VBA góp ý đối với Đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi)

15/08/2023 - 09:53 PM
588 lượt xem
Cỡ chữ

Vừa qua, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) có Công văn số 68/CV-VBA gửi Ban Kinh tế Trung ương về việc góp ý đối với Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).

          Ngành đồ uống là ngành công nghiệp quan trọng, có truyền thống, văn hóa, lịch sử lâu đời, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước khoảng 60 ngàn tỷ/năm với hàng trăm nhà máy sản xuất, kinh doanh trong ngành được phân bố hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước (trên 51 tỉnh, thành phố), tạo hàng triệu việc làm trực tiếp trong các cơ sở sản xuất và gián tiếp trong chuỗi cung ứng, dịch vụ. Ngành bia hiện nay là ngành chiếm tới 98,6% thị phần ngành đồ uống có cồn, hiện nay Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 4 tỉ lít bia/năm.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA phát biểu tại Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do VCCI tổ chức

          Để góp phần bảo đảm dự án Luật được đề xuất, xây dựng vào thời điểm hợp lý, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, Hiệp hội kính mong Ban Kinh tế Trung ương lưu tâm một số ý kiến đóng góp của ngành đồ uống đối với đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) như sau:

1.       Trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn từ đại dịch COVID-19 và chưa phục hồi rõ nét, ổn định. Quốc hội và Chính phủ đang có chủ trương miễn giảm các chính sách thuế, phí nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi trong năm 2023 trong đó loại trừ ngành chịu thuế TTĐB như rượu, bia.

Các ngành hàng nói chung đều cắt giảm lao động do đơn hàng giảm; người dân phải thắt chặt chi tiêu. Đứt gãy chuỗi cung ứng; tác động tiêu cực tới nguồn nguyên liệu của ngành đồ uống; giá nguyên nhiên vật liệu tăng từ 15-30%; tăng giá bán; ảnh hưởng tới người tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các chính sách liên quan tới ngành như NĐ 100/2019/NĐ-CP tác động tới việc giảm tiêu thụ rượu, bia trong các nhà hàng, quán ăn; Ngành bia không được hưởng các chính sách ưu đãi như giảm VAT 2%, … Từ 01/01/2024 các doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm EPR là khoản đóng góp không nhỏ cho tái chế bao bì trong điều kiện DN đang lỗ lực phục hồi sau đại dịch…

          Đặc biệt, đồ uống có cồn không chính thống đang lưu thông chiếm tới 63.9% tổng lượng tiêu thụ (WHO 2021), gây thất thu cho NSNN, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chính thống.

          Ngành bia là ngành rất nhạy cảm với sức khỏe tài chính của nền kinh tế nói chung và thu nhập của người tiêu dùng nói riêng. Kết quả kinh doanh ghi nhận doanh thu và lợi nhuận của các DN giảm khoảng 15%.

          Việc điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với bia tại thời điểm này là không phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại và có thể không đạt được hiệu quả như mục tiêu Bộ Tài chính đề ra. Cải cách các chính sách hiện nay nhất là các chính sách liên quan đến doanh nghiệp cần đảm bảo không ảnh hưởng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội và Chính phủ. Qua rà soát, các chủ trương cải cách chính sách hiện nay, đặc biệt là chính sách thuế, mục tiêu của các chính sách trong giai đoạn đến hết năm 2025 là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cải cách chính sách thuế là “Về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn 05 năm 2021 - 2025 và 2026 – 2030”;“Đến năm 2025: Trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19”. 

Do vậy, Hiệp Hội kính đề nghị xem xét chưa tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia đến năm 2026 để giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch.

2.       Xem xét, đánh giá toàn diện, định tính, định lượng đối với cả 02 phương pháp tỷ lệ phần trăm và hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia và phân tích đầy đủ các tác động về xã hội, kinh tế, mục tiêu của chính sách v.v. xét trong ngắn hạn và dài hạn trước khi đề xuất các phương án thay đổi trong thời gian tới.

