Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động đến các bên liên quan, không nên vội vàng tăng thuế TTĐB khi các doanh nghiệp đang “ngắc ngoải”

15/08/2023 - 07:53 PM
266 lượt xem
Cỡ chữ

Chiều 15-8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện chính sách quản lý về hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu, bia".

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Viện Chiến lược, Chính sách Công Thương, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đại diện Bộ Tài chính, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), các chuyên gia kinh tế, tài chính, đại diện các doanh nghiệp ngành Đồ uống cùng đại diện một số cơ quan báo chí trong ngành... 

Ông Lương Xuân Dũng - Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia - Rượu -

Nước giải khát Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài; TS. Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), PGS.TS Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Lương Xuân Dũng - Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Vỵ phát biểu dưới góc độ cá nhân, người tiêu dùng và đại diện các doanh nghiệp đồ uống đều cho rằng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, 2026 chưa nên xem xét tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vì đây thời gian các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam đang gặp vô vàn khó khăn do tác động giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, hậu Covid - 19, tác động của chính sách hạn chế đồ uống có cồn, Nghị định 100, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, sản lượng tiêu thụ và doanh thu các tháng đầu năm 2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tình trạng rượu, bia không được kiểm soát có chiều hướng gia tăng dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh... Các đại biểu đều cho rằng, nếu tăng thuế vào giai đoạn này thì các doanh nghiệp sẽ không trụ nổi, dẫn tới kinh doanh thua lỗ, nhà nước thất thu thuế, người lao động mất việc làm...

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư

nước ngoài phát biểu

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh: Chúng ta đừng nghĩ là tăng thuế thì sẽ tăng ngân sách, nếu đánh thuế cao thì người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng các loại thức uống rẻ tiền, phi chính thức như bia lậu, rượu không rõ nguồn gốc. Từ đó các doanh nghiệp chính thức sẽ bị mất thị phần, sản lượng, doanh thu giảm, kéo theo nộp ngân sách giảm, người lao động mất việc làm... Các cơ quan có trách nhiệm cần tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp - đối tượng chịu tác động để xây dựng chính sách sao cho phù hợp với thực tế, việc tăng thuế thời điểm hiện tại sẽ thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp, trong khi đó nhà nước cũng sẽ thất thu thuế vì doanh nghiệp nộp ngân sách giảm và người tiêu dùng cũng không đảm bảo sức khỏe vì sử dụng các loại rượu, bia phi chính thức giá rẻ, không đảm bảo chất lượng... Nếu có xem xét điều chỉnh thuế thì phải lùi tới năm 2026 để doanh nghiệp có thời gian phục hồi kinh tế.

Trao đổi tại Hội thảo, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, việc đề xuất tăng thuế TTĐB bắt nguồn từ kiến nghị của Bộ Y tế nói về mức tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam cao so với khu vực và trên thế giới nên cần có biện pháp hạn chế sử dụng đồ uống có cồn. Để hiểu hết vấn đề, chúng ta cần làm rõ mục tiêu của việc điều chỉnh tăng thuế TTĐB là gì, định hướng ngành Đồ uống phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng hay là để triệt tiêu nó, ghẻ lạnh với nó?! Nếu thuế TTĐB tăng cao quá vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp thì sẽ dẫn tới thay đổi hành vi của cả doanh nghiệp và cả người tiêu dùng, doanh nghiệp chính thức lao đao, ngắc ngoải chỉ thêm một tác động nhẹ cũng đủ đổ vỡ, làm ăn thua lỗ,  thì các DN sẽ khó khăn, thay đổi hành vi, người tiêu dùng sẽ chuyển sang hàng phi chính thức lúc đó sẽ thất thu thuế... Việc điều chỉnh thuế TTĐB cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động đến các bên liên quan ít nhất trong 2-3 năm, không nên vội vàng, cái gì cũng phải có tính thuyết phục và phù hợp với thực tế, sau năm 2026 thì mới nên xem xét để vực dậy một ngành kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta cũng không nên đưa đại mạch, nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB...  

