Nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế và cân nhắc việc áp thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

12/07/2024 - 10:44 AM
163 lượt xem
Cỡ chữ

Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, trái lại còn mang đến những tác động tiêu cực tới nền kinh tế, gây ra những hệ lụy không mong muốn với các ngành có liên quan.

 

Thực tế ở một số quốc gia: Béo phì vẫn tiếp tục gia tăng dù áp thuế TTĐB

Theo dự thảo Luật Thuế TTTĐB (sửa đổi), việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTTĐB) nhằm ngăn ngừa, giảm tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em; nguy cơ cao đối với nhiều bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính và tử vong sớm. Tuy nhiên, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này sẽ thấy, tại nhiều nước áp thuế, tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo thống kê, có khoảng 45 quốc gia (chưa đến 1/4 số nước trên thế giới) đang áp dụng TTTĐB đối với nước giải khát có đường, nhưng nghiên cứu ở nhiều quốc gia đã áp dụng cho thấy chính sách thuế này không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì hay điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng do hiệu ứng hàng hóa thay thế, trong khi lại mang đến các tác động tiêu cực tới nền kinh tế và việc làm.

Đầu năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật danh sách các can thiệp hiệu quả nhất về mặt chi phí để giải quyết các bệnh không lây nhiễm (Best Buys), tuy nhiên biện pháp áp thuế lên đồ uống có đường vẫn không nằm trong danh sách các biện pháp can thiệp hiệu quả nhất này. Thực tế tại các nước Chile, Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan, Latvia và Brunei là những minh chứng rõ nét.

Chile đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường từ năm 2014, nhưng đến năm 2016-2017, tỷ lệ thừa cân béo phì tại nước này vẫn gia tăng liên tục, từ 19,2% lên 30,3% đối với nam giới và từ 30,7% lên 38,4% đối với nữ giới. Tương tự, tại Mexico sau 2 năm áp thuế, lượng tiêu thụ đồ uống có đường ở Mexico có xu hướng tăng trở lại, đồng thời tỷ lệ thừa cân béo phì ở cả người lớn và trẻ em nước này vẫn gia tăng liên tục trong giai đoạn 2012-2021, tăng từ 69% lên 70% đối với nam giới; nữ tăng từ 73% lên 75%; trẻ em tăng nhanh nhất từ 35% lên 43%. Tại Latvia, trước khi đánh thuế, tỷ lệ béo phì ở nam giới độ tuổi trưởng thành là 11,5%, còn nữ giới là 19%, nhưng sau 15 năm áp thuế thì tỷ lệ béo phì ở cả nam giới và nữ giới vẫn tiếp tục tăng lần lượt là 19,6% và 25,7%. Tại Bỉ, năm 2014, tỷ lệ béo phì ở nam giới là 13,9%, ở nữ giới là 14,2%, nhưng đến năm 2019, tỷ lệ này ở nam giới là 17,2% và nữ giới là 15,6%.

Tại các quốc gia có thu nhập trung bình, theo Báo cáo đánh giá hệ thống năm 2016 liên quan đến tính hiệu quả của việc đánh thuế nước giải khát có đường tại các nước này, không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc đánh thuế nước giải khát có đường làm giảm tình trạng thừa cân của người dân một cách bền vững. Một số nước đã bãi bỏ TTTĐBvới nước giải khát có đường vì không đem lại sự cải thiện rõ rệt nào về sức khỏe cộng đồng, trong khi lại có tác động tiêu cực lên kinh tế và việc làm của địa phương.

Các sản phẩm nước giải khát 

Ngược lại với ¼ nước trên thế giới kể trên, hiện nay nhiều nước không áp dụng chính sách thuế đối với nước giải khát có đường. Cụ thể, Nhật Bản không áp dụng chính sách thuế đối với nước giải khát có đường nhưng vẫn kiểm soát tốt tình trạng thừa cân béo phì. Tại Nhật Bản, mặc dù có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam (116kg/người/năm) nhưng tỷ lệ béo phì ở quốc gia này chỉ 3,5% do được thúc đẩy bởi chế độ ăn lành mạnh và nỗ lực giáo dục cộng đồng. Nhật Bản đã xây dựng hai bộ luật Shuku Iku và Metabo, trong đó quy định quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học và thực hiện các bài giảng về dinh dưỡng cho học sinh. Bộ luật này cũng yêu cầu các công ty phải có thời gian nghỉ giữa giờ để nhân viên tập thể dục, đồng thời khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động thể chất sau giờ làm việc.