          Theo Nghị quyết 115/NQ-CP, ngày 28/7/2023, phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2023, đề cập:

          + Xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế tới năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế;

          + Xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình đảm bảo góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Hiệp hội có một số ý kiến như sau:

          Đối với chính sách thuế TTĐB: là một chính sách lớn quan trọng đối với cả nhà nước và DN (điều tiết tiêu dùng các sản phẩm không khuyến khích; để ổn định nguồn ngân sách; phù hợp với thông lệ quốc tế)

          Về phương pháp tính thuế:

-        Hiện nay ngành rượu, bia đang thực hiện theo phương pháp tương đối (tỷ lệ % trên giá bán); Trong tình hình kinh tế dự báo khó khăn như hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đều mong muốn ổn định và chưa tăng thuế ít nhất tới năm 2026;

-        Các doanh nghiệp rượu, bia hiện nay đang có quan điểm khác nhau, chưa thống nhất đối với việc thay đổi sang phương pháp tính thuế TTĐB mới;

-        Hiện nay trên thế giới có 03 phương pháp tính thuế TTĐB (thuế tương đối, hỗn hợp và tuyệt đối) tuy nhiên ở Việt Nam chưa có nghiên cứu và thực tiễn nào chứng minh được tính ưu việt hẳn của một phương pháp nào;

-        Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu đầy đủ, khoa học, toàn diện, định tính, định lượng của từng phương pháp; đồng thời hài hòa các lợi ích từ góc độ nhà nước, xã hội và doanh nghiệp khi thực hiện.

-        Hiệp hội sẵn sàng phối hợp với cơ quan nhà nước để có các nghiên cứu định lượng cụ thể.

3.       Khi chưa có đầy đủ cơ sở khoa học thuyết phục cũng như chưa đánh giá tác động đầy đủ đối với việc mở rộng các đối tượng chịu thuế TTĐB, Hiệp hội đề nghị cân nhắc, chưa nên bổ sung mặt hàng Nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Theo Tờ trình của Bộ Tài chính, mục đích của việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng điều chỉnh của thuế TTĐB nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung, giảm tỉ lệ béo phì và bệnh tiểu đường nói riêng, cũng như tăng thu ngân sách. Dựa trên các nghiên cứu khoa học của các chuyên gia về dinh dưỡng, y tế, và kinh tế cũng như dựa trên thực tiễn thi hành chính sách thuế tại các nước đã áp dụng những chính sách thuế tương tự, chúng tôi cho rằng đề xuất này chưa phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, chưa có những cơ sở khoa học hợp lý, không khả thi trong việc đạt được các mục tiêu nêu trên và có thể gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội khác. Cụ thể là:

a) Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân béo phì, tiểu đường mà nước giải khát có đường nói riêng không phải là nguyên nhân chính.

Đồng thời, các khảo sát thực tế cho thấy nước giải khát có đường cũng không phải là nguồn cung cấp đường, năng lượng và calo lớn nhất cho cơ thể. Có rất nhiều loại thực phẩm có hàm lượng calo cao và việc tiêu thụ thường xuyên những loại thực phẩm này cùng với việc thiếu vận động thể chất cũng có thể gây ra thừa cân béo phì (TCBP) và tiểu đường. Vì vậy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, mà không tính đến tỷ lệ tiêu thụ của mặt hàng này trong tổng thể các loại thực phẩm có đường là không hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ mắc các bệnh nêu trên. Trong khi đó lại tạo nên một chính sách mang tính phân biệt đối với một loại thực phẩm có chứa đường trong số những loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao khác.

Tài liệu của WHO về thừa cân, béo phì cũng như các nghiên cứu quốc tế, đặc biệt là hướng dẫn của Bộ Y tế về bệnh TCBP tại Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 đã chỉ ra rằng TCBP là một căn bệnh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều đến từ sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Các nguyên nhân hàng đầu bao gồm (i) chế độ dinh dưỡng không hợp lý  bao gồm cả việc tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm, nhiều muối và không đủ chất xơ; (ii) thiếu hoạt động thể chất, lười vận động . Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối tương quan giữa TCBP với tuổi tác, trình độ học vấn, môi trường sinh sống làm việc, thời gian ngủ, di truyền, nội tiết, sử dụng thuốc. 

Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh dưỡng ASEAN (2021), tại Việt Nam, kể cả đường và đồ ngọt nói chung cũng chỉ cung cấp khoảng 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống, trong khi đó nguồn năng lượng chiếm nhiều nhất là ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%), các thực phẩm khác là (22,6%), rau và hoa quả (6,9%) .  Đặc biệt, tại Việt Nam, một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2019 đã chỉ ra rằng nhóm học sinh thành thị có tỷ lệ TCBP cao hơn nhóm học sinh nông thôn (41,9% với 17,8%) nhưng lại có tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt (≥3 lần/tuần) thấp hơn (lần lượt là 16,1,% và 21,6%). Đồng thời, nhóm học sinh tiểu học TCBP tiêu thụ chất béo (≥3 lần/tuần) có xu hướng cao hơn nhóm HS không TCBP (78,3 % với 75,1%). So với nước ngọt (21,6% ở khu vực nông thôn và 16,1% ở khu vực thành thị), tỷ lệ trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác (bánh kẹo, kem chè …) còn cao hơn rất nhiều chiếm 51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn. 