Chúng ta cần nhìn nhận ở dưới nhiều góc độ, bên cạnh góc độ y tế, sức khỏe còn phải thấy được những giá trị văn hóa, kinh tế, du lịch... mà ngành này mang lại. Tại sao các nước họ tự hào vì có các thương hiệu nổi tiếng như rượu Mao Đài (Trung Quốc), rượu vang Pháp, Lễ hội Bia Đức, rượu Sake (Nhật Bản)... mà chúng ta lại “hắt hủi” các sản phẩm bia rượu? Chúng ta nên hướng đến sản xuất có trách nhiệm, sử dụng có trách nhiệm thay vì “ghẻ lạnh” với nó, với những quy định chưa phù hợp với thực tế sẽ vô hình trung “giết chết” một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho đất nước... Chúng ta cũng cần quan tâm đến vấn đề cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, hài hòa lợi ích giữa các loại hình doanh nghiệp, nếu chính sách thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ vô tình làm cho các doanh nghiệp trong nước “chết yểu”, chỉ có thương hiệu được hưởng lợi thì dẫn tới độc quyền, bên cạnh đó kéo theo các loại rượu, bia phi chính thức có cơ hội phát triển. Những năm 90 của thế kỷ trước, Bia Vạn Lực tràn ngập thị trường, nhờ có chính sách phù hợp, các doanh nghiệp bia trong nước đã đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng nên đã đẩy lùi được Bia Vạn Lực ra khỏi thị trường, các thương hiệu bia trong nước nhờ đó dần phát triển, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Khi chính sách đúng, phù hợp với đại đa số thì sẽ tạo điều kiện cho ngành phát triển bền vững, giúp cho các doanh nghiệp trụ vững trước những khó khăn, còn ngược lại thì kéo theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội...

Đại diện SABECO phát biểu tại Hội thảo

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần phân biệt rõ ràng giữa rượu và bia, đánh giá theo nồng độ cồn mới đúng thực tế. 

PGS.TS Phan Đăng Tuất - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, một số ý kiến nói Việt Nam đứng đầu châu lục hay hàng đầu thế giới về tiêu thụ rượu, bia là không đúng với thực tế. Hồi tôi làm Viện trưởng đã thực hiện nghiên cứu rất kỹ lưỡng về mức tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu thì mức tiêu thụ rượu, bia theo đầu người ở Việt Nam chỉ ở mức trung bình, xếp thứ 53 trên thế giới, chứ không phải hàng đầu hay đứng đầu như một số người vẫn nói. Cũng theo nghiên cứu, khảo sát của chúng tôi thì ngành Đồ uống giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động cả trực tiếp và gián tiếp vì rất nhiều ngành nghề phụ trợ, liên quan giải quyết việc làm từ việc làm các dịch vụ của ngành Đồ uống như vận tải, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, nguyên vật liệu, trang thiết bị, bao bì, dịch vụ... Rượu, bia là một sản phẩm văn hóa, là thức uống phục vụ nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng. Từ bao đời nay, rượu bia là nét văn hóa không thể thiếu trong hiếu hỷ, thờ cúng tổ tiên, gặp mặt, ngoại giao, sinh nhật...  

Các chuyên gia và nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, việc tính thuế nên áp dụng phương pháp tính thuế như hiện nay, không nên áp dụng phương pháp tuyệt đối bởi nguy cơ xảy ra độc quyền, có lợi cho sản phẩm bán giá cao, cần xem xét đến sự sống còn của đại đa số doanh nghiệp trong nước và cần phải phù hợp với những quy định trong Luật Cạnh tranh. Nếu tăng thuế TTĐB trong giai đoạn khó khăn này và áp dụng cách tính thuế mới thì người nông dân, người ở vùng sâu vùng xa sẽ không có cơ hội uống bia để giải khát (đó là nhu cầu thực tế) mà lại tìm đến các loại rượu, bia không rõ nguồn gốc có nguy cơ ngộ độc; Nhà nước cũng bị thất thu thuế, lao động sẽ mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Một số ý kiến cho rằng, nhiều nước họ có quy định về ngưỡng cho phép đối với nồng độ cồn khi tham gia giao thông, ai vi phạm họ xử lý rất nặng nếu gây hậu quả cho nồng độ cồn quá ngưỡng... Có lẽ sau này chúng ta cũng cần có khảo sát, nghiên cứu, đánh giá về Nghị định 100 về những gì còn bất cập, kết quả ra sao, tình hình an toàn giao thông thế nào, cần đánh giá khách quan, đúng với thực tế để có những điều chỉnh phù hợp nhất khi cần thiết... Nhiều đại biểu cũng kiến nghị, các sản phẩm trên thị trường đều phải có sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh theo quy định, tình trạng rượu, bia không rõ nguồn gốc đang là nỗi lo của xã hội, nếu quản lý, kiểm soát được các loại rượu, bia phi chính thức thì sẽ mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn và bảo vệ được sức khỏe cộng đồng...