Tại Singapore, 11% người dân Singapore mắc bệnh béo phì, 30% trong số họ thừa cân, 10% mắc bệnh tiểu đường và tỷ lệ này đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, Chính phủ Singapore không lựa chọn áp dụng biện pháp đánh thuế đối với nước giải khát có đường vì không coi đó là một biện pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Thay vào đó, một cách tiếp cận toàn diện hơn đã được áp dụng, bao gồm việc tăng cường hoạt động thể chất cũng như các biện pháp giáo dục cộng đồng về chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.

Nước Đức cũng đang áp dụng các chính sách hướng dẫn về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất. Tại New Zealand cũng không áp dụng chính sách thuế này. Viện Nghiên cứu kinh tế New Zealand đã tiến hành nghiên cứu có tên: “Thuế đường: Đánh giá bằng chứng thực tiễn”, trong đó các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng “có ít cơ sở cho thấy việc đánh thuế đường cải thiện được sức khỏe người dân”.

Một nghiên cứu do Ủy ban châu Âu tiến hành chỉ ra rằng việc đánh thuế thức ăn hay đồ uống nhiều chất béo, đường hay muối tại một số quốc gia Liên minh châu Âu dẫn đến sự gia tăng về chi phí quản trị, tình trạng thiếu việc làm tại một số quốc gia, chi phí lương thực tăng cao, đồng thời không đem lại sự cải thiện rõ rệt nào về sức khỏe cộng đồng.

Có thể lấy Đan Mạch làm ví dụ điển hình vì đây là nước tiên phong áp thuế đồ uống có đường tại châu Âu từ thập niên 1930. Sau một thời gian dài áp dụng không nhận thấy tính hiệu quả, Chính phủ Đan Mạch đã phải loại bỏ dần theo hai giai đoạn với mức giảm 50% kể từ ngày 1-7-2013 và loại bỏ hoàn toàn kể từ ngày 1/1/2014. Chính phủ Đan Mạch nhận thấy sự bất hợp lý của chính sách vì người dân sẽ mua sản phẩm từ các quốc gia lân cận trong khi ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và việc làm. Việc loại bỏ chính sách thuế theo Chính phủ Đan Mạch là nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại Đan Mạch. Mặc dù đã bãi bỏ chính sách thuế này, tỷ lệ béo phì ở Đan Mạch được duy trì ở mức độ phù hợp.

Một số bang của Mỹ cũng đã bãi bỏ chính sách trên sau một thời gian ngắn khi vừa thông qua. Ví dụ chính quyền quận Cook bang Illinois đã bãi bỏ sắc thuế này sau chưa đầy một năm kể từ khi thông qua. Bang California thậm chí đã thông qua dự luật ngăn chặn bất cứ thành phố trực thuộc nào thông qua việc áp thuế đối với đồ uống hay thực phẩm trong vòng 12 năm tới kể từ tháng 6/2018.

Nhiều hệ lụy từ việc áp thuế

Số liệu năm 2021 của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, cả nước hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp (DN) sản xuất nước giải khát nhưng đa phần là DN quy mô nhỏ lẻ nên có đến 52% doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu, 10% hiện đại, chỉ có 2% dùng công nghệ cao.

Mặc dù ngành nước giải khát đã có những dấu hiệu phục hồi trong thời gian gần đây, nhờ những hỗ trợ về mặt vĩ mô của Chính phủ và nỗ lực của DN, nhưng các DN trong ngành, vẫn bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng giá của nguyên vật liệu và nhiên liệu như xăng dầu, khí đốt tự nhiên cũng như sự đứt gãy chuỗi cung ứng từ những tác động tiêu cực từ xung đột Nga – Ukraina. Bên cạnh đó là sức ép tài chính từ các chính sách như trách nhiệm tái chế bao bì theo Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2024.