Ngoài ra, hàm lượng calo cung cấp từ nước giải khát có đường thấp hơn nhiều so với các thực phẩm có chứa đường khác cũng như các thực phẩm nói chung. Theo Kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng thì trung bình trong 100ml nước giải khát có đường sẽ cung cấp 44kcal trong khi cá và các loạ thịt cung cấp trên 160 đến 200 kcal; Pate và các loại thịt hộp cung cấp trên 300 kcal; kem trên 200kcal; bánh và các loại keo cung cấp 400 kcal . 

Trong khi đó, tại Việt Nam, có khoảng 86,7% thanh thiếu niên từ 11-17 tuổi vận động thể chất không đủ là nguyên nhân quan trọng của sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, trong đó có cả thừa cân béo phì . Kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng cũng chỉ ra rằng, hoạt động thể lực kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới béo phì ở lứa tuổi học đường tại Việt Nam.  Theo đó, trẻ em khu vực thành thị có hoạt động thể lực (HĐTL) ít hơn trẻ em khu vực nông thôn. Khảo sát cho thấy học sinh tiểu học HĐTL ở nông thôn có HĐTL ở mức trung bình, mức nhiều và mức cao (54,0%, 26,9% và 4,4%) cao hơn vùng thành thị (52,2%, 15,3% và 1,7%), HĐTL mức thấp ở thành thị cao hơn ở nông thôn (30,8% và 14,8%). Tương tự ở học sinh THCS hoạt động thể lực mức trung bình, mức nhiều và mức cao ở nông thôn (58,9%, 15,9% và 1,2%) chiếm tỷ lệ cao hơn vùng thành thị (47,8%, 9,1% và 0%). Ngược lại, HĐTL mức thấp vùng thành thị lại cao hơn vùng nông thôn (43,1% và 24,0%). Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (41,9% và 17,8%). Và các nguyên nhân khác của TCBP như nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Việt Nam 2018 thì thời gian ngồi màn hình ngày nghỉ là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc TCBP ở học sinh THCS lên 1,154 lần. Các yếu tố như thời gian ngủ tối trung bình, dân tộc làm giảm nguy cơ mắc TCBP của học sinh lần lượt 0,737 lần, và 0,693 lần. Kết quả phân tích đơn biến cho thấy tuổi, giới, khu vực, kinh tế xã hội, và trình độ văn hóa của bố mẹ, tình trạng kinh tế xã hội cũng liên quan tới tình trạng TCBP.

b) Kinh nghiệm quốc tế cho thấy áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường không phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa chứng tỏ được hiệu quả trong giảm béo phì ở bất cứ quốc gia nào

Hiện tại chỉ có 45 nước, tức chưa đến 1/4 số quốc gia trên thế giới, đánh thuế TTĐB lên nước giải khát có đường. Tuy nhiên trong các quốc gia đã áp thuếđối với nước giải khát có đường thì tỷ lệ TCBP lại có xu hướng gia tăng sau khi thực hiện chính sách này như Chi-lê, Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan, Latvia. Thậm chí, Đan Mạch, Nauy còn bãi bỏ chính sách thuế này vì không có tác động đáng kể đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, một số khảo sát thực tế ở các nước đã và đang áp dụng công cụ này cũng chỉ ra rằng không phải lúc nào áp dụng chính sách thuế này cũng dẫn tới việc giảm tiêu thụ các sản phẩm này. Một nghiên cứu do Uỷ ban Châu Âu tiến hành chỉ ra rằng việc đánh thuế thức ăn hay đồ uống nhiều chất béo, đường hay muối tại một số quốc gia Liên minh Châu Âu dẫn đến sự gia tăng về chi phí quản trị, tình trạng thiếu việc làm tại một số quốc gia, chi phí lương thực tăng cao, đồng thời không đem lại sự cải thiện rõ rệt nào về sức khoẻ cộng đồng.  Báo cáo đánh giá hệ thống năm 2016 liên quan đến tính hiệu quả của việc đánh thuế nước giải khát có đường tại các quốc gia có thu nhập trung bình không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc đánh thuế nước giải khát có đường làm giảm tình trạng thừa cân của người dân một cách bền vững.

c) Mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam, đặc biệt là nước giải khát không cao so với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước có mức tiêu thụ các sản phẩm này cao hơn Việt Nam rất nhiều cũng không áp thuế đối với các sản phẩm này

Mức tiêu nước giải khát tại Việt Nam theo tính toán từ số liệu của Bộ Tài chính cho thấy có những xu hướng sụt giảm. Mức tiêu thụ này so với nhiều nước trên thế giới là không cao, đặc biệt nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn Việt Nam nhưng cũng không áp thuế đối với các sản phẩm này.

Cụ thể, với sản lượng đồ uống và nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt lần lượt là 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít năm 2020  thì tỉ lệ trung bình tiêu thụ đồ uống nói chung tại Việt Nam năm 2020 là khoảng 34,1 lít/người/năm còn tỉ lệ tiêu thụ nước ngọt có ga là 15,5 lít/người/năm. So với tỉ lệ tiêu thụ đồ uống có đường năm 2018 là 50,7 lít/ người/ năm   thì tỉ lệ tiêu thụ này trong vòng hai năm đã có sự suy giảm hơn nhiều.

Nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn rất nhiều so với Việt Nam cũng không áp dụng thuế đối với sản phẩm này. Cụ thể các quốc gia có lượng tiêu thụ đồ uống có đường trên 100 lít/người/năm như Đức (336,3 lít/ người/ năm), Nhật Bản (116kg/người/năm), Úc và Trung Quốc (61kg/người/năm) đều không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát.

d) Áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không chỉ gây ra những tác động tiêu cực đối với ngành đồ uống mà còn gây ra những hệ lụy đối với nhiều ngành kinh tế có liên quan cũng như cả nền kinh tế. 

Theo số liệu của Tổng cục thống kê mới công bố về tình hình kinh tế nửa đầu năm. GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước nhưng kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó ngành công nghiệp đối mặt nhiều khó khăn nhất khi có mức tăng trưởng thấp nhất với giá trị tăng thêm của toàn ngành này 6 tháng qua tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất của cùng kỳ nếu xét cả giai đoạn 2011-2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước do giá thực phẩm, chi phí dùng điện sinh hoạt tăng vì nắng nóng kéo dài và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Còn lạm phát cơ bản tăng 4,74%, cao hơn mức CPI bình quân chung. Nếu cải cách các loại thuế nếu không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ. Trong khi đó, một nghiên cứu do Viện Quản lý kinh tế Trung ương tiến hành vào năm 2018 (cập nhật năm 2020) cho thấy nếu áp thuế TTĐB 10% đối với đồ uống có đường, doanh thu của ngành đồ uống sẽ giảm 3.928 tỷ đồng, trong khi mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 1.525,9 tỷ đồng. Đồng thời chính sách thuế này nếu áp dụng sẽ kéo theo tác động lan toả đến nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng như toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, giá trị nền kinh tế được dự báo sẽ giảm 0,135%; GDP giảm 0,115%; thu nhập từ sản xuất giảm 0,155%; thặng dư sản xuất giảm 0,083%; lao động giảm 0,192%; và thuế gián thu từ ngành sản xuất có thể giảm từ 0,065 đến 0,085%. Trong hoàn cảnh các doanh nghiệp mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2024, đầu tư triển khai các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo,..và đề xuất áp dụng sắc thuế mới thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.

Việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp liên quan trong chuỗi giá trị, đặc biệt là mặt hàng đường vì chính sách này có thể đi ngược lại các chính sách mà Nhà nước đã và đang nỗ lực thực hiện để bảo hộ ngành đường trong nước vì liên quan trực tiếp đến lợi ích của người nông dân. Đường là một mặt hàng đặc biệt, với việc được hưởng những chính sách bảo hộ để hỗ trợ phát triển, như hạn ngạch thuế quan, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Việc áp dụng Thuế TTĐB tạo sự thiếu nhất quán về mặt lập pháp trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành đường bằng cách gián tiếp hạn chế lượng tiêu thụ đường. Hiện nay Chính phủ đang áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với ngành mía đường (thuế giá trị gia tăng đối với đường chỉ là 5%) nhằm bảo đảm quyền lợi của nông dân trồng mía. Nhưng nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên các sản phẩm có chứa đường sẽ trực tiếp làm giảm tính hiệu quả của các chính sách này và ảnh hưởng tới đời sống và việc làm của người nông dân. Việc đánh thuế nước giải khát có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía, ảnh hưởng đến 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm. Chính sách này cũng làm giảm hiệu quả của các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường ngoại nhập nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.

