lượt thuộc về Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam; Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN)...
Top 10 Công ty uy tín trong nhóm ngành Đồ uống có cồn bao gồm: Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam; Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO); Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO); Công ty TNHH Thương mại Calsberg Việt Nam; Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây; Công ty CP Bia và Nước giải khát Hạ Long; Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng; Công ty CP Tập đoàn Hương Sen; Công ty TNHH Sapporo Việt Nam; Công ty TNHH Bia Anheuser-Busch Inbev Việt Nam.
 
alt
Top 10 công ty uy tín năm 2020 nhóm ngành Đồ uống có cồn

Nhóm ngành Đồ uống không cồn xướng tên các Công ty: Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát; Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam; Công ty TNHH Lavie; Tập đoàn Trung Nguyên Legend; Công ty CP Vinacafé Biên Hòa; Công ty TNHH URC Việt Nam; Công ty CP Nước giải khát Sanest Khánh Hòa; Công ty CP Thực phẩm quốc tế; Công ty TNHH MTV TNI.
 
alt
Top 10 công ty uy tín năm 2020 nhóm ngành Đồ uống không cồn
 
Bức tranh toàn cảnh ngành Thực phẩm – Đồ uống năm 2020

Thực phẩm và Đồ uống (F&B) nằm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Dự báo, ngành FMCG tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 5-6% trong giai đoạn 2020-2025. Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định là điểm sáng soi rõ những cơ hội và cả những thách thức lớn đối với ngành FMCG nói chung và F&B nói riêng. Đó là các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP mở ra cơ hội xuất khẩu, lượng vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn, thu hút phát triển và chuyển giao công nghệ. Song, sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng trong giai đoạn Covid-19 đã trở thành động lực dẫn dắt thị trường. Tập khách hàng phân mảnh hơn dẫn đến nhu cầu đối với từng nhóm sản phẩm cũng trở nên riêng biệt hơn. Chính người tiêu dùng hiện nay đang dẫn dắt thị trường, chứ không phải doanh nghiệp F&B.
 
alt
 
Từ đầu năm đến nay, ngành F&B chịu tác động lớn bởi đại dịch COVID -19 và một số quy định liên quan đến đồ uống có cồn. Trong khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong ngành do Vietnam Report tiến hành tháng 8/2020, khoảng 50% số doanh nghiệp cho rằng hoạt động bị tác động ở mức độ nghiêm trọng, trong đó, nhóm đồ uống có cồn bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả do chịu tác động “kép” kể trên.
Theo khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report chỉ ra rằng, trên 50% khách hàng đã chi tiêu nhiều hơn cho các thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, thực phẩm sạch và lành mạnh… trong khi đó, 63,7% khách hàng đã cắt giảm chi tiêu cho bia, rượu. Theo đó, các doanh nghiệp phải điều chỉnh công suất hoạt động cho phù hợp. Một số doanh nghiệp trong ngành thực phẩm chia sẻ rằng, họ đã tăng công suất hoạt động lên khoảng 30% để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trái lại, năng lực sản xuất của nhóm doanh nghiệp đồ uống hiện chỉ hoạt động chủ yếu ở mức dưới 80% so với trước đại dịch.
 
alt
 
Tuy nhiên, 68,4% doanh nghiệp trong ngành cho rằng COVID-19 đã tạo ra cú huých đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Bằng chứng là những doanh nghiệp đã xây dựng và ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất và quản lý tỏ ra rất vững vàng trong khủng khoảng. 63,2% doanh nghiệp cho rằng đây là cơ hội để đẩy mạnh sản xuất, đổi mới sáng tạo, phát triển ứng dụng trải nghiệm khách hàng khi mua sắm, đổi mới thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm thân thiện với môi trường...

Triển vọng lạc quan trong thời kỳ bình thường mới

Mặc dù bị tác động nghiêm trọng do COVID-19 nhưng có đến gần 58% doanh nghiệp trong ngành đánh giá triển vọng ngành trong 6 tháng cuối năm 2020 khá tích cực, trên 50% doanh nghiệp có niềm tin rõ rệt vào sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Việt Nam. Thời gian phục hồi kinh tế của doanh nghiệp được dự báo khá tích cực với 56,3% doanh nghiệp ước tính mất khoảng 6 tháng, 25% số doanh nghiệp mất khoảng 7-12 tháng và 18,7% mất nhiều hơn 12 tháng. Các doanh nghiệp đồ uống mất nhiều thời gian hơn so với các doanh nghiệp thực phẩm.
 
alt
 
Bên cạnh đó, Vietnam Report đã thực hiện khảo sát người tiêu dùng trong tháng 8/2020 đã điểm mặt một số thương hiệu tiêu biểu được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất (phân theo nhóm sản phẩm) bao gồm: Tường An (dầu ăn), Orion Vina (bánh kẹo), Chinsu (gia vị), Vissan (thực phẩm tươi sống), Acecook (thực phẩm đóng gói), Vinamilk (sữa), Lipton (trà), Heineken (bia, rượu), Trung Nguyên (cà phê), Lavie (nước khoáng) và Coca-cola (nước giải khát)…
Để chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, Top 5 chiến lược ưu tiên bao gồm: (1) Tăng trưởng doanh thu; (2) Ưu tiên phát triển thị trường hiện tại; (3) Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm; (4) Đa dạng hóa nguồn cung ứng, ưu tiên nguồn cung trong nước; và (5) Mở rộng, phát triển các kênh phân phối online trên nền tảng thương mại điện tử.
 