Nước giải khát đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Cùng với việc sửa đổi bổ sung Luật thuế TTĐB, Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) đang đề xuất chuyển nhóm mặt hàng "đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm giá đường, bã mía, bã bùn" từ nhóm đang áp dụng mức thuế suất GTGT 5% sang nhóm áp dụng thuế suất GTGT 10%. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đang đề xuất loại bỏ các ưu đãi thuế đối với nhóm mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu các luật này được thông qua theo lộ trình như Bộ Tài chính đề xuất thì các doanh nghiệp NGK sẽ cùng lúc chịu thêm các sức ép từ việc tăng chi phí nguyên liệu sản xuất do giá đường tăng, TTTĐB v.v.

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đến không chỉ với ngành NGK, mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.

Bà Thảo dẫn chứng báo cáo được CIEM thực hiện vào các năm 2018-2021, nếu bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% và nâng thuế GTGT thêm 2% sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất NGK thiệt hại khoảng 3.791,4 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu thuế chỉ tăng thêm cho ngân sách 2.722,3 tỷ đồng.

Theo bà Thảo, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, việc áp thuế TTĐB lên đồ uống có đường cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy không mong muốn. Chính phủ cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố kinh tế - xã hội và đưa ra các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà không gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Thanh Nga

Các bài viết khác

Xem thêm

Tăng thuế TTĐB với đồ uống cần hướng tới khoan sức doanh nghiệp

Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế, do đó các chuyên gia cho rằng mức tăng và lộ trình tăng thuế cần phù hợp, hướng tới mục tiêu nuôi dưỡng doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Nhiều thương hiệu lớn tham gia PRO Việt Nam cam kết xây dựng Việt Nam xanh

Mới đây, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tổ chức buổi lễ ký kết và thông báo các thành viên mới trong năm 2024. Có 8 doanh nghiệp lớn thuộc nhiều ngành nghề (trong đó có các doanh nghiệp ngành Đồ uống) đã gia nhập vào PRO Việt Nam, nâng tổng số thành viên của PRO Việt Nam lên 30

Vị trí, vai trò của ngành Đồ uống Việt Nam và những khó khăn, thách thức

Ngành Đồ uống Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bên cạnh đó ngành cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố trong nước và quốc tế.

Lãnh đạo Tạp chí Đồ uống Việt Nam tới thăm và làm việc với Vinabeco

Mới đây, Đoàn công tác Tạp chí Đồ uống Việt Nam đã tới thăm và làm việc tại trụ sở Công ty CP Công nghệ Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (Vinabeco) ở khu đô thị mới Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội.

Tăng thuế TTĐB với đồ uống cần nghiên cứu lộ trình và mức tăng phù hợp

Sáng 14/8, tại Hà Nội, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” để đóng góp thêm những ý kiến, giúp cơ quan soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) (TTĐB) có góc nhìn đa chiều về lộ trình tăng thuế suất thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế.

Thể lệ Cuộc thi "Thơ với văn hóa ẩm thực và đồ uống Việt Nam"

Một Cuộc thi cực kỳ hấp dẫn về cách thể hiện cũng như giải thưởng, đó là Cuộc thi Sáng tác Thơ mang tên "Thơ với văn hóa ẩm thực và đồ uống Việt Nam".

Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp góp ý Dự thảo Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với ngành Đồ uống

Tại Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 08/8/2024 đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp trong ngành Đồ uống.

Doanh nghiệp rượu bia lo ngại không thể phục hồi trước đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia liên tục trong những năm tiếp theo và dự kiến lên đến 90% - 100% vào năm 2030 thực sự là cú sốc và khiến các doanh nghiệp ngành Đồ uống không khỏi lo lắng về tốc độ phục hồi cũng như ảnh hưởng đến an sinh xã hội và các ngành nghề liên quan.  

Fi Vietnam 2024: Nơi hội tụ tinh hoa nguyên liệu F&B ASEAN

Để bắt kịp xu hướng và tìm kiếm những nguyên liệu độc đáo, hãy tham gia Fi Vietnam 2024, nơi hội tụ tinh hoa nguyên liệu chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới.

Quảng cáo và mua tạp chí