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp lớn của ngành Đồ uống bày tỏ tâm tư: Trong khi các doanh nghiệp bia, rượu không được hưởng sự hỗ trợ giảm 2% thuế VAT như các ngành nghề khác, đang gặp rất nhiều khó khăn, nay lại thêm gánh nặng khi đề xuất tăng thuế TTĐB thì chúng tôi khó mà trụ nổi, khi đó vô hình trung tạo điều kiện cho các sản phẩm bia, rượu phi chính thức phát triển. Vì vậy, chúng tôi tha thiết kiến nghị Chính phủ chưa nên điều chỉnh tăng thuế trong giai đoạn này mà nên lùi đến sau năm 2026 để các doanh nghiệp có thời gian phục hồi kinh tế để tiếp tục có đóng góp cho ngân sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

          Thực tế cho thấy, ngành Đồ uống mỗi năm đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 60 nghìn tỷ đồng, là ngành kinh tế rất có trách nhiệm với cộng đồng, nhiều công trình, chương trình từ thiện, phát triển bền vững do các doanh nghiệp trong ngành thực hiện đã mang lại những giá trị lớn lao cho cộng đồng, cho người dân nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các doanh nghiệp cũng như mỗi người dân đều mong muốn chính sách cần đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và người tiêu dùng, vì sự phát triển bền vững của ngành Đồ uống Việt Nam, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thành Văn

Các bài viết khác

Xem thêm

VBA tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024

Ngày 12/1/2024, tại Hạ Long (Quảng Ninh), Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2023 và Triển khai kế hoạch năm 2024, nhằm đánh giá lại những kết quả hoạt động của VBA và các doanh nghiệp (DN) ngành Đồ uống Việt Nam trong năm qua, đồng thời đề ra chương trình hành động trong năm 2024.

Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Rượu không rõ nguồn gốc: Thực trạng và giải pháp”

Sáng ngày 27/12, Tạp chí Đồ uống Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam –VBA) tổ chức Tọa đàm “Rượu không rõ nguồn gốc: Thực trạng và giải pháp”.

Chia sẻ thông tin ngành Đồ uống Việt Nam với sự phát triển bền vững

Mới đây, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức chương trình Gặp gỡ, chia sẻ thông tin về ngành Đồ uống Việt Nam với sự phát triển bền vững. Thông qua cuốn Tài liệu ngành Đồ uống Việt Nam với sự phát triển bền vững và Video giới thiệu về ngành, các cơ quan, đại biểu có dịp hiểu hơn về tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như những đóng góp quan trọng của ngành Đồ uống Việt Nam đối với kinh tế - xã hội đất nước.

Bồi dưỡng cách thức xây dựng và ứng dụng công cụ hiện đại nhằm tối ưu hóa trong doanh nghiệp 4.0

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp trong ngành Đồ uống Việt Nam, trong 2 ngày  23/11 và 24/11/2023, Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam (Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam) phối hợp với Viện Kinh tế và Kinh doanh ASEAN – EBI tổ chức Lớp tập huấn về “Cách thức xây dựng và ứng dụng BSC- KPIs công cụ hiện đại để đánh giá hiệu quả công việc nhằm tối ưu hóa trong doanh nghiệp 4.0”.

VBA phối hợp trong công tác phòng chống hàng giả, chống buôn lậu

Ngày 21/11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia với các hiệp hội, ngành hàng năm 2023 và phương hướng công tác phối hợp trong thời gian tới. Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tham gia và có bài tham luận về những đề xuất kiến nghị công tác phối hợp trong giai đoạn tới đối với lĩnh vực bia, rượu, nước giải khát.

Đảng bộ Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên

Thực hiện Quyết định số 2919-QĐ/ĐUK ngày 29/8/2023 của Đảng Ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội về việc kết nạp Đảng viên, ngày 12 tháng 10 năm 2023, Chi bộ I, Đảng bộ Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên cho quần chúng ưu tú Nguyễn Thị Thu Nga - cán bộ Tạp chí Đồ uống Việt Nam thuộc VBA.

TIN BUỒN

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam và Tạp chí Đồ uống Việt Nam thông báo Tin buồn:

Cần có giải pháp phù hợp để doanh nghiệp đồ uống phục hồi và phát triển

Ngày 19/9/2023, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có Công văn số 81/CV-VBA gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo tình hình khó khăn của ngành đồ uống.

VBA khảo sát đánh giá của doanh nghiệp hội viên đối với hoạt động của Hiệp hội

Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức khảo sát đánh giá của doanh nghiệp đối với các hoạt động của Hiệp hội để từ đó có cơ sở phân tích, cải thiện chất lượng hoạt động của Hiệp hội và có các hỗ trợ tốt nhất tới các doanh nghiệp hội viên.

Quảng cáo và mua tạp chí

Bình chọn trực tuyến

🔴 Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia cũng như các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này có nghĩa, khác với quy định trước đây là cứ có nồng độ cồn khi lái xe là bị phạt. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.