alt
 
Với mục tiêu giành được sự tín nhiệm và tôn trọng từ khách hàng, doanh nghiệp cần cho thấy cam kết với khách hàng là lẽ sống còn của mình. Để xây dựng được thương hiệu mạnh, doanh nghiệp cần phát triển đồng thời 7 khía cạnh sau: Sản phẩm, Đổi mới, Môi trường làm việc, Trách nhiệm xã hội, Năng lực quản trị, Khả năng lãnh đạo và Kết quả kinh doanh, chứ không phải chỉ 1 hoặc 2 khía cạnh.
Theo nhận định của Vietnam Report, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu uy tín tốt hơn khi đưa ra quyết định mua sắm. Sự hiện diện trên truyền thông của các doanh nghiệp ngành Thực phẩm - Đồ uống ngày càng được cải thiện. Khoảng 73,6% số doanh nghiệp được nghiên cứu có lượng thông tin đạt ngưỡng nhận thức, trong đó 71,6% có tần suất xuất hiện tối thiếu 1 lần/ 1 tháng. Kết quả phân tích truyền thông cũng chỉ ra rằng, tần suất xuất hiện trên truyền thông dày đặc chưa hẳn đã đạt được hiệu quả về chất lượng thông tin, buộc doanh nghiệp trong ngành phải thực sự quan tâm hơn đến bài toán “lượng” và “chất”.
 
alt
 
Tuy nhiên, sức mạnh truyền thông không chỉ thể hiện ở tần suất xuất hiện, độ đa dạng hay chất lượng thông tin mà còn ở nhiều khía cạnh khác, trong đó bao gồm nguồn thông tin. Tỷ lệ thông tin có nguồn từ doanh nghiệp chỉ đạt 18,8%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp còn dè dặt trong vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí khai thác. Trong bối cảnh công nghệ hiện đại và thông tin đa chiều như hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự vào cuộc và tăng cường tiếng nói của mình trên truyền thông.

Nhật Linh (tổng hợp)

Các bài viết khác

Xem thêm

Tăng cường tái chế thủy tinh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam

Ngày 15/1/2024, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hoạt động tái chế thủy tinh tại Việt Nam” nhằm cải thiện công tác quản lý rác thủy tinh, đồng thời tìm ra các giải pháp thúc đẩy tái chế thủy tinh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”: Cần hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế

Chiều ngày 27/12, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”. Tham dự Tọa đàm có các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đại diện Đại sứ quán Anh, Pháp, Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cùng đại diện các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam...

Đừng để việc đo nồng độ cồn thành nỗi ám ánh cho người dân

Chưa bao giờ câu chuyện nồng độ cồn khi tham gia giao thông lại trở nên nóng bỏng như bây giờ.

Ngành Đồ uống Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Đi cùng với sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid - 19, sự khởi sắc trong kinh doanh du lịch, ngành thực phẩm đồ uống tại Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên cũng đối diện không ít khó khăn, thách thức trong hiện tại cũng như tương lai...

Rộng mở các tiềm năng để ngành Nước giải khát Việt Nam vượt khó

Với nền kinh tế đang tăng trưởng ở tốc độ cao trong khu vực (trung bình từ 6-8%/năm), khi thu nhập và đời sống của người dân được nâng cao, các loại đồ uống, trong đó có nước giải khát ngày càng được sử dụng rộng rãi. Đó là lý do khiến Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành nước giải khát

Rượu không rõ nguồn gốc – Doanh nghiệp cần giải pháp vượt trở ngại

Với 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam chưa được quản lý, không chỉ Nhà nước bị thất thu ngân sách, gây hại trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp rượu chân chính.

Ngành Bia Việt Nam không ngừng bứt phá vượt qua khó khăn

Ngành Đồ uống Việt Nam (bia, rượu, nước giải khát) là ngành kinh tế, kỹ thuật đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, ngành Bia Việt Nam với sự góp mặt của các thương hiệu nội địa như Bia Saigon, Bia Hà Nội và hàng loạt các hãng bia nổi tiếng thế giới như HEINEKEN, Carlsberg, AB Inbev…

Doanh nghiệp Đồ uống Việt Nam được vinh danh tại các bảng xếp hạng uy tín

Nhằm ghi nhận những cố gắng và thành quả đạt được của các doanh nghiệp, hàng năm, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện nhiều khảo sát đánh giá dựa trên các tiêu chí khác nhau. Trong đó, các doanh nghiệp Đồ uống Việt Nam vinh dự nằm trong nhiều bảng xếp hạng uy tín.

Quảng cáo và mua tạp chí

Bình chọn trực tuyến

🔴 Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia cũng như các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này có nghĩa, khác với quy định trước đây là cứ có nồng độ cồn khi lái xe là bị phạt. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.