4.       Hiệp hội luôn sẵn sàng, tích cực, đồng hành với Ban soạn thảo, Bộ Tài chính,  Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng dự án luật thuế TTĐB quan trọng này để đảm bảo tính khoa học, hài hòa lợi ích các bên và nuôi dưỡng nguồn ngân sách tăng trưởng, bền vững góp phần mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội của Việt Nam.

Chi tiết: TẠI ĐÂY

Các bài viết khác

Xem thêm

VBA tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024

Ngày 12/1/2024, tại Hạ Long (Quảng Ninh), Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2023 và Triển khai kế hoạch năm 2024, nhằm đánh giá lại những kết quả hoạt động của VBA và các doanh nghiệp (DN) ngành Đồ uống Việt Nam trong năm qua, đồng thời đề ra chương trình hành động trong năm 2024.

Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Rượu không rõ nguồn gốc: Thực trạng và giải pháp”

Sáng ngày 27/12, Tạp chí Đồ uống Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam –VBA) tổ chức Tọa đàm “Rượu không rõ nguồn gốc: Thực trạng và giải pháp”.

Chia sẻ thông tin ngành Đồ uống Việt Nam với sự phát triển bền vững

Mới đây, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức chương trình Gặp gỡ, chia sẻ thông tin về ngành Đồ uống Việt Nam với sự phát triển bền vững. Thông qua cuốn Tài liệu ngành Đồ uống Việt Nam với sự phát triển bền vững và Video giới thiệu về ngành, các cơ quan, đại biểu có dịp hiểu hơn về tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như những đóng góp quan trọng của ngành Đồ uống Việt Nam đối với kinh tế - xã hội đất nước.

Bồi dưỡng cách thức xây dựng và ứng dụng công cụ hiện đại nhằm tối ưu hóa trong doanh nghiệp 4.0

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp trong ngành Đồ uống Việt Nam, trong 2 ngày  23/11 và 24/11/2023, Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam (Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam) phối hợp với Viện Kinh tế và Kinh doanh ASEAN – EBI tổ chức Lớp tập huấn về “Cách thức xây dựng và ứng dụng BSC- KPIs công cụ hiện đại để đánh giá hiệu quả công việc nhằm tối ưu hóa trong doanh nghiệp 4.0”.

VBA phối hợp trong công tác phòng chống hàng giả, chống buôn lậu

Ngày 21/11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia với các hiệp hội, ngành hàng năm 2023 và phương hướng công tác phối hợp trong thời gian tới. Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tham gia và có bài tham luận về những đề xuất kiến nghị công tác phối hợp trong giai đoạn tới đối với lĩnh vực bia, rượu, nước giải khát.

Đảng bộ Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên

Thực hiện Quyết định số 2919-QĐ/ĐUK ngày 29/8/2023 của Đảng Ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội về việc kết nạp Đảng viên, ngày 12 tháng 10 năm 2023, Chi bộ I, Đảng bộ Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên cho quần chúng ưu tú Nguyễn Thị Thu Nga - cán bộ Tạp chí Đồ uống Việt Nam thuộc VBA.

TIN BUỒN

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam và Tạp chí Đồ uống Việt Nam thông báo Tin buồn:

Cần có giải pháp phù hợp để doanh nghiệp đồ uống phục hồi và phát triển

Ngày 19/9/2023, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có Công văn số 81/CV-VBA gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo tình hình khó khăn của ngành đồ uống.

VBA khảo sát đánh giá của doanh nghiệp hội viên đối với hoạt động của Hiệp hội

Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức khảo sát đánh giá của doanh nghiệp đối với các hoạt động của Hiệp hội để từ đó có cơ sở phân tích, cải thiện chất lượng hoạt động của Hiệp hội và có các hỗ trợ tốt nhất tới các doanh nghiệp hội viên.

Quảng cáo và mua tạp chí

Bình chọn trực tuyến

🔴 Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia cũng như các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này có nghĩa, khác với quy định trước đây là cứ có nồng độ cồn khi lái xe là bị phạt. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.